1. Giữ quyền quyết định cho con ăn gì
Bạn quyết định và đi mua thực phẩm cho con kể cả việc lên kế hoạch khi nào sẽ ăn chúng. Mặc dù trẻ con sẽ không thích thú cho lắm với những loại thực phẩm ít dinh dưỡng nhưng người lớn phải biết rằng những loại thức ăn nào nên được chọn mua và lưu trữ. Trẻ con sẽ không ôm bụng đói khi đi chơi hay đi học. Bé sẽ ăn những món bạn đã để sẵn trong tủ lạnh. Nếu bé đặc biệt yêu thích một món nào đó dù trái với nguyên tắc dinh dưỡng, bạn vẫn có thể thỉnh thoảng mua để bé không cảm thấy bị áp đặt.
2. Cho trẻ quyết định chọn thức ăn trong danh mục
Từ những thức ăn bạn chọn và mua về, bạn hãy cho trẻ chọn những gì chúng muốn ăn. Lên giờ giấc thích hợp cho bữa chính và những lúc ăn vặt hợp lý, sau đó để trẻ lựa chọn những gì chúng muốn ăn và ăn bao nhiêu tùy thích. Điều này thoáng nghe thì có vẻ quá trái nguyên tắc nhưng nếu để ý chọn lựa thực phẩm kỹ càng ở bước 1, bạn sẽ không lo lắng về vấn đề trẻ ăn đồ ăn quá nhiều hay dễ béo phì.
3. Không ép trẻ ăn
Nhiều cha mẹ nghĩ trẻ đang “tuổi ăn tuổi lớn” nên thường có tâm lý cho con ăn càng nhiều càng tốt. Điều này không tốt cho sự phát triển của bé. Hãy để bé tự ngưng ăn khi cảm thấy no. Đó cũng là cách giúp bé lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình và tự cảm nhận bao nhiêu thức ăn là đủ và sẽ không bị tình trạng ăn quá no.
4. Bắt đầu những nguyên tắc từ sớm
Từ khi mới bắt đầu, trẻ sẽ dần hình thành những thói quen ăn uống như thích và không thích ăn món gì. Bạn nên cho bé một chế độ ăn uống phong phú với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Đừng ép trẻ phải ăn, hãy bắt đầu cho trẻ ăn món mới một cách từ từ. Ban đầu có thể thử nói với bé “chỉ cắn một miếng thôi”, sau đó tập cho trẻ quen dần dần.
5. Viết lại thực đơn của bé
Ai bảo trẻ con chỉ thích ăn hot dog, pizza, burger hay phô mai, macaroni? Trong bữa ăn, hãy để trẻ thử khám phá những loại thức ăn mới và có thể trẻ sẽ rất hào hứng với việc này. Có thể bắt đầu bằng cách để trẻ thử đoán về món khai vị mới lạ. Hỏi ý kiến trẻ về món mới, nên thêm bớt gì vào đó…
6. Tính lượng calories trong đồ uống
Nếu không để tâm nhiều đến đồ uống, soda hay những thức uống ngọt khác chứa nhiều calories có thể phá hỏng chương trình ăn uống khoa học của bạn dành cho bé. Nước lọc và sữa là hai loại đồ uống tốt nhất cho trẻ con. Nước trái cây chỉ tốt khi chúng được ép nguyên chất. Hãy nhớ rằng, trẻ con chỉ cần khoảng 100g – 200g trái cây mỗi ngày là đủ.
7. Hạn chế đồ ngọt
Một vài trường hợp ăn đồ ngọt cũng tốt nhưng bạn đừng để chúng có mặt thường xuyên trong món tráng miệng. Đừng để trẻ mong đến giờ ăn tối chỉ để được ăn chiếc bánh cupcake ngọt ngào. Hãy cân bằng dinh dưỡng giữa các loại đồ ăn trong thực đơn của bạn.
8. Không thể hiện tình yêu bằng đồ ăn
Đừng dùng món ăn làm quà thưởng cho bé hay thể hiện tình yêu con của mình bằng cách cho bé ăn thật nhiều. Thể hiện bằng những lời khen, sự quan tâm hay những cái ôm tình cảm sẽ tốt hơn đấy bạn ạ
9. Cha mẹ ăn giống trẻ
Bao giờ cha mẹ cũng là tấm gương để trẻ noi theo. Bạn đừng bao giờ bỏ bữa, hãy ăn chế độ giống như trẻ và cả biết chọn những loại quà vặt nào tốt cho sức khỏe. Bạn hãy làm tất cả những gì bạn muốn bé làm, bé con sẽ hành xử giống cha mẹ mà thôi.
10. Hạn chế thời gian trẻ xem TV và ngồi máy tính
Vừa xem TV vừa ăn uống thường rất khó để kiểm soát mình đã ăn bao nhiêu lượng thức ăn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ được cha mẹ cắt giảm thời gian xem TV có thể giảm béo nhanh hơn vì trẻ có nhiều hoạt động tay chân và thậm chí còn nhanh nhẹn, linh hoạt hơn.