Categories
3 tháng đầu Mang thai

Sự phát triển của thai nhi: Thai 12 tuần và những biến đổi kỳ diệu

Thai 12 tuần đã có kích thước cơ thể tương ứng với phần đầu. Đây là tuần đánh dấu những bước phát triển quan trọng của bé. Đồng thời, mẹ cũng đang chuẩn bị bước sang tam cá nguyệt thứ hai với nguồn năng lượng dồi dào hơn.

Sự phát triển của thai nhi 12 tuần tuổi

1. Thai nhi 12 tuần tuổi nặng bao nhiêu?

Thai nhi 12 tuần tuổi có chiều dài từ đầu đến mông khoảng 5,334cm, cân nặng khoảng 14g tương đương một quả chanh ta. Bây giờ bé đã có gần như đầy đủ các bộ phận và sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng trong thời gian tới.

2. Thai nhi 12 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Bước phát triển đáng chú ý nhất của thai 12 tuần, đó là các phản xạ. Ngón tay của bé sẽ sớm có thể co và duỗi, ngón chân có thể cong vểnh ra, cơ mắt khép chặt và miệng của bé đã có phản xạ mút. Trong thực tế, nếu mẹ gõ hay chọc nhẹ vào bụng, bé sẽ vặn vẹo thân mình để phản ứng lại. Song vẫn còn khá sớm để mẹ có thể cảm nhận được những cử động thai nhi.

Ruột của bé trước đây nối trực tiếp vào dây rốn và phát triển cực kỳ nhanh chóng bên ngoài cơ thể nay đã gấp lại gọn gàng và di chuyển dần vào khoang bụng trong tuần này. Thận cũng chuẩn bị cho sự bài tiết nước tiểu vào bàng quang của bé và sự bài tiết nước tiểu được bắt đầu khi thai 16 tuần đến 18 tuần tuổi.

Ở thai 12 tuần, các tế bào thần kinh nhân lên nhanh chóng và các khớp thần kinh đang được hình thành như vũ bão trong não của bé. Giai đoạn tuần 12 đến tuần thứ 18 được xem là khoảng thời gian quan trọng đối với sự phát triển bộ não của thai nhi.

Khuôn mặt bé không còn giữ lại dáng dấp người ngoài hành tinh trong những bộ phim kinh điển mà đã giống với người bình thường, khi đôi mắt đã chuyển từ hai bên ra mặt trước của đầu, và đôi tai cũng đã ở vào đúng vị trí.

Ngoài ra, cổ của thai 12 tuần tuổi cũng đã hình thành rõ rệt hơn, khiến phần đầu và thân mình trông không còn có vẻ như dính liền vào nhau nữa.

Lúc này, nhịp tim thai cao gấp đôi so với người trưởng thành và mẹ có thể nghe rất rõ những nhịp đập ổn định, mạnh mẽ này trong những lần siêu âm thai.

[inline_article id=118516]

Nhìn chung, hầu hết những cơ quan quan trọng của bé đều đã có mặt và bắt đầu thực hiện những chức năng của mình.

Tuần thứ 11 đến 14 cũng là cơ hội duy nhất để tiến hành siêu âm đo độ mờ da gáy. Đây là một buổi kiểm tra siêu âm quan trọng trong thai kỳ; kết hợp làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh như Double test hay Nipt; giúp đánh giá chính xác nguy cơ bị mắc hội chứng Down ở thai nhi.

Đến đây hẳn mẹ đã biết thai nhi 12 tuần tuổi phát triển như thế nào.

thai 12 tuần phát triển như thế nào

Sự thay đổi của cơ thể mẹ

Đây là tuần cuối trong 3 tháng đầu thai kỳ và nguy cơ sẩy thai đã thấp hơn rất nhiều so với lúc đầu. Tuần này, nồng độ hormone trong cơ thể mẹ sẽ thay đổi. Do đó, mẹ có thể cảm thấy mình như thể bị chai lì cảm xúc. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này lại mang đến tác dụng tốt cho mẹ: những triệu chứng thai nghén khó chịu đã giảm bớt.

Cơ thể mẹ có thể đã đầy đặn hơn thấy rõ và đã đến lúc để sắm một loạt quần áo lớn hơn. Đặc biệt, nếu mẹ mang thai đôi hoặc đa thai, phần bụng chắc chắn sẽ to hơn rất nhiều và cần quần áo rộng rãi.

Đây cũng là tuần mà nhiều bà bầu cảm nhận được những lần ợ nóng khó chịu đầu tiên trong suốt thai kỳ. Nguyên nhân là do trong thai kỳ, nhau thai sản xuất nhiều hormone progesterone; nội tiết tố này gây giãn cơ thắt dưới của thực quản (ngăn cách giữa thực quản và dạ dày); khiến axit trong dạ dày trào lên thực quản; gây cảm giác bỏng rát khó chịu.

[inline_article id=134782]

Khi mang thai tuần 12, mẹ cũng có thể nhận thấy huyết trắng tiết ra nhiều và lo lắng không biết chuyện gì đang xảy ra. Kỳ thật, nhiều huyết trắng là điều hết sức bình thường khi mang thai. Chỉ khi huyết trắng có màu bất thường, có mùi hôi thì mẹ mới cần đi khám phụ khoa.

Khi thai nhi 12 tuần, ham muốn tình dục của mẹ có thể tùy thuộc. Hormone ảnh hưởng đến mỗi phụ nữ theo cách khác nhau. Có thể người này tăng ham muốn tình dục, nhưng người khác lại giảm.

Tuần tiếp theo sẽ bắt đầu giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ; mẹ sẽ thấy dễ chịu do hết ốm nghén và mệt mỏi. Nhiều bà bầu còn tăng ham muốn tình dục tăng rõ rệt trong thời gian này. 

>>> Mẹ có thể quan tâm: 12 tuần đã biết trai hay gái chưa?

Lời khuyên của bác sĩ dành cho các mẹ

mẹ bầu nên tiêm phòng cúm

Cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi: Đến giai đoạn thai nhi 12 tuần tuổi, việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng là điều cực kỳ quan trọng đối với bé và cả mẹ. Mẹ nên cung cấp thêm vitamin B1, axit folic và chất sắt, vì các chất này bổ trợ cho việc sản xuất hồng cầu trong máu giúp mẹ hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu cao sau khi sinh.

Các loại thực phẩm cần tránh như salad, ăn đồ tái, sống như sushi, thịt bò tái, hàu sống, khổ qua (mướp đắng), rau răm… hay phô mai chưa tiệt trùng vì chứa vi khuẩn listeria và các mầm bệnh khác

Cung cấp đủ nước: Nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc bài tiết và trao đổi chất cho cơ thể. Cơ chế này giúp thai 12 tuần tuổi hấp thu các chất dinh dưỡng từ mẹ một cách dễ dàng. Vì vậy, mẹ hãy lên kế hoạch để uống đầy đủ nước nhé! Theo khuyến cáo, mẹ nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.

Bắt đầu tập Kegels: Mẹ nên thực hiện các bài tập cơ sàn chậu vì có thể làm dịu các triệu chứng mang thai và giúp phục hồi sau sinh nhanh hơn. Để thực hiện, mẹ siết cơ sàn chậu trong tối đa 10 giây (giống như khi đang đi tiểu mà mẹ nín lại để dòng nước không chảy ra), thả lỏng. Thực hiện 3 hiệp, mỗi hiệp 20 lần/ngày.

Tiêm phòng cúm: Bà bầu rất dễ bị tổn thương khi mắc phải cúm vì hệ miễn dịch suy giảm. Khi hệ miễn dịch suy giảm, bà bầu sẽ không có khả năng chống lại các loại virus cúm trong cơ thể, vì thế mẹ không còn là “môi trường” hoàn hảo cho thai 12 tuần tuổi phát triển. Chính vì điều đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng phụ nữ mang thai nên là nhóm được ưu tiên tiêm phòng cúm đầu tiên.

Bí quyết cho mẹ bầu khi thai nhi 12 tuần tuổi

Gợi ý 1: Chia sẻ quan điểm làm cha mẹ với bạn đời

Mẹ hãy thử bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách viết ra danh sách những điều mong muốn cả hai luôn làm hoặc không bao giờ làm. Tương tự, người chồng cũng đưa ra một danh sách. Sau đó cả hai có thể cùng xem và quyết định sẽ giữ lại hành động nào và thay đổi gì trong cách nuôi dạy con trẻ.

Gợi ý 2: Chuẩn bị một khoản ngân sách cho con

Hãy cùng ngồi lại để xem qua những khoản chi mới phát sinh: Quần áo mới, tã, thức ăn, đồ chơi và các đồ dùng khác. Hãy xem mẹ có thể cắt giảm khoản chi nào để dự phòng cho nhu cầu của bé con. Với những bước này, mẹ đã có thể bắt đầu để dành cho con rồi đấy.

Gợi ý 3: Bên đi khám  thai ít nhất 1 lần vào khoảng thời gian từ 8-12 tuần

Đó là giai đoạn phục vụ cho quá trình theo dõi sự phát triển của thai sau này; và ít nhất 1 lần từ 11 tuần – 13 tuần 6 ngày để làm xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi cũng như những xét nghiệm tổng quát khác.

[inline_article id=2444]

Hy vọng qua bài viết mẹ đã hiểu sự phát triển của thai 12 tuần tuổi và có trong tay bí kíp chăm sóc bản thân trong giai đoạn này nhé!

GIA LINH