Khám phá 11 bí mật về mang song thai có thể mẹ chưa biết
1. Độ tuổi 30-40 là độ tuổi lý tưởng tăng khả năng mang thai đôi
Thực tế, phụ nữ thường được khuyến cáo rằng càng lớn tuổi càng khó thụ thai, nhưng tuổi nhiều lại có thể tăng khả năng mang song thai. Khi bước sang giai đoạn 30-40 tuổi, chu kỳ rụng trứng của bạn không còn đều đặn như xưa, điều này rất có thể kéo theo hệ quả bạn rụng trứng 2 nang cùng một lúc. Kết quả là mang thai đôi tự nhiên mà không cần bất kỳ biện pháp hỗ trợ nào.
2. Bổ sung thêm a-xít folic
Bà bầu mang song thai cần a-xít folic nhiều hơn để ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh ở cả hai bé con đang phát triển trong bụng. Bạn cần nạp đủ 1miligram folic mỗi ngày để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho thai nhi.
3. Thăm khám thường xuyên hơn bình thường
Mang thai đôi tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy bạn luôn phải thăm khám theo chỉ định của bác sĩ. Dựa vào bảng theo dõi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ mới có thể giúp bạn phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm. Thực tế, khả năng sảy thai ở mẹ bầu đang mang song sinh khá cao. Nếu biện pháp chọc ối khiến 1/1000 ca đơn thai bị sảy, thì ở song thai là 1/500.
4. Ốm nghén nặng nề gấp đôi
Nồng độ hormone gây ra ốm nghén trong thai kỳ cao hơn ở những phụ nữ đang chuẩn bị sinh đôi. Vì vậy, không có gì lạ nếu bạn buồn nôn mọi lúc mọi nơi trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đó chưa phải là tất cả, ợ nóng, trào ngược khi mang thai cũng nghiêm trọng không kém. Đau nhức, khó ngủ, nguy cơ bị bệnh thiếu náu hay xuất huyết sau sinh cũng gia tăng nhiều hơn.
5. Ra máu khi mang thai là chuyện khá bình thường
Trong 3 tháng đầu mang thai, bạn sẽ thường xuyên phát hiện thấy những đốm máu nhỏ dưới đáy quần chip. Đừng lo lắng, nếu đó chỉ là một chấm nhỏ vừa phải và không đi kèm cơn chuột rút hay vọp bẻ. Bạn chỉ ngay lập tức đến bệnh viện nếu thấy xuất hiện máu đông, ra máu quá nhiều.
6. Cảm nhận con “tung chưởng” trễ hơn
Cử động thai đôi chỉ trở nên đáng chú ý ở tuần 18-20 của thai kỳ và thông thường không rõ ràng, mạnh mẽ như thai đơn. Nếu đã một lần sinh con, bạn sẽ dễ dàng phát hiện chuyển động này hơn.
7. Tăng cân vù vù
Với 2 bé con đang lớn dần trong bụng, chưa kể nhau thai, nước ối, dĩ nhiên bà bầu mang thai đôi sẽ nặng hơn các mẹ bầu khác. Trong thai kỳ, số trọng lượng cần tăng của bạn vào khoảng 13-15kg, đừng tăng quá 18kg và cũng đừng quá ít như 7kg. Tùy vào tình trạng cân nặng của từng người, bạn có thể áp dụng bảng chỉ dẫn sau:
- Trọng lượng trước khi mang thai bình thường: Cần tăng 16-24kg.
- Phụ nữ thừa cân nên tăng 14-22kg.
- Phụ nữ béo phì chỉ nên tăng 11-18kg.
8. Nguy cơ tiểu đường thai kỳ tăng cao
Tiểu đường thai kỳ khá phổ biến với mẹ mang thai đôi, nhưng điều này không có nghĩa 2 bé con khi ra đời sẽ thừa cân. Thông thường, mẹ bầu sẽ được chỉ định sinh mổ, và đối diện với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sau này.
9. Khả năng bị tiền sản giật cũng nhiều hơn
Huyết áp cao, protein nhiều trong nước tiểu, sưng phù nề chân tay, chính là những triệu chứng của tiền sản giật thai kỳ. Mẹ bầu mang thai đôi nếu không áp dụng chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp, rất dễ phải đối mặt với nguy cơ mắc phải biến chứng thai kỳ này.
10. Sinh nở đến sớm hơn bình thường
Thực tế, hầu hết các bà mẹ mang song thai đều vượt cạn ở tuần thứ 36-37, thậm chí còn sớm hơn. Chỉ cần bé được sinh ra sau tuần thứ 34, mẹ bầu không phải quá bận tâm và lo lắng. Hai bé có thể nhẹ cân hơn so với trẻ được sinh ra một mình, nhưng miễn là không bị sinh non, bé sẽ không gặp khó khăn với vấn đề hô hấp.
11. Thông thường phải sinh mổ
Tỷ lệ cặp song sinh nằm ngược ngôi nhau trong bụng mẹ là rất cao. Vì vậy, phương án sinh mổ là điều bắt buộc để đảm bảo an toàn cho mẹ lẫn con.
Những dấu hiệu khác cho thấy mẹ bầu dễ mang song thai
Mẹ thử xem mình có đang mang đặc điểm nào dưới đây không nhé. Cơ hội mang song thai sẽ rất cao đấy!
1. Các mẹ có chị em song sinh
Khả năng mang song thai tăng cao nếu như bản thân người mẹ cũng đã từng là một em bé sinh đôi. Nếu mẹ của bạn cũng có chị hoặc em sinh đôi, hoặc chị em ruột của bạn đã từng sinh đôi, khả năng bạn mang song thai, đa thai cũng rất cao. Khả năng sinh đôi sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền của người mẹ, trong khi đó, các ông bố có xuất thân trong gia đình có nhiều người sinh đôi cũng không giúp tăng tỉ lệ mang đa thai ở bạn đời.
2. Các mẹ mê đồ ăn béo
Trên thực tế, dinh dưỡng là nền tảng không thể thiếu cho tử cung và tăng sức khỏe của trứng cũng như giúp đảm bảo khả năng thụ thai. Các axit béo như omega-3 vô cùng cần thiết cho các mẹ đang lên kế hoạch mang thai, vì chúng giúp đảm bảo duy trì lượng hormone cân bằng, giúp các cơ quan sinh sản hoạt động đúng cách.
3. Các mẹ đã có nhiều con
Theo tiết lộ từ các chuyên gia, các mẹ càng có nhiều con càng đứng trước cơ hội thụ thai đôi hay đa thai nhiều hơn. Việc có nhiều con cho thấy rằng, mẹ có chất lượng trứng tốt, các cơ quan như buồng trứng hay tử cung làm việc hiệu quả và hiện tượng rụng trứng cũng diễn ra vô cùng thuận lợi.
4. Mẹ đang điều trị hiếm muộn
Các mẹ đang trải qua liệu trình điều trị vô sinh, hiếm muộn như sử dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cũng dễ mang song thai. Lý do rất đơn giản, trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn, các mẹ đã được sử dụng thuốc giúp kích thích rụng trứng và thụ thai. Tác dụng của thuốc giúp nhiều trứng cùng chín, giúp đảm bảo sự thành công của quá trình thụ tinh nhân tạo.
5. Các mẹ sống ở phương Tây
Tỷ lệ mẹ mang song thai ở các nước châu Âu là 1/60 trường hợp mang thai, trong khi đó, ở Nigieria, tỷ lệ này là 1 trên 20 đến 30 trường hợp mang thai. Tỷ lệ trên thấp hơn nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á.
6. Các mẹ có thói quen uống sữa
Một nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ uống nhiều sữa hay ăn nhiều sản phẩm từ sữa trong suốt thời gian gần thời điểm thụ thai thường có tỷ lệ đậu song thai cao. Tỷ lệ này cao gấp 5 lần so với những phụ nữ không sử dụng sữa và các món từ sữa.
Với các mẹ mang song thai, đa thai, quá trình mang thai sẽ vất vả hơn bình thường. Nếu mẹ đang nằm trong nhóm các mẹ có nhiều khả năng sẽ sinh đôi hoặc nhiều hơn, nên bắt đầu chuẩn bị cho việc mang thai từ rất sớm để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi. Để bắt đầu cho một hành trình mang thai đôi, mẹ nhớ thực hiện các bước sau nhé:
- Bổ sung vitamin và axít folic: Giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh và đảm bảo sức đề kháng cho cơ thể mẹ.
- Ăn đủ chất: Nhu cầu dinh dưỡng của các mẹ mang đa thai sẽ lớn hơn mẹ mang thai bình thường, do đó các mẹ cần bổ sung thêm khoảng 600 calories mỗi ngày. Nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như các loại hạt, các loại trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt nạc, dầu thực vật.
- Bổ sung sắt và canxi: Để phòng ngừa thiếu máu trong thai kỳ, mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt, trứng. Đồng thời, các thực phẩm giàu canxi như hải sản, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng vô cùng cần thiết.
Mẹ làm gì nếu mang song thai?
Mang thai đôi với nhiều phụ nữ thì đó là cảm xúc trộn lẫn giữa hạnh phúc được nhân đôi nhưng cùng với đó là những lo lắng làm sao để có một thai kỳ khoẻ mạnh, an toàn cho hai em bé và thai phụ. Hiểu biết về hiện tượng song thai sẽ giúp các chăm sóc bản thân tốt hơn trong quá trình thai kỳ. Sau đây là một số lời khuyên hữu ích cho phụ nữ mang song thai.
1. Chế độ chăm sóc đặc biệt cho mẹ
Trước tiên cần nhấn mạnh khi mang song thai, thai phụ cần có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn so với mang thai thường, từ bổ sung chế độ dinh dưỡng, cho đến lịch thăm khám bác sĩ, kiểm soát tăng cân trong thai kỳ… nguyên nhân là do khi mang song thai, thai phụ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ hơn. Do đó khi bắt đầu biết mình mang song thai, thai phụ cần:
2. Bổ sung thêm dinh dưỡng
Tất nhiên khi mang thai đôi, thai phụ cần được bổ sung dưỡng chất nhiều hơn. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng lượng kalo cần thêm cho thai phụ mang thai đôi là 600kcal một ngày. Tuy nhiên thai phụ vẫn phải đảm bảo được chế độ dinh dưỡng phải cân bằng, lành mạnh giúp cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi. Lưu ý rằng mức tăng trọng lượng lý tưởng khi suốt thời gian mang thai đôi dao động trong khoảng 15 – 20kg.
3. Bổ sung thêm acid folic (một dạng vitamin B)
Acid folic có vai trò rất quan trọng đối với phụ nữ đang trong thai kỳ vì nó giúp giảm nguy cơ sảy thai, giảm nguy cơ sinh khuyết tật ống thần kinh, dị tật ở não và hệ thần kinh. Khi mang thai đôi, bạn cần bổ sung thêm chất này cũng như các chất vitamin, vi sắt… Tuy nhiên nếu bổ sung bằng dược phẩm thì bạn cần tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ, còn trong tự nhiên thì hàm lượng acid foclic tập trung nhiều trong các loại rau có màu xanh đậm, ngũ cốc, đậu hạt, gan…
4. Thường xuyên đi khám bác sĩ
Khi mang thai đôi, bạn cần phải được theo dõi sức khoẻ thường xuyên vì những nguy cơ như hiện tượng chảy máu thường xuất hiện hơn trong thời gian đầu mang song thai, nguy cơ bị tiểu đường cũng như nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn nên thai phụ cần đi khám và được bác sĩ siêu âm, kiểm tra cũng như làm các xét nghiệm cần thiết khác theo dõi sự phát triển, sức khoẻ của thai phụ và thai nhi. Nếu cần thiết có thể can thiệp sớm, kịp thời. Nên theo dõi và kiểm tra ở cùng một cơ sở y tế với cùng một bác sĩ để quá trình thăm khám, theo dõi được thuận tiện hơn.
5. Lưu ý thời điểm sinh
Một trong những điều thai phụ mang song thai cần biết là thường thai phụ sẽ sinh non (rất hiếm khi sinh đúng tháng). Thai phụ thường chuyển dạ vào khoảng tuần thứ 36 – 37, do đó trong thời gian gần sinh thai phụ cần hạn chế một số hoạt động thường ngày, các chuyên gia cho rằng bắt đầu từ tuần thứ 24, thai phụ dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn vì khi mang song thai, thai phát triển nhanh thường làm thai phụ sẽ thấy mệt mỏi, uể oải hơn. Và lưu ý ngay khi có dấu hiện bất thường, bạn cần đến trung tâm y tế ngay.
6. Về mặt tâm lý
Thai phụ sẽ căng thẳng hơn so với mang thai một con do tâm lý lo lắng (về sức khoẻ cũng như sự phát triển của 2 thai nhi trong bụng, sợ sinh sẽ khó khăn, quá trình chăm sóc con vất vả…) đồng thời thai phụ mang song thai cũng sẽ dễ bị trầm cảm sau sinh. Để hạn chế điều này, thai phụ nên đọc các tài liệu sách báo về song thai cũng như tài liệu về kinh nghiệm chăm sóc con song sinh để chuẩn bị trước về mặt tâm lý. Ngoài ra người thân và gia đình cần hỗ trợ thai phụ trong quá trình chăm sóc em bé, tạo tư tưởng thoái mái, yên tâm, không khí gia đình vui vẻ.
[inline_article id = 248773]
Ngoài những lo lắng về quá trình phát triển của thai nhi trong bụng, thai phụ và gia đình nên chuẩn bị trước tâm lý về các khoản chi phí trong gia đình sẽ gia tăng (chi phí mua tã, sữa, đồ chơi, thuốc men…). Khi đã lường trước được khoản phí gia tăng sẽ hạn chế khả năng stress do vấn đề tài chính.
Việc mua sắm, chuẩn bị đồ dùng cho bé trong thời gian đầu cũng giống như việc chuẩn bị cho các bé khác, chỉ đơn giản là mua gấp đôi lên như quần áo, tã, sữa, khăn bông… Sau khi sinh con, việc chăm sóc em bé cũng đã rất vất vả và tất nhiên, cùng lúc phải chăm sóc hai em bé còn vất vả hơn rất nhiều. Sự trợ giúp của người thân, gia đình là hoàn toàn cần thiết để hỗ trợ người mẹ trong quá trình nuôi con.
MarryBaby