Để giúp bạn hiểu rõ về tình trạng tụt đường huyết hay hạ đường huyết khi mang thai; hãy cùng tìm hiểu hạ đường huyết khi mang thai là gì.
Hạ đường huyết khi mang thai là gì?
Hạ đường huyết (hypoglycemia) là khi lượng đường trong máu xuống mức thấp, thường dưới 60 mg/dl. Điều này có thể xảy ra ở người bình thường hoặc phụ nữ có thai.
>> Bạn có thể xem thêm: Điều trị tiểu đường thai kỳ, bà bầu cần biết để tránh biến chứng cho mẹ và con
Dấu hiệu bà bầu bị tụt đường huyết
Khi mang thai đường huyết hạ thấp dưới 60 mg/dl, mẹ bầu sẽ có các dấu hiệu sau:
- Lú lẫn
- Mờ mắt
- Run rẩy
- Nói lắp
- Đau đầu
- Đói bụng
- Đổ mồ hôi
- Tim đập nhanh
- Môi hoặc lưỡi tê
- Cảm thấy lo lắng
- Cảm thấy cáu kỉnh
- Cảm thấy thiếu kiên nhẫn
- Chóng mặt hoặc mệt mỏi
>> Bạn có thể xem thêm: Huyết áp cao khi mang thai nên xử trí sao đây mẹ ơi?
Nguyên nhân hạ đường huyết khi mang thai
Hiện tượng hạ đường huyết khi mang thai xảy ra khi lượng đường trong máu xuống quá thấp. Điều này có nhiều khả năng xuất phát từ việc điều trị bệnh tiểu đường không khoa học hoặc do nhịn đói lâu, không cung cấp đủ năng lượng. Nếu phụ nữ mang thai thường xuyên bị hạ đường huyết nên chú ý hơn để xét nghiệm để tầm soát đái tháo đường thai kỳ.
Bà bầu bị hạ đường huyết có thể do các nguyên nhân sau:
- Tiêm insulin quá liều
- Không ăn đủ carbohydrate khi tiêm insulin
- Trì hoãn hoặc bỏ lỡ một bữa ăn/ bữa ăn nhẹ
- Uống quá nhiều rượu hoặc uống rượu mà không ăn
- Tập thể dục quá sức hoặc không có kế hoạch khoa học
Tuy nhiên, đôi khi hạ đường huyết khi mang thai cũng không có nguyên nhân rõ ràng nào dẫn đến cả.
>> Bạn có thể xem thêm: 10 cách giảm huyết áp cao khi mang thai tự nhiên mà lại hiệu quả
Biến chứng khi bà bầu bị hạ đường huyết là gì?
Hạ đường huyết có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ, đối với người bình thường, khi hạ đường huyết có thể gây ra những chuyển hoá bất thường trong cơ thể, gây tổn thương các cơ quan, điều tương tự cũng xảy ra ở phụ nữ mang thai. Ngoài ra, hạ đường huyết ở mẹ có thể làm cho đường huyết của con thấp, điều này sẽ nguy hiểm hơn nữa nếu bà mẹ có đái tháo đường trong thai kỳ, với các biến động lớn về nồng độ glucose máu và lệch pha tiết insulin giữa mẹ và thai. Đường máu quá thấp có thể đe doạ tính mạng của thai.
Cách khắc phục hạ đường huyết cho bà bầu
Nếu bạn bị hạ đường huyết khi mang thai hãy thực hiện các cách khắc phục hạ đường huyết cho bà bầu dưới đây nhé:
- Trước tiên, khi xuất hiện các triệu chứng nghi hạ đường huyết, cần tìm một nơi thích hợp để ngồi xuống và nghỉ (kiểm tra lượng đường huyết bằng máy test nhanh nếu có điều kiện, điều này có thể không cần thiết ở người bình thường nhưng nếu có rối loạn chuyển hoá đường trước hoặc trong thai kỳ thì việc này có thể có lợi).
- Ăn hay uống ngay thực phẩm có chứa carbonhydrate, nhanh nhất là đồ ngọt, có thể là một ly nước đường, một cái kẹo ngọt, một miếng bánh,…
- Gọi ngay sự trợ giúp của người thân hoặc nhân viên y tế.
- Nếu tình trạng không cải thiện sau đó, hoặc nặng hơn, nên đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, nên theo dõi định kì với bác sĩ chuyên khoa sản và tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng, nội tiết (nếu cần)
- Nếu bạn đang mang thai và được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ, cần nhớ luôn mang thai thực phẩm chứa đường bên mình (đặc biệt nếu điều trị với insulin)
Mẹ bầu bị hạ đường huyết cần lưu ý gì?
Bên cạnh các cách khắc phục hạ đường huyết thai kỳ; bạn cần lưu ý những điều sau:
- Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tránh bỏ bữa.
- Tập thể dục khoa học với một lịch trình hợp lý, tránh tập các bài tập quá sức.
- Luôn mang theo một bữa ăn nhẹ bên mình để giúp khắc phục nhanh khi có dấu hiệu tụt đường huyết.
- Luôn mang theo bên mình một loại thực phẩm carbohydrate tác dụng nhanh như viên nén dextrose hoặc đồ uống có đường và một món ăn nhẹ lành mạnh như chuối.
[inline_article id= 315917]
Như vậy bạn đã biết, thông thường, khi lượng đường trong máu hạ xuống thấp hơn 60mg/dl sẽ gây ra hiện tượng hạ đường huyết khi mang thai. Nếu xuất hiện các dấu hiệu bị hạ đường huyết, bạn nên thực hiện một số cách khắc phục để lượng đường được ổn định. Tuy nhiên, nếu bạn bị mắc bệnh lý này trong thai kỳ thì phải luôn mang theo bên mình một thực phẩm giàu carbohydrate hoặc thức ăn nhẹ để khắc phục khi khẩn cấp.