Có thể biết bé bị nghẹn bằng mắt hay không?
Câu trả lời là có. Khi bé phải cố gắng hít thở hoặc làm bật ra một vật nào đó đang làm tắc đường thở của bé, đó chính là bị nghẹn. Bé có thể bị nghẹn khi bị khó thở và gây ra những âm thanh bất thường hoặc nôn khan, ho, thở khò khè. Da của bé có thể chuyển màu đỏ hoặc xanh và bé có thể bị mất ý thức.
Nên làm gì khi bé bắt đầu bị nghẹn?
Nếu bé có thể ho, khóc hoặc nói và dường như có thể thở được nghĩa là đường thở của bé chưa bị tắc hoàn toàn. Trong trường hợp bé bị mắc nghẹn nhưng có thể tự lấy ra vật gây nghẹn, điều tốt nhất mẹ có thể làm là bình tĩnh và vỗ về bé. Nhưng nếu bé thở hổn hển, mặt chuyển màu từ đỏ sang xanh, bé trông hoảng sợ, mắt, miệng mở to, hoặc có vẻ mất ý thức, mẹ nên gọi cấp cứu ngay lập tức.
Trong lúc đó, mẹ có thể thử giải tỏa đường thở cho bé bằng các cách sau:
1. Nếu bạn nhìn thấy vật gây tắc nghẽn, dùng ngón tay gạt nó ra ngoài. Còn nếu bạn không nhìn thấy vật tắc, tuyệt đối không đưa ngón tay của bạn vào miệng bé vì nó có thể đẩy vật vào sâu trong cổ họng của bé.
2. Ôm bé úp mặt trên cánh tay bạn, đỡ cằm của bé trong tay bạn, giữ đầu bé thấp hơn phần còn lại của cơ thể.
3. Vỗ lưng bé năm lần, vỗ nhanh, chắc nhưng nhẹ bằng ức bàn tay vào giữa bã vai bé, cần nhớ là các cơ quan nội tạng của bé còn mỏng manh.
4. Nếu bé bắt đầu ho, nên để bé cố gắng tống vật nghẹn ra thay vì đưa ngón tay của bạn vào miệng bé để lấy ra. Nếu bé không ho bật vật ra được, cẩn thận lật bé lại và dùng 2 hoặc bốn ngón tay bạn đè lên giữa xương ức của bé 5 lần, nhấn sâu khoảng 1,3 đến 2,5cm.
5. Nếu vật gây nghẹn không bật ra, kiểm tra lại để thấy nguyên nhân gây nghẹn. Đặt bé nằm ngửa bằng phẳng, giữ lưỡi của bé thấp bằng ngón cái của bạn, nâng cằm bé lên để nhìn thấy phía sau cổ họng bé. Nếu vẫn không thể thấy vật gây nghẹn và bạn đã được hướng dẫn về sơ cứu và hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh, bắt đầu tiến hành ngay. Nếu không, bạn có thể lặp lại bước 2 và 3. Tiếp tục làm điều tốt nhất có thể và yêu cầu giúp đỡ càng sớm càng tốt.
Làm thế nào để tránh mắc nghẹn cho bé?
Cho bé ăn thức ăn phù hợp với độ tuổi, thức ăn nghiền hoặc ép, các loại thức ăn cầm tay an toàn như bánh quy ăn dặm và ngũ cốc hình chữ O, quan sát bé trong khi ăn. Chú ý không cho ăn vội hoặc ăn trong xe và luôn đặt bé ngồi thẳng khi ăn. Không để bé chơi những đồ vật nhỏ, những đồ chơi có nhiều chi tiết nhỏ hoặc chai phấn trẻ em. Bạn cũng cần làm theo hướng dẫn về độ tuổi trên đồ chơi của bé, độ tuổi này được xác định không chỉ dựa trên giá trị giáo dục mà còn dựa trên độ an toàn cho trẻ. Nghẹn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở trẻ, vì thế các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ nên tham gia lớp sơ cứu cho trẻ sơ sinh.
Nên làm gì nếu nghi ngờ bé vừa nuốt vật lạ?
Việc trẻ con nuốt phải những vật nhỏ là rất phổ biến. Nếu những vật này đi qua đường ruột mà không gây tổn thương cho bé thì không có gì phải lo lắng. Nhưng nếu bạn nhận thấy bé chảy nước dãi quá mức hoặc không thể nuốt, đột ngột bỏ ăn hoặc bé có biểu hiện đau ở nơi vật đang mắc kẹt, cần gọi cho bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức.