Nhập hộ khẩu cho con là một thủ tục hành chính hoàn toàn miễn phí mà các bố mẹ nên tiến hành càng sớm càng tốt. Được ghi tên vào hộ khẩu, trẻ sơ sinh sẽ được đảm bảo tốt hơn các quyền lợi về y tế và việc học tập sau này. Để hoàn tật thủ tục nhập khẩu cho con, mẹ có thể tham khảo 5 bước dưới đây.
1. Quyết định nơi nhập khẩu cho con
Nhiều mẹ thắc mắc, nên nhập hộ khẩu cho con theo cha hay mẹ. Trên thực tế, pháp luật không bắt buộc về chọn lựa này, nên ba mẹ cần bàn bạc xem nơi thường trú nào thuận tiện nhất cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc bé, theo đó tiến hành nhập khẩu cho trẻ sơ sinh.
2. Đảm bảo không nhập khẩu cho con trễ hạn
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bé được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc bé nên đăng ký hộ khẩu thường trú cho bé.
Trong trường hợp gia đình bạn mới chuyển chỗ ở, trong vòng 12 tháng sau khi đến chỗ ở và đã đủ điều kiện đăng ký thường trú thì nên tiến hành nhập khẩu cho con theo quy định.
Nếu nhập khẩu vào hộ khẩu của người quen biết, trong vòng 60 ngày khi có sự đồng ý của người sở hữu hộ khẩu, ba mẹ nên tiến hành đăng ký hộ khẩu cho con nhé.
Nếu quá thời hạn này mà ba mẹ chưa làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
3. Chuẩn bị giấy tờ để nhập hộ khẩu cho con
Nhập hộ khẩu cho con cần giấy tờ gì cũng là thắc mắc của rất nhiều mẹ. Theo quy định, người đi đăng ký nhập hộ khẩu cho trẻ (có thể là cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, ông, bà, người nuôi dưỡng, chăm sóc, người thân thích của trẻ) chuẩn bị những giấy tờ sau:
- 1 tờ bản sao giấy khai sinh của trẻ (có dấu đỏ do UBND phường, xã cấp) và 1 bản photo.
- Giấy chứng nhận kết hôn của ba mẹ (nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn) hoặc Quyết định ly hôn và 1 bản photo.
- Sổ hộ khẩu gia đình (bản chính).
4. Quy trình nhập hộ khẩu cho con
Việc đăng ký hộ khẩu diễn ra ở cơ quan công an quận, huyện, thành phố hoặc thị trấn. Sau khi điền đầy đủ thông tin vào mẫu Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02).
Tiếp đó, ba mẹ nộp các giấy tờ, mẫu khai nói trên tại công an quận, huyện, thị xã, thành phố nơi cư trú của bố hoặc mẹ (nếu bố, mẹ không cùng hộ khẩu thường trú) hoặc nơi cư trú chung của bố, mẹ (nếu có cùng hộ khẩu thường trú).
Cán bộ nhận hồ sơ kiểm tra thông tin ghi trong mẫu khai HK02, đối chiếu các giấy tờ, lấy Bản sao giấy khai sinh (có dấu đỏ), giấy chứng nhận kết hôn, quyết định ly hôn (bản photo) (để bỏ vào hồ sơ tàng thư hộ khẩu).
Thời gian làm thủ tục nhập khẩu: Từ thứ 2 đến sáng thứ 7 hàng tuần.
Thời gian nhập khẩu trong bao lâu: Khi làm xong giấy tờ, cán bộ ở cơ quan công an quận, huyện, thành phố sẽ đưa giấy hẹn, trong đó ghi rõ thời gian (tối đa 10 ngày) sẽ nhận lại sổ hộ khẩu.
5. Đăng ký hộ khẩu trễ hạn, ba mẹ cần chuẩn bị gì?
Trong trường hợp nhập hộ khẩu cho con muộn, ba mẹ cũng vẫn chuẩn bị các giấy tờ và tiến hành các bước như bình thường. Tuy nhiên, vì đăng ký trễ nên sẽ phải đóng phí phạt theo luật định, từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Nếu bé có giấy khai sinh ở nơi khác muốn nhập khẩu vào các thành phố lớn theo hộ khẩu của ba hoặc mẹ, ba mẹ bé cần chuẩn bị thêm 1 bản cam kết hoặc đơn xin xác nhận chưa nhập hộ khẩu cho con vào nơi khác. Tuy nhiên, dù trễ hạn bao lâu, ba mẹ cũng không cần giấy xác nhận về hộ khẩu, hộ tịch hay tình trạng lưu trú tại UBND phường nơi đang cư trú.
Trên đây là những điều cần biết và trình tự thủ tục để tiến hành nhập hộ khẩu cho con. Ba mẹ ơi, đừng quên nhập khẩu cho bé để con sớm được hưởng những quyền lợi chính đáng theo luật quy định nhé.