Trẻ sơ sinh đến 3-5 tuổi, chức năng thị giác vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây là tuổi rất nhạy với tình trạng giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn. Khả năng nhìn sẽ tăng từ từ bắt đầu khoảng 20cm khi mới sinh ra và thị lực phát triển tăng dần đến 10/10, tương đương thị lực người trưởng thành khi bé 5 tuổi.
Trong giai đoạn này, não phải nhận rõ hình ảnh từ hai mắt để từ đó đường thị giác trong não phát triển đúng hướng. Bất cứ điều gì gây cản trở sự thu nhận hình ảnh xảy ra trong giai đoạn này nếu không được phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời đều có thể dẫn đến tình trạng nhược thị hay còn gọi là tình trạng mất thị lực.
Trẻ mắc các bệnh về mắt, nguyên nhân vì đâu?
50% thị lực của trẻ trước tuổi đi học liên quan nhiều đến yếu tố di truyền. Nếu cả bố và mẹ mắc chứng cận thị nặng, từ 8.0 đi-ốp trở lên, khả năng con mắc bệnh về mắt tương tự là rất lớn. Vì vậy, trong năm đầu đời, bố mẹ nên quan sát kỹ tình hình phát triển thị lực của con, thường xuyên đưa bé đi thăm khám để cải thiện bệnh nếu có.
Đau mắt, nhức mỏi mắt, chảy nước mắt, mờ mắt là những dấu hiệu cho thấy nguy cơ mắc các bệnh cận thị, viễn thị, loạn thị. Nếu ba mẹ, người thân không ai gặp vấn đề về thị lực, nhưng trẻ vẫn mắc phải, vậy đâu là “thủ phạm”?
1. Công nghệ hiện đại, “hại điện”
Các tia bức xạ của máy tính, tivi, điện thoại khi tiếp xúc trực tiếp với mắt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào thần kinh thị giác. Khảo sát cho thấy 82,4% số người thường xuyên tiếp xúc hoặc làm việc với máy tính đều mắc các bệnh về mắt. Vì thế, ba mẹ hạn chế để con tiếp xúc với những “người bạn” không thân thiện này. Thỉnh thoảng vẫn có thể phá lệ cho con xem, nhưng tuyệt đối không để xem quá lâu bố mẹ nhé!
[inline_article id=137758]
2. Đọc sách sai cách
Tư thế ngồi sai hoặc giữ khoảng cách bất hợp lý từ mắt tới sách sẽ dẫn đến các vấn đề về mắt, đặc biệt là bệnh cận thị.
Căn bệnh về mắt này vô cùng phổ biến ở trẻ nhỏ sắp đến trường và trong độ tuổi đi học. Khi nhìn chữ hoặc đồ vật gần liên tục trong một thời gian dài, mắt sẽ phải điều tiết nhiều hơn để nhìn rõ mọi vật. Các tế bào thần kinh thị giác sẽ trở nên “mệt mỏi”. Do đó, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ giữ khoảng cách thích hợp với việc quan sát mọi vật là từ 30-50cm.
3. Vệ sinh, môi trường
Không khí ô nhiễm, không gian không đủ ánh sáng hoặc quá sáng cũng là nguyên nhân làm thị lực yếu dần. Ngoài ra, vệ sinh mắt không đúng cách cũng là “thủ phạm” gây ra các bệnh về mắt.
Để sở hữu một đôi mắt khỏe mạnh, trẻ cần được vệ sinh mắt đúng cách, từ rửa mắt, tra thuốc nhỏ mắt, tập thể dục cho mắt thường xuyên…
4. Chế độ ăn uống nghèo nàn
Dinh dưỡng hợp lý cũng là một trong những yếu tố đảm bảo đôi mắt khỏe mạnh. Các tế bào thần kinh thị giác cần được cung cấp đầy đủ vitamin A. Khi cơ thể thiếu loại vitamin này, trẻ rất dễ mắc các bệnh về mắt như: khô mắt, mỏi mắt, hoa mắt… Ngoài ra, việc cung cấp đầy đủ các vitamin C và E cũng rất có ích cho sự phát triển thị lực ở trẻ nhỏ.
Bảo vệ con yêu khỏi các bệnh về mắt
1. Chăm sóc mắt càng sớm càng tốt
Bạn nên bắt đầu chế độ chăm sóc thị lực cho bé càng sớm càng tốt. Trẻ em cần được khám mắt trong vài tuần kể từ sau khi sinh, tiếp đến trong đợt khám sức khỏe khi trẻ được 2 tuổi, thêm nữa là buổi kiểm tra khi trẻ lên lớp một ở trường tiểu học.
Nếu cảm thấy lo lắng về thị lực của trẻ ở bất cứ thời điểm nào, bố mẹ hãy cho con đi kiểm tra mắt ngay.
2. Hạn chế áp lực
Giúp con hạn chế áp lực lên cơ quan thị giác bằng cách giảm thời gian xem tivi, máy tính và đọc sách xuống mức tối thiểu có thể.
Theo đó, nguyên tắc như sau: 30 phút/ngày đối với trẻ dưới 6 tuổi; dưới 60 phút/ngày với trẻ 7-14 tuổi; dưới 90 phút/ngày với trẻ trên 14 tuổi.
Giảm mọi căng thẳng có thể gây ra cho mắt trẻ: Không để trẻ thức quá khuya đọc truyện, đặc biệt là sách/truyện hình ảnh tèm nhem, chữ nhỏ; đồng thời nhắc nhở con ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
3. Dinh dưỡng cho bé hợp lý
Về dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, củ quả vàng đậm, đỏ, cam, trái cây tươi; tối thiểu hai bữa cá mỗi tuần; kèm cả thịt, trứng, sữa, gan, dầu nành, dầu mè… để nhận đủ các vitamin A, C, E, axit béo omega-3, omega-6…
Hàng ngày cơ thể cần khoảng 55-70mg selen có từ các loại hải sản, phủ tạng động vật, thịt, các loại ngũ cốc… Chất lutein có trong bắp, trứng được gọi là carotenoid võng mạc, có vai trò quan trọng đối với võng mạc, đặc biệt ở điểm vàng.
[inline_article id=59169]
Ngoài ra, bố mẹ cần bổ sung vào thực đơn hàng ngày của trẻ các chất khoáng như kẽm, magiê, nhu cầu khoảng 12-15mg/ngày qua hải sản, thịt đỏ, gan, cá, trứng, sữa, đậu đỗ, đặc biệt là hàu. Đặc biệt vitamin A không thể thiếu khi nhắc đến thực phẩm siêu tốt cho mắt, hiện diện trong gan, lòng đỏ trứng, dầu gan cá, sữa mẹ, nhất là trong sữa non.
4. Loại trừ nguy cơ
Khi đưa bé ra ngoài, đeo kính râm chưa đủ để bảo vệ bé khỏi tia tử ngoại, bé còn cần phải trang bị cả mũ rộng vành, mặc trang phục chống nắng nếu trẻ trên 6 tháng tuổi.
Ngoài ra, mẹ cần để các hóa chất độc hại, các loại nước tẩy rửa và các loại hóa chất khác ngoài tầm nhìn của trẻ, bởi chúng có thể gây bỏng mắt khi trẻ tiếp xúc. Khi dẫn trẻ đi bơi, mẹ nên đeo kính bơi cho bé để nước không gây kích ứng mắt.
Phòng đau mắt cho trẻ
Bên cạnh các tật khúc xạ, bệnh đau mắt và biến chứng của nó cũng rất nguy hại. Một số bệnh như: đau mắt đỏ, đau mắt hột, viêm kết mạc… gây ra do bị nhiễm khuẩn, virus. Tiếp xúc với người bị đau mắt, vệ sinh kém cũng dễ dẫn tới các bệnh đau mắt.
Có thể phòng đau mắt bằng cách thường xuyên rửa tay sạch sẽ, không dụi mắt và để mắt quá gần những vật có lông, sợi, bụi bặm.
Nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ mắt nhiều lần trong ngày. Rửa mắt làm trôi đi mầm bệnh, đẩy gỉ mắt ra ngoài, làm ẩm và dịu bề mặt nhãn cầu. Có thể rửa mắt mỗi khi thấy kèm nhèm hoặc trung bình 10 lần/ngày.
Nước mắt nhân tạo, chất làm ẩm hay bôi trơn nhãn cầu có độ nhớt thấp cũng có thể dùng cho đau mắt đỏ với tác dụng như trên và đem lại cảm giác dễ chịu cho mắt.
Cẩn thận các dị vật
Không chỉ ở trẻ em, để phòng dị vật rơi vào mắt luôn cần thiết cho cả người lớn. Cẩn trọng với các vật nhọn, những mạt kim loại, thủy tinh nhỏ li ti vì khi rơi vào nhãn cầu, chúng rất khó xử lý và nếu điều trị không kịp sẽ dẫn đến thương tật vĩnh viễn, thậm chí mù lòa.
Khi bị dị vật rơi vào mắt, mẹ kiểm tra mí mắt nhẹ nhàng để tìm dị vật. Cần sơ cứu bằng cách rửa qua nước sạch, nước muối sinh lý. Nếu lấy được dị vật, nên rửa lại bằng nước muối sinh lý hoặc nước ấm lần nữa. Lưu ý không cố lấy những dị vật đã đâm vào nhãn cầu hay ở những vị trí khó để tránh làm tổn thương mắt nặng hơn. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để gắp dị vật.
Khi ra ngoài, nên tập cho bé thói quen đeo kính mát bảo vệ mắt. Mẹ nên chọn loại kính tốt, không làm méo hình ảnh khi đeo và thường xuyên đi trẻ khám mắt định kỳ để bảo vệ tốt cho cửa sổ tâm hồn.
MarryBaby