Viêm gan B mạn tính có chữa được không? Hãy cùng MarryBaby tìm hiểu cách điều trị cũng như dự phòng căn bệnh này nhé!
Viêm gan B mạn tính là gì?
Viêm gan B là một trong những bệnh lý nguy hiểm và đang có tỷ lệ người mắc bệnh rất cao tại Việt Nam. Viêm gan B gây ra bởi siêu vi viêm gan B hoặc virus viêm gan B (HBV: hepatitis B virus)
Theo VNVC, Việt Nam có khoảng 10-20% dân số (ước tính từ 12-16 triệu người) nhiễm virus viêm gan B, trong đó có khoảng 5 triệu người trong tình trạng viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan.
Hiện nay, trên thế giới ước tính có trên 2 tỷ người đã từng hay đang bị nhiễm HBV, khoảng 400 triệu người mang HBV mạn tính (HBV carrier), trong đó 75% là người châu Á
Bệnh có thể lây truyền qua đường máu, đường mẹ sang con và đường tình dục và không lây qua đường ăn uống. Nhiễm virus viêm gan B dưới 6 tháng gọi là nhiễm cấp tính, khi nhiễm trên 6 tháng gọi là nhiễm mạn tính. Khi nhiễm cấp tính khoảng 10-20% có triệu chứng viêm gan cấp tính.
Khi virus viêm gan B tồn tại trong cơ thể trên 6 tháng gọi là nhiễm siêu vi B mạn tính. Khi nhiễm mạn tính, bệnh sẽ âm thầm trở thành viêm gan B mạn tính. Để biết rõ tình trạng siêu vi B như thế nào cần làm xét nghiệm chức năng gan, các marker HBV, đo tải lượng virus HBV (HBV DNA định lượng), siêu âm gan, đánh giá xơ hóa gan.
Kết quả xét nghiệm của người mắc bệnh viêm gan B mạn tính sẽ có các chỉ số anti-HBc IgM (-) và anti-HBc IgG (+) HBeAg có thể âm hay dương , HBV DNA dương tính thể hiện số lượng virus đang nhân lên.
Viêm gan B mạn tính nguy hiểm như thế nào?
Viêm gan B mạn tính nếu không theo dõi và điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm như:
- Ung thư gan: viêm gan B mạn tính là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây nên ung thư gan. Nếu có các biểu hiện đau hạ sườn phải, sút cân nhanh không rõ nguyên nhân, lá lách to,…cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám.
- Hội chứng não gan: đây là biến chứng ít gặp nhưng có tỷ lệ tử vong cao nhất đối với người bệnh. Khó chịu, bứt rứt, hay lo âu, không ngủ được, tinh thần dễ kích động là những biểu hiện ban đầu khi viêm gan B mạn tính biến chứng thành hội chứng não gan. Lâu dần người bệnh sẽ mất ý thức, không phân biệt đuợc không gian-thời gian và đi đến hôn mê sâu.
- Xơ gan: đây là biến chứng thường thấy khi mắc phải viêm gan B mạn. Các mô sẹo hình thành và dần thay thế tế bào gan khỏe mạnh gây suy chức năng gan, biểu hiện thành hội chứng suy tế bào gan, hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa..
- Suy gan cấp: người bệnh cảm thấy buồn nôn, biếng ăn, vàng da, xuất huyết,… Nặng hơn là suy đa tạng dẫn đến tử vong.
Viêm gan B mạn tính có chữa được không?
Đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa dứt điểm hoàn toàn viêm gan B mạn tính. Tuy nhiên có những phương pháp nhằm khống chế virus hoạt động, người bệnh có thể chung sống hòa bình với virus lâu dài.
Việc điều trị cũng khá phức tạp, nó phụ thuộc vào tình trạng bệnh, tiền căn gia đình, tình trạng virus, các bệnh lý đi kèm…
- Dựa vào tình trạng virus gây bệnh
Để điều trị bệnh một cách hiệu quả, cần phụ thuộc vào tình trạng virus gây bệnh diễn biến như thế nào khi xâm nhập vào cơ thể người. Bệnh được chia làm 2 tình huống: thể người mang virus mạn tính (còn gọi là người mang virus không hoạt động, không có xơ hóa gan) và thể nhiễm viêm gan B mạn tính hoạt động.
- Ở thể người mang virus mạn tính, người bệnh không cần dùng thuốc điều trị mà chỉ cần có chế độ sống đúng đắn, khoa học và theo dõi sức khỏe gan định kỳ. Vì đôi khi virus sẽ trở nên hoạt động.
- Đối với người nhiễm viêm gan B mạn tính ở thể hoạt động: người bệnh tuyệt đối phải thực hiện nghiêm túc theo phác đồ điều trị, sử dụng thuốc kháng virus theo hướng dẫn của bác sĩ ( Tenofovir,Entecavir… PegInterferon). Người bệnh cũng cần kết hợp chế độ ăn và tập thể thao điều độ.
2. Tình trạng bệnh, phương pháp điều trị
Những bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính nếu virus viêm gan B hoạt động và làm tổn thương gan, gan có xơ hóa có thể dùng những loại thuốc để ức chế hoạt động của virus, chưa thể đào thải virus ra khỏi cơ thể hoàn toàn. Việc điều trị viêm gan B mạn tính cần ở bệnh nhân sự kiên trì, theo lâu dài.
Chủ động phòng ngừa viêm gan B bằng cách tiêm chủng vaccine
Viêm gan B nguy hiểm vì những hậu quả mà nó có khả năng gây ra. Xơ gan, suy gan hay ung thư gan là những tiên lượng xấu nhất. Nhưng rất may cho những người chưa từng “giáp mặt” loại virus này là Viêm gan B có thể phòng ngừa được bằng vaccine.
Trước hết, để được tiêm vaccine, cần phải kiểm tra xem một người đã bị nhiễm virus này hay chưa bằng cách xét nghiệm máu. Nếu người đó chưa bị nhiễm virus viêm gan B thì nên tiêm ngừa càng sớm càng tốt.
Tiêm chủng vaccine viêm gan B với người lớn sẽ tiêm 3 mũi (lịch tiêm 0-1-6), nghĩa là mũi 2 sẽ cách mũi tiêm đầu 1 tháng và mũi 3 sẽ cách mũ đầu 6 tháng. Nên xét nghiệm máu để kiểm tra lại chỉ số HBsAb sau khi tiêm ngừa và sau mỗi 3-5 năm và nhắc lại 1 liều vaccine nếu xét nghiệm cho thấy nồng độ HBsAb dưới mức 10 mUI/ml.
Trẻ bị nhiễm viêm gan B từ mẹ thì điều trị như thế nào?
Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B thì ngay sau khi sinh ra đời sẽ được tiêm huyết thanh kháng virus viêm gan B và vaccine ngừa virus viêm gan B. Tuy nhiên, dù được chủng ngừa sau sinh thì trẻ bị nhiễm viêm gan B từ mẹ vẫn có một tỷ lệ nhỏ bị nhiễm siêu vi này.
Đa số các bé bị lây siêu vi B từ mẹ bầu bị viêm gan B khi sinh sẽ không phát bệnh, men gan của bé vẫn bình thường cho đến lúc trưởng thành.Bé cũng không phải điều trị thuốc kháng siêu vi trong giai đoạn này vì không cấp thiết và không hiệu quả.
Vì vậy, chỉ nên cho bé theo dõi định kỳ mỗi 3-6 tháng tại bệnh viện để được điều trị thuốc kháng siêu vi kịp thời khi có chỉ định từ bác sĩ.
Lưu ý khi điều trị viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính có chữa được không và cần lưu ý gì? Những người sống chung với viêm gan B mạn tính có thể cần hoặc không cần điều trị bằng thuốc. Nhưng có rất nhiều điều khác mà bệnh nhân có thể làm để bảo vệ gan và cải thiện sức khỏe.
Dưới đây là danh sách 5 hoạt động lành mạnh hàng đầu mà bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay!
- Lên lịch thăm khám thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa về gan hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để giữ sức khỏe của bạn và sức khỏe của gan.
- Tránh uống rượu và hút thuốc vì cả hai đều sẽ làm tổn thương gan, vốn đã bị siêu vi viêm gan B làm tổn thương.
- Chỉ sử dụng thuốc/ sản phẩm hỗ trợ điều trị có nguồn gốc rõ ràng dưới sự theo sát và tư vấn của bác sĩ. .
- Kiểm tra bất kỳ thuốc mua không cần toa nào (ví dụ: acetaminophen, paracetamol) hoặc thuốc theo toa không dùng để điều trị viêm gan B trước khi dùng để đảm bảo chúng an toàn cho gan vì nhiều thuốc trong số này được xử lý qua gan.
- Có một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt nạc, và nhiều rau.
Bài viết đã cung cấp những thông tin viêm gan B mạn tính có chữa được không. Đây là căn bệnh nguy hiểm và chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Để giảm khả năng mắc viêm gan B mạn tính bạn nên thường xuyên đi khám định kỳ, theo dõi sức khỏe thường xuyên tại các trung tâm y tế hoặc bệnh viện có chất lượng, uy tín.