Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

Xuyên tâm liên là cây gì, công dụng ra sao bạn biết chưa?

Trong thời kỳ bao cấp, khi đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn trên tất cả mọi lĩnh vực thì Xuyên tâm liên đã trở thành “ Thần dược” và được dùng để điều trị nhiều mặt bệnh phổ biến thời đó như tiêu chảy, kiết lỵ, viêm phổi, viêm đường hô hấp, nhiễm trùng, bệnh lý ngoài da..

Tuy nhiên khi Y học nước nhà được tiếp cận với nền Y học phương Tây với các kháng sinh phổ rộng và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật thì cái tên Xuyên tâm liên lại như rơi vào quên lãng. 

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thế giới bắt đầu cuộc đua tìm thuốc điều trị thì các nhà khoa học lại phát hiện ra Xuyên tâm liên có các hoạt chất kháng virus Sars-cov-2 hiệu quả và làm giảm nhanh các triệu chứng của virus Sars-cov-2 gây ra trên người bệnh. 

Vậy Xuyên tâm liên là cây gì và công dụng ra sao? Bạn hãy cùng Marrybaby tìm hiểu nhé!

Xuyên tâm liên là cây gì?

Xuyên tâm liên là cây gì? Xuyên tâm liên còn có tên gọi khác là công cộng, khổ đởm thảo… Nó có tên khoa học: Andrographis paniculata; thuộc họ Ô rô Acanthaceae.

Xuyên tâm liên có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau lan sang các nước nhiệt đới khác, như Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Philippin, Indonexia, Australia và Trung Quốc. Xuyên tâm liên ưa khí hậu nóng ẩm, sinh trưởng mạnh vào mùa xuân, hè, mùa đông cây tàn lụi, được trồng ở nhiều tỉnh phía Bắc.

Cây xuyên tâm liên là cây thân thảo, cao tầm 30 đến 80cm. Thân vuông, phân nhánh nhiều, các cành mọc theo 4 hướng.

Trên thân cây có nhiều đốt, cành lá mọc đối. Lá cây hình trứng thuôn dài hay hình mác. Hoa có màu trắng, nhỏ, mọc thành chùm, quả dài 15mm.

Quả nang dài. Hạt hình trụ, thuôn dài, màu nâu nhạt. Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất của cây thu hái vào đầu thu khi cây bắt đầu ra hoa, cắt thành từng đoạn, phơi hoặc sấy để sử dụng và bảo quản.

xuyên tâm liên là cây gì
Xuyên tâm liên là cây gì? Đây là loại thuốc đông y được ưa chuộng từ nhiều năm qua

Công dụng của cây Xuyên tâm liên

Xuyên tâm liên là cây gì và có công dụng chữa bệnh như thế nào?

Theo Y học cổ truyền, xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng chỉ thống. Xuyên tâm liên thường được dùng trị cảm sốt, cúm, trị ho, viêm họng, viêm phổi, sưng amidan, viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, khí hư, đau bụng kinh, viêm nhiễm đường ruột, tăng huyết áp, đau nhức cơ thể, tê thấp, mụn nhọt..

Các nghiên cứu cho thấy rằng, 2 nhóm hoạt chất chính trong cây thuốc Xuyên tâm liên là Diterpen lacton và Flavonoid. Diterpen lacton gồm andrographolid, deoxyandrographolid, neoandrographolid,và các dẫn xuất, đã được chứng minh có tác dụng trong điều trị một số bệnh.

Nghiên cứu những tác dụng dược lý của vị thuốc xuyên tâm liên bao gồm:

  • Tác dụng chống viêm rõ rệt, các tác giả cho thấy khả năng làm tăng hoạt động động của bạch cầu và tác động qua hormon vỏ tuyến thượng thận. Xuyên tâm liên đã được thử nghiệm lâm sàng về tác dụng điều trị viêm phế quản cấp và mạn. Đối với viêm phế quản mạn (đa số là ở người lớn), kết quả tốt ở gần 80% trường hợp, ho và khối lượng đờm giảm, số ngày ho khạc trong mỗi đợt ít đi, khoảng cách giữa các đợt viêm xa hơn.
  • Tác dụng kháng khuẩn: Xuyên tâm liên có tác dụng kháng lại vi sinh vật như vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng. Xuyên tâm liên có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn: Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Shigella dysenteriae, Shigella shigae và Mycobacterum tuberculosis. Hoạt chất có tác dụng với Shigella tan trong nước, hoạt chất có tác dụng với các chủng còn lại tan trong cồn cao độ.
  • Tác dụng hạ nhiệt: Xuyên tâm liên có tác dụng hạ nhiệt cơ thể, được dùng trong các trường hợp sốt do bệnh đường hô hấp.
  • Xuyên tâm liên chữa Covid-19: Một thời gian ở nước ta rộ lên chuyện mua và dùng xuyên tâm liên chữa Covid-19. Bởi đã có một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy một số thành phần trong cây này có tác dụng ức chế virus. Tuy nhiên, nó chỉ mang lại tiềm năng trong tương lai chứ chưa có nghiên cứu thực nghiệm. Cho nên, không nên tự ý sử dụng cây thuốc này để phòng hay trị bệnh, để tránh tác dụng không tốt với cơ thể.
xuyên tâm liên là cây gì
Xuyên tâm liên chữa Covid-19 là thông tin đáng quan tâm hiện nay

Một số bài thuốc phổ biến từ xuyên tâm liên

Xuyên tâm liên là cây gì có thể điều chế thành những bài thuốc nào, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

  • Chữa ho do lạnh: Xuyên tâm liên 12g, địa cốt bì 10g, tang bạch bì 10g, cam thảo 8g. Tất cả các vị cho vào ấm đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. Uống lúc còn ấm. Dùng liền 5 ngày.
  • Chữa cảm mạo, đau đầu: Xuyên tâm liên 45g tán thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 2g bột thuốc, chiêu thuốc bằng nước ấm. Dùng liền 5 ngày.  Sau đó ăn cháo nóng.
  • Hỗ trợ điều trị viêm amidan: Xuyên tâm liên, huyền sâm, mạch môn, kim ngân hoa mỗi vị 12g. Tất cả các vị cho vào ấm đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. Uống lúc còn ấm. Dùng liền 9 ngày.
  • Lở ngứa, rôm sảy, mụn nhọt: Lá xuyên tâm liên 1 nắm giã nát với rượu, dùng để xoa, đắp tại chỗ. Kết hợp cho uống thuốc sắc: Kim ngân hoa, sài đất, bèo cái, lá trắc bá, lá tre, mỗi thứ một nắm nhỏ, sắc đặc uống ngày một thang, chia 2 – 3 lần. Dùng đến khi khỏi.
  • Chữa tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu vàng do nhiệt lâm: Lấy 15 lá xuyên tâm liên tươi, rửa sạch, để ráo giã nát, thêm chút mật ong, hãm nước sôi uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.
  • Hỗ trợ chữa viêm phế quản: Xuyên tâm liên, huyền sâm, mạch môn mỗi thứ 12g; vỏ quýt lâu năm, cam thảo mỗi thứ 4g. Sắc đặc uống ngày một thang, chia 2 – 3 lần uống trong ngày. Dùng 9 ngày.
  • Chữa viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang: Xuyên tâm liên, bách bộ, kim ngân hoa, mạch môn lương bằng nhau 10g. Cho các nguyên liệu vào rửa sạch vào ấm sắc với một lít nước, uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang và uống liên tục trong 1 tuần.
  • Chữa các bệnh liên quan đến gan: Cây xuyên tâm liên tươi 25g, cây xạ đen 15g, cây an xoa 15g. Đem sắc trên bếp đến khi nước cạn còn khoảng 1 nửa. Lấy nước chia thuốc thành 2 phần bằng nhau và uống sau ăn.
  • Chữa viêm nhiễm đường tiêu hóa gây rối loạn tiêu hoá: Xuyên tâm liên 10g với 10g khổ sâm. Đun cùng với nước uống trong ngày đến khi hết những triệu chứng.
  • Chữa áp xe: Lá xuyên tâm liên, muối hạt, nước. Rửa thật sạch lá, cho vào cối giã nát cùng với một ít muối hạt sau đó chắt lấy nước uống. Phần bã cho vào một khăn mềm, buộc lên vùng đang bị áp xe, mỗi ngày thực hiện một lần. Chú ý do dùng trực tiếp nên cần làm sạch lá, tránh để bị nhiễm trùng thêm cho ổ áp xe.
  • Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, herpes, viêm ngoài da: Xuyên tâm liên khô hoặc xuyên tâm liên dược liệu tươi mang đi sao vàng. Cho vào nồi đun cùng với 3 đến 5 lít nước trong khoảng 30 phút. Chắt lấy nước xông vùng bị bệnh đến khi nguội bớt rồi tắm, mỗi ngày thực hiện 1 lần.
xuyên tâm liên là cây gì
Có nhiều bài thuốc chữa bệnh hiệu quả từ xuyên tâm liên

Xuyên tâm liên là cây gì? Lưu ý, kiêng kỵ ra sao?

Mặc dù có nhiều công dụng nhưng do xuyên tâm liên là loại cây có tính hàn nên một số trường hợp cần lưu ý khi dùng loại dược liệu này:

  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú không dùng.
  • Người tỳ vị hư hàn không nên dùng.
  • Sử dụng cây xuyên tâm liên dài ngày có thể gây buồn nôn, tiêu chảy.
  • Người mắc các bệnh liên quan đến sinh sản, đặc biệt người khó có con;
  •  Người có chứng máu không đông, người bị chấn thương chảy máu, người sau phẫu thuật
  •  Người bị tụt huyết áp thận trọng khi uống Xuyên tâm liên.

Xuyên tâm liên là cây gì? Như vậy, Xuyên tâm liên vốn là thảo dược được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền, có vị đắng, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt giải độc, giảm đau. Nay đã được làm rõ hơn dưới góc nhìn khoa học về công dụng của nó.

Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về liều lượng, thời gian sử dụng và tương tác với các loại thuốc khác của vị thuốc này.

Trước khi sử dụng Xuyên tâm liên, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên môn để mang lại hiệu quả và phòng tránh tối đa tác dụng không mong muốn.

Xem thêm:

By Huỳnh Lâm Nguyệt Thảo

Huỳnh Lâm Nguyệt Thảo đã có 3 năm kinh nghiệm trong việc biên tập nội dung các bài viết liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm: Giải trí, Sức khỏe, Làm đẹp,... 

Với vị trí tác giả phụ trách nội dung cho các chủ đề về mẹ và bé cho website MarryBaby, Nguyệt Thảo mong muốn có thể góp phần cung cấp nhiều thông tin bổ ích đến cho bạn đọc.