Categories
Sức khỏe - Dinh dưỡng Chuẩn bị mang thai

Những điều cần thống nhất trước khi làm cha mẹ

Làm cha mẹ là một quá trình đầy thử thách. Để khởi đầu nhẹ nhàng và thuận lợi hơn, tránh những cãi vã và bất hòa không nên có, các ông bố, bà mẹ tương lai nên thống nhất trước môt số vấn đề trước khi đón nhận vai trò mới

1. Chăm con như thế nào?

Ngày càng có nhiều đấng mày râu trực tiếp tham gia vào việc chăm sóc con nhỏ. Trong lúc các bà mẹ chịu trách nhiệm cho con bú, nấu đồ ăn dặm… thì bố có thể trợ giúp trong việc thay tã, đọc truyện cổ tích… Có thể bà mẹ sẽ đóng góp phần lớn trong nỗ lực nuôi nấng con nhỏ, nhưng cũng có thể các ông bố sẽ đồng ý làm tất cả các công việc trong bảng phân công công việc hàng ngày. Tuy lúc này bố mẹ chưa hình dung rõ về những điều phải làm, nhưng việc biết trước những gì mình mong đợi ở người kia và ngược lại sẽ giúp ngăn tình trạng khủng hoảng tâm lý sau khi sinh rất hữu hiệu.

Thống nhất trước khi làm cha mẹ
Có ít nhất 10 vấn đề mà các cặp đôi phải thống nhất trước khi muốn làm cha mẹ

2. Ngủ cùng con hay để bé vào nôi?

Thực tế, việc ngủ cùng con sẽ tiện cho các phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ hơn. Đặc biệt, trong những ngày đầu mới sinh, khi cơ thể còn rất mệt mỏi thì bạn sẽ chẳng thích phải đứng dậy, đi đến nôi và bế con ra chút nào. Tuy thế, hầu hết các chuyên gia y tế đều khuyên nên để bé ngủ riêng để tránh nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Nhưng sau rốt, quyết định vẫn nằm trong tay mẹ. Nếu để con nằm chung, bố mẹ nên chọn loại nệm rộng rãi và có gối chặn để tránh nằm đè lên bé trong lúc ngủ say.

3. Con tên gì?

Đặt tên cho con, đó là một quyết định có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của bé. Chính vì vậy, đây là “khâu” dễ gây bất đồng trong quá trình chuẩn bị làm cha mẹ. Một số ý tưởng giúp đặt tên hay cho bé bao gồm đặt tên theo người nổi tiếng, đặt tên theo 4 mùa, theo mong muốn của cha mẹ… Nếu vẫn chưa tìm được tên thích hợp cho con, bố mẹ thử sử dụng ứng dụng đặt tên của MarryBaby nhé.

4. Thay đổi những thói quen xấu

Làm cha mẹ, chúng ta không chỉ là tấm gương để con trẻ noi theo mà mỗi thói quen còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bé. Chính vì vậy, bố mẹ cần thống nhất việc thay đổi những thói quen hay một nếp sống như hút thuốc lá, nuôi chó mèo, uống rượu, hay chửi thề… trước khi có con. Đây là một thử thách khó khăn với rất nhiều người.

5. Cách nuôi con trong 6 tháng đầu

Vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức rất đáng để bàn luận trước khi có con. Nhiều người mẹ quyết tâm theo đuổi cách nuôi con truyền thống, nhưng để đạt kết quả tốt thì không thể thiếu sự hỗ trợ của các ông bố, bởi tâm lý có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sữa mẹ. Vì thế, nếu mẹ mong muốn nuôi con bằng sữa mẹ thì nên “tranh thủ” thêm sự giúp đỡ của bố để có thêm thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Nếu chọn sữa công thức, cả hai nên thống nhất cách giải quyết đối với những ý kiến trái chiều từ người thân hay những người bên ngoài như thế nào.

[inline_article id=39433]

6. Công việc của cả hai

Nếu cả bố và mẹ đều đặt sự nghiệp lên hàng đầu thì liệu đây đã là lúc thích hợp để có con hay chưa? Nếu có con thì ai sẽ là người cần phải “hi sinh” nhiều hơn, lùi lại một bước để tạo đà cho sự phát triển lâu dài của con? Nếu mẹ ở nhà thì trách nhiệm của bố và mẹ thay đổi như thế nào? Nếu bố ở nhà chăm con thì sao?

7. Ngân sách gia đình

Đây là vấn đề muôn thuở đối với những người làm cha mẹ. Bạn muốn nuôi con như thế nào? Để dành được tiền tiết kiệm nhưng phải dè sẻn tiêu pha hết mực hay thoải mái một chút và giảm bớt khoản tiền để dành lại? Bạn sẽ cho con học trường công hay trường quốc tế? Ngay cả những vấn đề rất nhỏ như con sẽ dùng loại tã nào cũng cần được xem xét kỹ càng nếu bố mẹ không muốn bị hạ gục bởi gánh nặng tài chính.

8. Biện pháp sinh nở

Nhiều mẹ bầu sẽ chọn phương pháp đẻ không đau, trong khi những người khác lại mong muốn sinh thường. Trước khi ca sinh thực sự diễn ra, bố mẹ nên cùng nhau trao đổi về vấn đề này. Thêm nữa, liệu mẹ có muốn bố xuất hiện cùng mình trong phòng sinh để chứng kiến những khoảnh khắc cam go nhưng cũng rất thiêng liêng và đầy hạnh phúc khi sinh bé.

[inline_article id=69051]

9. Chuyện phòng the sau khi sinh

Đây là một điều thường bị bỏ sót. Thực tế, có rất nhiều cặp đôi cảm thấy niềm hứng khởi với chuyện chăn gối bị giảm đi sau khi con ra đời. Những khoảng lặng này cần được nhìn với cái nhìn cảm thông và chia sẻ giữa hai người.

10. Kiểm tra sức khỏe sinh sản

Không nên đợi đến khi phát hiện một vấn đề trục trặc nào đó thì các cặp đôi mới lục tục kéo nhau đến bệnh viện. Việc kiểm tra sức khỏe sinh sản là tấm vé đầu tiên để bạn bước vào giai đoạn có thai, sinh con và nuôi con. Và không chỉ một phía bố hay mẹ mà cả hai cần đến bệnh viện để làm các bước kiểm tra cần thiết.