Trong suy nghĩ của người Việt Nam, con trẻ phải nghe lời cha mẹ một chiều. Cha mẹ có phần áp đặt suy nghĩ, lối giáo dục của mình lên con. Tuy nhiên, trách nhiệm và cách đối xử của cha mẹ với con thế nào dường như ít được quan tâm.
Con tuy là do cha mẹ sinh ra, nhưng trong quá trình nuôi dạy con, cha mẹ nên học cách đối xử với con cái chân thành và tôn trọng, cho con có không gian phát triển riêng.
Tôn trọng, bình đẳng với con
Trẻ nhỏ rất dễ nhạy cảm và luôn cần bố mẹ yêu thương, tôn trọng. Khi bị thiếu tôn trọng, trẻ sẽ có cảm giác không an toàn, tự co rút lại để đề phòng và để tự bảo vệ chính mình. Biết yêu thương, tôn trọng con cái đúng mức, biết tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm của con sẽ giúp bố mẹ rút ngắn khoảng cách với con nhiều hơn.
Không chê trách, mắng chửi
Khi con cái phạm phải sai lầm, có lỗi, bố mẹ thường la mắng, chửi rủa con mình. Điều này là không nên, vì khi bị la mắng trẻ sẽ rất sợ hãi, cảm thấy không an toàn. Khi trẻ không có cảm giác an toàn, trẻ sẽ thiếu tự tin và ít chia sẻ, tâm sự thật lòng với bố mẹ, chúng không biết bố mẹ có thông cảm cho chúng hay không hay chỉ nghĩ theo ý của họ rồi lại chê trách, la mắng.
Hãy thật sự cân nhắc trong từng lời nói, hãy thử ghi lại những điều mình nói và nghe lại xem mình thường nói chuyện với con như thế nào.
Không áp đặt là cách đối xử với con cái thông minh
Nhiều bậc phụ huynh tự cho mình quyền áp đặt, bắt con mình phải làm thế này thế kia, không được phép làm sai dù là những chuyện nhỏ nhặt. Họ tưởng rằng làm như vậy sẽ tốt cho con, nhưng ngược lại nó chỉ làm cho con thêm sợ hãi và ngày càng xa lánh họ.
Ít ai biết, trẻ nhỏ rất dễ nhạy cảm và luôn cần bố mẹ yêu thương, che chở. Áp đặt, ra lệnh, điều khiển đều là những việc làm sai trái sẽ ảnh hưởng đến hành vi, tâm lý con trẻ.
Kiên nhẫn với con cái
Các bậc phụ huynh thường tỏ ra mệt mỏi vì thường xuyên phải trả lời hàng loạt các câu hỏi của con. Nhưng đơn giản hàng loạt câu hỏi đó chỉ bắt nguồn từ sự tò mò của trẻ, chúng muốn tìm hiểu về cuộc sống, về thế giới xung quanh chúng. Và bạn lại không đủ kiên nhẫn để trả lời tất cả các câu hỏi của trẻ hay trả lời qua loa hoặc thờ ơ không trả lời.
Dần dần trẻ sẽ nhận ra thái độ đó và sẽ mất đi sự nhiệt tình trong việc tìm kiếm câu trả lời, tìm hiểu về tri thức. Khi chưa chắn chắn về câu trả lời bạn có thể hẹn trẻ dịp khác, sau đó tìm hiểu vấn đề và trả lời cho trẻ hiểu, nhưng cũng đừng bao giờ hứa suông cho qua chuyện.
Không nói xấu con trước mặt người khác
Trong những buổi họp ở trường hay trong các cuộc họp mặt, các bậc phụ huynh thường mang con mình ra để bàn tán. Những lời nói xấu, chê bai này quả thật chẳng có gì hay ho. Nhưng nếu con bạn nghe được chúng sẽ rất thất vọng. Hơn thế chúng sẽ cảm thấy bị tổn thương, tinh thần sa sút và khoảng cách giữa bố mẹ và các con ngày càng xa hơn.
Luôn thành thật với con
Ai cũng có tự ái, ai cũng có cái tôi riêng, ai cũng có luôn sợ sai, sợ thất bại, sợ người khác biết cái sai, cái xâu, cái lỗi của mình, ai cũng muốn mình đúng, ai cũng muốn được tôn trọng, ai ai cũng muốn mình được quan tâm, được yêu thương và tha thứ…Ai cũng biết mình phải luôn chân thành với mọi người thì mình mới nhận lại những điều tốt, ngay cả với con cái. Vì khi cho đi những gì bạn sẽ nhận lại những thứ ấy.
Chân thành luôn là một đức tính tốt. Khi thất hứa hay có lầm lỗi gì hãy thành thật nhận lỗi, ngay cả khi mắc lỗi với con, bạn cũng nên nhận lỗi, xin lỗi chúng chứ không nên vì sĩ diện mà che dấu lỗi của mình bằng cách la mắng, trách móc ngược lại trẻ.
Hãy nhớ mọi hành động của bố mẹ và cả những thành viên trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến trẻ nhiều hơn những lời nói. Bố mẹ nên tự đặt mình vào vị trí của con để có thể biết và hiểu con nhiều hơn, học cách đối xử với con cái tốt hơn.
>> Học cách dạy con của người Do Thái
>> Cách dạy con của người Nhật tốt như thế nào?
Ngân Ngân