Hiểu rõ nguyên nhân, thời điểm ốm nghén xuất hiện và cách giảm tình trạng này sẽ giúp mẹ bầu thoải mái hơn trong hành trình mang thai. Hãy cùng khám phá những thông tin hữu ích và mẹo đơn giản để vượt qua giai đoạn khó khăn này nhé!
1. Ốm nghén khi mang thai là gì?
Ốm nghén là tình trạng buồn nôn và nôn ói khi mang thai. Đây là hiện tượng phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 70% mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ và có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Ốm nghén được cho là liên quan đến sự thay đổi hormone trong cơ thể mẹ bầu, đặc biệt là hormone thai kỳ hCG (human chorionic gonadotropin). Ngoài ra, 2 hormone trong thai kỳ là estrogen và progesterone cũng có vai trò không nhỏ trong những thay đổi về cơ thể của mẹ bầu: hệ tiêu hóa hoạt động chậm lại và khứu giác nhạy cảm hơn cũng góp phần khiến mẹ bầu dễ buồn nôn khi ngửi mùi nồng hoặc ăn một số loại thực phẩm.
Ở một số trường hợp hiếm, nôn nghén có thể nặng đến mức mẹ nôn liên tục, mất nước và sụt cân nhiều, gọi là ốm nghén nặng (hyperemesis gravidarum). Lúc này, mẹ bầu cần đến bệnh viện để được chăm sóc y tế.
2. Ốm nghén xuất hiện ở tuần thứ mấy?
Ốm nghén thường bắt đầu từ tuần thứ 6 của thai kỳ, nhưng thời điểm cũng có thể khác nhau ở mỗi người. Đa số mẹ bầu sẽ bị ốm nghén trước tuần thứ 9 rồi dần hết nghén vào khoảng tuần 13, khi mẹ bước sang tam cá nguyệt thứ hai.
Tuy nhiên, một số ít mẹ bầu có thể bị ốm nghén kéo dài đến cuối thai kỳ, đặc biệt là những người mắc chứng nôn nghén nặng. Trường hợp này cần được theo dõi và chăm sóc y tế kịp thời.
3. Nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy?
Mức độ ốm nghén nặng hay nhẹ sẽ khác nhau ở từng mẹ bầu. Tuy nhiên, đa số mẹ bị nghén nặng nhất vào khoảng tuần thứ 9 hoặc 10 của thai kỳ – thời điểm nồng độ hormone hCG đạt mức cao nhất. Đến tuần thứ 11, nồng độ hCG bắt đầu giảm dần, nên triệu chứng nôn nghén thường cũng nhẹ đi hoặc biến mất.
Các dấu hiệu ốm nghén nặng thường gặp bao gồm:
- Buồn nôn dữ dội.
- Nôn nhiều hơn 3 lần/ngày.
- Chóng mặt, choáng váng.
- Đi tiểu ít hơn bình thường.
- Cực kỳ mệt mỏi.
- Ngất xỉu.
- Đau đầu.
- Mất nước nghiêm trọng (dấu hiệu bao gồm ít hoặc không đi tiểu, nước tiểu màu sẫm, chóng mặt khi đứng dậy).
- Sụt cân trên 5% so với cân nặng trước khi mang thai.
Lúc này, mẹ bầu nên đến bệnh viện để được truyền dịch và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.
Nguyên nhân nôn nghén nặng vẫn chưa được biết rõ, nhưng khả năng cao là do hormone thai kỳ tăng quá nhanh, đặc biệt là hormone hCG. Sự gia tăng hormone estrogen và progesterone cũng góp phần khiến mẹ bầu nhạy cảm hơn với mùi và vị, dẫn đến buồn nôn nhiều hơn. Các hormone này cùng tăng cao khiến cơ thể mẹ phản ứng mạnh hơn bình thường, dẫn đến buồn nôn nặng và kéo dài.

4. Tổng hợp các cách trị ốm nghén cho bà bầu
4.1. Cách giảm nghén khoa học cho mẹ bầu 3 tháng đầu
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, buồn nôn và nôn mửa có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn và khó chịu. Dưới đây là một số cách giảm nghén 3 tháng đầu hiệu quả, được khuyến nghị bởi Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG):
4.1.1. Tránh xa mùi gây khó chịu
Hormone thai kỳ làm khứu giác mẹ bầu nhạy cảm hơn, khiến nhiều mùi trở nên khó chịu. Mẹ nên tránh những mùi dễ gây buồn nôn như mùi thức ăn nồng, nước hoa, khói thuốc…
4.1.2. Dậy chậm rãi vào buổi sáng
Khi vừa thức dậy, mẹ nên ngồi dậy từ từ, ngồi trên giường vài phút trước khi đứng lên. Có thể ăn nhẹ một vài chiếc bánh quy lạt hoặc bánh mì khô trước khi rời giường để giúp dạ dày dễ chịu hơn.

4.1.3. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
Thay vì ăn 3 bữa chính, mẹ nên chia nhỏ thành 5-6 bữa/ngày. Tránh để bụng quá đói hoặc quá no, vì cả hai tình trạng này đều dễ làm mẹ buồn nôn hơn. Sau khi ăn, mẹ nên ngồi thẳng để thức ăn tiêu hóa dễ dàng.
4.1.4. Uống nước thường xuyên
Mẹ bầu nên uống nước đều đặn trong ngày, tránh để cơ thể mất nước. Nước lọc, trà gừng hoặc đồ uống có ga nhẹ (như soda lạnh) có thể giúp giảm cảm giác buồn nôn. Nếu khó uống nước, mẹ có thể thử làm đông lạnh nước, nước trái cây hoặc sữa thành đá viên để ngậm – độ lạnh sẽ làm tê nhẹ khoang miệng, giúp giảm bớt cảm giác khó chịu.
4.1.5. Hít thở không khí trong lành
Việc đi dạo nhẹ nhàng hoặc mở cửa sổ khi ngủ sẽ giúp mẹ bầu dễ thở và thấy thoải mái hơn. Không khí trong lành giúp tinh thần thư giãn, hạn chế cảm giác buồn nôn.
4.1.6. Chọn thực phẩm dễ tiêu hóa
Mẹ nên ưu tiên các món ăn ít béo, dễ tiêu và nhạt vị. Chế độ ăn BRATT (chuối, cơm, sốt táo, bánh mì nướng và trà) là lựa chọn tốt vì dễ ăn, đồng thời cung cấp đủ calo, nước và chất điện giải cho mẹ. Ngoài ra, mẹ có thể thử các sản phẩm chứa gừng như trà gừng, bánh quy gừng… vì gừng hỗ trợ giảm buồn nôn hiệu quả.
4.1.7. Đổi vitamin bầu
Một số loại vitamin tổng hợp chứa sắt có thể khiến mẹ dễ buồn nôn hơn. Nếu gặp tình trạng này, mẹ nên hỏi bác sĩ về việc đổi sang dạng vitamin nhai hoặc viên bổ sung axit folic riêng. Ngoài ra, ACOG khuyến nghị mẹ bầu nên bổ sung 10-25 mg vitamin B6 mỗi 8 giờ để giảm buồn nôn, nôn mửa.
4.2. Mẹo dân gian trị ốm nghén cho bà bầu

Ốm nghén là chuyện thường gặp khi mang thai, nhưng không phải mẹ bầu nào cũng biết cách vượt qua cảm giác khó chịu này. Ngoài những phương pháp khoa học, một số mẹo dân gian có thể giúp mẹ bầu dễ chịu hơn, ăn uống ngon miệng mà vẫn đảm bảo an toàn cho bé yêu.
- Ngậm gừng tươi: Gừng ấm bụng, giảm buồn nôn nhanh. Cắt lát mỏng ngậm hoặc pha trà gừng ấm uống vào buổi sáng.
- Uống nước chanh ấm: Chanh giúp tỉnh táo, giảm cảm giác buồn nôn và bổ sung vitamin C.
- Ngửi vỏ cam, quýt, chanh: Mùi thơm tự nhiên từ vỏ giúp mẹ bầu bớt nhạy cảm với mùi khó chịu.
- Nước mía pha gừng: Nước mía cung cấp năng lượng, gừng giúp giảm nôn ói.
- Trà bạc hà: Bạc hà làm dịu dạ dày, giảm đầy hơi và buồn nôn hiệu quả.
- Ô mai chua: Kích thích vị giác, giảm cảm giác đắng miệng và buồn nôn.
- Nước cơm: Nước cơm ấm cung cấp năng lượng nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa.
- Sữa lạnh: Một ly sữa lạnh giúp làm dịu dạ dày và giảm cảm giác buồn nôn nhanh.
- Ăn bánh mì khô hoặc bánh quy lạt: Giúp thấm bớt axit dạ dày, giảm cảm giác cồn cào, buồn nôn.
- Ngủ đủ giấc: Cơ thể mệt mỏi dễ làm nghén nặng hơn. Ngủ đủ giấc giúp mẹ bầu thoải mái, giảm buồn nôn.
- Uống nước từng ngụm nhỏ: Giữ cơ thể đủ nước để giảm khô miệng và buồn nôn.
- Nước gừng mật ong: Pha nước gừng ấm với một chút mật ong giúp bổ sung năng lượng và hạn chế buồn nôn.
- Ăn trái cây mát như dưa hấu, lê: Giúp thanh nhiệt, dễ ăn, giảm cảm giác ngấy và buồn nôn.
- Sữa chua: Bổ sung lợi khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy hơi và khó chịu.
- Ngửi tinh dầu sả hoặc bạc hà: Mùi thơm nhẹ nhàng giúp thư giãn và giảm buồn nôn.
- Uống trà hoa cúc: Giúp thư giãn, dễ ngủ và hỗ trợ tiêu hóa.
- Nước ép táo hoặc nước ép cà rốt: Dễ uống, giàu dinh dưỡng và tốt cho hệ tiêu hóa.
- Ăn vặt với hạt khô (hạnh nhân, hạt điều): Bổ sung năng lượng nhẹ nhàng, chống cồn cào dạ dày.
- Bánh gạo lứt: Dễ ăn, nhẹ bụng, giúp thấm bớt dịch dạ dày và giảm buồn nôn.
- Uống nước dừa: Thanh mát, bổ sung điện giải và giảm cảm giác khó chịu do nghén.
- Đi dạo nhẹ nhàng: Không khí trong lành giúp mẹ bầu thư giãn, dễ chịu hơn.
- Hít thở sâu, chậm: Giúp cơ thể thư giãn, ổn định nhịp thở, giảm cảm giác buồn nôn tức thì.
4.3. Trị ốm nghén bằng thuốc
Nếu mẹ bị ốm nghén trầm trọng và không cải thiện sau khi đã thay đổi lối sống như trên, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chữa nôn nghén, an toàn cho thai kỳ. Các loại thuốc thường dùng bao gồm:
- Vitamin B6 (pyridoxine): Đây là lựa chọn đầu tiên được khuyến nghị bởi ACOG để giảm ốm nghén khi mang thai. Vitamin B6 thường an toàn khi dùng đúng liều, nhưng liều cao có thể gây tê, ngứa ran ở tay và chân (dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên).
- Doxylamine: Là một loại thuốc kháng histamine thường được dùng để hỗ trợ giấc ngủ, doxylamine cũng được sử dụng ngoài chỉ định để điều trị buồn nôn khi mang thai.
- Các thuốc kháng histamine khác: Một số loại kháng histamine khác như meclizine, diphenhydramine và dimenhydrinate cũng có thể giúp giảm buồn nôn khi mang thai.
Các loại thuốc trị ốm nghén trên chỉ mang tính chất tham khảo. Mẹ bầu luôn phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
5. Thực đơn cho bà bầu ốm nghén
Ốm nghén khiến mẹ bầu mệt mỏi, ăn uống khó khăn, thậm chí sụt cân. Việc xây dựng thực đơn phù hợp sẽ giúp mẹ giảm buồn nôn, cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Nếu mẹ còn băn khoăn “Bà bầu nghén nặng nên ăn gì?”, hãy thử áp dụng thực đơn này để vừa bớt buồn nôn, vừa khỏe mạnh nhé!
5.1. Gợi ý thực đơn cho bà bầu ốm nghén
Thực sự khi ốm nghén, đặc biệt là ốm nghén nặng, việc chỉ ăn một ít thức ăn cũng khá vất vả và là một sự nỗ lực rất nhiều. Hơn nữa, giai đoạn này hầu như nhu cầu về năng lượng không tăng lên đáng kể so với trước mang thai nên cũng không cần thiết phải cố ăn nhiều hơn bình thường.
Dưới đây là thực đơn 7 ngày dành cho mẹ bầu bị ốm nghén, giúp mẹ dễ ăn, dễ tiêu và đủ chất dinh dưỡng, việc thay đổi các món ăn sẽ giúp mẹ bầu cải sự ngon miệng, tránh nhàm chán và tìm ra loại thức ăn phù hợp.
Ngày | Bữa sáng | Bữa trưa | Bữa phụ | Bữa tối |
Ngày 1 | Cháo yến mạch, chuối chín | Cơm trắng, thịt gà hấp, rau cải luộc | Sữa chua, hạnh nhân | Cá hồi áp chảo, khoai lang hấp |
Ngày 2 | Bánh mì đen, trứng luộc, dưa leo | Cơm gạo lứt, thịt heo rim, bí đỏ hấp | Trái cây tươi (táo, lê), bánh quy nhạt | Đậu hũ sốt cà, rau xanh luộc |
Ngày 3 | Phở gà | Cơm trắng, tôm hấp, bông cải xanh | Sữa tươi không đường, chuối | Thịt bò xào nấm, canh rau ngót |
Ngày 4 | Bánh mì bơ đậu phộng, sữa hạt | Cơm trắng, cá hấp, cà rốt luộc | Canh súp khoai tây, sữa chua | Gà kho gừng, rau muống luộc |
Ngày 5 | Cháo thịt bằm | Cơm gạo lứt, thịt bò xào, bắp cải luộc | Bánh quy nhạt, trái cây (ổi, nho) | Cá nướng, bí xanh hấp |
Ngày 6 | Bún bò | Cơm trắng, thịt heo rim, su hào xào | Sữa chua, hạt chia | Đậu hũ kho nấm, rau thập cẩm |
Ngày 7 | Xôi đậu xanh, sữa hạt | Cơm trắng, gà kho nghệ, rau củ luộc | Trái cây tươi, bánh quy nhạt | Cá sốt cà, bông cải xanh hấp |
5.2. Lưu ý chung khi xây dựng thực đơn ốm nghén

Mẹ bầu ốm nghén thường khó ăn uống, nhưng vẫn cần đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của bé. Dưới đây là những lưu ý quan trọng khi xây dựng thực đơn:
- Tránh xa thức ăn khó tiêu hóa: Hạn chế đồ chiên, nhiều dầu mỡ; nên nấu chín hoặc xay nhuyễn đậu, ngũ cốc, hạt và rau để dễ tiêu hóa.
- Chia nhỏ bữa ăn, tránh để bụng đói: Mẹ bầu nên chia thành 5-6 bữa nhỏ mỗi ngày thay vì 3 bữa lớn để tránh tình trạng buồn nôn.
- Đảm bảo đủ nước: Uống đủ 2-2,5 lít nước/ngày để tránh mất nước do nôn ói. Nên uống nước từng ngụm nhỏ trong ngày, tránh uống quá nhiều cùng lúc.
- Tránh thực phẩm dễ gây buồn nôn: Các loại thực phẩm này bao gồm đồ ăn quá cay, những món có mùi nặng như cá, giấm, tỏi và hành, thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc chiên rán, thực phẩm nóng…
6. Dấu hiệu sắp hết nghén
Những dấu hiệu cho thấy mẹ bầu sắp vượt qua giai đoạn nghén:
- Cảm giác buồn nôn giảm dần: Mẹ bầu sẽ không còn cảm giác khó chịu, buồn nôn liên tục như trước. Thỉnh thoảng vẫn có thể buồn nôn nhẹ, nhưng tần suất ít hơn hẳn.
- Ăn uống ngon miệng trở lại: Nếu mẹ bắt đầu cảm thấy thèm ăn trở lại và có thể ăn được những món trước đây từng sợ, đây là tín hiệu tốt cho thấy cơ thể dần ổn định.
- Bớt nhạy cảm với mùi: Mẹ bầu sẽ ít bị khó chịu bởi mùi thức ăn, mùi nước hoa hay mùi lạ xung quanh như giai đoạn đầu thai kỳ.
- Cơ thể khỏe khoắn, ít mệt mỏi: Giai đoạn nghén thường khiến mẹ bầu uể oải, thiếu sức sống. Khi sắp hết nghén, mẹ sẽ thấy người khỏe khoắn hơn, có nhiều năng lượng hơn.
Tuy nhiên, mỗi mẹ bầu có cơ địa khác nhau, nên thời điểm hết nghén cũng sẽ không hoàn toàn giống nhau. Nếu tình trạng buồn nôn và nôn kéo dài đến cuối thai kỳ hoặc khiến mẹ kiệt sức, sụt cân nhiều, hãy đi khám để được bác sĩ tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

7. FAQs – Một số câu hỏi thường gặp
7.1. Ốm nghén sinh con trai hay con gái?
Nhiều mẹ bầu thắc mắc liệu ốm nghén sinh con trai hay con gái. Theo một thống kê, mẹ mang thai bé gái có tần suất ốm nghén cao hơn đáng kể so với mẹ mang thai bé trai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nghén nặng sinh con trai hay gái cần nhiều bằng chứng hơn nữa để đủ đưa ra kết luận.
Tương tự, nghén mùi khi mang thai là trai hay gái cũng chưa có bằng chứng rõ ràng. Để biết chính xác giới tính em bé, mẹ nên dựa vào siêu âm hoặc xét nghiệm y khoa.
7.2. Vì sao bị nghén vào buổi chiều tối?
Ốm nghén có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào trong ngày, kể cả chiều tối. Nguyên nhân chính là do sự thay đổi hormone trong thai kỳ và yếu tố di truyền.
Một số nguyên nhân kích thích thai nghén buổi tối bao gồm:
- Đói hoặc khát.
- Ăn các món cay, dầu mỡ.
- Ngửi mùi nồng, khó chịu.
- Nằm xuống ngay sau khi ăn.
- Uống vitamin bầu lúc bụng rỗng.
Việc ốm nghén vào buổi chiều tối hoàn toàn bình thường. Mẹ bầu có thể khắc phục bằng cách:
- Ăn nhẹ thường xuyên: Chọn thực phẩm dễ tiêu như bánh quy, hạt, chuối, cơm, táo, bánh mì nướng; thực phẩm chua nhẹ như chanh, cam; gừng…
- Tránh nằm ngay sau khi ăn: Kê cao phần đầu và ngực bằng gối để tránh trào ngược dạ dày.
- Điều chỉnh giờ uống vitamin: Nếu uống vitamin buổi tối gây buồn nôn, hãy thử chuyển sang buổi sáng, kèm một bữa ăn nhẹ. Tuyệt đối không tự ý ngưng vitamin mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
7.3. Bước qua người chồng mấy lần để hết nghén?

Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định việc bước qua người chồng có thể giúp mẹ bầu hết nghén. Tuy nhiên, nhiều mẹo dân gian lại truyền tai nhau rằng làm như vậy sẽ giúp chồng “nghén thay vợ”.
Cụ thể, mẹ bầu sẽ bước qua người chồng 5 lần liên tục vào buổi tối, khi chồng ngủ say để chuyển nghén sang chồng. Lưu ý là phải đi lên từ cuối giường và đã bước qua rồi thì không bước lại nữa.
Thực tế, đây là một hiện tượng gọi là hội chứng mang thai đồng cảm (hội chứng Couvade) – khi chồng có triệu chứng giống vợ bầu như buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu, khó tiêu, tiêu chảy hoặc táo bón… Mẹ bầu chỉ nên xem mẹo này như một cách trấn an tinh thần và tạo cảm giác thoải mái hơn.
[key-takeaways title=”Mẹo để chồng nghén thay vợ có hiệu quả không?”]
Chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định bước qua người chồng giúp hết nghén. Tuy nhiên, dân gian tin rằng làm vậy có thể khiến chồng “nghén thay vợ” – một hiện tượng gọi là hội chứng Couvade (hội chứng mang thai đồng cảm).
[/key-takeaways]
7.4. Thai 7 tuần tự nhiên hết nghén có sao không?
Ốm nghén thường hết vào tuần 13 của thai kỳ. Nếu mẹ bầu đột ngột ngừng nghén sớm thì cần chú ý.
Trong một số trường hợp, việc đột nhiên hết nghén ở tuần thứ 7 có thể do cơ thể thích nghi tốt với sự gia tăng nhanh chóng của các hormone như hCG và estrogen trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của mức hormone thấp bất thường. Điều này đôi khi liên quan đến tình trạng thai nhi chậm phát triển hoặc thậm chí là ngừng phát triển (sảy thai), đặc biệt nếu mẹ bầu có tiền sử sảy thai trước đó.
Lúc này, mẹ bầu nên liên hệ bác sĩ, nhất là khi xuất hiện các dấu hiệu đáng lo ngại như:
- Ra máu âm đạo.
- Đau vùng chậu hoặc đau lưng dưới (có thể âm ỉ hoặc từng cơn).
- Các dấu hiệu mang thai khác (như mệt mỏi) đột nhiên biến mất.
- Tăng tiết dịch âm đạo bất thường, ra nước hoặc ra mô lạ từ âm đạo.
7.5. Mang thai không nghén có sao không?
Không nghén khi mang thai là điều hoàn toàn bình thường đối với nhiều mẹ bầu. Mặc dù ốm nghén là triệu chứng phổ biến, xảy ra ở khoảng 70-80% phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt đầu tiên, nhưng vẫn có không ít người mang thai khỏe mạnh mà không hề trải qua cảm giác buồn nôn hay nôn ói.
Kết luận
Ốm nghén là một phần bình thường của thai kỳ, dù khó chịu nhưng thường không gây hại cho mẹ và bé. Hiểu rõ nguyên nhân, thời điểm nghén nặng nhất và áp dụng các mẹo giảm nghén phù hợp sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn.
Nếu triệu chứng quá nghiêm trọng như nôn nhiều, mất nước hay sụt cân nhanh, mẹ đừng cố chịu đựng mà nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.