Nguy cơ phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai và vài tháng sau sinh con là rất cao. Trong thai kỳ, những thay đổi nội tiết tố gây ảnh hưởng đến não bộ, gây ra lo âu, buồn phiền và cuối cùng dẫn đến trầm cảm. Không may mắn là đôi khi bà bầu không hề nhận ra rằng mình đang chán nản, có dấu hiệu bị bệnh. Đơn thuần, họ chỉ nghĩ rằng đó chỉ là chút thay đổi trong thai kỳ hoặc một số cảm giác chung mà mẹ nào cũng trải qua sau sinh.
Tin tốt: Trầm cảm có thể điều trị. Kiểm tra xem bạn có đang mắc phải những dấu hiệu dưới đây không, nếu có phải nhờ bác sĩ hoặc các chuyên gia có chuyên môn tư vấn và giúp đỡ. Đừng giấu bệnh mà nên chia sẻ với anh xã hoặc người thân trong gia đình, vì họ chính là nguồn động viên tích cực của bạn. Nếu không chịu điều trị sớm, chắc hẳn nạn nhân của bệnh không ai khác chính là bạn và bé con.
1/ Dấu hiệu trầm cảm
Bệnh diễn ra từ từ và mất thời gian, mỗi người có triệu chứng khác nhau. Bệnh có thể ở mức nhẹ, trung bình hoặc nặng. Một số dấu hiệu thường gặp:
-Thay đổi trong sở thích ăn uống: Ăn quá cay, chán ăn.
-Thay đổi thói quen ngủ nghỉ: Khó ngủ, ngủ li bì.
-Thiếu năng lượng, ì ạch, mệt mỏi.
-Cảm thấy buồn chán, thất vọng, vô dụng.
-Khóc không rõ lý do.
-Mất hứng thú, niềm vui trong các hoạt động yêu thích từ trước.
Thực tế, các bà mẹ bị trầm cảm thường gặp khó khăn khi chăm sóc em bé của mình. Họ thường để mặc em bé khóc và không muốn dành thời gian cho con.
2/ Bệnh ảnh hưởng đến bà bầu như thế nào?
Mẹ bầu bị trầm cảm sẽ không thể tự chăm sóc bản thân mình khi mang thai. Hơn nữa, bệnh còn có thể tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân. Nếu bệnh không được điều trị dứt điểm trong thai kỳ, hiển nhiên sẽ lan truyền sang thời gian sau sinh, làm mức độ nghiêm trọng cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn và mối liên kết giữa bạn và con.
3/ Phân biệt hội chứng “baby blues” và trầm cảm sau sinh
Hội chứng baby blues, hay hiện tượng rối loạn tâm lý sau sinh là một dạng nhẹ của chứng trầm cảm sau sinh. Nó thường bắt đầu khoảng 1-3 ngày sau sinh và kéo dài lên đến 10 ngày hoặc vài tuần. Với hội chứng này, các mẹ thường trải qua những cảm xúc và tâm trạng thất thường, mới cười vui đó đã buồn khóc ngay. Kéo theo, họ cảm thấy lo lắng, bối rối, khó ăn, khó ngủ. 80% các bà mẹ sau sinh đều đối mặt với hội chứng baby blues. Tuy nhiên, không như trầm cảm, hiện tượng này có thể “tự đến và tự đi”.
Khoảng 13% phụ nữ sau sinh mắc bệnh trầm cảm, nguy cơ tăng cao hơn nếu trong gia đình đã từng có người mắc bệnh tương tự. Một số dấu hiệu khác của trầm cảm sau sinh:
-Cảm giác không thể tập trung chăm sóc em bé.
-Thường xuyên lo lắng, hoảng loạn.
-Suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực.
-Khó khăn khi ra quyết định.
-Cảm thấy buồn chán, tuyệt vọng và mất kiểm soát.
[inline_article id = 828]
4/ Trầm cảm từ mẹ có lây sang con?
Trầm cảm có thể điều trị, nếu không chắc hẳn sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý và sự phát triển của con trẻ. Thông thường, các bà mẹ trầm cảm gặp khó khăn khi chăm sóc con. Họ lúc thì yêu thương lúc lại bực dọc, quát mắng, phản ứng tiêu cực với con.
Trẻ em là tờ giấy trắng, sự phát triển về tâm lý và tình cảm của bé thường là tấm gương phản chiếu hình ảnh ba mẹ. Vì vậy, chỉ khi mẹ yêu thương và săn sóc theo lẽ tự nhiên, bé cũng vì thế mà lớn lên trong sự an toàn và tin tưởng. Ngược lại, nếu bị ảnh hưởng bởi bệnh trầm cảm từ mẹ, bé sẽ trở nên căng thẳng, rối loạn tâm lý và hành vi ứng xử.
Tùy vào độ tuổi của trẻ mà trầm cảm có thể gây tác động như thế nào.
Với trẻ sơ sinh, trầm cảm từ mẹ có thể khiến bé:
-Không cảm giác được mối dây liên kết tình mẹ con, khó chịu khi ở cùng mẹ.
-Quấy khóc khi ngủ, khó ngủ.
-Thường xuyên bị đau bụng.
-Không muốn giao tiếp, nói chuyện.
-Trở nên thụ động.
Với trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo, dấu hiệu lại thay đổi:
-Không có tính độc lập.
-Nhút nhát, không muốn giao tiếp với người khác.
-Không nghe lời, ít chấp hành kỷ luật.
-Khó bảo, dễ nối nóng.
-Học kém.
Với trẻ đã đi học, dấu hiệu như sau:
-Luôn gặp rắc rối trong hành vi, ứng xử.
-Học kém.
-Nguy cơ cao mắc chứng tăng động hoặc tự kỷ.
-Luôn lo âu, dẫn đến rối loạn tâm lý.
5/ Chữa bệnh ra sao?
Khi được điều trị, bạn sẽ trải qua những bước sau:
-Dùng thuốc: Loại thuốc thường xuyên được sử dụng là SSRIs, thuốc ức chế tái hấp thụ serotonin, và thuốc TCAs.
-Trị liệu tâm lý: Tư vấn, nói chuyện và tâm sự với bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp.
-Hỗ trợ từ gia đình: Rất cần động viên và tình cảm của các thành viên trong gia đình.
-Hỗ trợ xã hội: Nhận sự giúp đỡ của các dịch vụ cộng đồng và giáo dục trẻ em.
6/ Thuốc trị trầm cảm có ảnh hưởng đến thai nhi?
Sự thật là có. Một số trẻ sơ sinh thường khó chịu, thở nhanh, run và bú kém nếu mẹ dùng thuốc trầm cảm trong thai kỳ. Vì vậy, cách tốt nhất để trị trầm cảm cho mẹ bầu là thư giãn, nhận sự tư vấn từ các chuyên gia tâm lý, chia sẻ với anh xã và người thân, tham gia các hoạt động lành mạnh, thoải mái.
Với phụ nữ đang dùng thuốc và có ý định mang thai, nên nói chuyện với bác sĩ trước khi quyết định sinh con. Vì nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, chắc hẳn, bạn và bé cưng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
7/ Có nên uống thuốc khi đang cho con bú?
Đúng rằng khi mẹ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, bé con cũng nhận được tương tự khi bú mẹ. Vì vậy, không có gì khó hiểu nếu bạn băn khoăn liệu một lượng nhỏ của thuốc có đi ra theo sữa mẹ hay không. Mẹ có thể yên tâm, trẻ sơ sinh tiếp xúc với loại thuốc này qua sữa mẹ là an toàn và không có gì đáng lo ngại.
>>> Các thảo luận có cùng chủ đề:
MarryBaby