Một trong những cách điều trị bệnh phổ biến mà hầu hết ai trong chúng ta cũng nghĩ đến đó là thuốc. Vậy người bị sốt xuất huyết uống thuốc gì? Những lưu ý khi sử dụng thuốc như thế nào? MarryBaby sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên!
1. Hiểu về bệnh sốt xuất huyết
1.2 Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi đốt và phổ biến ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân gây sốt xuất huyết chủ yếu do virus Dengue truyền từ muỗi vằn. Mỗi năm, trên thế giới có hàng triệu ca nhiễm virus Dengue.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển biến thành sốt xuất huyết Dengue gây chảy máu nghiêm trọng, giảm huyết áp đột ngột và thậm chí dẫn đến tử vong. Vậy bị sốt xuất huyết nên uống thuốc gì?
1.2 Sốt xuất huyết nên uống thuốc gì? Cần căn cứ vào các triệu chứng
Các triệu chứng mà người bệnh biểu hiện ra bên ngoài thường cũng là những dấu hiệu để cảnh báo họ có thể bị nhiễm sốt xuất huyết hay không. Các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết thể hiện rõ nét qua ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Bắt đầu sốt
Trong giai đoạn này, các triệu chứng sẽ khó phân biệt với các loại sốt do virus thông thường gây ra. Và thường xuất hiện sau thời kỳ ủ bệnh trong 24 – 48 giờ đầu tiên.
- Nhức mỏi cơ thể.
- Chóng mặt.
- Mệt mỏi (uể oải và đuối sức).
- Nóng sốt 39 – 40 độ C.
- Đau đầu.
- Phát ban.
Giai đoạn 2: Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn này thường bắt đầu từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Các biểu hiện nặng của sốt xuất huyết sẽ được thấy rõ hơn. Giai đoạn này cần quan sát người bệnh; nếu có các biểu hiện nặng cần đưa đi cấp cứu kịp thời
- Xuất huyết dưới da.
- Khó thở.
- Chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng.
Trường hợp bệnh đã trở nên nguy hiểm:
- Chảy máu mũi, nướu.
- Hôn mê (trạng thái hôn mê sâu và kéo dài).
- Nôn ra máu hoặc đi nặng ra máu.
- Có thể dẫn tới xuất huyết não.
Giai đoạn 3: Giai đoạn phục hồi
Sau hai giai đoạn trên, người bệnh bước vào giai đoạn phục hồi. Người bệnh hết sốt và thể trạng khá hơn nhiều. Bệnh nhân bắt đầu thèm ăn và ăn uống ngon miệng hơn, đi tiểu nhiều và dần trở về trạng thái bình thường.
2. Sốt xuất huyết nên uống các loại thuốc gì cho mau khỏi?
Hiện nay các bác sĩ sử dụng một số loại thuốc để điều trị triệu chứng cho người bệnh sốt xuất huyết như sau:
2.1 Thuốc giảm đau, hạ sốt – Paracetamol
Sốt xuất huyết nên uống thuốc gì thì Paracetamol đứng đầu danh mục thuốc này. Paracetamol (hay còn được biết là Acetaminophen) ở dạng đơn chất là đại diện trong nhóm này.
Với Paracetamol, mọi người cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng, bởi nó có tác dụng phụ là gây độc cho gan và suy giảm chức năng gan, nếu sử dụng quá liều. Và tuyệt đối không được tự ý tăng liều lượng của thuốc. Cũng như thời gian dùng thuốc sẽ từ khoảng 4 – 6 giờ mới được dùng liều tiếp theo.
Đối với trẻ em, phụ huynh còn cần phải lưu ý đến các dạng bào chế khác nhau của Paracetamol như thuốc viên, siro, thuốc bột pha uống và dạng viên đặt hậu môn; không nên sử dụng các loại Paracetamol có kết hợp với các dạng NSAID trên thị trường… Ngoài ra, nếu cho trẻ nhỏ dùng aspirin, bé có thể gặp tác dụng phụ khá nổi tiếng là hội chứng Reye rất nguy hiểm.
>>> Hãy đọc thêm: Tất tần tật về bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
2.2 Cho người bệnh uống nhiều nước
Không chỉ cần quan tâm đến bị sốt xuất huyết nên uống thuốc gì, mà còn phải bù nước.
Vì bị sốt nên bệnh nhân sẽ bị mất nước nên điều cần thiết là phải bù nước. Người bệnh có thể sử dụng oresol hoặc đơn thuần chỉ dùng nước đun sôi để nguội hoặc có thể dùng thêm nước trái cây. Nếu sử dụng oresol, bạn cần lưu ý phải pha đúng tỷ lệ và pha bằng nước đun sôi để nguội.
>>> Hãy xem thêm: Trẻ bị sốt có nên bật quạt? 5 nguyên tắc cần nhớ khi cho bé nằm máy quạt
3. Sốt xuất huyết không được uống thuốc gì?
3.1 Aspirin
Aspirin là một salicylate thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn một loại vật chất tự nhiên trong cơ thể để giảm đau và sưng.
Những lưu ý trước khi dùng thuốc aspirin và cần trao đổi với bác sĩ như:
- Liều lượng và thời gian sử dụng.
- Tương tác thuốc.
- Báo cáo bệnh trạng hiện tại.
- Cung cấp thông tin về các loại thuốc hay thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng.
- Đối tượng đặc biệt lưu ý khi dùng thuốc: phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú hoặc là trẻ em.
3.2 Ibuprofen và nhóm thuốc kháng viêm không Steroids khác
Theo khuyến cáo của CDC bệnh nhân không được dùng hoặc tự ý dùng Ibuprofen; một loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Thuốc hoạt động bằng cách ngăn ngừa việc cơ thể sản xuất các chất tự nhiên nào đó gây viêm.
Tác dụng này giúp làm giảm sưng, giảm đau hoặc hạ sốt. Các thuốc khác cùng nhóm với ibuprofen (các thuốc giảm đau, kháng viêm không Steroids – NSAIDs) như diclofenac, meloxicam,… cũng không được dùng do các thuốc trong nhóm này đều có tác dụng làm ức chế kết tập tiểu cầu, gây nguy cơ chảy máu, biến chứng ở mức độ khác nhau trong bệnh sốt xuất huyết.
Tóm lại, bị sốt xuất huyết uống thuốc gì, bạn nên xin ý kiến từ các bác sĩ. Nếu bệnh nhân hay người nhà tự ý mua kháng sinh về dùng không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc (nhất là đối với người có cơ địa dị ứng).