Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

Bị chuột rút khi quan hệ: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả

Bị chuột rút khi quan hệ thường do sử dụng phương pháp ngừa thai IUD, đang mang bầu và đang hành kinh. Và bạn hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng này tại nhà.

Bị chuột rút khi quan hệ thường xảy ra ở phái nữ, làm ảnh hưởng đến cảm xúc và không khí mỗi khi “yêu”. Các cơ ở bắp chân, đùi, bàn tay, cơ bụng,… co thắt đột ngột, gây đau dữ dội bắp thịt khiến bạn không thể cử động được nữa. Vì sao lại gặp tình trạng như vậy khi quan hệ? Có cách nào để khắc phục không? Trong bài viết này, MarryBaby sẽ giải đáp giúp bạn.

1. Nguyên nhân bị chuột rút khi quan hệ

Có 3 nguyên nhân chính khiến bạn bị chuột rút khi quan hệ. Đó là sử dụng dụng cụ tử cung (IUD), quan hệ khi đang mang thai và đang trong giai đoạn hành kinh hoặc rụng trứng. Cụ thể như sau:

1.1 Sử dụng dụng cụ đặt tử cung (IUD)

IUD là một dụng cụ nhỏ có hình chữ T, đặt bên trong tử cung nhằm ngăn ngừa việc có thai ngoài ý muốn. IUD có nhiệm vụ ngăn chặn tinh trùng tiếp cận trứng; và ngăn chặn sự làm tổ của phôi vào niêm mạc tử cung; từ đó ngừa thai hiệu quả.

Sau khi đặt IUD, phụ nữ có thể bị chuột rút trong vài tuần, kể cả lúc quan hệ hay không. Khi quan hệ tình dục, những cơn co thắt, những cơn có thắt trở nên càng dữ dội và có thể khiến bạn bị chuột rút. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân đáng báo động.

Trong vài tuần sau khi đặt vòng tránh thai, việc quan hệ tình dục của bạn có thể không thoải mái và thuận lợi. Nhưng những sự khó chịu này sẽ biến mất. Trong trường hợp sau vài tuần đặt IUD bạn vẫn gặp tình trạng chuột rút, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và tìm hiểu rõ nguyên nhân.

bị chuột rút khi quan hệ
Vòng tránh thai là một trong những nguyên nhân gây chuột rút khi quan hệ

1.2 Quan hệ tình dục lúc đang mang thai

Phụ nữ có thể bị chuột rút nếu quan hệ tình dục khi đang mang thai. Các cơn cực khoái có thể gây nên các cơn co thắt tử cung, từ đó dẫn đến hiện tượng chuột rút. Đặc biệt là phụ nữ mang thai ở giai đoạn ba tháng cuối thai kỳ.

Quan hệ tình dục không gây tổn thương cho thai nhi nên bạn đừng lo lắng quá. Nếu không thuộc nhóm nguy cơ sảy thai cao thì bạn có thể quan hệ tình dục đến khi sinh em bé. Ngược lại, nếu bạn từng trải qua những triệu chứng sau thì cần cẩn thận khi quan hệ tình dục:

  • Vỡ ối.
  • Bị chảy máu.
  • Đau bụng hoặc bị chuột rút.
  • Tiền sử bị yếu cổ tử cung.
  • Herpes sinh dục.
  • Nhau bám thấp, nhau tiền đạo.

1.3 Bị chuột rút khi quan hệ khi đang hành kinh hoặc rụng trứng

Một nguyên nhân nữa khiến phái nữ bị chuột rút khi quan hệ là bạn “yêu” trong những ngày đèn đỏ hoặc rụng trứng.

Nhiều người bị đau như chuột rút ở vùng bụng, bắt đầu từ 1 – 2 ngày vào chu kỳ kinh nguyệt và có thể kéo dài từ 12 – 72 giờ. Hoặc bạn có thể bị chuột rút khi đang rụng trứng, nguyên nhân là do các cơn co thắt ở tử cung của người phụ nữ. Chuột rút có thể kéo dài từ lúc đang quan hệ đến lúc sau khi quan hệ.

Cho nên, trong những ngày hành kinh hoặc rụng trứng, để giảm áp lực cho tử cung, bạn nên kiêng quan hệ tình dục. Ngoài ra, quan hệ tình dục vào những ngày này có thể khiến vùng kín dễ bị viêm nhiễm do vi khuẩn xâm nhập thông qua dương vật.

bị chuột rút khi quan hệ
Quan hệ vào ngày rụng trứng cũng khiến bạn dễ bị chuột rút

2. Cách khắc phục chứng bị chuột rút khi quan hệ tại nhà

Bởi vì những nguyên nhân khiến bạn bị chuột rút khi quan hệ không đáng lo ngại nên bạn có thể tự khắc phục tại nhà bằng những cách sau:

2.1 Giảm chuột rút bằng cách dùng thuốc giảm đau

Sử dụng thuốc giảm đau có thể làm giảm hiệu quả tình trạng chuột rút mỗi khi quan hệ tình dục. Loại thuốc phổ biến là thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) có tác dụng làm giảm các cơn co thắt bằng cách thư giãn cơ bụng.

Cụ thể, các loại thuốc này gồm có ibuprofen (Advil hoặc Motrin IB), naproxen sodium (Aleve) và acetaminophen (Tylenol).

2.2 Sử dụng sức nóng của nhiệt

Nếu bị đau bụng hoặc chuột rút khi quan hệ, bạn có thể chườm nóng để làm giảm các cơn đau ở vùng bụng. Bạn có thể tắm nước nóng, đắp tấm sưởi nhiệt, chườm chai nước nóng hoặc sử dụng miếng dán nhiệt để tăng cường lưu thông và tuần hoàn máu. Mục đích là đưa máu đến các khu vực chật hẹp đang cơ thắt để giảm bớt cơn đau.

bị chuột rút khi quan hệ
Chườm nước nóng có thể giúp bạn thư giãn và giảm đau, giảm chuột rút

2.3 Bổ sung thực phẩm chức năng

Bên cạnh đó, bạn hãy thử bổ sung một số thực phẩm chức năng vào chế độ ăn uống hàng ngày như vitamin E, Axit béo omega-3, Vitamin B-1 (thiamine), Vitamin B-6, Magie,… Các chất này có tác dụng giảm bớt hiện tượng căng cơ, giảm các cơn co thắt gây ra chứng đau bụng hay chuột rút.

2.4 Thay đổi lối sống

Ngoài những cách khắc phục nêu trên, thay đổi lối sống là cách giúp sức khỏe cơ thể cải thiện, từ đó giảm hẳn tình trạng chuột rút khi quan hệ. Bạn có thể thực hiện một số động tác nhẹ nhàng như kéo giãn cơ, tập hít thở, tập một vài bài yoga hoặc ngồi thiền. Đồng thời, nên hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá để chuột rút biến mất hoàn toàn.

Quan hệ tình dục là cách vợ chồng duy trì hạnh phúc gia đình. Cho nên, bạn đừng để tình trạng chuột rút khi đang quan hệ làm ảnh hưởng đến phút giây thăng hoa này nhé. MarryBaby đã chia sẻ nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng chuột rút một cách chi tiết và đầy đủ nhất. Hy vọng rằng, với những thông tin hữu ích này, chuyện chăn gối của bạn ngày càng thăng hoa và cảm xúc.

By Phạm Trung Hiếu

Biên tập viên Phạm Trung Hiếu đã có hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập thông tin sức khỏe nói chung và mảng Mẹ & Bé nói riêng cho các trang tin MarryBaby, theAsianParents...
Hiện tại, anh đang phụ trách biên tập các tin bài về Mẹ & Bé cho trang web MarryBaby với mong muốn cung cấp các thông tin khoa học và hữu ích giúp bạn đọc dễ dàng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình nhỏ của mình.