Categories
Sức khỏe - Dinh dưỡng Chuẩn bị mang thai

Ăn đúng để tăng khả năng sinh sản

Một chế độ ăn thúc đẩy sinh sản sẽ khác với kiểu ăn uống lành mạnh thông thường và có thể khác rất nhiều so với cách ăn uống hiện tại của bạn. Có những thực phẩm xa lạ, mới mẻ hoặc thậm chí nghe có vẻ kỳ lạ

Cũng như các dưỡng chất trong thực phẩm có thể giúp ích cho việc sinh sản, có một số thức ăn và hóa chất được bổ sung vào thực phẩm dễ gây hại cho sức khỏe và khả năng sinh sản. Khi lên thực đơn dinh dưỡng trước khi mang thai, bạn nhớ lưu ý 9 điều sau nhé!

Ăn uống tăng khả năng sinh sản
Để duy trì một hệ sinh sản khỏe mạnh, dinh dưỡng là yếu tố đầu tiên bạn cần lưu ý

1/ Ăn nhiều rau và trái cây 

Ưu tiên các loại rau, trái cây hữu cơ nhiều dinh dưỡng và không có hóa chất độc hại. Sản phẩm thông thường chứa các thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu có hại đã được chứng minh là gây tác động tiêu cực lên khả năng sinh sản của cả nam lẫn nữ.

2/ Ăn sản phẩm bơ sữa thô, còn nguyên chất béo, hữu cơ

Cần lưu ý rằng những thực phẩm bơ sữa như sữa và phô mai có thể làm cơ thể sung huyết. Trong trường hợp bị các vấn đề sinh sản như buồng trứng đa nang và lạc nội mạc tử cung, thực phẩm bơ sữa có thể khiến tình trạng mất cân bằng xấu hơn. Bạn nên quan sát xem cơ thể mình phản ứng thế nào với nó. Cần tránh những thực phẩm bơ sữa phi hữu cơ vì nó chứa các hoóc-môn và chất kháng sinh bổ sung có thể góp phần gia tăng nồng độ estrogen trong cơ thể.

3/ “Kết thân” với cá nước lạnh

Cá cung cấp các a-xit béo thiết yếu hỗ trợ cho quá trình sản xuất hormone, giảm sưng viêm, và giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Cá còn là một nguồn protein và vitamin A tuyệt vời. Tránh ăn cá biển lớn như cá ngừ vây vàng, cá kiếm và cá mú Chile vì chúng có khả năng chứa nhiều thủy ngân. Tốt nhất, nên ưu tiên các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá tuyết và cá bơn. Đặc biệt, khi chọn cá hồi, bạn nên tránh mua cá hồi nuôi vùng Bắc Đại Tây Dương và thay vào đó chọn cá hồi hoang dã. Cá hồi nuôi có các chất kháng sinh và màu nhuộm thực phẩm độc hại.

[inline_article id=63372]

4/ Chọn thịt từ động vật ăn cỏ và hữu cơ

Gia súc được nuôi theo cách thông thường chứa hàm lượng cao các hoóc-môn bổ sung và thuốc kháng sinh có thể góp phần gây ra tình trạng dư thừa estrogen. Mặt khác, thịt từ gia súc ăn cỏ lại là nguồn cung cấp tốt axit béo thiết yếu, ít chất béo bão hòa và là nguồn protein tuyệt vời. Nếu đang bị lạc nội mạc tử cung, bạn nên giảm bớt lượng thịt đỏ nạp vào cơ thể. Một nghiên cứu đã chứng minh có mối liên quan giữa mức tiêu thụ thịt đỏ cao với bệnh lạc nội mạc tử cung.

5/ Chỉ chọn thịt gà thả vườn/hữu cơ

Gà nuôi theo kiểu thông thường sống trong môi trường bẩn, chuồng trại chật hẹp, ăn uống phi hữu cơ và thường bị cho ăn thực phẩm biến đổi gien. Vì vậy, khi mua thịt gà, bạn nên chọn gà không nuôi nhốt, thả vườn hoặc hữu cơ. Lý tưởng nhất là mua thịt gà từ một nông trại địa phương chuyên nuôi gà đi bộ.

6/ Chỉ ăn ngũ cốc nguyên hạt 

Ngũ cốc nguyên hạt chứa đầy chất xơ, các vitamin quan trọng và những thành phần bổ trợ tiêu hóa. Chất xơ giúp cơ thể loại bỏ các hoóc-môn dư thừa và giữ lượng đường huyết ở mức cân bằng. Tránh dùng thực phẩm và ngũ cốc đã qua chế biến cũng như loại trắng tinh chế như bánh mì trắng, pasta làm từ bột hòn, và gạo trắng. Thay vào đó, bạn nên chọn bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt hoặc ngũ cốc nguyên hạt cho nảy mầm, pasta bột gạo hoặc lúa mì nguyên hạt, hạt quinoa (diêm mạch) và gạo nâu.

Ngũ cốc nguyên hạt tăng khả năng sinh sản
Giàu vitamin, chất xơ, các loại ngũ cốc nguyên hạt là lựa chọn tuyệt vời tăng cường sức khỏe sinh sản

7/ Ăn thực phẩm nhiều chất xơ 

Chất xơ giúp điều hòa lượng đường huyết nhờ đó giảm các vấn đề về sinh sản như PCOS, các rắc rối liên quan đến hệ miễn dịch đồng thời tăng cường sự cân bằng hoóc-môn khỏe mạnh. Một số ví dụ cho thực phẩm giàu chất xơ là trái cây, rau, rau rậm lá màu tối và đậu.
Tránh dùng đậu nành ở bất kỳ hình thức nào trừ dạng được lên men như miso (món Nhật) và tempeh (món đậu nành lên men chiên giòn của Indonesia).

Thực phẩm từ đậu nành đã được chứng minh là chứa các đặc tính bắt chước estrogen. Tốt nhất không nên chọn những thực phẩm đậu nành đã qua chế biến như sữa đậu nành, burger đậu nành, bột protein đậu nành, khoai đậu nành chiên (giống khoai tây chiên), thịt đậu nành và phô mai đậu nành để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực lên sự cân bằng hormone. Nếu bạn đang bị chứng giảm hoạt động của tuyến giáp, cần tránh xa đậu nành hoàn toàn.

8/ Tránh dùng đường tinh luyện hoặc nước ép đóng chai

Nước ép được tiệt trùng như nước táo, nước cam đóng chai và những loại nước ép trái cây đóng hộp khác chứa đường cô đặc, có thể làm rối loạn mức đường huyết của bạn và tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch. Ngoài ra, cần tránh dùng bất kỳ loại đường đã qua xử lý/tinh luyện và nhân tạo. Bạn có thể dùng đường nâu, đường thốt nốt, đường phèn, mật ong để thay thế.

9/ Uống nhiều nước sạch

Hàng ngày bạn cần đảm bảo uống nước sạch, tinh khiết hoặc đã được lọc. Tốt nhất nên tránh uống nước đóng chai vì một số loại nhựa trong chai có thể góp phần tăng mất cân bằng hoóc-môn. Tránh nước máy, vì nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy nước máy bị lẫn các thuốc trừ sâu độc hại từ nạn ô nhiễm đất nông nghiệp.

[inline_article id=88601]