1. Công dụng ít ai biết của ngải cứu
Vốn được xem là cây thuốc quý, ngải cứu từ xưa không chỉ là món rau ngon, bổ mà còn cực kỳ tốt khi dùng để chữa bệnh. Tên khoa học của loại rau này là Artemisia Vulgaris, có mùi nồng, vị hơi đắng hoặc rất đắng tùy theo mùa.
Nhắc đến công dụng chữa bệnh của ngải cứu, có rất nhiều công dụng có thể bạn chưa biết. MarryBaby sẽ bật mí cho bạn ngay đây:
- Điều trị cơ thể suy nhược.
- Điều hòa kinh nguyệt.
- Cầm máu.
- Giúp vết thương mau lành.
- Trị mụn nhọt.
- Trị cảm cúm, ho, viêm họng, đau đầu, đau dây thần kinh.
- Giúp làm sạch và bổ sung độ ẩm cho da.
Vậy bà bầu có nên ăn ngải cứu?
2. Bà bầu có được ăn ngải cứu không? Bà bầu ăn ngải cứu có tốt không?
Sở hữu nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như vậy, nhưng liệu bà bầu có nên ăn ngải cứu, bà bầu có được ăn ngải cứu không? Dù vẫn chưa có bất kỳ một kết luận nào cho rằng ăn ngải cứu sẽ gây sảy thai ở người, đặc biệt là 3 tháng đầu, nhưng bạn nên tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ trước khi có ý định dùng món ngải cứu để ăn trong thai kỳ.
[inline_article id = 64067]
Nếu nằm trong nhóm mẹ bầu có cơ địa nhạy cảm, hoặc máu nóng, bạn nên hạn chế ăn ngải cứu trong tam cá nguyệt đầu tiên, bởi rất dễ xuất hiện cơn co tử cung, ra máu, dẫn đến sảy thai. Với nhóm mẹ bầu khỏe mạnh hơn và đã qua tam cá nguyệt đầu, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc ăn ngải cứu.
3. Lưu ý mẹ bầu cần biết khi ăn ngải cứu
– Nếu đã qua ba tháng đầu, đã hỏi ý kiến bác sĩ, bà bầu chỉ nên ăn ngải cứu khoảng 1-2 lần/tháng, mỗi lần từ 3-5 ngọn.
– Nếu có tiền sử sảy thai, sinh non, bạn không nên ăn ngải cứu, nhất là vào 3 tháng đầu. Theo Healthline, bạn không nên dùng ngải cứu nếu đang mang thai trong 3 tháng đầu và có cơ địa yếu, vì nó có thể gây sẩy thai.
NCBI đã tiến hành một nghiên cứu nhằm điều tra ảnh hưởng của việc tiêu thụ ngải cứu trong thời kỳ mang thai đối với khả năng sinh sản, phát triển thể chất và hành vi của chuột con từ những ngày sơ sinh đến cai sữa.
Chuột cái mang thai được chia thành ba nhóm và cho uống 80 và 150mg/kg/ngày chiết xuất methanol của ngải cứu trong suốt thời kỳ mang thai. Kết quả, chuột tiếp xúc với ngải cứu làm giảm đáng kể tỷ lệ sinh sản. Do đó nghiên cứu kết luận không nên dùng ngải cứu trong thời kỳ mang thai.
– Nếu mắc chứng rối loạn đường ruột cấp tính, mẹ bầu nên tránh xa ngải cứu, bởi ngải cứu là vị thuốc nhuận tràng, sẽ khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
– Tinh dầu trong ngải cứu có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là thành phần có độc tính. Do đó, nếu mắc bệnh viêm gan, bầu tuyệt đối không nên ăn, bởi rất dễ dẫn đến viêm gan cấp tính do trúng độc.
4. Bà bầu có nên ăn ngải cứu? Tác dụng phụ của ngải cứu
- Theo Healthline, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em nên tránh loại thảo mộc này do thiếu thông tin an toàn.
- Bệnh động kinh. Thujone kích thích não bộ và được biết là gây ra các cơn co giật. Ngải cứu cũng có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc chống co giật thông thường, chẳng hạn như gabapentin và primidone.
- Bệnh tim. Dùng loại thảo mộc này với thuốc trị bệnh tim warfarin có thể gây chảy máu đường ruột.
- Các vấn đề về thận. Ngải cứu là chất độc đối với thận và có thể làm tăng nguy cơ suy thận.
- Dị ứng. Nếu bạn bị dị ứng với các thành viên thuộc họ cúc, chẳng hạn như cỏ phấn hương và cúc vạn thọ, bạn cũng có thể phản ứng với cây ngải cứu.
- Ngải cứu với liều lượng cao có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, suy thận, buồn nôn, nôn mửa và co giật. Tuy nhiên, bạn khó có thể gặp phải những tác dụng phụ này nếu bạn dùng nó với liều lượng nhỏ, chẳng hạn như cho một ít vào trà.
5. Những món chế biến cùng ngải cứu
Dưới đây là các món chế biến với ngải cứu dành cho những người khỏe mạnh, bạn tham khảo nhé.
– Canh ngải cứu nấu thịt nạc: Bài thuốc chữa bệnh kinh nguyệt không đều, khí hư, đau bụng do lạnh.
Cách chế biến: Thịt heo băm nhỏ, ướp gia vị xào qua, nêm nước, đun sôi cho rau ngải cứu vào. Canh sôi, nêm vừa miệng, ăn nóng.
– Trứng gà ngải cứu: Giúp lưu thông máu, trị chứng đau đầu.
Cách chế biến: Xắt nhỏ ngải cứu, đánh tan đều với trứng gà, nêm gia vị, tráng chín.
– Cháo ngải cứu: Giảm đau xương khớp.
Cách chế biến: Thái nhỏ ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho một ít đường, ăn nóng.
6. Bà bầu có được ăn gà hầm ngải cứu không?
Bạn đang thắc mắc bà bầu có được ăn gà tần ngải cứu không, hãy đọc ngay nhé. Gà tần ngải cứu là một món ăn ngon, bổ dưỡng, giúp cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Song nếu bạn có cơ địa yếu, đã từng sảy thai, động thai, sinh non, tốt nhất bạn không nên ăn gà hầm ngải cứu.
Tuy nhiên, nếu bạn có cơ thể khỏe mạnh, bác sĩ cũng không căn dặn kiêng cữ ngải cứu, bạn có thể ăn. Nhưng cần nhớ là khi hầm gà với ngải cứu, bạn chỉ cho một ít vào cho thơm nước, ví dụ như 5-7 ngọn ngải cứu. Không cho nhiều hơn kẻo sẽ gây tác dụng ngược nhé bạn. Đồng thời cần nhớ nếu thèm quá thì mỗi tháng cũng chỉ nên ăn 1-2 lần thôi. Còn nếu muốn yên tâm hơn, bạn hãy hỏi kỹ ý kiến của bác sĩ về việc ăn gà tần ngải cứu khi mang thai.
Như vậy là bạn đã hiểu bà bầu có được ăn gà tần ngải cứu không. MarryBaby sẽ mách bạn cách làm gà hầm ngải cứu ngay sau đây!
7. Hướng dẫn cách làm món gà tần ngải cứu cho mẹ bầu
Bà bầu có được ăn gà hầm ngải cứu? Như MarryBaby đã đề cập bên trên, nếu khỏe mạnh, bác sĩ đồng ý, mẹ bầu có thể ăn nhé. Mách mẹ cách chế biến món gà tần ngải cứu như sau:
Nguyên liệu
– 5-7 ngọn ngải cứu không quá non cũng không quá già
– 1/2 con gà ta hoặc 1 con gà ác nhỏ, gà ri…
– 1 ít gừng
– Các loại gia vị như mắm, muối, hạt nêm, tiêu, 1 gói gia vị hầm gà mua tại các tiệm thuốc Bắc hoặc trong siêu thị.
Cách chế biến món gà tần ngải cứu:
– Gà làm sạch, để nguyên con hoặc nửa con, sát muối hoặc gừng cho sạch và không còn mùi tanh. Ngải cứu rửa sạch, để ráo.
– Cho thịt gà vào nồi, ướp gia vị bào gồm gừng đập giập, muối, tiêu, hạt nêm khoảng 1 tiếng cho gà ngấm gia vị. Như vậy khi hầm gà sẽ ngon và đậm đà hơn.
– Tiếp đến cho ngải cứu và cả gói thuốc Bắc (táo đỏ, kỷ tử, sâm, hạt sen…) vào. Đổ nước xâm xấp thịt gà. Hầm đến khi thịt gà chín mềm. Nếu dùng nồi áp suất, thời gian hầm sẽ mất khoảng 20 phút. Dùng nóng.
Đến đây hẳn mẹ bầu đã biết bà bầu có nên ăn ngải cứu hay không, bà bầu có được ăn gà hầm ngải cứu không rồi. Nếu thể trạng yếu ớt, có tiền sử sảy thai, sinh non, tốt nhất mẹ bầu không nên ăn ngải cứu nhé.
MarryBaby