Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Bật mí các vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ

Càng về cuối thai kỳ, mối quan tâm dành cho những vị trí của thai nhi trong bụng mẹ sẽ càng tăng lên. Các vị trí nằm khác nhau sẽ tạo ra sự thuận lợi hoặc trở ngại cho ca sinh của mẹ. Cùng khám phá những vị trí nằm phổ biến của thai nhi trong bụng mẹ và lời khuyên cho từng trường hợp nào mẹ ơi!

cuối thai kỳ, thai nhi sẽ di chuyển xuống khung chậu của mẹ để ở vào tư thế sẵn sàng để ra đời. Vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ được theo dõi đặc biệt vào những tuần cuối. Trong rất nhiều trường hợp, thai nhi ở những vị trí không thuận lợi như ngôi mông, ngôi ngược cho đến tận tuần thứ 40, tuần cuối cùng của thai kỳ. Dưới đây là các vị trí nằm của thai nhi thường gặp nhất trong những tuần cuối thai kỳ mà mẹ có thể biết thông qua siêu âm thai.

Vị trí thai nhi nào dễ sinh nhất?

Vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ thường có ảnh hưởng không nhỏ đến ca sinh. Nếu thai nhi ở vị trí thuận lợi, các mẹ có thể sinh thường và không mất quá nhiều thời gian, sức lực. Ngược lại, nếu thai ở vị trí không thuận lợi, bé sẽ khó chui ra ngoài qua ngã âm đạo. Mẹ có thể sinh thường nhưng dễ bị mất sức do chuyển dạ kéo dài, hoặc nhiều mẹ được chỉ định sinh mổ khi ngôi thai gây khó khăn cho sự ra đời của bé. Vậy, đâu là vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ lý tưởng nhất?

Theo các chuyên gia, để mẹ có thể sinh thường thuận lợi, thai nhi nằm ở vị trí đầu quay xuống, mặt quay sang bên và hướng về phía lưng của mẹ, lưng bé quay về phía bụng mẹ. Tư thế này được gọi là ngôi đầu, một tư thế thuận lợi để bé tự chui phần đầu ra khỏi đường sinh của mẹ và các nữ hộ sinh dễ dàng xoay vai của bé để giúp toàn thân bé nhanh chóng ra khỏi tử cung của mẹ. Khi đầu bé ở tư thế cúi nhiều nhất, các bác sĩ gọi đó là ngôi chỏm và đây là trường hợp phổ biến nhất trong các ca sinh thường.

Vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ
Vị trí ngôi đầu là thuận lợi nhất cho mẹ sinh thường

Các vị trí thai không thuận lợi

Các vị trí của thai nhi như đầu chúc xuống nhưng mặt quay ra ngoài, thai nằm ngang với phần vai chúc xuống ổ xương chậu, đầu quay lên và mông tiếp xúc với xương chậu của mẹ (ngôi mông), đầu quay lên và chân ở trong khung chậu của mẹ đều là vị trí không thuận lợi cho các ca sinh thường.

[inline_article id=67323]

Thai nhi ngôi thóp trước – ngôi trán

Tuy đầu bé quay xuống, nhưng mặt lại hướng ra ngoài, mặt ngửa nhiều hoặc trán hướng ra ngoài khiến cho bé khó chui ra ngoài qua ngã âm đạo. Với vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ như thế, các mẹ bầu thường được khuyên vận động, đi bộ thường xuyên trong giai đoạn nước rút của thai kỳ với hi vọng sẽ giúp bé điều chỉnh vị trí thuận lợi. Ngoài ra, một thủ thuật được gọi là xoay ngôi thai cũng được áp dụng nhưng thường không đạt hiệu quả cao.

Thai nhi ngôi mông

Các bé ngôi mông vẫn giữ phần đầu quay lên ở vào những tuần cuối thai kỳ. Mông bé lọt xuống phía cuối tử cung, giữa khung xương chậu. Hai chân của thai nhi có thể giơ lên cao hoặc bắt chéo ngay gần “cửa ra” nơi tử cung.  Vì diện tích phần mông khá to, thai ngôi mông thường khiến các mẹ sinh thường rất vất vả. Nếu sức khỏe mẹ không tốt, bác sĩ sẽ đề nghị sinh mổ ngay từ đầu để đảm bảo an toàn.

Vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ
Các trường hợp ngôi mông khác nhau

Thai nhi ngôi ngang

Các bé nằm ngang trong tử cung với phần lưng hướng xuống, tay và chân hướng lên trên. Vai bé có thể lọt vào khoảng giữa khung xương chậu. Các thủ thuật xoay ngôi thai thường không có tác dụng trong trường hợp vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ như thế này và mẹ thường được khuyến khích sinh mổ.

 

Dự đoán vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ

Dựa theo kinh nghiệm được rất nhiều mẹ chia sẻ, có thể dựa vào hình dáng bụng bầu và các cử động thai để dự đoán phần nào về vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ.

Rốn mẹ lồi ra ngoài, bụng căng to và thai thường đạp vào xương sườn mẹ: Những dấu hiệu này có thể báo hiệu thai quay mặt ra ngoài, ở vào các vị trí như ngôi trán, ngôi mặt…

Bụng mẹ hơi phẳng, cảm nhận bé hay đạp vào phần bụng trước: Có thể bé đang ở vị trí quay lưng vào lưng mẹ và mặt hướng ra ngoài.

Mẹ cảm thấy bụng trên gồ lên ở một bên và khi mẹ hơi ấn nhẹ vào đó, cả người bé đều di chuyển: Nhiều khả năng bé ở ngôi đầu và mẹ đã ấn vào phần mông của bé.

Mẹ thường xuyên cảm nhận những cú đạp ở gần vùng rốn: Thông thường, vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ đang ở tư thế thuận lợi nhất và bé đang nóng lòng được gặp mẹ đấy.

Khi nhận thấy vị trí nằm của thai nhi trong bụng mẹ không thuận lợi, mẹ đừng vội lo lắng. Các bác sĩ sẽ giúp mẹ kiểm tra tình hình sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời đưa ra những lời khuyên thích hợp. Hầu hết các ca sinh đều kết thúc một cách trọn vẹn dù mẹ có sinh theo phương pháp nào chăng nữa, do đó, mẹ nên dành tâm trí để tận hưởng những ngày cuối của thai kỳ và chuẩn bị đón bé yêu thay vì sầu lo.