Viêm nang lông vùng kín hầu như không gây đau đớn nhiều nhưng nếu chị em chủ quan, không điều trị kịp thời, những nang bị nhiễm trùng có thể phát triển thành áp xe sinh dục ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng cũng như có thể gây ra các biến chứng cho việc thụ thai sau này. Do đó, chị em nên tìm hiểu kỹ về bệnh viêm nang lông ở vùng kín để biết cách phòng ngừa và điều trị.
Nguyên nhân gây viêm nang lông vùng kín
Mặc dù căn bệnh này về bản chất là không lây nhiễm, song do các nang lông nằm gần nhau nên tình trạng nhiễm trùng có thể lây từ vùng lông này sang vùng lông khác tạo thành một mảng mụn khiến chị em ngứa ngáy, đau rát và khó khăn khi quan hệ tình dục.
Viêm nang lông vùng kín do các nang lông ở bộ phận sinh dục bị tổn thương dẫn đến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây nhiễm trùng. Thông thường, loại vi khuẩn gây viêm nang lông ở vùng kín là staphylococcus aureus (tụ cầu), virus hoặc nấm.
Các yếu tố khiến nang lông bị tổn thương
- Da vùng kín thường xuyên bị chạm hoặc chà xát
- Mặc quần áo chật
- Cạo lông
- Lông mọc ngược
- Nang lông bị tắc nghẽn
Ngoài ra, nang lông cũng dễ bị nhiễm trùng khi bạn tắm trong bồn nước ấm hoặc wax lông không đúng cách. Sự thay đổi nồng độ hormone trong các kỳ kinh nguyệt cũng làm tăng nguy cơ viêm nang lông vùng kín nữ giới.
Các dạng viêm nang lông vùng kín
1. Triệu chứng viêm nang lông do bỏng dao cạo
Da mẩn đỏ, nứt nẻ và ngứa ngáy được gọi là “bỏng dao cạo” thường xảy ra trong vòng 36 giờ sau khi cạo râu. Để làm sạch da nhanh hơn và giảm đau, bạn có thể thử chườm ấm lên vùng da đó.
Bạn cũng có thể thử giảm ngứa da bằng kem dưỡng da nhẹ nhàng.
2. Vết sưng do dao cạo
Vết sưng do dao cạo là kết quả của phản ứng viêm xung quanh lông mọc ngược. Vết sưng này có thể xuất hiện trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể bạn khi cạo lông. Các sợi lông mới mọc lại sau khi loại bỏ có thể bị mắc kẹt bên dưới lớp da trên cùng và cuộn lại. Khi lông phát triển, các lớp da của bạn bị kích ứng và có thể bị nhiễm trùng.
Bạn có thể loại bỏ lông mọc ngược bằng nhíp đã được khử trùng hoặc tìm đến bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia thẩm mỹ chuyên nghiệp.
3. Viêm nang lông trong bồn tắm nước nóng
Thường có biểu hiện như một nốt ban đỏ, tròn và ngứa. Viêm nang lông trong bồn tắm nước nóng là do vi khuẩn pseudomonas gây ra, có thể tìm thấy trong bồn tắm nước nóng và hồ bơi nước nóng, nơi nồng độ clo và pH mất cân bằng.
Các triệu chứng viêm nang lông vùng kín
Viêm nang lông vùng kín dễ bị nhầm lẫn với mụn vùng kín. Viêm nang lông vùng kín trông giống như nổi mụn ở đùi trong, môi âm hộ hoặc vùng gò mu. Bạn có thể nhận biết sự khác biệt giữa mụn trứng cá và viêm nang lông bằng cách tìm lông.
Nếu có lông ở giữa vết sưng thì đó là bệnh viêm nang lông ở bộ phận sinh dục hoặc nang lông bị nhiễm trùng. Nếu không có lông ở giữa thì đó có thể là mụn âm đạo. Nếu bạn không chắc chắn, hãy đến gặp bác sĩ sản phụ khoa hoặc bác sĩ da liễu để được chẩn đoán.
Bạn có thể chẩn đoán viêm nang lông vùng kín qua các dấu hiệu phổ biến như:
- Vùng lông bị viêm thường không đau
- Đôi khi ngứa, có vết loét đóng vảy và sốt nhẹ
- Các chân lông bị viêm trông giống như vết muỗi đốt hoặc vết sưng tấy
- Viêm nang lông âm đạo do lông mọc ngược thường sưng tấy với một đốm hoặc đường sẫm màu (đây là lông bị mắc kẹt).
Các biến chứng của viêm nang lông vùng kín
1. Áp xe
Nếu chị em không điều trị kịp thời, viêm nang lông đôi khi có thể phát triển thành bóng nước hoặc mụn nhọt. Đây là những ổ nhiễm trùng lớn hơn dưới da, chứa đầy mủ, có thể biến chứng thành áp xe.
Khi nhọt càng lớn thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao. Vì vậy, bạn cần điều trị nhanh chóng.
2. Rụng lông vĩnh viễn
Rất ít trường hợp bị rụng lông vĩnh viễn do biến chứng của viêm nang lông âm đạo. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan với nguy cơ này. Khi nhiễm trùng xâm nhập đủ sâu vào da và làm tổn thương nang lông thì sẽ ngăn cản quá trình lông mọc lại.
[inline_article id=68798]
Cách trị viêm nang lông vùng kín
Chứng bệnh này không khó để chữa trị, chị em có thể sử dụng các phương pháp như:
1. Thuốc bôi viêm nang lông vùng kín
Bạn có thể dùng thuốc trị viêm nang lông vùng kín để kiểm soát nhiễm trùng, chẳng hạn như thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc kháng sinh uống.
2. Tiểu phẫu
Nếu bạn bị nhọt hoặc nhọt lớn, bác sĩ có thể rạch một đường nhỏ trên vùng da nhiễm trùng để dẫn lưu mủ nhằm giảm đau và tăng tốc độ hồi phục.
3. Triệt lông bằng laser
Phương pháp này hiện rất được chị em ưa thích và sử dụng nhiều trong các spa hoặc bệnh viện thẩm mỹ vì có thể bỏ vĩnh viễn các nang lông ở vùng điều trị. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể có các tác dụng phụ như phồng rộp và sẹo.
Cách phòng ngừa viêm nang lông ở vùng kín
Để ngăn ngừa tình trạng viêm nang lông ở bộ phận sinh dục, chị em cần chú ý thực hiện các điều sau:
- Vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc nước muối sinh lý
- Không dùng chung khăn tắm và giặt khăn thường xuyên để ngăn vi khuẩn tích tụ
- Tẩy da chết cho vùng lông mu
- Tiệt trùng dao cạo lông trước khi cạo
- Cạo lông đúng cách, cạo xuôi chiều lông mọc, không nên cạo ngược lại vì dễ gây tổn thương nang lông
- Tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc hoặc làm sạch lông gây kích ứng da
- Mặc quần áo thông thoáng, sạch sẽ
- Chú ý khi quan hệ tình dục, tránh cọ xát vùng lông mu quá mạnh
- Vệ sinh âm đạo cẩn thận trong kỳ kinh nguyệt
Viêm nang lông vùng kín là một căn bệnh ngoài da nhẹ, dễ dàng ngăn ngừa và điều trị. Tuy nhiên, điều quan trọng chị em cần lưu ý là một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STDs) có thể trông rất giống với vết sưng viêm nang lông hoặc mụn ở âm đạo. Vì vậy nếu chị em thấy các triệu chứng khác thường trên vùng lông mu thì tốt hơn là nên đi đến bệnh viện để khám hoặc làm xét nghiệm STDs nhé.
Hanako