Nhiều mẹ thường phỏng đoán giới tính thai nhi dựa trên nhịp tim thai. Bé cưng sẽ là con gái nếu tim thai trên 140. Ngược lại, nếu tim thai dưới 140, bé sẽ là con trai. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này. Theo các chuyên gia, nhịp tim thai là dấu hiệu cho thấy sự phát triển cũng như sức khỏe của bé cưng trong bụng mẹ. Vì vậy, khi thấy tim thai yếu bất thường, mẹ nên đến bệnh viện để được kiểm tra ngay.
Khi nào có tim thai?
Bạn đã từng bao giờ thắc mắc thai bao nhiêu tuần thì có tim thai? Không chỉ bạn, đây là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu, nhất là những người lần đầu lên chức.
Tim là một trong những cơ quan phát triển sớm nhất. Cuối tuần thứ 5 của thai kỳ, một hạt nhỏ ở giữa phôi sẽ phát triển thành tim thai và bắt đầu những nhịp đập đầu tiên của mình. Bạn có thể lắng nghe những tiếng đập này trong những buổi khám thai với sự hỗ trợ của bác sĩ. Tuy nhiên, phải đến tuần thai 14, nhịp tim thai mới rõ ràng hơn. Và phải đến tận tuần thai 20, mẹ mới có thể dùng tai nghe bình thường để lắng nghe nhịp tim của con.
Nhịp tim thai thông thường dao động từ 120-160 nhịp/phút. Tại tuần thai 5-6 của thai kỳ, nhịp tim trung bình có thể đạt 110 nhịp/phút và tăng dần ở tuần thai thứ 9-10, khoảng 170 nhịp/phút. Đến tuần thai 14, nhịp tim thai có xu hướng giảm dần, còn khoảng 150 nhịp/phút. Tuần thai 20, tim thai còn khoảng 140 nhịp/ phút và khoảng 130 nhịp/phút trong những tháng cuối thai kỳ.
Nếu có bất thường, chẳng hạn tim thai yếu, tim thai nhanh bất thường, mẹ đến bệnh viện kiểm tra ngay. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé cưng đang gặp nguy hiểm. Theo các chuyên gia, so với nhịp tim nhanh, bầu nên đặc biệt lưu ý trường hợp tim thai yếu, bởi đó có thể là dấu hiệu suy thai.
[inline_article id=80945]
Tim thai yếu có nguy hiểm không?
Tim thai yếu, nhất là trong 3 tháng đầu có thể là dấu hiệu dự báo nguy cơ sảy thai sớm. Tốc độ nhịp tim của thai nhi dưới 70 nhịp/ phút trong tuần thai 6-8 có tỷ lệ sảy thai lên đến 100%. Nhịp tim thai dưới 90 nhịp/ phút có 86% tỷ lệ sảy thai, và nếu nhịp tim dưới 120 nhịp/ phút, bạn có 50% nguy cơ sảy thai.
Nếu tốc độ nhịp tim thai dưới 110 nhịp/ phút, thai nhi được xác định có nhịp tim chậm. Triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn:
– Khả năng lưu thông máu đến tử cung kém
– Bà bầu bị huyết áp thấp
– Bất thường về nhau thai
– Vỡ tử cung
– Dị tật thai nhi, bao gồm dị tật tim thai hoặc dị tật thần kinh
Tùy thuộc nguyên nhân và tuổi thai, các bác sĩ sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Bạn có thể được đề nghị thực hiện siêu âm thai để đánh giá chính xác tình trạng tim mạch của thai nhi. Với những trường hợp dị tật tim bẩm sinh nhẹ, trẻ có thể tự khỏi và sống bình thường. Tuy nhiên, với những trường hợp nặng, các bác sĩ cần có biện pháp can thiệp sớm.
[inline_article id=145406]
Phòng ngừa tim thai yếu như thế nào?
Không thể ngăn chặn 100% nguy cơ dị tật tim cũng như các vấn đề dẫn đến tim thai yếu, nhưng với những việc làm sau đây, mẹ có thể giảm thiểu tối đa các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra với bé cưng.
– Duy trì một chế độ dinh dưỡng, đầy đủ các dưỡng chất cần thiết trong thai kỳ, đặc biệt là a-xít folic. Nghiên cứu cho thấy, tăng cường bổ sung folic trong giai đoạn đầu thai kỳ có thể ngăn ngừa 70% nguy cơ dị tật bẩm sinh liên quan đến tủy sống và não. Tim thai yếu cũng có thể xuất phát từ các khiếm khuyết thần kinh.
– Tiêm phòng trước khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa những bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến thai nhi.
– Từ bỏ những thói quen xấu có hại cho sức khỏe mẹ và bé như hút thuốc, uống rượu, tiếp xúc với các loại chất gây nghiện hay hóa chất độc hại…
– Không sử dụng thuốc bừa bãi. Nếu muốn sử dụng bất kỳ thuốc gì khi mang thai, kể cả thuốc bổ sung vitamin, bạn cũng nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ.
– Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Y khoa tháng 2-2003 cho thấy, tâm trạng của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến nhịp tim thai nhi.
– Tập thể dục khi mang thai. Không chỉ tốt cho sức khỏe của mẹ, bà bầu tập thể dục thường xuyên, nhất là trong giai đoạn cuối thai kỳ có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ hình thành bệnh tim mạch ở trẻ.