Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em là nỗi lo của rất nhiều cha mẹ hiện nay. Khi não bộ bị giới hạn một số chức năng thì chỉ số thông minh của trẻ sẽ chỉ dưới mức trung bình.
Tuy nhiên thay vì lo lắng hoặc buồn phiền về vấn đề này, hãy theo dõi tiếp bài viết sau đây để hiểu đúng và có phương pháp điều trị phù hợp với từng mức độ chậm phát triển của bé bạn nhé!
Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ là gì?
Chậm phát triển trí tuệ là sự khiếm khuyết trong việc phát triển trí não và thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Những đứa bé này thường có một số giới hạn về chức năng não bộ và về các khả năng khác như đối thoại, tự chăm sóc, hành xử xã hội…
Bên cạnh đó, trẻ cũng có chỉ số thông minh (IQ) thấp và thường không kiểm soát được những hành vi hung hăng của mình. Do đó, bé dễ bị kích động trước những tình huống đơn giản.
Nguyên nhân trẻ chậm phát triển trí tuệ
Nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển trí óc được xác định là do mặt di truyền và môi trường. Trẻ được sinh ra từ bố mẹ có chậm phát triển trí tuệ có nguy cơ cao về các khuyết tật về phát triển, nhưng sự di truyền thường không rõ ràng.
Mặc dù có các tiến bộ trong các nghiên cứu di truyền, chẳng hạn như phân tích vi mô nhiễm sắc thể và toàn bộ trình tự gen của các vùng mã hóa (exome), đã làm tăng khả năng xác định nguyên nhân của tình trạng này, nhưng nguyên nhân cụ thể là do đâu khiến trẻ bị chậm phát triển thì vẫn khó có thể đưa ra một cách chính xác được.
Sự thiếu hụt ngôn ngữ và kỹ năng cá nhân – xã hội có thể là do trong quá khứ, trẻ gặp phải vấn đề về tình cảm. Sự thiếu thốn về môi trường sống, rối loạn học tập cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ.
>> Mẹ có thể tham khảo: Những dấu hiệu cho thấy bé chậm nhịp phát triển
Phân loại dấu hiệu trẻ chậm phát triển bạn nên biết
Biểu hiện của trẻ chậm phát triển trí tuệ được chia thành 4 cấp độ, cụ thể:
1. Chậm phát triển trí tuệ mức nhẹ
Có khoảng 80% bé bị chậm trí tuệ rơi vào loại này. Chỉ số IQ của trẻ thường dao động từ 50 – 75 và bé có thể theo học tiểu học.
Biểu hiện của trẻ phát triển trí tuệ chậm đó là thường mất khá nhiều thời gian để học kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, nếu được giáo dục đúng cách, trẻ hoàn toàn có thể giao tiếp tốt với người khác.
Một số đặc điểm phổ biến là trẻ gặp khó khăn với việc viết và đọc, trẻ không thể đưa ra quyết định. Khi lớn lên, trẻ có thể tự lập với sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng.
>> Mẹ có thể tham khảo: 3 tuyệt chiêu nuôi con toàn diện và các cách dạy con thông minh
2. Đặc điểm của trẻ chậm phát triển trí tuệ ở mức trung bình
Có khoảng 10% trẻ chậm trí thuộc loại này. IQ của trẻ là từ 35 – 55. Trẻ có thể tự thực hiện các công việc cá nhân như tắm, ăn và đi vệ sinh với sự hướng dẫn của bố mẹ.
Biểu hiện của trẻ phát triển trí tuệ kém đó là học khá chậm nhưng trẻ vẫn có thể học viết, đọc và đếm cơ bản. Khi lớn lên, trẻ thường sống tại các trung tâm cộng đồng dưới sự giám sát và trông nom.
3. Chậm phát triển trí tuệ mức nặng
Khoảng 3 – 5% trẻ bị khuyết tật trí tuệ rơi vào nhóm này với IQ từ 20 – 40. Trẻ có thể học được một số kỹ năng cơ bản để chăm sóc bản thân và kỹ năng giao tiếp. Khi lớn lên, trẻ có thể sống tại các nhà tập thể có giám sát.
4. Dấu hiệu trẻ chậm phát triển đặc biệt (rất nặng)
Chỉ 1 – 2% trẻ chậm phát triển trí tuệ rơi vào nhóm này. IQ của trẻ nằm dưới 20 – 25. Trẻ có thể học các kỹ năng giao tiếp cơ bản và kỹ năng tự chăm sóc bản thân với sự hỗ trợ của người lớn. Trẻ bị tổn thương thần kinh và cần sự theo dõi, giúp đỡ thường xuyên.
Biểu hiện của trẻ chậm phát triển trí óc
Sau đây là một số dấu hiệu trẻ chậm phát triển giúp bố mẹ nhận biết con mình có chậm phát triển về trí tuệ hay không:
- Biết ngồi hoặc đi trễ hơn các trẻ cùng độ tuổi.
- Nói không rõ ràng, bập bẹ.
- Trí nhớ kém, khó ghi nhớ các thông tin đơn giản như: Tên, sự việc vừa mới xảy ra.
- Việc học các kỹ năng như: Ăn uống, mặc áo quần,… và kiến thức thường chậm, cần sự giúp đỡ của người khác.
- Kém tập trung, khó hiểu hoặc không thể suy nghĩ một cách logic.
Trẻ chậm phát triển trí tuệ có chữa khỏi được không?
Những trẻ phát triển trí tuệ kém nên được theo học ở các trường đặc biệt. Việc học này nên được bắt đầu khi trẻ được 3 tháng và ở trường, sẽ có một số chương trình can thiệp sớm.
Nội dung học chủ yếu là cung cấp cho trẻ một số kỹ năng cơ bản trong cuộc sống như ăn uống, nhận biết bảng chữ cái và chữ số và kỹ năng giao tiếp.
Một số hoạt động xã hội và ngoại khóa cũng giúp trẻ tự tin hơn. Tùy thuộc vào mức độ mà trẻ có thể theo học những chương trình khác nhau.
Trẻ chậm phát triển nhẹ có thể được hỗ trợ để sống độc lập và làm một số công việc đơn giản. Trong khi những trẻ ở mức độ vừa phải đến rất nặng phải sống tại các trung tâm cộng đồng dưới sự giám sát và trông nom.
Bố mẹ cũng thực hiện một số biện pháp tại nhà để cải thiện tình trạng này. Bạn nên tạo ra một môi trường thân thiện và ấm cúng để trẻ có thêm sự dũng cảm và động viên.
>> Mẹ có thể tham khảo: Top 5 món đồ chơi cho bé giúp kích thích trí não
Biện pháp ngăn ngừa trẻ chậm phát triển bạn nên biết
Để phòng tránh dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ, dưới đây sẽ là một số lời khuyên hữu ích dành cho các ông bố và bà mẹ đối với sức khỏe não bộ của bé:
1. Sức khỏe của người mẹ trong khi mang thai:
- Không hút thuốc;
- Không uống rượu và sử dụng chất kích thích;
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo bão hòa và đa dạng các loại ngũ cốc, hoa quả và rau;
- Bổ sung axit folic;
- Đi khám bác sĩ định kỳ.
2. Sau khi sinh con:
- Sàng lọc bệnh có thể gây khuyết tật trí tuệ ở trẻ sơ sinh;
- Khuyến khích việc làm tốt của trẻ tại thời điểm thích hợp;
- Đội mũ bảo hiểm cho trẻ;
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với sơn có chứa chất chì;
- Để xa các vật dụng có chứa chất độc hại ra khỏi tầm với của trẻ;
- Trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm virus thì không nên dùng Aspirin, vì nguy cơ mắc hội chứng Reye. Hãy hỏi bác sĩ chuyên khoa về những loại thuốc an toàn cho trẻ.
>> Mẹ có thể tham khảo: Trẻ mấy tháng biết đi và dấu hiệu con chậm phát triển
Tóm lại:
Mong rằng những thông tin hữu ích trong bài viết này của MarryBaby sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề chậm phát triển trí tuệ và tìm ra phương pháp thích hợp nhất để cải thiện chỉ số thông minh cũng như sự phát triển toàn diện của con nhé!