Suy giãn tĩnh mạch là triệu chứng thai kỳ khá phổ biến, xảy ra với phần lớn với phụ nữ mang thai 3 tháng cuối. Ngoài những đường tĩnh mạch nằm chi chít dưới da, mẹ bầu bị suy giãn tĩnh mạch còn cảm thấy đau chân, phù chân, nặng chân, đặc biệt thường hay mất sức vào cuối ngày.
1/ Vì sao suy giãn tĩnh mạch thường “nhắm đến” mẹ bầu?
– Hoóc-môn sinh dục nữ tăng cao khi mang thai là nguyên nhân chính gây giãn tĩnh mạch. Sự gia tăng lượng progesterone dẫn đến tình trạng giãn, sưng các tĩnh mạch, hình thành các tĩnh mạch sợi hay tĩnh mạch mạng nhện.
– Lượng máu trong hệ tĩnh mạch chiến 65-75% tổng lượng máu của cơ thể nhưng trong suốt thời gian thai nghén thể tích lượng máu tăng lên từ 20-30% làm cho các tĩnh mạch bị giãn ra.
– Một phần do tử cung chèn ép vào tĩnh mạch cũng làm tăng áp lực tĩnh mạch gấp 2-3 lần bình thường. Việc giảm dần vận tốc dòng máu tĩnh mạch trong thai kỳ cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ bị suy giãn tĩnh mạch hơn.
– Khả năng bị suy giãn tĩnh mạch sẽ cao hơn khi có người thân trong gia đình đã mắc phải căn bệnh này. Theo nghiên cứu, tỉ lệ bị bệnh sẽ tăng lên trong những lần sinh con tiếp theo.
– Việc mang song thai, đa thai cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Một phần do áp lực của tử cung khi mang thai, một phần do lưu lượng máu trong cơ thể tăng cao.
– Ngoài ra, hiện tượng tăng đông sinh lý trong quá trình mang thai thường bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng thứ 2 và kéo dài suốt thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch, xuất hiện huyết khối.
2/ Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai có nguy hiểm?
Suy giãn tĩnh mạch là triệu chứng thai kỳ khá phổ biến, nhất là trong 3 tháng cuối, khi cơ thể mẹ trở nên “nặng nề” hơn. Nhìn có vẻ đáng sợ nhưng triệu chứng này không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và có thể tự khỏi sau khi sinh vài tháng. Trong nhiều trường hợp suy giãn tĩnh mạch có thể trở nên xơ cứng, có màu đỏ và đau nhức. Đôi khi còn hình thành một số cục máu đông được gọi là huyết khối. Huyết khối này xuất hiện có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ, vì vậy mẹ bầu cần gặp bác sĩ ngay khi thấy những dấu hiệu này.
[inline_article id=24141]
3/ Cách phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch
Mẹ bầu cần biết việc điều trị bệnh trong thời gian mang thai thường rất khó khăn vì hầu hết các loại thuốc cần dùng đều gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong bụng. Có thể gây nên tình trạng dị tật thai nhi, sẩy thai, sinh non hoặc thai chết lưu. Chính vì vậy việc phòng chống bệnh là biện pháp vô cùng quan trọng.
– Khi có thai, mẹ bầu cần hạn chế tư thế đứng hoặc ngồi quá lâu nhằm tránh gây ra tình trạng ứ trệ tuần hoàn, máu khó lưu thông.
– Mẹ nên thường xuyên đi bộ thong thả vào buổi sáng và buổi chiều. Việc làm này không chỉ giúp mẹ giảm được nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch mà còn giúp cơ thể tránh được mệt mỏi trong thời gian thai nghén.
– Cần tránh những hoạt đông quá sức, không nên mang vác đồ nặng để tránh gia tăng áp lực lên các mạch máu.
– Luôn ngồi ở tư thế thoải mái, tuyệt đối không bắt chéo chân gây dồn ép lên tĩnh mạch. Trong khi ngủ mẹ nên kê cao chân khoảng 15-20cm giúp cho việc lưu thông trong tĩnh mạch diễn ra thuận lợi hơn.
– Trong trường hợp mẹ bị giãn tĩnh mạch một bên chân hay âm hộ thì hãy nằm nghiêng sang bên không bị giãn.
– Nên chọn mặc những bộ quần áo rộng rãi, có độ co giãn tốt vì chúng sẽ giúp tránh gây áp lực lên tử cung, vùng bụng cũng như các cơ ở chân.