Vậy trường hợp nào chị em có thể điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX? Hãy cùng MarryBaby tìm hiểu các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung nói chung và phương pháp điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX nói riêng để có cái nhìn toàn diện hơn về cách chữa thai ngoài tử cung từ bác sĩ.
Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung (ectopic pregnancy) là tình trạng thai làm tổ ở vị trí bên ngoài buồng tử cung. Các vị trí này có thể là: đoạn bóng, đoạn eo, đoạn loa, đoạn kẽ của vòi trứng, ít gặp hơn như buồng trứng, cổ tử cung, dây chằng rộng hay thậm chí là ổ bụng.
Vì sự làm tổ bất thường, thai ngoài tử cung thường có nguy cơ vỡ và chảy máu bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm tới tính mạng của mẹ. Vì vậy, thai ngoài tử cung hoàn toàn không thể giữ được, mà cần phải điều trị để tránh nguy hiểm. Hiện nay có các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung mà các chuyên gia có thể áp dụng, việc lựa chọn sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
1. Theo dõi sự thoái triển tự nhiên
Khoảng 80% các thai ngoài tử cung nhỏ < 2cm, có chỉ số beta HCG ≤ 1000 mUI/mL sẽ tự thoái triển mà không vỡ vào ổ bụng gây chảy máu. Tuy nhiên việc lựa chọn phương pháp điều trị này sẽ cần thõa mãn nhiều điều kiện đồng thời nữa. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ theo dõi sát tình trạng của các mẹ mà chưa cần can thiệp sâu hơn. Nếu có những chuyển biến không thuận lợi, bác sĩ sẽ can thiệp ngay bằng các phương pháp khác.
2. Điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc MTX
Thuốc được sử dụng trong điều trị thai ngoài tử cung bằng phương pháp nội khoa không cần phẫu thuật là Methotrexate (MTX). Thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển của khối thai ngoài tử cung, khiến khối thai thoái triển và cuối cùng là bị đào thải ra ngoài. So với các loại phẫu thuật ngoại khoa thì điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX nhẹ nhàng hơn cho các mẹ, tuy nhiên chỉ thực hiện trong một số trường hợp thỏa điều kiện.
3. Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi hiện nay đang được áp dụng rộng rãi trong việc xử trí ngoại khoa thai ngoài tử cung. Phương pháp này vừa có thể giúp chẩn đoán thai ngoài tử cung vừa giúp can thiệp điều trị. Bác sĩ sẽ nội soi phẫu thuật bảo tồn vòi trứng trong những trường hợp mẹ vẫn mong con, có nhu cầu sinh con. Trong những trường hợp không còn nhu cầu sinh hoặc không thể bảo tồn, bác sĩ sẽ nội soi cắt vòi trứng.
4. Phẫu thuật mổ mở
Mổ mở thường áp dụng cho trường hợp thai ngoài tử cung vỡ, chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, cần giải quyết nhanh khối thai để cầm máu tức thời. Mổ mở cũng là phương pháp hữu hiệu trong trường hợp có chống chỉ định phẫu thuật nội soi hoặc nội soi thất bại như bệnh nhân có dính trong ổ bụng nhiều do tiền sử mổ trước đó hay nhiễm trùng hoặc lạc nội mạc tử cung dính.
>>> Bạn có thể quan tâm: 10 dấu hiệu mang thai ngoài tử cung sớm nhất
Điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX
Không phải trường hợp nào cũng có thể điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX. Hãy cùng tìm hiểu khi nào thì có thể dùng MTX cùng những những ưu và nhược điểm của phương pháp điều trị này.
1. Trường hợp nào có thể điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX mà không cần phẫu thuật?
Phương pháp này sử dụng khi thỏa đồng thời tất cả các điều kiện sau:
- Huyết động học ổn định, tức đang không có tình trạng chảy máu
- Thai ngoài tử cung chưa vỡ
- Kích thước khối thai < 3.5 cm và không có tim thai
- Xét nghiệm beta HCG huyết thanh < 5000 mUI/mL
- Bệnh nhân mong muốn điều trị nội khoa
Trước khi bắt đầu tiêm Methothrexate, mẹ sẽ được làm xét nghiệm beta HCG huyết thanh, công thức máu, chức năng gan, thận để theo dõi diễn biến điều trị, cũng như để xem mẹ có các chống chỉ định dùng thuốc không.
[inline_article id=274759]
2. Ưu điểm của phương pháp điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX
- Tỉ lệ thành công cao
- Tránh được phẫu thuật cũng như các tai biến của thuốc mê
- Bảo tồn được vòi trứng
- Có thể theo dõi điều trị ngoại trú
3. Nhược điểm của phương pháp điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX
- Thời gian theo dõi dài (2-6 tuần), một số trường hợp thất bại điều trị (chiếm tỉ lệ 15%), bệnh nhân cần sử dụng thêm một liều khác (tối đa 3 liều) đối với phác đồ liều đơn. Ngoài ra bệnh nhân có thể được sử dụng phác đồ liều đôi hoặc đa liều.
- Một số tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, nôn, chóng mặt, loét miệng, viêm dạ dày, tăng men gan, viêm phổi….
- Cần ngừa thai sau điều trị, tối thiểu 3 tháng
- Bệnh nhân cần tái khám theo dõi nồng độ beta HCG cho đến khi âm tính
4. Tác dụng phụ của khi điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX
Khi điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX, mẹ có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Mệt mỏi, ăn không ngon miệng
- Tiêu chảy
- Loét miệng
- Nôn, buồn nôn
- Rụng tóc
- Thay đổi thị lực
- Nhạy cảm hơn với ánh sáng
- Hiếm gặp: Suy gan, suy thận, suy tủy, viêm phổi
5. Cần kiêng những gì trong quá trình điều trị?
Trong quá trình điều trị thai ngoài tử cung bằng MTX, mẹ cần lưu ý:
- Kiêng quan hệ vợ chồng và các hoạt động mạnh cho tới khi điều trị xong vì nguy cơ vỡ khối thai.
- Sử dụng biện pháp tránh thai trong ít nhất 3 tháng, trao đổi với bác sĩ khi đang có kế hoạch mang thai.
- Không sử dụng các loại viên uống vitamin hay các thực phẩm giàu axit folic, do làm giảm hiệu quả của thuốc trừ khi được bác sĩ chỉ định.
- Không dùng thuốc kháng viêm như aspirin hoặc nhóm kháng viêm NSAIDS (ibuprofen) do tương tác thuốc với MTX.
- Không uống rượu do rượu làm tăng tác dụng không mong muốn của MTX.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong vòng 2-3 ngày đầu điều trị do thuốc khiến mẹ tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời làm da bạn sạm đi.
[inline_article id= 279308]
Hi vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các mẹ. Hãy tiếp tục đồng hành, theo dõi các bài viết mới trên MarryBaby các mẹ nhé!