Trong 3 tháng đầu của thai kỳ những cơn đau vùng bụng của thai phụ có thể do rối loạn cơ năng, chức năng sinh lý tại chỗ do thai nghén gây ra. Những cơn đau này thường không nguy hiểm và không làm bà bầu quá khó chịu. Vì vậy, mẹ cũng không cần quá lo lắng khi đau bụng dưới khi mang thai tháng đầu.
Đau bụng dưới khi mang thai tháng đầu là bình thường
Trong tháng đầu thai kỳ, nhiều mẹ bầu đôi khi không biết mình đang mang thai. Những cơn đau bụng dưới hay đau lâm râm khiến nhiều mẹ nghĩ về bệnh lý hơn là các dấu hiệu có thai. Tuy nhiên theo các chuyên gia mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng khi thấy đau bụng dưới bởi đó là dấu hiệu thai đang làm tổ.
Những thay đổi trong tử cung và vùng cổ tử cung trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây đau bụng dưới cho mẹ. Nhiều trường hợp thậm chí xảy ra trước khi xét nghiệm dương tính khẳng định đã có bầu.
Khoảng 2 tuần sau khi thụ tinh, trứng đã thụ tinh sẽ đi vào tử cung và gấy ghép vào thành tử cung. Chính lúc này mẹ cũng sẽ có cảm giác đau nhói vùng bụng dưới gây cảm giác khó chịu nhưng cũng không gây quá nhiều phiền phức cho mẹ. Mẹ cũng có thể đau bụng nếu ốm nghén và nôn ói.
Hiện tượng này thường chỉ kéo dài trong vòng 2-3 ngày, cảm giác đau sẽ giảm dần sau đó. Ban đầu hầu hết phụ nữ mang thai sẽ phải trải qua cảm giác này vì thai đang đào sâu vào lớp niêm mạc tử cung để làm tổ.
Ngoài thời gian đầu cảm thấy đau bụng dưới, những tháng sau đó, khi thai lớn dần mẹ bầu cũng vẫn có thể thấy triệu chứng đau bụng, đặc biệt là tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân chính là các cơ và dây chằng lúc này phải căng lên để nâng đỡ tử cung, làm mẹ bầu thấy đau bụng khi ho, ngồi xổm, đứng lên…
[inline_article id=67892]
Dấu hiệu những bệnh lý nguy hiểm
Có thai bị đau bụng dưới lâm râm, âm ỉ là triệu chứng bình thường. Tuy nhiên đối với nhiều bà bầu, đôi khi đau bụng có thể là dấu hiệu của chứng bệnh nghiêm trọng.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Khi mang thai, tử cung của mẹ tăng kích cỡ, chèn vào bàng quang khiến nước tiểu khó thoát ra ngoài hơn. Đó là lý do phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm trùng đường tiết liệu. Các triệu chứng của bệnh này bao gồm đau bụng dưới (vùng bàng quang), đau khi đi tiểu và buồn tiểu thường xuyên.
Nhiễm trùng được tiết niệu nếu không được điều trị sớm có thể dẫn tới nhiễm trùng thận, dễ gây sinh non và em bé nhẹ cân. Để phòng ngừa bệnh, mẹ nên uống nhiều nước, chọn và mặc quần áo có chất liệu thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục và đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn tiểu.
Giãn dây chằng
Dây chằng là bộ phận nối phần trước tử cung đến háng hỗ trợ tử cung trong suốt thai kỳ. Đau dây chằng là hiện tượng phổ biến nhất trong 3 tháng giữa thai kỳ khi bụng đã lớn dần nhưng nó cũng có thể xảy ra từ khi mẹ mang thai tuần thứ 2.
Triệu chứng là những cơn đau sẽ xuất hiện ở vùng bụng dưới và mở rộng đến vùng hông nhưng thường là cơn đau thoáng qua, chỉ kéo dài vài giây tại một thời điểm và sẽ đau hơn khi mẹ ho, cười hoặc đứng ngồi đột ngột.
Sảy thai
Chảy máu là triệu chứng đầu tiên và thường gặp cho thấy mẹ đang có nguy cơ sảy thai. Một số ít trường hợp đau bụng dưới cũng là dấu hiệu mẹ cần lưu ý. Cơn đau có thể tăng lên và có cảm giác như đau trước mỗi kỳ kinh nguyệt. Một số dấu hiệu kèm theo khác: Xuất huyết, đau lưng. Sảy thai sớm được định nghĩ là thai nhi chết trong 20 tuần đầu của thai kỳ và phổ biến hơn cả là trong 13 tuần đầu mang thai.
[inline_article id=145406]
Mang thai ngoài tử cung
Các triệu chứng thai ngoài tử cung bao gồm: Đau bụng dưới, đau lưng và chảy máu. Khi nhận thấy những dấu hiệu này, mẹ cần đến bệnh viện cấp cứu ngay đặc biệt là khi đau đột ngột và mạnh ở vùng bụng dưới vì đây có thể là dấu hiệu thai ngoài tử cung bị vỡ. Thai ngoài tử cung sẽ không thể phát triển nhưng lại vô cùng nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Hiện tượng bị đau bụng dưới khi mang thai có thể là điều bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo biến chứng thai kỳ mà bà bầu gặp phải. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra ngay.