Mẹ bầu thường dễ bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu thai kỳ. Vậy nguyên do nào khiến mẹ bị nấm? Tình trạng này có ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi không? Mẹ nên làm gì trong trường hợp này? Để trả lời các câu hỏi trên, mẹ hãy theo dõi bài chia sẻ dưới đây nhé.
Tình trạng bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu là gì?
Tình trạng bị nấm khi mang thai thường xảy ra trong 3 tháng giữa thai kỳ. Nếu mẹ bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ có thể nhận thấy một số triệu chứng phổ biến như sự gia tăng lượng khí hư tiết ra và có mùi lạ ở vùng âm đạo.
Bị nấm âm đạo là một bệnh nhiễm nấm gây kích ứng, tiết dịch và ngứa dữ dội ở vùng âm đạo và âm hộ (các mô ở cửa âm đạo). Thống kê cho thấy, cứ 4 phụ nữ, sẽ có 3 người bị nhiễm nấm âm đạo vào một thời điểm bất kỳ trong đời.
Bị nấm âm đạo không được coi là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Thế nhưng, nguy cơ phụ nữ nhiễm nấm âm đạo sẽ tỉ lệ thuận với số lần quan hệ tình dục. Một số bằng chứng khác cũng cho thấy, nhiễm nấm âm đạo có thể liên quan đến việc quan hệ bằng miệng.
>>Bạn có thể quan tâm: Khi mang thai có nên quan hệ không? Các tư thế quan hệ khi mang thai
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị nấm khi mang thai
Khi đã biết bị nấm âm đạo khi mang thai 3 tháng đầu là gì rồi, mẹ có lẽ sẽ tự hỏi nguồn cơn của tình trạng này từ đâu.
“Thủ phạm” gây ra hầu hết các bệnh nhiễm trùng nấm âm đạo là nấm candida albicans. Âm đạo của mẹ vốn chứa một hỗn hợp cân bằng nấm men, bao gồm cả nấm candida và vi khuẩn cùng với một số vi khuẩn (lactobacillus) hoạt động để ngăn chặn sự phát triển quá mức của nấm men.
Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của nấm candida hoặc sự xâm nhập sâu hơn của nấm vào các lớp tế bào âm đạo dẫn đến sự cân bằng nêu trên bị phá vỡ, từ đó, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng nấm men hay còn gọi là bị nấm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, sự phát triển quá mức của nấm men có thể do:
- Sử dụng kháng sinh: Nếu mẹ đang dùng thuốc kháng sinh, thuốc có thể tiêu diệt một loạt vi khuẩn, kể cả lợi khuẩn trong âm đạo, dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm men. Điều này dễ gây mất cân bằng hệ vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo
- Những thay đổi trong thai kỳ: Sự tăng lên của nồng độ estrogen trong thai kỳ là nguyên nhân khiến mẹ bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu.
- Mắc bệnh tiểu đường: Các nhà nghiên cứu vẫn cố gắng xác định mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và nguy cơ nhiễm nấm. Một số yếu tố khiến mẹ bị bệnh này dễ bị nhiễm nấm hơn bình thường như hệ miễn dịch suy yếu, lượng đường dư thừa, nhiễm trùng dai dẳng…
- Suy giảm hệ thống miễn dịch: Nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ có khả năng miễn dịch thấp hơn, chẳng hạn như điều trị bằng corticosteroid hoặc nhiễm HIV, sẽ có nhiều khả năng bị nhiễm nấm hơn.
- Dịch tiết âm đạo tăng: Mẹ bầu bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu còn có thể do dịch tiết âm đạo tăng, làm tăng độ ẩm ở vùng kín. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn và nấm phát triển.
>>Bạn có thể quan tâm: Dấu hiệu bệnh tiểu đường giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Các dấu hiệu khi mẹ bị nấm khi mang thai thường gặp
Mẹ có thể thắc mắc làm sao để biết mình bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu? Dưới đây là các triệu chứng bị nhiễm nấm từ nhẹ đến trung bình cho mẹ tham khảo, cụ thể:
- Ngứa và kích ứng ở âm đạo và âm hộ
- Cảm giác nóng rát, đặc biệt là khi quan hệ hoặc khi đi tiểu
- Âm hộ sưng đỏ
- Đau và nhức âm đạo
- Phát ban âm đạo
- Khí hư tiết ra nhiều hơn bình thường, màu trắng, không mùi hoặc kèm theo mùi hôi khó chịu
- Âm đạo ẩm ướt
>>Bạn có thể quan tâm: Cách khắc phục tình trạng són tiểu khi mang thai và sau khi sinh
Hậu quả nếu bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu
Nếu bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ và bé phải “lãnh” hậu quả gì là điều nhiều mẹ bầu quan tâm. Hãy cùng MarryBaby theo dõi phần tiếp theo mẹ nhé.
1. Hậu quả đối với mẹ
Tuy đây không phải là một bệnh nguy hiểm, nhưng bị nấm âm đạo khi mang thai 3 tháng đầu sẽ khiến mẹ cực kỳ khó chịu, mệt mỏi, kèm các cơn đau, ngứa rát ở vùng âm đạo. Vì thế, nếu mẹ nghi ngờ mình gặp các dấu hiệu mắc bệnh nêu trên thì hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị sớm.
2. Hậu quả đối với thai nhi
Trên thực tế, vi khuẩn gây nấm và viêm âm đạo có thể lan sang thai nhi. Những vi khuẩn gây nấm này có các ảnh hưởng đến thai nhi như:
- Bé sẽ bị sinh non, tức, sinh trước khi thai được 37 tuần.
- Bé sinh ra bị nhẹ cân, tức, bé sinh ra có trọng lượng dưới 2.5 kg
- Bé sinh ra dễ bị các bệnh nấm miệng, nấm da: Nếu mẹ sinh thường, các loại nấm, vi khuẩn tồn tại trong âm đạo rất dễ lây nhiễm sang các bộ phận như mắt, mũi, miệng…của thai nhi.
Sinh quá sớm hoặc quá nhỏ có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho em bé. Do vậy, nếu mẹ phát hiện mình bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu thì nên đến gặp bác sĩ để được điều trị dứt điểm trước ngày dự sinh, từ đó, tránh được các tác động đến em bé.
>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Cổ tử cung thấp khi mang thai có khiến mẹ bầu sinh non không?
Mẹ nên làm gì nếu bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu?
Phần lớn mẹ bầu bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu thường là do thay đổi nội tiết tố của cơ thể trong thai kỳ, khiến nồng độ pH ở âm đạo mất cân bằng. Vì thế, mẹ có thể làm theo một số cách sau:
- Vệ sinh vùng kín hàng ngày: Như đã đề cập, dịch nhầy âm đạo trong giai đoạn này tiết nhiều hơn bình thường nên mẹ cần rửa sạch vùng kín 1 – 2 lần với nước sạch. Ngoài ra, mẹ có thể chọn dùng một số loại dung dịch vệ sinh phụ nữ an toàn cho phụ nữ mang thai (nếu cần, mẹ nên tham vấn bác sĩ) để giảm bớt mùi khó chịu và ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Không tự ý mua thuốc điều trị như thuốc mỡ, nước hoa để bôi, rửa hoặc xịt vào vùng kín
- Lau khô vùng kín sau khi đi đại tiện bằng khăn mềm, sạch hoặc giấy không mùi.
- Không quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu
>>Bạn có thể quan tâm: Ngứa vùng kín ở nữ là do đâu? Cách chữa trị mau khỏi
Bên cạnh các cách chăm sóc tại nhà trên, mẹ nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn các loại thuốc và liệu trình điều trị kịp thời và phù hợp để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau.
Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp mẹ gỡ rối những băn khoăn nếu bị nấm khi mang thai 3 tháng đầu. Từ đó, giúp mẹ hiểu hơn về cơ thể và có một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh.