Bước 1: Lên ý tưởng chụp ảnh gia đình nhỏ
Không giống những bức ảnh chụp gia đình trước đây thường khá rập khuôn và cứng nhắc, ngày nay, ngành nhiếp ảnh phát triển cùng với yếu tố công nghệ sẽ giúp cho gia đình bạn có được những kiểu ảnh vô cùng ấn tượng. Nhưng để có được điều này, trước hết bạn cần phác thảo các ý tưởng hay, lạ trước khi bắt tay vào việc chụp ảnh gia đình nhỏ.
Một số gợi ý cho bạn:
Chụp ảnh gia đình nhỏ mang tính biểu tượng
Đó là những dạng ảnh không chụp chân dung mà chỉ chụp những đôi bàn tay, bàn chân, cái ôm, nụ hôn… của các thành viên trong gia đình. Tuy không nhìn rõ mặt của các thành viên, người xem vẫn dễ dàng hiểu đây là bức ảnh gia đình và cảm nhận sự thân thương, gắn bó giữa các thành viên.
Thể hiện niềm hạnh phúc qua những nụ hôn
Nụ hôn luôn là biểu tượng của tình yêu đôi lứa và tình thân gia đình. Những tấm ảnh gia đình đi từ ý tưởng này thường rất ngọt ngào, ngập tràn hạnh phúc.
Cha và con trai – Mẹ và con gái
Một trong những ý tưởng chụp ảnh gia đình kinh điển nhất nhưng cũng đem lại hiệu quả nhất đó là chụp riêng cha và con trai, mẹ và con gái. Sắc thái của những bức ảnh chụp cha và con trai thường là nghịch ngợm, tinh quái. Ngược lại, hình ảnh mẹ và con gái lại là “đôi bạn” hết sức điệu đà và ngọt ngào.
[inline_article id=14084]
Cả nhà cùng đi
Cảnh cả nhà cùng băng qua một con đường cũng rất ấn tượng đấy! Nó thể hiện thông điệp rằng, mọi thành viên gia đình sẽ mãi mãi bên nhau, cùng nhau trải qua những điều thú vị.
Ảnh phản chiếu
Kiểu chụp ảnh gia đình nhỏ thông qua hình phản chiếu cũng là một ý tưởng hay. Kết quả bạn nhận được thường là những hình ảnh rất sáng tạo, độc đáo.
Có vô vàn ý tưởng hay để thực hiện được những tấm ảnh gia đình đẹp. Tuy nhiên, bạn cần chú ý xâu chuỗi chúng theo một số chủ đề nhất định để chuẩn bị cho việc thực hiện những bộ ảnh với rất nhiều bố cục ảnh khác nhau.
Ngày ấy – bây giờ
Chụp cùng một kiểu ảnh qua nhiều năm khác nhau sẽ là một cách để cả gia đình cùng nhìn lại những thay đổi qua thời gian.
Bước 2: Tạo dáng chụp ảnh gia đình nhỏ
Khâu tạo dáng chụp ảnh là phần không thể thiếu để thể hiện những nội dung, thông điệp mà bạn muốn truyền tải. Tuy nhiên, thật khó để bảo các nhóc tì phải cười, nheo mắt hay vẫy tay phải không nào? Vì thế, khi chụp ảnh gia đình có trẻ nhỏ, tốt nhất là bạn cứ thoải mái, tự nhiên, đừng quá gượng ép.
Nếu các con đã lớn, việc tạo dáng chụp ảnh sẽ dễ dàng hơn, bạn có thể dựa trên ý tưởng của bộ ảnh mình định chụp để phác thảo ra những kiểu ảnh và cách tạo dáng thích hợp. Ví dụ, với chủ đề “gia đình siêu phàm”, hãy nghĩ đến những cảnh phanh ngực áo để lộ áo thun bên trong có in biểu tượng của các anh hùng quen thuộc trên màn ảnh, cảnh gia đình siêu nhân chuẩn bị hành động, cảnh giải cứu mẹ hay em gái và từ đó có tư thế tạo dáng thích hợp. Hãy để trí tưởng tượng tha hồ bay bổng!
Bước 3: Chọn trang phục
Trang phục cũng là một yếu tố cần xem xét khi chụp ảnh gia đình nhỏ. Nếu có thể, bạn nên mặc đồng phục gia đình hoặc chọn một tông màu chung cho trang phục của tất cả các thành viên. Việc lựa chọn trang phục cũng tùy thuộc vào ý tưởng chụp ảnh ban đầu và bối cảnh chụp ảnh. Chẳng hạn, khi thực hiện một bộ ảnh gia đình vui tết, bạn sẽ thích áo dài hay những kiểu quần áo điệu đà một chút. Nhưng nếu chụp ảnh cả nhà cùng đi biển, trang phục sẽ là những bộ đồ đi chơi, áo tắm hay đồ street-style thoải mái. Một ví dụ khác, nếu muốn thực hiện theo chủ đề “Ba ngọn nến lung linh”, bố sẽ mặc áo vàng, mẹ áo xanh và con áo hồng…
Thông thường, mỗi khi chụp hình gia đình, bạn không chỉ chụp 1 kiểu ảnh duy nhất mà là cả bộ ảnh. Do đó, đừng quên chuẩn bị thật nhiều trang phục và phụ kiện như nón, giày, mắt kiếng, khăn quàng, đồng hồ… để cả nhà đẹp trong mọi kiểu hình.
Bước 4: Ánh sáng
Ánh sáng là yếu tố quyết định đối với độ đẹp, xấu của một tấm ảnh. Đặc biệt, nếu bạn chụp ảnh gia đình ngoại cảnh thì càng phải chú trọng ánh sáng. Ánh sáng mặt trời là nguồn sáng tuyệt vời nhất để có được những bức ảnh sinh động, nhiều sức sống. Nếu không chụp ảnh gia đình ngoại cảnh mà chọn chụp trong nhà hoặc studio, bạn vẫn có thể tận dụng ánh sáng trời bằng cách chụp gần cửa sổ, chụp ảnh ngoài sân, ban công… Lưu ý, không chụp ảnh khi trời nắng gắt vì biểu cảm của cả nhà sẽ không được tự nhiên. Ngoài ra, đừng để mặt trời rọi từ phía sau lưng, vì ngược sáng sẽ làm gương mặt bạn trở nên đen thui trong ảnh chụp.
Nếu chọn ánh sáng nhân tạo như đèn flash, bóng đèn trong studio, bạn có thể trao đổi trước với photographer sao cho có được những tấm ảnh có màu sắc tự nhiên, tránh tình trạng trắng bệnh hay xanh tái khi lên hình.
Bước 5: Tập luyện trước
Không phải ai sinh ra cũng có tố chất làm người mẫu. Chuyện tập dượt trước khi chính thức chụp ảnh gia đình sẽ giúp bạn tạo dáng tự nhiên và có được sự tự tin trước ống kính. Cả nhà có thể cùng thử các kiểu tạo dáng và bố cục ảnh khác nhau trước một tấm gương và thử nhận xét, điều chỉnh cách tạo dáng cho đến khi nào thấy ổn. Có thể trong lúc chụp ảnh thực tế, bạn không đạt được ý đồ mong muốn, nhưng việc luyện tập trước vẫn rất tốt để bạn tăng tỉ lệ những tấm ảnh đẹp lên mức cao nhất có thể.