Chăm sóc sức khỏe
1. Tranh thủ ngủ nhiều hơn
Bạn nên tận dụng khoảng thời gian này để ngủ càng nhiều càng tốt. Không cần đợi những đêm mất ngủ khi có con nhỏ, ngay trong giai đoạn mang thai, bạn sẽ được trải nghiệm những đêm trằn trọc để tìm giấc ngủ khi mà những cơn ợ nóng và cảm giác mắc tiểu cứ ghé thăm liên tục. Ngoài ra, những phụ nữ thường xuyên thiếu ngủ còn có thể gặp vấn đề về rụng trứng và khả năng thụ thai. Do đó, không có lý do gì mà các chị em đang mong có con lại không đầu tư nhiều thời gian hơn cho những giấc ngủ.
2. Kiểm soát cân nặng
Nếu bạn muốn giảm vài kg, đây là thời điểm để bạn thực hiện điều đó. Không chỉ vì việc giảm cân sẽ giúp cho những phụ nữ thừa cân, béo phì dễ mang thai hơn mà còn vì việc đó sẽ giúp bạn có được một thai kỳ khoẻ mạnh và ít gặp nguy hiểm khi sinh nở. Nên bắt đầu tập thể dục kết hợp với một chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay từ bây giờ, cho dù chỉ là đi bộ vài lần một tuần, và đảm bảo là bạn sẽ bám sát chế độ này trong suốt thời kỳ mang thai. Việc này sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau khi sinh. Nếu bạn đang quá ốm, bạn nên kiểm tra với bác sĩ để xem bạn nên tăng bao nhiêu kg. Quá ốm có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không ổn định, một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng thụ thai ở nữ giới. Cân nặng lý tưởng cho việc chuẩn bị mang thai là chỉ số BMI nằm trong khoảng 19 đến 24.
3. Bổ sung dưỡng chất
Bất kỳ phụ nữ nào đang dự tính có con trong vòng 3-6 tuần tới đều nên bắt đầu uống một viên vitamin tổng hợp và 400 mg axit folic mỗi ngày. Nạp đủ lượng vitamin B này sớm và trước khi mang thai có thể giảm 70% tỷ lệ khuyết tật não và xương sống ở bé. Viên vitamin tổng hợp chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho một thai kỳ khoẻ mạnh như chất sắt giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, canxi giúp răng và xương chắc khoẻ. Mách nhỏ cho bạn là nên uống thuốc sau khi đánh răng vào buổi sáng hoặc cất vào hộp thuốc ở công ty và cài chế độ ghi nhớ bằng email để uống thuốc khi bạn vừa vào công ty. Nếu bạn ghét uống thuốc viên, bạn có thể mua dạng viên sủi. Bắt đầu thói quen này ngay từ bây giờ sẽ khiến bạn dễ nhớ hơn một khi bạn đã có thai.
4. Tìm hiểu phương thuốc giảm stress hiệu quả
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc bị stress một cách nghiêm trọng có thể ảnh hướng xấu tới khả năng thụ thai của phụ nữ bằng cách làm chậm quá trình rụng trứng hoặc làm giảm khả năng bám giữ của trứng trong tử cung. Nếu bạn là một người vốn dĩ nhạy cảm, bạn có thể gặp căng thẳng gấp bội lần khi mang thai. Do đó, bạn cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để chào đón bé. Đảm bảo rằng bạn giữ được bình tĩnh và chuẩn bị tốt cho thiên chức làm mẹ. Bạn cũng cần tìm hiểu xem điều gì có thể giúp bạn thư giãn tốt nhất. Đó có thể là nhâm nhi tách trà và xem lại những bộ phim cũ, đi dạo hoặc chỉ đơn giản là tán gẫu với bạn bè. Cho dù đó là gì đi chăng nữa, nếu bây giờ nó có hiệu quả với bạn, nó cũng sẽ giúp ích cho bạn khi đang có thai và cả sau khi bé chào đời. Một lời khuyên nhỏ là bạn nên đặt cuốn tạp chí yêu thích ngay đầu giường và xem lướt qua khoảng 15 phút trước khi ngủ. Các nghiên cứu cho thấy những bài viết trong tạp chí có thể giúp bạn cảm thấy lạc quan và ít lo lắng hơn.
Sẵn sàng để có em bé
1. Ngưng dùng thuốc tránh thai
Bạn nên ngưng dùng thuốc tránh thai một vài tháng trước khi lên kế hoạch bắt đầu mang thai. Điều này sẽ giúp bạn theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình chính xác hơn và nhờ thế bạn có thể tính được thời điểm rụng trứng, từ đó xác định được thời điểm dễ thụ thai nhất. Nếu bạn đã dùng thuốc một thời gian, chu kỳ của bạn có thể khác với thời điểm trước khi dùng thuốc. Phải mất một thời gian sau khi ngưng dùng thuốc, số lượng hormone trong cơ thể mới trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu chu kỳ của bạn vẫn không ổn định sau 3 tháng thì bạn nên đi khám bác sĩ.
2. Hỏi mẹ của bạn về kinh nghiệm mang thai
Không chỉ là mẹ mà còn có chị, dì và bà đều là những người bạn có thể học hỏi kinh nghiệm làm mẹ. Một số vấn đề về sức khoẻ nhất định có thể di truyền giữa các thành viên trong một họ và lời khuyên cho bạn là nên kiểm tra lại lịch sử gia đình, sau đó thông báo những thông liên quan cho bác sĩ. Tuy nhiên không cần lo lắng quá mức. Chỉ vì chị gái bạn mất một năm mới có thai không có nghĩa là nhất thiết bạn cũng sẽ gặp tình huống tương tự. Những vấn đề liên quan đến khả năng thụ thai phổ biến như chất lượng trứng kém vì tuổi tác, ống dẫn trứng bị tắc không di truyền, nhưng một số bệnh như u nang buồng trứng hoặc u xơ tử cung thì có thể di truyền. Bác sĩ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về những vấn đề sức khoẻ mang tính di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của bạn để bạn có thể chuẩn bị ứng phó với chúng tốt hơn một khi bạn mang thai.
3. Khám bác sĩ
Bạn nên kiểm tra sức khoẻ tổng quát ít nhất 3 tháng trước khi bạn lên kế hoạch mang thai, đặc biệt nếu trước đây bạn không thường xuyên đi khám bác sĩ. Bạn sẽ được kiểm tra xem đã chủng ngừa đầy đủ hay chưa, kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục, các bệnh về tim mạch như cao huyết áp và cholesterol, cả những bệnh kinh niên như tiểu đường, hen suyễn hoặc những bệnh về tuyến giáp. Tốt hơn là bạn nên dẫn chồng đi khám cùng vì đa số đàn ông ít đi khám bác sĩ hơn phụ nữ. Kiểm tra sức khoẻ tổng quát có thể đảm bảo anh ấy không mắc bất kỳ bệnh gì hoặc đang dùng loại thuốc nào đó có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, gây ảnh hưởng cho khả năng thụ thai. Phụ thuộc vào trường hợp cụ thể của bạn, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn làm thêm xét nghiệm về di truyền. Đây là cơ hội tốt để chắc rằng những loại thuốc bạn đang dùng không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và bạn nên hỏi bác sĩ những gì còn thắc mắc về việc mang thai.
Cuối cùng, hãy tận dụng lần khám này để duy trì mối quan hệ tốt với bác sĩ và đảm bảo bác sĩ đó là người bạn sẽ muốn tiếp tục theo khám khi mang thai. Nên tìm hiểu trước xem bác sĩ của bạn có nhận khám cho thai phụ hay không. Nếu đó không phải bác sĩ sản khoa, liệu bác sĩ có dành thời gian giải đáp những câu hỏi của bạn một cách đầy đủ và cẩn thận không? Mang thai là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của bạn, vì thế, bạn cần tìm một bác sĩ mà bạn hoàn toàn cảm thấy tin tưởng và thoải mái khi thăm khám.
4. Không nên quên nha sĩ
Điều này có vẻ như không liên quan gì đến việc thụ thai, nhưng việc kiểm tra răng miệng trước khi mang thai là một hành động khôn ngoan. Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sức khoẻ răng miệng liên quan đến sức khoẻ thai kỳ; những phụ nữ bị những vấn đề về răng miêng sẽ dễ bị sảy thai và sinh non hơn. Trên thực tế, việc chải răng, súc miệng và khám nha sĩ thường xuyên có thể giảm nguy cơ sảy thai tới 70%. Đừng quên rằng việc chụp X quang trong nha khoa vốn chống chỉ định với thai phụ.
Tận hưởng cuộc sống
1. Đi xem phim
Xem càng nhiều phim màn ảnh rộng khi bạn có thể. Một khi đã có thai, việc ngồi im một chỗ trong vài tiếng cùng với việc phải đi vệ sinh liên tục có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, nếu bạn vẫn hay ngủ gục khi xem phim, điều này sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi bạn có thai.
2. Chụp hình
Nếu lần cuối cùng bạn chụp hình là vào tuần trăng mật thì đây là thời điểm bạn nên bắt đầu chụp nhiều hình hơn, không chỉ hình bạn và chồng mà còn là hình ngôi nhà của bạn hoặc là nơi các bạn gặp nhau, hoặc bất cứ cái gì giúp gợi nhớ tới bạn vào thời điểm trước khi có thai. Đây thật sự là khoảng thời gian tuyệt vời trong cuộc đời của bạn, khi bạn có thể thật sự nhận ra hai bạn không phải chăm sóc ai, và rồi một ngày các bạn sẽ thích thú khi xem lại chúng. Hơn nữa, các bé sẽ thích xem những tấm hình này. Các bé sẽ tự hỏi “Cuộc sống bố mẹ như thế nào trước khi con được sinh ra?” và những tấm ảnh này sẽ trả lời cho bé.
3. Đi ăn nhà hàng
Cơ hội thích hợp để bạn và chồng đến một vài quán ăn địa phương nếm thử đã đến. Hãy bắt đầu bằng việc liệt kê các quán mà bạn yêu thích và cùng chồng tận hưởng những buổi tối thứ bảy bằng cách lần lượt thử từng quán. Rõ ràng là bạn vẫn có thể đi ăn ngoài khi có thai nhưng sẽ không được ăn thoải mái tất tần tật các món như trước. Còn một điều nữa, bữa tối có thể không trọn vẹn nếu bạn không thể nhấm nháp chút rượu. Những khó khăn khi mang thai như ốm nghén, ợ nóng, hoặc thậm chí là thèm ăn những món kỳ lạ có thể khiến khẩu vị của bạn thay đổi. Vì thế hãy lên kế hoạch ăn tối bên ngoài ngay từ bây giờ và hãy gọi bất cứ món gì bạn muốn thử mà không cần suy nghĩ hai lần.
4. Du lịch cùng bạn bè
Nếu hỏi các chị em bầu điều gì làm họ “nhớ” nhất khi mang thai, chắc hẳn bạn sẽ nghe không ít câu trả lời là “du lịch”. Không chỉ đi du lịch cùng chồng tới những địa điểm mơ ước, bạn còn có thể đi cùng bạn bè, đặc biệt là những người không phải bận rộn chuẩn bị cưới hỏi, con cái. Đừng quên là trong thời kỳ mang thai bạn cần sự ủng hộ của bạn bè cũng nhiều như sự ủng hộ từ chồng. Có một chuyến du lịch hoàn toàn không lo lắng gì là cách tốt để kỷ niệm những mối quan hệ như thế này và tạo thêm ký ức để đời cho bạn.
Chuẩn bị cho tương lai
1. Giải quyết vấn đề nhà ở
Bạn có cần chuyển đến một nơi rộng rãi hơn, một vị trí tốt hơn, hoặc bất kỳ vấn đề nào khác về nhà ở không? Lời khuyên của chúng tôi là hãy làm điều đó sớm. Tìm được một nơi lý tưởng mà bạn muốn ở đó ít nhất là vài năm và cảm giác vui vẻ đối với nhà ở sẽ giúp bạn sẵn sàng hơn cho việc mang thai. Bạn không phải lo lắng về việc di chuyển, cải tạo, mua bán nhà cửa một khi bạn đã có thai. Không ai muốn phải dọn nhà khi đã mang thai 8 tháng đúng không nào?
2. Giải quyết công việc
Mặc dù không có luật nào nói rằng bạn không thể tìm việc khi có thai. Tuy nhiên, bây giờ là thời điểm tốt để bạn thay đổi chỗ làm nếu cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại. Còn một điều nữa, bạn cần làm việc tại một công ty ít nhất là 12 tháng để được hưởng trợ cấp thai sản. Thử nhìn lại sự nghiệp của bạn và tự hỏi bản thân những câu sau: Giờ làm việc như thế có phù hợp với bạn không? Công việc có đủ linh động để bạn có thời gian chăm sóc bé không? Bạn có gặp trở ngại gì trong vấn đề di chuyển giữa nhà và công ty hay không? Những người mới làm bố mẹ ở công ty bạn có hài lòng với công việc và chính sách công ty? Nếu đa số câu trả lời của bạn là không, bạn có thể cân nhắc việc tìm kiếm một công việc mới.
3. Tiết kiệm tiền
Bạn sẽ phải bắt đầu chi tiêu nhiều thứ như tiền tã, những vật dụng cần thiết cho bé, tiền học phí… Và một khi bạn đã mang thai, chắc chắn là bạn nên tiết kiệm. Việc có thai có thể khiến bạn tốn nhiều chi phí hơn dự tính, ngoài chi phí khám bác sĩ định kỳ, bạn còn phải mua thêm đồ bầu mới… Nếu bạn chi tiêu tiết kiệm ngay từ bây giờ, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và an tâm hơn khi biết rằng bạn có một khoản tiết kiệm nho nhỏ trước khi có thai.
4. Trao đổi với chồng về việc làm bố mẹ
Hầu hết các bà mẹ đều đồng ý rằng việc trao đổi với chồng về những vấn đề phát sinh khi làm bố mẹ như chia sẻ việc chăm sóc bé, công việc nhà, cùng nhiều vấn đề khác trước khi bạn bắt đầu cố gắng có thai là rất quan trọng. Tuy nhiên, trước khi hai bạn bắt đầu thảo luận những ý kiến khác nhau về việc cắt bao quy đầu cho bé nếu là bé trai, cho bé học trường công hay trường tư, hoặc những vấn đề khác, nên nhớ rằng bạn có thể sẽ thay đổi suy nghĩ về những vấn đề này trong tương lai.