1. Nhu cầu ngủ của trẻ sơ sinh rất khác nhau
Trung bình trong tháng đầu sau sinh, trẻ ngủ 16,5 tiếng mỗi ngày. Bạn nên biết rằng 16,5 tiếng/ngày chỉ là con số bình quân và con bạn hoàn toàn có thể ngủ nhiều hoặc ít hơn thế. Điều đó có nghĩa là đôi khi con bạn chỉ ngủ 12 tiếng/ngày, trong khi bé nhà cô bạn thân khò khò đến 19 tiếng/ngày. Bạn đừng quan tâm quá mức đến việc con ngủ ít hay nhiều, vì thước đo nằm ở chỗ bé có khỏe mạnh và vui vẻ không, chứ không ở ngưỡng thời gian bé ngủ thấp nhất hay cao nhất.
>>> Xem thêm: Giấc ngủ trẻ sơ sinh: Từ lúc mới sinh đến 3 tháng tuổi
2. Trẻ sơ sinh cần bú đều đặn theo giờ
Giống như các bộ phận nhỏ xinh khác trên cơ thể, bao tử của trẻ sơ sinh cũng rất bé. Bạn đừng hy vọng nhanh chóng tập được cho trẻ bú sữa trước khi lên giường và ngủ một mạch tới sáng. Trẻ sơ sinh cần bú ít nhất mỗi 2-4 tiếng và trẻ có thể ngủ liên tục dài nhất là 5 tiếng đồng hồ trong đêm.
>>> Xem thêm: Giấc ngủ trẻ sơ sinh: Từ 9 đến 12 tháng tuổi
Vậy làm sao để biết khi nào trẻ thức giấc đòi bú, hay chỉ đơn thuần là trẻ đã ngủ đủ giấc hoặc trẻ đang trong giai đoạn chuyển tiếp của giấc ngủ?
Thông thường, trẻ sẽ cất tiếng để ra hiệu rõ ràng cho bạn biết bé đang muốn gì. Song khi ngủ, bé hay phát ra nhiều âm thanh như thút thít, khụt khịt, ư ử, khóc rền rĩ từng hồi hoặc thét ầm lên… Bạn cần tập nhận biết dần đâu là tín hiệu trẻ đòi bú để đáp ứng kịp thời cơn đói của trẻ hay cứ để trẻ ngủ tiếp.
3. “Giấc ngủ hiếu động” của trẻ sơ sinh
Trái với lầm tưởng của nhiều người, những bé sơ sinh không khi nào chịu ngủ yên hàng giờ liền cả. Các bé thường xuyên trằn trọc và thức giấc rất thường xuyên. Đó là vì khoảng một nửa thời gian ngủ của trẻ diễn ra trong các chu kỳ ngủ mơ (giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh REM).
Vào cuối mỗi chu kỳ ngủ mơ, trẻ thường thức giấc ngắn và thỉnh thoảng có thể khóc chút ít trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo của giấc ngủ. Càng lớn, trẻ sẽ càng ít ngủ mơ hơn, thay vào đó là thời gian ngủ sâu và êm hơn.
4. Trẻ sơ sinh ngủ hay phát ra tiếng động
Tiếng trẻ sơ sinh thở khi ngủ có thể bất thường do những quãng ngừng thở ngắn, không đáng ngại. Hầu như cha mẹ nào cũng từng lo sợ đến mức phải ghé mặt vào nôi để lắng nghe xem trẻ có dấu hiệu rắc rối gì về hô hấp không.
Để đánh giá đúng tình huống, bạn cần biết một bé sơ sinh bình thường có nhịp thở khoảng 40 lần/phút khi thức, và số nhịp thở của bé giảm chỉ còn một nửa khi ngủ. Hoặc trẻ cũng có thể đột nhiên ngừng thở dưới 10 giây, rồi thở nhanh và nông suốt 15-20 giây sau đó. Bạn đừng quá lo lắng, dần dần não trẻ sẽ hoàn thiện cơ chế điều chỉnh hơi thở tốt hơn.
>>> Xem thêm: Giấc ngủ trẻ sơ sinh: Đồ mồ hôi trộm, ngáy và khịt mũi khi ngủ
Nếu con đang phát ra những âm thanh sau đây khi ngủ, bạn cũng đừng lo lắng quá nhé, nó chỉ là những âm thanh thông thường mà thôi.
– Tiếng nấc: Đôi khi dịch nhầy trong mũi gây cản trở đường thở, khiến trẻ bị nấc. Bạn có thể làm sạch mũi cho bé dễ thở bằng dụng cụ hút mũi trẻ em.
– Tiếng huýt gió: Trẻ sơ sinh chỉ thở bằng mũi và không thở bằng miệng. Điều này giúp trẻ vừa hít thở, vừa bú cùng một lúc. Nhưng chiếc mũi bé xíu với đường thở hẹp dễ bị dịch nhầy hoặc thậm chí là sữa khô cản trở, gây ra tiếng huýt gió kỳ quặc.
– Tiếng ừng ực: Không có gì bí hiểm cả, trẻ chỉ đang nuốt nước miếng làm sạch cổ họng mà thôi.
Ngược lại, nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng rắc rối nào sau đây, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ ngay:
– Thở gấp: Nhịp thở lên đến hơn 70 nhịp/phút và ngày càng tăng.
– Khò khè liên tục: Trẻ phát ra tiếng khò khè sau mỗi nhịp thở do phải vật lộn để mở đường thở bị nghẹt.
– Hai cánh mũi phồng lên nhiều do phải cố gắng hít thở.
– Cơ ngực và cổ bị co rút thấy rõ một cách khác thường.
Tất cả những dấu hiệu kể trên đều cho thấy trẻ gặp vấn đề về hô hấp, bạn nên lưu ý cẩn thận nhé!
MarryBaby