Liệu mình có đang mang thai? Đây là câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu nếu chu kỳ kinh nguyệt “lặn mất tăm”. Thực tế, mang thai không phải nguyên nhân trễ kinh nguyệt duy nhất. 10 “thủ phạm” sau cũng góp phần làm chậm trễ chu kỳ của bạn.
Nguyên nhân chậm kinh do stress
Không chỉ gây nhức đầu, tăng cân, mụn trứng cá cũng như các vấn đề về da khác, stress cũng là nguyên nhân gây trễ kinh thường gặp. Khi căng thẳng, cơ thể sẽ sản xuất hormone adrenaline và cortisol làm ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, từ đó dẫn đến chậm kinh hoặc thậm chí mất kinh trong 1 thời gian dài.
Cân nặng thay đổi
Khi bạn giảm cân quá mức, cơ thể sẽ không sản xuất đủ lượng estrogen cần thiết để bắt đầu quá trình rụng trứng. Ngược lại, khi tăng cân quá nhiều trong một thời gian ngắn sẽ làm cơ thể bị “quá tải” estrogen làm lớp lót tử cung dày lên nhanh chóng, làm chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.
Tập thể dục quá mức
Tập thể dục tốt cho sức khỏe và chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Vận động thường xuyên và ở mức độ vừa phải sẽ giúp chu kỳ ngắn, đều đặn và ít đau đớn hơn. Tuy nhiên, nếu vận động quá mức làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng mỡ của cơ thể cũng sẽ làm giảm nồng độ estrogen, gây ức chế sự rụng trứng và là nguyên nhân gây chậm kinh.
[inline_article id=84251]
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Thức khuya dậy sớm hoặc đơn giản chỉ là thay đổi chỗ làm, đổi thời gian làm việc cũng có thể là lý do chậm kinh. Bởi khi thói quen sinh hoạt thay đổi, đồng hồ sinh học của bạn cũng phải thay đổi để thích nghi dần. Nội tiết tố cũng vì vậy bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, bạn không cần quá lo. Khi cơ thể quen dần với sự đổi mới, chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ tự động trở lại bình thường.
Bệnh cũng là nguyên nhân chậm kinh
Nếu bạn bị bệnh, dù chỉ cảm lạnh đơn giản hay nghiêm trọng cũng có thể làm ngày “đèn đỏ” đến trễ hơn bình thường. Đây chỉ là trường hợp tạm thời. Kinh nguyệt sẽ trở lại khi bạn khỏi bệnh.
Do ảnh hưởng của thuốc
Các loại thuốc tránh thai là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên những thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt. Lần đầu sử dùng thuốc tránh thai hoặc mới chuyển sang một loại thuốc mới đều có thể làm bạn trễ kinh. Trong một số trường hợp, chu kỳ kinh nguyệt có thể biến mất hoàn toàn khi dùng thuốc tránh thai. Bạn có thể trao đổi thêm với bác sĩ để tìm loại thuốc hoặc biện pháp tránh thai hiệu quả hơn.
Ngoài thuốc tránh thai, một số loại thuốc khác như thuốc trầm cảm, một số thuốc chống loạn thần, corticosteroid và thuốc hóa trị liệu cũng có thể là lý do chậm kinh 1 tuần, 1 tháng hoặc 2 tháng.
Hội chứng đa nang buồng trứng
Đa nang buồng trứng làm mất cân bằng nội tiết tố, có thể gây u nang buồng trứng và ngăn ngừa rụng trứng xảy ra thường xuyên. Hội chứng đa nang buồng trứng cũng có thể gây mụn trứng cá, tăng cân và vô sinh. Nếu nghi ngờ, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để sớm được khám và điều trị.
Bất thường về tuyến giáp
Mất cân bằng tuyến giáp, dù đó là sự suy giảm hoặc tăng cường hoạt động cũng đều ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Nếu nhận thấy các triệu chứng khác của rối loạn tuyến giáp như giảm cân đột ngột, da khô, tóc rụng thường xuyên…, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn cách điều trị phù hợp.
Tính sai ngày
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài 28 ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tham khảo. Tùy theo cơ địa từng người, một chu kỳ có thể nằm trong khoảng 25-35 ngày. Thỉnh thoảng nhiều người trễ kinh chỉ do tính nhầm ngày.
[inline_article id=148087]
Mãn kinh sớm
Không còn là vấn đề của những phụ nữ 50, phụ nữ dưới 40 tuổi bị thiếu hụt hormone cũng có thể bị mãn kinh sớm hay còn gọi là suy giảm buồng trứng. Cùng với “tắt” chu kỳ kinh nguyệt, mãn kinh sớm cũng “đi kèm” các triệu chứng như nóng trong người, đổ mồ hôi ban đêm và khô âm đạo.
Tóm lại, nguyên nhân trễ kinh nguyệt có rất nhiều, chủ yếu do sự thay đổi hormone của cơ thể. Thay vì lo lắng, bạn nên chủ động tìm hiểu nguyên nhân để nhanh chóng có biện pháp xử lý đúng trong từng trường hợp.