Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

Nỗi lòng chăm con ốm

Con ốm – Mỗi mẹ một cảnh

Thời tiết thay đổi, con lăn ra ốm; Gặp bạn bị bệnh, con cũng bị lây; Ăn trúng món lạ, bụng con đau nhói. Thời tiết bình thường, bệnh cũng không tha….Thật vậy, trẻ con với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện thường dễ mắc phải các bệnh từ nhẹ đến nặng. Những lúc như thế, mỗi mẹ sẽ có những giải pháp chăm con riêng nhưng đều gặp nhau ở một điểm là nỗi lo lắng khôn xiết cho bé con của mình.

Nhớ lại những ngày tháng chăm bé Ti lúc mới sinh cho đến bây giờ vừa tròn 11 tuổi, chị Ngân Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, “Lúc mới đẻ, Ti rất hay ốm. Khổ nhất là những lúc Ti còn bé quá mà cứ khóc ngằn ngặt và chưa thể bảo cho mẹ biết là con đau ở đâu làm mình cứ nhặng cả lên.”

Hay như chị Thảo Lan (Quận 1, TP.HCM) đang có hai bé 2 và 4 tuổi trải lòng cho biết, “Những lúc con sốt cao hay trớ sữa liên tục là tôi luôn dặn lòng phải bình tĩnh xử lý. Những lần đầu hoảng quá tôi còn gắt gỏng và nóng nảy cả với chồng. Sợ nhất là con sặc sữa và bị ngạt vì tôi có một chị bạn có con bị ngạt sữa không đưa bé đến bệnh viện kịp nên làm tổn thương đến não. Sợ lắm chị ạ!”

Cũng đã nhiều phen vượt qua ải chăm con ốm, chị Lệ Quyên (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) tâm sự: “Những khi con lên cơn sốt cao, tôi ôm con vào lòng và chỉ ước gì cơn sốt có thể truyền hết sang mình. Lúc ấy tôi thật sự chẳng thiết tha gì khác và sẵn sàng đánh đổi mọi thứ chỉ để mong con mau khoẻ lại.”

Và giá trị gia đình

Không chỉ có những phút giây vui vẻ, hạnh phúc bên nhau, những khi chăm con ốm, các mẹ còn cảm nhận tình mẫu tử thật rõ rệt. “Khi con ốm, nhà cửa vắng lặng, không nghe tiếng tíu tít của con như thường lệ, mình vừa xót, vừa thương con. Khi đó, mình chỉ muốn con khỏe lại, mọi thứ khác trên đời này trở nên không còn quan trọng nữa”.  Đó là nỗi lòng của chị Hồng Nhiên, một người mẹ chia sẻ.

Và hơn ai hết, người có thể chia sẻ những phút giây khó khăn này chính là người bạn đời – cha của bé, Không ít nam giới còn cho rằng sinh con và nuôi con là nhiệm vụ của phụ nữ. Và khi con ốm, người cha chỉ ghé qua hỏi han một chút rồi lại bắt đầu công việc thường nhật trong khi mẹ sẵn sàng bỏ tất cả công việc để ở nhà chăm con. Người mẹ cần lắm sự sẻ chia, sát cánh của chồng để không chỉ giúp chăm sóc con khỏe hơn mà còn xua tan đi nỗi lo lắng và nuôi dưỡng tình cảm gia đình. Nếu không may, con bị ốm lâu ngày, các mẹ nên thảo luận cùng chồng thay phiên nhau cùng chăm con để mẹ không bị kiệt sức và công việc không bị ảnh hưởng. Bên nhau, cả gia đình sẽ có thể vượt qua được những lúc khó khăn.

Nhưng chỉ có tình yêu thương thôi chưa đủ, trên hết, các gia đình cần trang bị những kiến thức y tế cơ bản để kịp thời sơ cứu, xử lý và ứng phó với những sự cố xảy ra cho sức khỏe của con.

Chăm con: Nỗi lòng con ốm
Con ốm, mẹ thường có cảm giác lo lắng nhiều hơn

Những lời khuyên khi chăm con ốm

Có vô số lý do để trẻ nhỏ nhiễm bệnh. Tuỳ vào bệnh trạng cụ thể mà bác sỹ sẽ có phác đồ chăm sóc và điều trị khác nhau. Tuy nhiên, sau đây là vài điểm đặc biệt lưu ý mà các mẹ nên làm khi có con nhỏ hay ốm vặt.

Cho con uống nhiều nước: Khi trẻ ốm cần cho trẻ uống nhiều nước, nhất là đối với trẻ bị tiêu chảy. Ngoài ra, súp, nước cháo muối, dung dịch Oresol chỉ là các dịch để bù nước, không nên coi là thức ăn vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

Không ép ăn: Khi trẻ bị ốm sẽ hay mè nheo và biếng ăn. Do đó, mẹ nên cho bé ăn những món ưa thích. Mẹ cũng nên nghiền thức ăn thành chất lỏng để bé dễ nuốt. Lúc này những vật dụng phục vụ ăn uống thu hút sự quan tâm và hiếu kỳ của trẻ nên được tận dụng tối đa như ống hút lạ mắt, chén bột hình ngộ nghĩnh,….

Chiều con hơn ngày thường: Cơ thể bé lúc này rất mệt mỏi nên bạn có chiều bé hơn ngày thường một chút cũng không sao. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý không chiều con những việc không hợp lý như ăn kem lạnh hay phải nghiêm khắc khi trẻ khỏi bệnh nhằm tránh tạo thói quen vòi vĩnh của trẻ sau này.

Chia nhỏ bữa ăn: với người lớn chúng ta khi bệnh cũng không muốn ăn do vị giác bị ảnh hưởng. Trẻ nhỏ cũng vậy. Do đó, mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn để vẫn đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho con mau lành bệnh và lại sức.

Chia nhỏ khẩu phần ăn trong thời gian con ốm cũng là một cách giúp con duy trì đủ dưỡng chất để cơ thể chống lại bệnh tật

Tăng cường đề kháng: Nếu mẹ để ý ủ ấm hay chườm khăn thì đó cũng chỉ là giải pháp bên ngoài. Quan trọng hơn, mẹ nên cho con uống nhiều nước cam, chanh,… hoặc vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng cho bé.

Chuẩn bị đủ các loại thuốc sốt, tiêu chảy, ho,…: Đây không chỉ là điều nên làm trong lúc bé bệnh mà bố mẹ nên thực hiện từ khi bé còn khoẻ mạnh vì nhiều khi bé trở bệnh trong đêm thì bố mẹ sẽ trở tay không kịp.

Trong nhà luôn trang bị nhiệt kế, các loại thuốc sốt, ho,… thông thường để khi con có dấu hiệu ốm là mẹ “xử lý” ngay

Chế độ nghỉ việc chăm con ốm dành cho phụ nữ

 
Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động có con dưới bảy tuổi ốm đau, phải nghỉ việc để chăm sóc con và có xác nhận của cơ sở y tế được hưởng chế độ khi con ốm đau khi thuộc một trong các trường hợp sau:- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên.

  • Cán bộ, công chức, viên chức.
  • Công nhân quốc phòng, công nhân công an.
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân.

Người lao động đủ điều kiện nêu trên, được hưởng chế độ khi con ốm đau gồm:

  • Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới ba tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ ba tuổi đến dưới bảy tuổi.
  • Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH, nếu một người đã hết thời hạn hưởng chế độ mà con vẫn ốm đau thì người kia sẽ được hưởng chế độ như trên.

Trong thời gian hưởng chế độ khi con ốm, người lao động được hưởng 75% mức tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Hồ sơ hưởng chế độ nghỉ việc chăm sóc con ốm gồm: Giấy ra viện (bản chính hoặc bản sao) hoặc Sổ y bạ của con (bản chính hoặc bản sao)

Tiểu Phương

Categories
Gia đình Thường thức gia đình

Bí quyết chọn mua trang phục trẻ sơ sinh

1. Bí quyết chọn trang phục sơ sinh

Quan tâm tới chất liệu. Đây là điều đầu tiên mẹ cần quan tâm khi lựa chọn trang phục cho bé. Nên chọn vải có chất liệu từ sợi thiên nhiên vì chúng mềm mại, có độ thấm tốt khiến bé luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu.

Trong khi các loại vải làm từ sợi nhân tạo khá đẹp mắt và phong phú trên thị trường nhưng chất liệu thô cứng, rất dễ gây trầy xước da bé. Hơn nữa độ thấm kém gây bức bí, ẩm ướt, nếu không thay quần áo kịp thời có thể bé sẽ bị cảm lạnh.

Nên chọn màu nhạt. Một số bà mẹ thích màu nổi nên thường sắm cho bé cưng những bộ trang phục bắt mắt. Mặc vào rất đáng yêu nhưng nhiều khi lại không an toàn cho con đâu mẹ nhé. Vì loại vải này thường chứa nhiều chất hóa học dùng để nhuộm màu, có thể gây kích ứng hoặc bệnh ngoài da cho bé. Vì vậy, khi chọn quần áo trẻ sơ sinh, các mẹ nên ưu tiên các màu nhạt mà tránh các màu sặc sỡ.

bi-quyet-chon-trang-phuc-tre-so-sinh_2
Nên ưu tiên chọn màu nhạt cho trang phục của trẻ thay vì các màu sặc sỡ.

Trang phục nên rộng rãi. Bé con vốn thích thú với các trò ngọ nguậy, khua tay múa chân suốt ngày mà không biết chán. Một bộ quần áo chật chội sẽ thật khó chịu với bé. Mẹ nên lựa chọn những trang phục rộng rãi một chút để bé thoải mái vận động và “tập thể dục”, sẽ rất tốt cho sức khỏe của bé. Ngoài ra, chọn trang phục có kích cỡ rộng một chút còn giúp các mẹ tiết kiệm khoản chi phí khi phải liên tục mua quần áo, mũ nón, tất… cho con.

Để ý đường kim mũi chỉ trên trang phục. Mẹ nên kỹ càng để ý các đường may trên thân áo, quần, mũ và đặc biệt là tất của bé. Đường may cần phải sắc sảo, không bị cấn chỉ hay chỉ thừa. Sẽ rất nguy hiểm khi ngón tay, ngón chân bé xíu của bé vô tình bị quấn vào sợi chỉ thừa trên trang phục. Các mẹ nên chú ý đến chi tiết nhỏ này để chọn quần áo cho trẻ sơ sinh ở các hãng sản xuất uy tín, giúp bé luôn thoải mái và an toàn khi mặc nhé.

2. Sử dụng an toàn trang phục trẻ sơ sinh
Ngoài bí quyết chọn trang phục cho con như thế nào, mua về mẹ cần học cách làm sạch và bảo quản sao cho an toàn nhất với bé.

Đọc kỹ thông tin trên nhãn mác. Việc này không mấy ai ghi nhớ nhưng rất cần thiết. Các mẹ cần đọc thông tin đính trên sản phẩm để biết chất liệu vải và chọn cách giặt tẩy phù hợp. Kĩ lưỡng trong việc chăm sóc quần áo, mũ nón… cho trẻ sẽ đảm bảo được tuổi thọ, tăng sức bền của sản phẩm.

Giặt riêng quần áo của bé. Quần áo trẻ sơ sinh thường mềm mại, mẹ nên để riêng và giặt bằng tay (nếu dùng máy giặt nên để chế độ giặt phù hợp). Dùng loại xà bông giặt chuyên dụng có thành phần giặt tẩy được chiết xuất từ các dược liệu thiên nhiên, mùi thơm nhẹ nhàng hoàn toàn phù hợp và an toàn cho bé.

Mẹ cũng nên chọn bột giặt dạng lỏng dễ hòa tan trong nước bởi bột giặt dạng bột dễ vón cục và khó hòa tan, gây dị ứng cho làn da nhạy cảm của bé.

Phơi quần áo đúng cách. Không nên phơi quần áo con quá lâu dưới nắng gắt buổi trưa, vì dễ làm vải bị bạc màu và khô xơ nhanh chóng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng – tuổi thọ của quần áo và làn da của bé.

Nguyễn Dinh

Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Cha mẹ ly dị ảnh hưởng đến con trẻ ra sao?

Cảm giác mất mát, bị ruồng bỏ
Khi bố mẹ ly dị, đứa trẻ buộc phải sống với một trong hai người. Dù ở vào lứa tuổi nào, đứa con cũng sẽ có cảm giác mất mát và thiếu thốn về mặt chăm sóc tinh thần. Tệ hơn, bé có thể cảm thấy bị ruồng bỏ nếu người bố hoặc mẹ còn lại không thường xuyên ghé thăm, hỏi han. Những trò chơi hay thói quen trước đây với bố hoặc mẹ sẽ không còn nữa, thay vào đó sẽ là một cảm giác trống vắng và hụt hẫng trong tâm hồn non nớt của trẻ.

Tính tình thất thường, hung hăng
Không phải ngẫu nhiên khi sự phát triển tâm sinh lý của bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều cần sự giáo dục mang tính cương nhu tuỳ lúc của bố mẹ (mỗi người giữ một vai trò nghiêm khắc và dỗ dành nhất định). Với những gia đình chỉ còn một bố hoặc một mẹ thì sự kiểm soát, uốn nắn này sẽ trở nên khó khăn hơn. Từ đó dẫn đến sự mất cân đối trong tiến trình phát triển tâm lý của con cái. Hệ quả dễ thấy là có những bé trở nên hung hăng, hiếu chiến trong khi những trẻ khác có thể rụt rè và tự ti trước cuộc sống.

Ảnh hưởng việc học hành
Với nhiều gia đình, sự kiện ly hôn có thể kéo theo việc bé con phải chuyển chỗ ở hoặc nơi học hành. Nếu bé may mắn không phải chuyển trường và làm quen lại thầy cô, bạn bè mới thì những trêu ghẹo vô ý từ bạn cùng lứa về tình trạng “thiếu cha” hoặc “vắng mẹ” có thể làm trẻ sợ đến trường. Ngoài ra, những môn học có thể tham vấn ý kiến từ bố hoặc mẹ như trước đây cũng bị gián đoạn càng làm cho tình hình học hành của bé thêm phần nghiêm trọng. Theo thống kê của Hội Nghiên cứu Trẻ em Quốc gia của Mỹ (National Survey of Children) đối với trẻ trong các gia đình ly dị, trung bình 15% trẻ bị ức hiếp ở trường; 13% bé sẽ bỏ học giữa chừng và có đến 60% các trẻ sẽ học hành sa sút so với khả năng học vấn của bố mẹ chúng.

Tỷ lệ hôn nhân đổ vỡ tăng cao
Khi bố mẹ không còn giải pháp nào khác ngoài việc ly dị, ắt hẳn không ai muốn con cái mình sẽ đi theo “vết xe đổ” này. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của chuyên khoa Gia đình & Người Tiêu dùng thuộc Đại học Utah (Hoa Kỳ), những cặp vợ chồng trong đó bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ trước đây đã từng ly dị thì khả năng “lịch sử ly hôn” lặp lại là rất cao, lên đến 2 lần. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 3 lần nếu cả hai vợ chồng đều là con của những gia đình ly dị trước đây.

Ly dị: Cha mẹ ly dị ảnh hưởng tới con cái như thế nào?
Trước sự ly hôn của cha mẹ, con cái sẽ chịu ảnh hưởng tinh thần rất lớn

Nên làm gì với con?
Trước những quyết định của người lớn, trẻ con cũng chịu những tổn thất tinh thần nhất định. Để giảm thiểu sự tổn thương này cho con, bạn nên:

  • Thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng cho con biết tình trạng chia xa của bố mẹ.
  • Hỏi ý kiến của con muốn sống với ai và tuyệt đối tôn trọng quyết định ấy.
  • Người không trực tiếp nuôi dưỡng con nên thường xuyên ghé thăm và chu cấp đầy đủ.
  • Tránh mọi sự biến đổi về sinh hoạt hàng ngày. Hãy để mọi thứ diễn ra bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Dần dần trẻ sẽ quen bầu không khí đó.

Để ý hơn đến những mối quan hệ xã hội của con ở trường và các sân chơi để có sự can thiệp kịp thời trước những hành động/lời lẽ gây tổn thương cho con liên quan đến vấn đề ly hôn của bố mẹ.

Hôn nhân là một trong những vấn đề hệ trọng nhất của một đời người. Trong đó, con cái chính là một trong những điều quan trọng nhất của cả cuộc đời bố mẹ. Với những thông tin trên, MarryBaby hi vọng bạn sẽ thận trọng và cân nhắc hơn mỗi khi trong đầu nảy ra hai chữ “ly dị”, bạn nhé!

Trang Vàng

Categories
Gia đình Giải trí

Cách tổ chức tiệc thôi nôi cho con theo truyền thống

Tuy nhiên, nếu muốn có một không gian thật ấm cúng và bạn muốn đây là một dịp trải nghiệm thú vị cho các thành viên trong gia đình thì hãy tổ chức tiệc thôi nôi cho bé theo truyền thống nhé.

1. Tổ chức tiệc thôi nôi cho con mang lại điều gì?

Sự ấm cúng. Cảm giác này chỉ có được khi mẹ đãi tiệc thôi nôi trong chính ngôi nhà thân thương, nơi bé sinh ra và đang từng ngày lớn lên. Thật tuyệt khi lễ thôi nôi đầu tiên và cũng là duy nhất của con được diễn ra ở chính tổ ấm của mình, mẹ nhỉ!

Sự linh thiêng, tốt đẹp. Tục lệ cúng bà mụ, đất đai thiên địa, thổ công, thổ chủ trong lễ thôi nôi với mong muốn mang lại cho bé mọi điều tốt đẹp là nét văn hóa đáng được giữ gìn. Bạn hãy mang sự linh thiêng và tốt đẹp này vào ngày “trọng đại” của bé.

“Mệt mà vui”. Nào là lên danh sách khách mời, tìm nhà hàng tổ chức tiệc thôi nôi, lên thực đơn, viết thiệp, đi mời, nấu nướng, bài trí không gian, đón khách… rất nhiều việc nhưng đây sẽ là dịp để mọi thành viên trong gia đình có dịp trổ tài. Sau này con lớn, bạn có thể tự hào mà nhắc lại kỷ niệm trong ngày thôi nôi với con. Chẳng hạn như chuyện mẹ mải mê nấu nướng mà quên mất tiêu nhiệm vụ cho con bú, tới mức con phải khóc ré lên mẹ mới giật mình; chuyện bố bận rộn ở cơ quan, tối về đánh vật với xấp thiệp mời thôi nôi cho con mà ngủ gục trên bàn từ khi nào; chuyện cậu Tư, cô Út đua nhau xem ai thổi bong bóng nhanh hơn để trang trí trong bữa tiệc, kết quả là cậu Tư thắng nhưng chẳng ăn uống được gì vì đau cơ miệng… Quả là một lễ thôi nôi đáng nhớ! Từ đó bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương mà mọi người dành cho mình.

Tiết kiệm chi phí. Một trong những điều các mẹ quan tâm nhất khi tổ chức tiệc thôi nôi cho bé là chi phí. Tự đi chợ, tự nấu nướng, trang trí, không tốn khoản thuê mặt bằng… việc áp dụng chiêu “cây nhà lá vườn” giúp bạn giảm đáng kể phần chi tiêu mà vẫn mang lại một bữa tiệc ngon miệng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho mọi người.

2. Cách tổ thức tiệc thôi nôi truyền thống

Chuẩn bị cho bữa tiệc

Chọn không gian thuận tiện. Bạn có thể đãi tiệc trong nhà hoặc ngoài trời (nếu nhà bạn có sân vườn). Lên danh sách khách mời để bố trí bàn ghế vừa vặn với không gian tổ chức.

Chuẩn bị hình ảnh từ lúc bé mới sinh ra đời cho đến hiện tại để trong album (sắp xếp theo tuần tự thời gian) đặt trên một chiếc bàn nhỏ xinh để bà con khách mời cùng chiêm ngưỡng.

Thiết kế thiệp mời và phát cho khách. Điều này cần thiết để buổi tiệc được đi dự đông vui.

Chọn hình làm backdrop (tấm màn căng sân khấu) giúp bữa tiệc thêm phần trang trọng và hoành tráng; không gian tiệc có thể trang trí bằng hoa hoặc bong bóng theo chủ đề với màu sắc và kiểu cách của từng gia đình.

Tổ chức thôi nôi: Thêm những chùm bong bóng đủ màu cho bữa tiệc vui mắt.
Thêm những chùm bong bóng đủ màu cho bữa tiệc vui mắt.

Chọn mẫu bánh kem thôi nôi theo tuổi của bé, ví dụ bé tuổi Heo sẽ có biểu tượng chú heo con trên chiếc bánh kem.

Trò chơi sẽ tăng thêm phần thú vị cho bữa tiệc. Hãy để người lớn và trẻ con cùng tham gia những trò đơn giản mà vui như: Đoán xem bé chọn gì, nhong nhong ngựa ông đã về, kéo cưa lừa xẻ, tập tầm vông, đóng kịch theo chủ đề… Dĩ nhiên bạn cũng nên chuẩn bị một món quà nhỏ dành cho người thắng cuộc trong các trò chơi nhé.

Nghi thức cúng – tục lệ theo dân gian

Theo quan niệm dân gian xưa, lễ cúng thôi nôi sẽ gồm những “thủ tục” sau đây. Tuy nhiên bạn có thể lược bỏ tùy theo… “nhu cầu” của mình nhé.

Ngoài lễ vật chè – xôi, vịt luộc cúng Mụ bà – Đức ông như trong lễ đầy tháng, còn có heo quay cúng đất đai diên địa, thổ công, thổ chủ.

Mâm cúng được bày ngoài sân, đầu hướng ra ngoài, đi kèm với heo quay còn có 5 chén cháo, 1 tô cháo, 1 đĩa lòng lợn, rau sống, nhang, đèn, rượu, trà, hoa quả, trên lưng lợn quay gắn một con dao bén.

Trong nhà, bày 3 mâm cúng gồm mâm cúng Thành hoàng bổn cảnh; mâm cúng cửu huyền thất tổ và mâm cúng ông bà quá vãng (bao nhiêu bàn thờ, bấy nhiêu mâm cúng). Lễ vật là những thức ăn chín phù hợp với tập quán mỗi địa phương. Kế bên (trên bộ ván hoặc bộ vạt) bày 12 chén chè, xôi; con vịt luộc chín với 3 chén cháo và 1 tộ cháo cúng 12 Mụ bà và 3 Đức ông.

Tổ chức thôi nôi: Nghi thức dân gian cúng bà Mụ
Nghi thức dân gian cúng bà Mụ

Sau lời khấn cầu mong đấng thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ cho bé mạnh khỏe, chóng lớn, ngoan hiền, phù hộ cho gia đình ấm no hạnh phúc là màn “thử tài” thú vị dành cho bé.

Bé “thử tài”

Mẹ cần chuẩn bị: gương, lược, viết, tập sách, nắm xôi, tiền, kéo… tất cả vật dụng được bày trên bộ ván hoặc trên mâm.

Cách thực hiện: Đặt bé ngồi trước các vật dụng để bé tự lựa chọn. Vật nào được bé chọn trước (cầm trước) dân gian tin tưởng đó là sự chọn lựa của bé về nghề nghiệp tương lai cho mình.

Sau khi kết thúc nghi thức tử tài, khách mời thực hiện nghi thức chúc mừng và lì xì cho  bé.

Mẹ hãy bớt chút thời gian và cũng đừng ngại nhờ người thân, bạn bè giúp sức để tổ chức tiệc thôi nôi cho bé thật thiêng liêng, ấm áp và đáng nhớ nhé!

Nguyễn Dinh

Categories
Gia đình Giải trí

Bé đi máy bay: Kinh nghiệm khi cho bé đi du lịch bằng máy bay

Bé đi máy bay là nỗi sợ của không ít ông bố bà mẹ. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và giữ bình tĩnh, mọi sự sẽ không quá tệ đâu ba mẹ nhé.

Chuyện cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh đi máy bay có thể được xem là một thử thách với nhiều người. Do đó, ba mẹ nên chuẩn bị trước cả về vật chất lẫn tinh thần để giúp chuyến bay trở nên nhẹ nhàng hơn. Việc nghỉ ngơi trước chuyến đi cũng góp phần quan trọng để giữ cho ba mẹ có tinh thần vui vẻ, thoải mái và không dễ dàng nổi nóng nếu bé không ngoan.Bé đi máy bay

Chuẩn bị trước khi bé đi máy bay

Trước tiên, bạn cần đóng gói thực phẩm dự phòng, bình sữa, đồ chơi, một vài vật dụng có thể giúp cho bé con của bạn vui vẻ và bận rộn hơn trong khi di chuyển như thú bông hay đồ chơi chẳng hạn.

  • Nếu ngày thường bạn hạn chế cho bé ăn kẹo, đây là lúc nên “dễ dãi” một chút với bé. Một cây kẹo mút nhiều màu sắc có thể khiến bé thích thú và nín khóc ngay lập tức.
  • Mẹ nên cho bé bú hoặc ăn lúc cất cánh và hạ cánh vì động tác nuốt sẽ giúp giảm bớt áp lực lên tai, nhờ đó tai bé sẽ bớt đau.
  • Nếu bé đang bị đau bụng kéo dài, bạn nên trì hoãn chuyến đi, nếu có thể, cho đến khi tình hình bé tốt hơn.

Dỗ dành khi bé đi máy bay

  • Nếu bé khóc không ngừng khi đang trong chuyến bay, bạn có thể ẵm bé lên và đi tới đi lui để dỗ dành bé.
  • Bạn cũng có thể đưa bé ra gần cửa sổ, quang cảnh và những thứ mới mẻ xung quanh có thể đánh lạc hướng và khiến bé bình tĩnh trở lại. Đồng thời, tiếng động cơ máy bay sẽ giúp át tiếng khóc của bé khi bạn di chuyển.

Bạn có thể sẽ gặp phải những ánh nhìn và các ý kiến bất lịch sự từ một số hành khách nhưng quá chú ý đến chúng sẽ chỉ làm bạn rối hơn. Nếu bạn đã nghiêm túc đi đi lại lại trên các lối đi và cố gắng để dỗ dành bé, mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho bạn thôi.

Bé đi máy bay
Mẹ nên dỗ dành bé nếu thấy con có dấu hiệu khó chịu, muốn khóc để không làm phiền tới những người xung quanh

Những chia sẻ kinh nghiệm khi cho bé đi máy bay của các bà mẹ

“Khi bạn biểu hiện sự căng thẳng ra ngoài, bé có thể cảm nhận được và như thế càng khó khăn hơn để xoa dịu bé. Cố gắng hít thở sâu, chậm rãi và nhớ rằng hầu hết mọi người trên máy bay đều biết bạn đang làm tất cả những gì có thể để dỗ bé nín khóc. Đừng để ý đến những ánh mắt khó chịu vì điều đó chỉ khiến bạn căng thẳng hơn. Bạn có thư giãn thì mới có thể khiến bé thư giãn được.” – Chị Minh Thảo, Q.4, TP.HCM.

“Là một tiếp viên hàng không với hai con nhỏ, mình thường đi đến các cửa hàng và mua vài món đồ chơi mới trước mỗi chuyến đi. Tuy nhiên, nên tránh những đồ chơi gây tiếng động ồn ào. Hai bé nhà mình thích bánh snack nên mình cũng đem theo vài gói mỗi khi đưa các bé đi máy bay. Sách thiếu nhi nhiều màu sắc cũng có thể hữu ích nhé. Đừng quên mang theo thú bông hoặc núm vú, nếu bé đang ngậm núm vú giả, và bình sữa trẻ em. “ – Chị Nguyệt Hằng, Q.7, TP.HCM.

“Cách của tôi có vẻ hơi “khác người”. Vài giờ trước khi bay, tôi không cho bé ăn no và ngủ nhiều mà giữ cho chúng bận rộn với các món đồ chơi hoặc các hoạt động chạy nhảy. Khi sắp lên máy bay tôi mới cho bé ăn, sau đó bé sẽ được ngủ ít nhất 2-3 giờ suốt chuyến bay. Nếu bé thức dậy trước khi đến nơi, tôi dẫn bé đi bộ dọc lối đi. Sau khi hạ cánh, tôi cho bé ăn một lần nữa. Một mẹo vặt có thể có ích cho bạn đó là bỏ các thứ cần thiết vào những túi nhỏ, như vậy sẽ dễ dàng hơn nhiều khi lấy ra lấy vào.” – Chị Minh Tâm, Hà Nội.

Bé đi máy bay
Cho con ngủ nhiều trong suốt chuyến bay

♦ Và cách cư xử với những hành khách cùng chuyến bay

“Đôi khi cảm giác căng thẳng của ba mẹ cho bé đi máy bay không phải đến từ sự nghịch ngợm hay khóc la của bé mà là từ sự khó chịu của những người xung quanh. Mình cũng ngại lắm mỗi khi đưa bé đi máy bay, nhưng mẹ mình thì không. Một lần khi ông bà ngoại đi máy bay với hai cháu, không có vợ chồng mình đi cùng, khi thấy có những người nhăn nhó với hai nhóc nhà mình, bà đã rất nhẹ nhàng nói với họ rằng: “Lúc nào trên máy bay mà không có trẻ em và chắc chắn chúng sẽ khóc hoặc làm ồn. Trừ khi cô chú có máy bay riêng”.” – Chị Thanh Loan, Q.1, TP.HCM.

“Có 2 nguyên tắc cơ bản để bé không khóc trên máy bay: không để bé đói và luôn giữ cho bé bận rộn. Vợ chồng mình vừa đi nghỉ mát với con trai 2 tuổi. Khi bé bắt đầu làm ồn, mình chỉ việc cho bé bú. Bé thích chơi với chỗ trống trước chân, nghịch với mấy quả chuối trong khay thức ăn, thậm chí là bé còn “giao lưu” với các hành khách khác nữa. Cũng có lúc bé chán với trò đang chơi và bắt đầu ồn ào nhưng may mắn là trên máy bay cũng có những gia đình với con nhỏ khác nên mình cũng đỡ ngại. Khi tới giờ ăn, hai vợ chồng thay phiên nhau trông con. Mẹ nào cho bé đi máy bay nên sẵn sàng tâm lý sẽ gặp phải những người thô lỗ. Tốt nhất là lờ họ đi. Khi nào có con và đưa bé đi máy bay, họ sẽ biết cảm giác lúc đó là như thế nào.” – Chị Ngọc Anh, Q.5, TP.HCM.

“Lần đầu tiên đi máy bay với con, vợ chồng mình đã đem sẵn nút tai cho các hành khách khác, phòng khi cần. Thật may là bé rất ngoan, trừ những lúc đòi bú, bé có khóc chút đỉnh và chẳng ai cần đến nút tai cả.” – Anh Minh Tuấn, Q.1, TP.HCM.

[inline_article id=85428]

Bé đi máy bay có khá nhiều vấn đề có thể xảy ra có thể gây phiền toái tới những người xung quanh. Vì vậy mẹ nên chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi cho bé đi máy bay để đảm bảo sức khỏe cho con và không làm ảnh hưởng tới các hành khách khác nhé.

Marry Baby

Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

Bí quyết cắt tóc cho bé dễ dàng

“Cuộc chiến” khi cắt tóc cho bé: Không thể ngồi yên!
Khá nhiều bé trên 1 tuổi cảm thấy việc cắt tóc là vô cùng khó chịu, tình trạng này có thể kéo dài tới khi bé được 5 hoặc 6 tuổi. Nguyên nhân là do cây kéo to và bóng loáng cứ lởn vởn quanh đầu bé, có thể bé sợ kéo sẽ cắt trúng tai bé đấy!

Nếu bé đang khó chịu mà bạn cố ép bé ngồi yên, mọi việc sẽ càng tệ hơn. Thật khó để có thể giữ bé ngồi yên đủ lâu để lỗ tai non yếu của bé không bị chút tổn thương nào. Đi đôi với việc lo sợ bị tổn thương đó, nỗi sợ khi cắt tóc có thể trở thành nỗi ám ảnh đối với bé. Chỉ cần nghe tới việc cắt tóc thôi cũng có thể khiến bé sợ hãi.

Điều bé sợ nhất không phải là cây kéo đang từ từ tiến tới mà là cảm giác sợ hãi. Đó là lý do tại sao bạn không bao giờ có thể dạy bé đừng sợ bằng cách ép bé ngồi yên. Khi bạn bắt bé chịu đựng nỗi sợ hãi, nỗi sợ sẽ càng lớn hơn. Bạn không thể thuyết phục bé hết sợ mà phải chứng minh cắt tóc không có gì phải hoảng hốt cả.

Bí quyết cắt tóc cho bé dễ dàng
Thay vì dùng kéo, tông đơ sẽ giúp mẹ cắt tóc cho bé tại nhà dễ dàng hơn

Một số cách để giúp việc cắt tóc cho bé không còn đáng sợ
Đối với một số bé, việc đi đến tiệm cắt tóc thật là đáng sợ vì bước vào một nơi xa lạ, bị chọc ghẹo bởi những người xa lạ, trèo lên một chiếc ghế cao với xung quanh rất nhiều những món đồ lạ lùng, sau đó là bị xịt ướt và bọc trong một cái khăn trùm. Nếu bạn thấy bé lo lắng những điều trên, nên cắt tóc cho bé ở nhà.

Bạn cho bé ngồi trên sàn và chơi một đồ vật yêu thích để giúp bé xao lãng, thay vì nhìn vào bộ mặt căng thẳng của bé trong gương. Nếu bé thật sự sợ kéo, bạn có thể thay thế bằng tông-đơ hoặc dao cạo. Ngoài ra, việc có thêm bạn bè hoặc anh chị kế bên có thể giúp bé thoải mái hơn.

Khi bạn làm mọi việc có thể để việc cắt tóc trở nên dễ chịu hơn, bé sẽ cảm thấy bạn luôn bên cạnh bé. Bé có thể khiến bạn ngạc nhiên khi bắt đầu tỏ ra tự chủ hơn. Khi bé làm được điều đó, đừng cắt tóc một cách vội vàng. Hơn nữa, nếu bé tự hào về sự dũng cảm của mình khi cắt tóc ngày hôm nay, bé chắc chắn sẽ để bạn cắt tóc trong những lần tới.

Tuy nhiên, nếu không có việc gì bạn làm khiến bé bình tĩnh và ngồi im đủ lâu cho dù chỉ là cắt tỉa tóc nhanh, bạn cần cho bé thêm thời gian để bé bớt lo lắng. Chấp nhận để đầu tóc bé bờm xờm tạm thời hơn là vật lộn với bé và kéo dài nỗi sợ hãi khi cắt tóc cho bé.

Categories
Tài chính - Bảo hiểm Gia đình

Chuẩn bị sinh con: Khoản chi phí sinh con sẽ như thế nào?

Khi bạn cùng chồng (hoặc vợ) quyết định có con thì có khá nhiều việc bạn cần làm trước khi thực hiện thiên chức cao cả này:

1. Giải quyết nợ nần

Hãy kiểm tra tài chính gia đình và giải quyết nợ nần trước khi chuẩn bị sinh con. Nhiều cặp vợ chồng sau khi cưới còn nợ những khoản chi phí cho đám cưới, tiền mua nhà, trang trí nội thất… Nên giải quyết các khoản nợ trước khi chuẩn bị sinh con, nếu không, gia đình bạn sẽ càng khó xoay trở hơn khi có thêm thành viên nữa.

2. Dự phòng tài chính chi phí cho mẹ

Sau khi đã giải quyết nợ nần, hai vợ chồng bạn cần lên kế hoạch để dành tiền tiết kiệm để chuẩn bị đón thành viên mới. Bạn cần chuẩn bị chi phí sinh con như:

  • Khám thai và sinh đẻ: Khi có em bé, phụ nữ mang thai sẽ phải đến bệnh viện thường xuyên để theo dõi thai kỳ, xem em bé nhà bạn phát triển thế nào. Ngoài ra, chi phí nằm viện khi sinh sẽ rất tốn kém. Nếu bạn chọn khám và sinh con ở những bệnh viện lớn, bệnh viện quốc tế thì chi phí sinh con sẽ càng cao hơn.
Chuẩn bị sinh con: chi phí sinh con
Chuẩn bị tốt vấn đề tài chính trước khi sinh con bạn sẽ không phải lo lắng nhiều việc phát sinh sau đó
  • Quần áo cho mẹ: Đây là khoản chi phí sinh con mà nhiều bà mẹ tương lai quên mất khi lập kế hoạch tài chính. Vì thường trong 3 tháng đầu thai kỳ, cơ thể bạn không thay đổi quá nhiều nên vẫn có thể sử dụng các trang phục cũ. Sau đó, quá trình tăng cân diễn ra nhanh hơn, bạn cần thay đổi kích cỡ quần áo. Do đó, dù chi phí này nhỏ nhưng bạn cũng không nên quên liệt kê trong kế hoạch tài chính để hạn chế lại những phát sinh ngoài dự kiến. Tuy nhiên, yêu cầu cơ bản của trang phục bà bầu là thoải mái vận động nên bạn cũng không cần phải bỏ quá nhiều tiền vào những mốt thời trang “ngắn hạn” này.
  • Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho mẹ: Phụ nữ mang thai cần được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng và vitamin, dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi cũng như đảm bảo sức khoẻ của mẹ như axit folic để hạn chế nguy cơ khuyến tật ống thần kinh, viên sắt để tránh thiếu máu, viên bổ sung canxi… Đặc biệt nhu cầu dinh dưỡng, dưỡng chất trong quá trình mang thai sẽ cao hơn so với bình thường vì vậy mà việc đầu tư tài chính cho việc bồi dưỡng sức khỏe là hoàn toàn cần thiết. Những chi phí sinh con này hoàn toàn tính được dựa trên giá cả của những loại sữa dành cho bà bầu hay những thực phẩm chuyên bổ sung các dưỡng chất thiết yếu.

Mang thai cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt và vì thế, chi phí cho thực phẩm cũng tăng theo.
  • Chi phí sinh con cho thời gian nghỉ thai sản: Sau khi sinh bạn sẽ có khoảng 6 tháng không đi làm nên thu nhập của gia đình sẽ bị giảm sút trong khi các khoản chi phí trong gia đình như tiền điện, nước, cáp, ăn uống, đi lại… vẫn phải thanh toán. Mặc dù bạn vẫn được hưởng lương theo chế độ bảo hiểm xã hội nhưng thu nhập thực tế của bạn sẽ giảm đi. Vì vậy, không gì tốt hơn là hãy chuẩn nguồn tài chính cần thiết cho khoảng thời gian mà bạn chưa đi làm trở lại trong kế hoạch tài chính của mình để tránh tình trạng thiếu trước hụt sau.

3. Chi phí cho em bé

Đây là chi phí lớn nhất cần dự trữ trong ngân sách và đặc biệt sẽ kéo dài liên tục nên gia đình bạn có thể xem đây là các khoản chi phí dài hạn. Cụ thể là một số khoản phí như sau:

  • Chi phí sinh con: Sữa cho em bé: Nếu may mắn bạn có nguồn sữa mẹ đủ dồi dào để bé bú trong khoảng thời gian đầu đời, tuy nhiên một số bà mẹ chỉ có sữa trong 3 tháng đầu hoặc không có sữa, hoặc sữa không đủ cho bé bú thì phải sử dụng thêm sữa ngoài. Đây là khoản phí tương đối lớn và lâu dài mà bạn cần tính toán dự trù. Tham khảo ngay giá cả các loại sữa em bé và bổ sung vào bảng kế hoạch chuẩn bị tài chính để có con của mình, bạn nhé!
  • Vật dụng cá nhân: quần áo, khăn, tã, bình sữa, nôi, giường, đồ chơi… sẽ có rất nhiều thứ cần phải mua nếu bé là con đầu lòng. Hãy tham khảo ý kiến của những người kinh nghiệm để tham khảo và lên danh sách những vật dụng thật sự cần thiết cho bé cũng như số lượng phù hợp để tránh trường hợp lãng phí, mua dư thừa vì bé phát triển rất nhanh, mỗi giai đoạn bé sẽ có nhu cầu khác nhau.
  • Chi phí gửi nhà trẻ, học phí: Đây là khoản chi phí sinh con không hề nhỏ nhưng bạn có thể dự toán trước. Tính toán chi phí này bình quân theo mỗi tháng và bình quân theo năm ít nhất trong 5 năm đầu đời.
  • Dự phòng bất trắc, bệnh tật: Đây chỉ là khoản chi phí sinh con dự phòng thêm, nhưng không thể không có. Vì nhiều bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng nhiều bé vừa sinh ra đã bệnh. Kéo thêm chi phí phát sinh sẽ rất lớn, nên tốt nhất bạn cần dự phòng trước.

4. Lên kế hoạch tài chính cho chi phí sinh con

Sau khi đã lập danh sách và liệt kê từng khoản chi phí cho từng mục như trên, chúng tôi tin rằng bạn đã ước chừng được chi phí tổng cần thiết. Với tổng chi phí dự trù này các cặp vợ chồng có thể bắt đầu kế hoạch tiết kiệm, tính toán chi tiêu trong khoản thu nhập của hai vợ chồng như:

  • Chia tổng thu nhập có được thành nhiều phần, trong đó có phần tiết kiệm tài chính chuẩn bị cho em bé trong tương lai. Tốt nhất bình quân chia theo từng tháng chi phí cho con trong ít nhất 5 năm đầu đời của bé.
  • Hạn chế và giảm bớt các khoản chi tiêu có thể tiết giảm như như ăn uống nhà hàng, du lịch, giải trí…
  • Tuỳ theo điều kiện thực tế gia đình để cân đối các chi phí như khám thai ở bệnh viện công thay vì phòng khám quốc tế, quần áo bầu và em bé cũng như các vật dụng không nhất thiết phải mua mới hoàn toàn vì bạn có thể xin lại những vật dụng này…. nếu gia đình bạn không quá dư giả về tài chính.
  • Lựa chọn và mua bảo hiểm có lợi ích như Bảo hiểm thai sản.

Mua sắm vật dụng thông minh và tập thói quen chi tiêu hợp lý sẽ giúp vợ chồng bạn chủ động và có những điều kiện để chăm sóc và nuôi dạy con tốt nhất.

Nếu chỉ ngồi và nhìn những khoản liệt kê này, đôi khi bạn sẽ cảm thấy ngán ngẩm và ngại có con. Nhưng nếu lên kế hoạch và có sự chuẩn bị từ trước, bạn sẽ không phải lo lắng nhiều.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tiết kiệm thêm một số khoản như: Khám thai và sinh đẻ bằng bảo hiểm y tế, quần áo của bạn và em bé bạn cũng có thể xin lại của một số người thân quen, vì thật ra, đồ cũ được giặt giũ nhiều lần sẽ mềm và mát hơn đồ mới. Hoặc khi đến ngày sinh, bạn cũng có lương được trợ cấp từ bảo hiểm xã hội… Nếu trừ ra, bạn sẽ thấy giảm được một khoản chi phí đáng kể. Bạn cũng nên nhớ rằng, ngoài vấn đề tài chính thì vấn đề chuẩn bị cho thai kỳ khỏe mạnh cũng quan trọng không kém trước khi chuẩn bị sinh con.

Hạnh Phan

Categories
Gia đình Tin tức

Kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ của người mẹ đi làm

Vắt bỏ sữa vì sợ không an toàn

Chị Lệ Quyên (Q.12) cho biết: “Mình cũng nghe nói sữa mẹ tốt và đảm bảo dinh dưỡng cho con, nhưng con mới được 3 tháng thì mình đã đi làm rồi. Thời gian đầu đi làm thấy sữa căng quá thì vắt bỏ, nghĩ nếu đem về thì cũng không đảm bảo an toàn cho bé, thà cho bú sữa ngoài tốt hơn, sau thấy chuyện căng sữa cũng bớt dần. Đêm thì bé lại bú ít, giờ con mới gần 5 tháng mà gần như hết sữa rồi. Con cũng bỏ không thèm bú mẹ nữa”.

Không chỉ chị Quyên mà rất nhiều chị em khác cũng gặp tình huống như vậy khi nuôi con bằng sữa mẹ. Với suy nghĩ rằng sữa mẹ khi đã vắt ra thì sẽ không tốt cộng với việc không thường xuyên vắt sữa, cũng như cho con bú sữa mẹ nhiều nên lượng sữa mẹ sẽ dần ít đi. Hơn nữa, với một số trẻ, khi quen với sữa công thức thì sẽ không còn thích bú mẹ, vì sữa mẹ thường không ngọt bẳng sữa mua.

Sữa mẹ vẫn có thể trữ được
Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, nếu biết cách bảo quản, thì các bà mẹ vẫn có thể đảm bảo cho con mình bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu mà vẫn thật sự an toàn và con vẫn có thể lên cân tốt.

Chị Thanh Loan (Q.3) tự hào cho biết: “Mình cho Chip bú sữa mẹ từ khi mới sinh và đến giờ Chip đã gần 6 tháng và vẫn lên cân đều đặn. Ngay từ khi Chip còn nhỏ, mình đã vắt sữa hàng ngày và cho con ti bằng bình để bé làm quen với việc bú bình, giờ mình có vắng nhà thì chỉ cần để sữa ở nhà là có thể yên tâm Chíp vẫn được bú sữa mẹ hoàn toàn.”

Chị Thanh Loan chia sẻ thêm: “Giờ mình cũng đã trở lại với công việc, vắng nhà thường xuyên nhưng sữa vẫn rất nhiều. Ban ngày đi làm mình vắt sữa ra, để vào tủ lạnh, khi về thì cho vào bình giữ nhiệt. Thế là hôm sau, Chip nhà mình vẫn có sữa bú. Còn bản thân mình phải ăn uống đầy đủ và hầu như lúc nào cũng phải mang theo sữa để uống bổ sung, giúp duy trì lượng sữa cho con”.

Kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ của người mẹ đi làm
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Viện dinh dưỡng Quốc gia thì ở nhiệt độ thường sữa mẹ có thể trữ được vài tiếng. Trong ngăn mát tủ lạnh, sữa bảo quản được khoảng 24h, và nếu cất trong ngăn đá thì có thể để được vài tuần, thậm chí vài tháng, nếu điều kiện vô trùng tốt. Nhưng để duy trì lượng sữa mẹ ra sao và bảo quản thế nào, các chị em cũng cần phải lưu ý:

  • Nếu mẹ có kế hoạch đi làm, thì trước đó, trong thời gian bé còn nhỏ, bé chưa bú hết sữa mẹ thì mẹ nên vắt sữa ra để dành. Đồng thời vắt sữa cho bé bú bình song song với việc bú vú mẹ để bé làm quen với việc bú bình khi mẹ đi làm.
  • Trước khi vắt sữa, mẹ cần rửa tay bằng xà phòng, lau sạch đầu vú, chuẩn bị các vật chứa đã được làm sạch, tốt nhất là khử trùng để dảm bảo an toàn cho bé.
  • Khi vắt sữa để dành cho con, nếu để dành trong thời gian dài hơn 24h, các chị em nên cho dùng túi đựng sữa chuyên dụng, hoặc bình tiệt tùng, ghi rõ ngày tháng và cho vào ngăn đá để biết hạn sử dụng. Lưu ý là nhiệt độ luôn phải giữ ổn định ở -18 đến -20 độ. Đồng thời không nên để sữa mẹ chung với các đồ ăn khác, vì dễ bị nhiễm khuẩn chéo.
  • Khi cho bé ăn thì nên để xuống ngăn mát tủ lạnh cho rã đông từ từ. Ví dụ trưa cho bé bú thì bỏ xuống ngăn mát từ sáng. Sau đó ngâm bằng nước nóng để làm ấm sữa. Không nên hâm sữa bằng lò vi sóng vì nó có thể phá hủy các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ và nhiệt độ bình sữa không đều.
  • Ở chỗ làm, nếu vắt sữa để dành, mẹ cũng phải bảo quản ở tủ lạnh và khi về phải để trong bình giữ nhiệt hoặc cho thêm nước đá vào bình để sữa luôn duy trì độ lạnh.
  • Khi mẹ đi làm, vẫn duy trì cho con bú hàng ngày, có thể là tranh thủ thời gian buổi trưa về cho bé bú nếu chỗ làm gần nhà hoặc vào ban đêm để duy trì sữa cho bé. Ngay cả ban ngày khi đi làm mẹ cũng nên vắt sữa thường xuyên để duy trì sữa, vì khi ngực căng sữa sẽ hình thành phản xạ báo về thần kinh trung ương là đang thừa sữa nên việc tiết sữa sẽ bị ngừng trệ.
  • Mẹ không nên ăn kiêng vì nếu ăn kiêng hoặc ăn ít đi, lượng sữa cũng ít dần. Vì thế, khi đi làm, bạn vẫn cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tránh mất sữa. Đặc biệt là mẹ cần uống thật nhiều nước để có sữa cho bé.
  • Khi bé không bú hết, lượng sữa tồn đọng trong vú sẽ là chất ức chế, ngăn cản sự tạo sữa. Vì vậy, mẹ phải vắt hết sữa bằng tay hoặc bằng bơm để giúp sữa tiếp tục được tạo ra. Nên cho trẻ bú nhiều vào đêm. Vì ban đêm chất Prolactin (chất kích thích tạo sữa) được tiết ra nhiều về đêm.

Hạ My