Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

Virus Marburg là gì? Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Virus Marburg là một loại virus truyền nhiễm và có khả năng gây sốt nguy hiểm tương tự virus Ebola. Tỷ lệ tử vong khi mắc phải virus Marburg là hơn 88%.

Cùng Marrybaby tìm hiểu xem Virus Marburg là gì? Và làm sao để nhận diện các triệu chứng khi mắc bệnh. Cuối cùng là cách phòng ngừa bệnh cho người lớn và trẻ nhỏ.

1. Virus Marburg là gì?

Virus Marburg (Marburg Virus Disease – MVD) là một virus RNA thuộc họ Filovirus, một loại vi rút cùng họ với Ebola. Đây là một loại vi rút lây truyền từ động vật sang người, có khả năng gây sốt xuất huyết nghiêm trọng.

Virus Marburg được phát hiện đầu tiên vào năm 1967, trong thời điểm bùng phát bệnh sốt xuất huyết từ phòng thí nghiệm Marburg và Frankfurt (Đức) và ở Belgrade (Nam tư – Serbia).

Cũng trong đợt bùng phát này, đã có 7 trường hợp tử vong được báo cáo. Các đợt bùng phát tiếp theo đơn lẻ tiếp theo sau đó lần lượt được ghi nhận ở Angola; Cộng hòa Dân chủ Congo; Kenya; Nam Phi và Uganda. (Thống kê từ Thư viện Y học quốc gia Hoa Kỳ CDC, 2023)

Vật chủ được nghi ngờ là mang mầm bệnh của virus Marburg
Vật chủ được nghi ngờ là mang mầm bệnh của virus Marburg – Dơi châu Phi Rousettus aegyptiacus

Vật chủ ban đầu mang virus Marburg là một loài dơi ăn quả ở châu Phi có tên là Rousettus aegyptiacus. Loài dơi này được tìm thấy trong các hang động và hầm mỏ. 

Đáng lo là những con dơi này khi bị nhiễm virus Marburg lại không có bất kỳ biểu hiện gì. Nhưng khi những loài động vật khác và con người bị nhiễm, thì xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng với tỷ lệ gây tử vong tương tự virus Ebola.

2. Virus Marburg gây ra bệnh gì?

Giống với virus Ebola, vi rút Marburg cũng có khả năng gây sốt xuất huyết. Bệnh lý hiện đang được gọi là sốt xuất huyết Marburg

Tháng 02.2023 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới WHO ghi nhận 9 ca tử vong và 16 ca đang có triệu chứng sốt cao; nôn do sốt xuất huyết Marburg tại Guinea Xích Đạo (Tây Phi). Trong đó, một ca được xét nghiệm dương tính với virus Marburg; số bệnh nhân còn lại là tử vong.

3. Triệu chứng khi nhiễm virus Marburg là gì?

Triệu chứng khi mắc Virus Marburg
Triệu chứng khi mắc Virus Marburg sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ. Từ ngày thứ 5 trở đi, bệnh nhân có thể nổi sẩn trên thân (ngực, lưng, bụng), buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng, tiêu chảy,..

Sau khi nhiễm virus Marburg, thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 21 ngày. Đồng thời còn tùy thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của bệnh và con đường nhiễm bệnh. Trong thời gian đầu ủ bệnh, virus Marburg sẽ chưa có khả năng truyền nhiễm. 

Diễn biến lâm sàng có thể được chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Kéo dài từ 1 – 4 ngày sau khi phát bệnh

Trong giai đoạn này, các dấu hiệu nhiễm Marburg virus không đặc hiệu, gần như giống với các triệu chứng của bệnh cúm. Những triệu chứng thường khởi phát đột ngột và biểu hiện bằng:

  • Sốt cao đột ngột từ 39-40°C.
  • Đau đầu, đau ngực, đau họng, ớn lạnh, mệt mỏi, khó chịu dữ dội, nhức mỏi cơ bắp.
  • Vào ngày thứ 3, bệnh nhân có bắt đầu có biểu hiện suy nhược cơ thể nhanh chóng, với các triệu chứng về tiêu hóa như: chán ăn, khó chịu ở bụng, đau bụng và chuột rút, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy có máu hoặc không có máu (có thể kéo dài đến 1 tuần).

Giai đoạn 2: Các triệu chứng sẽ khởi phát và kéo dài từ 5 – 13 ngày

Các triệu chứng do virus Marburg gây ra ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhất là từ ngày 5 đến ngày 7. Một số dấu hiệu nhiễm virus Marburg đặc trưng của giai đoạn này là:

  • Phát ban dát sẩn, không ngứa, nổi rõ nhất là ở ngực, lưng và bụng. 
  • Nhiều bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết nặng. Chẳng hạn như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, chảy máu tự phát từ các vị trí chích tĩnh mạch. Hoặc buồn nôn có kèm máu, đi ngoài ra máu, chảy máu mắt, mũi, tai, nướu răng, vùng kín,…
  • Đông máu nội mạch lan tỏa, giảm bạch huyết và giảm tiểu cầu thường xuất hiện trong vòng 1 tuần sau khi bệnh khởi phát.
  • Tình trạng có thể trở nặng khi bệnh nhân sụt cân nghiêm trọng, vàng da, viêm tuyến tụy, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan.

Giai đoạn 3: Bệnh trở nặng nguy hiểm hoặc là dần hồi phục

  • Nếu bệnh trở nặng: chứng tỏ virus Marburg đã tấn công sâu và các nội tạng, gây mất phương hướng, kích động, có giật và hôn mê.
  • Nếu bệnh dần thuyên giảm: Những bệnh nhân không bị virus tấn công sâu vào nội tạng sẽ dần cải thiện sức khỏe và phục hồi chức năng. Tuy nhiên, những người khỏi bệnh cũng có thể trải qua nhiều di chứng khác nhau như kiệt sức, suy nhược, mệt mỏi, đau cơ, viêm gan, viêm mắt, viêm tinh hoàn, bong tróc da, rụng tóc,..

Những người sống sót sau MVD thường phục hồi chậm vì virus Marburg thường tồn tại trong cơ thể vài tuần.

>> Xem thêm: Adenovirus là gì? Virus adeno gây bệnh gì ở trẻ em?

4. Vi rút Marburg lây truyền qua con đường nào?

Vi rút Marburg có khả năng truyền nhiễm từ nhiều hình thức khác nhau, cụ thể như:

  • Nhóm người tiếp xúc thời gian dài với phân hoặc chất tiết của dơi Rousettus trong hầm mỏ.
  • Tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh qua vết trầy xước trên da, niêm mạc, máu, dịch tiết; hoặc sử dụng chung dụng cụ có dính tiết dịch của người bệnh.
  • Lây qua đường quan hệ tình dục, kể cả quan hệ bằng miệng hay âm đạo, hậu môn,..
  • Ngoài ra, virus Marburg cũng được truyền cho thai nhi qua nhau thai. Ở phụ nữ mang thai, virus Marburg có thể tồn tại trong nhau thai và nước ối. Đối với phụ nữ đang cho con bú, nếu bị nhiễm Marburg, virus có thể tồn tại trong sữa mẹ.
  • Bệnh cũng có thể lây truyền từ dơi sang các loài động vật sống gần đó thông qua dịch tiết. Trường hợp bạn vô tình tiếp xúc phải con vật bị nhiễm bệnh, thì khả năng cao là bạn cũng bị nhiễm bệnh một cách gián tiếp.

Đối tượng dễ mắc virus Marburg là người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Nhất là các thành viên trong gia đình và các bác sĩ trong quá chăm sóc bệnh nhân.

>> Cùng chủ đề: Vi khuẩn Salmonella gây bệnh gì? 

5. Cách chẩn đoán bị nhiễm virus Marburg

cách chẩn đoán

Ban đầu có thể sẽ khó phân biệt được bệnh do virus Marburg gây ra với các bệnh truyền nhiễm khác như sốt rét; sốt thương hàn; nhiễm khuẩn Shigella; viêm màng não; hoặc các bệnh sốt xuất huyết khác. Việc chẩn đoán chậm trễ có thể cản trở cơ hội sống sót của bệnh trong giai đoạn này.

Nếu một người có các triệu chứng ban đầu của bệnh Marburg hoặc đã từng đến các khu vực có lưu hành virus Marburg cần được cách ly và thông báo cho các chuyên gia y tế công cộng để lấy mẫu và xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.

Trong giai đoạn đầu nhiễm virus Marburg, việc phát hiện virus có thể được thực hiện qua mẫu ngoáy họng và mũi; mẫu dịch não tủy; mẫu nước tiểu và/hoặc mẫu máu. Sau đó, các mẫu phẩm này có thể được phân tích bằng các phương pháp chẩn đoán như:

  • Xét nghiệm ELISA.
  • Xét nghiệm trung hòa huyết thanh.
  • Phân lập vi rút bằng nuôi cấy tế bào.
  • Các xét nghiệm phát hiện kháng nguyên.
  • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR).

6. Cách điều trị nhiễm vi rút Marburg

Theo thông tin từ CDC Hoa Kỳ cho biết, hiện tại không có phương pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh nhân nhiễm virus Marburg. 

Bệnh nhân cần nhập viện để được hỗ trợ điều trị nhằm cải thiện khả năng sống sót bằng các biện pháp như bù nước và chất điện giải bằng đường uống hoặc dịch truyền tĩnh mạch; thở oxy; truyền máu cũng như điều trị các triệu chứng cụ thể khi khởi phát.

Các liệu pháp kháng virus, chẳng hạn như RemdesivirFavipiravir đã được sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng đối với Ebola cũng có thể được thử nghiệm để sử dụng cho việc phòng ngừa và điều trị virus Marburg.

>> Mẹ xem thêm: Adenovirus là gì? Virus adeno gây bệnh gì ở trẻ em?

7. Cách phòng ngừa bệnh cho người lớn và trẻ nhỏ

cách phòng ngừa

Hiện nay, việc tiêm phòng vắc xin vi rút Marburg cho người lớn và cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là CHƯA CÓ. 

Thế nên, cách phòng ngừa Marburg tốt nhất ở thời điểm hiện tại là ngăn chặn sự lây truyền trực tiếp từ người sang người; cũng như hạn chế sự lây lan virus từ vật chủ sang con người. Để làm được điều đó, bạn hoặc các cha mẹ có con nhỏ nên lưu ý thực hiện các điều sau:

  • Nấu chín kỹ thực phẩm trước khi ăn.
  • Không tiêu thụ thịt động vật hoang dã.
  • Hạn chế tiếp xúc với cả người thân của người bệnh.
  • Rửa tay thường xuyên sau khi chăm sóc người bệnh.
  • Tránh tiếp xúc hoặc đến gần khu vực cư trú của dơi hoặc động vật hoang dã ở Châu Phi.
  • Nhanh chóng đưa bệnh nhân có triệu chứng đến bệnh viện và cách ly an toàn. Đồng thời khử trùng vật dụng, nhà cửa, phòng bệnh thường xuyên.
  • Hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc bị nhiễm virus Marburg. Mặc áo bảo hộ, đeo găng tay, mang khẩu trang, mắt kính… trước khi tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh.
  • Theo WHO, nam giới sau khi khỏi bệnh cần đợi ít nhất 12 tháng mới nên quan hệ tình dục an toàn, trừ khi xét nghiệm tinh dịch của người đã khỏi bệnh cho kết quả âm tính trong 2 lần khác nhau.
  • Nâng cao nhận thức trong cộng đồng về các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân nhiễm vi rút Marburg. Đồng thời chọn biện pháp chôn cất an toàn trường hợp bệnh nhân đã tử vong.

Tóm lại

Có thể thấy, vi rút Marburg là cực kỳ nguy hiểm đối với cả người lớn và trẻ nhỏ.

Chính vì thế, để bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tương tự, cha mẹ nên dành thời gian chăm sóc và hướng dẫn các con cách vệ sinh tay chân mỗi khi từ bên ngoài về nhà nhé. Đồng thời, bản thân cha mẹ cũng cần xây dựng một thói quen ăn uống lành mạnh và tập dục thể thao điều độ để nâng cao sức khỏe.

By Huỳnh Phong

Senior Writer at HelloBacsi & MarryBaby

Expertise in healthcare, parenting and psychological content development, keyword research, and content planning to drive organic traffic and enhance online visibility.