Trong thời gian mang thai, các mẹ bầu thường có khuynh hướng tìm kiếm những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để bổ sung vào thực đơn của mình. Tuy nhiên, không phải món ăn nào giàu dưỡng chất cũng tốt cho sự phát triển cua thai nhi. Rau chùm ngây chính là một trong số đó!
Rau chùm ngây tác động tiêu cực đến thai kỳ
Rau chùm ngây có tên khoa học là Moringa oleifera, hay gọi tắt là Moringa. Loại cây này có thân gỗ, lá nhỏ mọc đối xứng như hình lông chim, trước đây thường được trồng làm hàng rào ở các vùng thôn quê. Vài năm gần đây, rau chùm ngây được biết đến như một “tiên dược” bởi nó có chứa rất nhiều vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, thân và rễ của chùm ngây cũng được sử dụng trong các vị thuốc với tác dụng như một loại thuốc kháng sinh mạnh. Có đến 90 quốc gia trên thế giới sử dụng chùm ngây như một loại rau dùng trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, luôn có khuyến cáo đối với việc sử dụng chùm ngây cho bà bầu.
Ở một số tộc người trên thế giới, chẳng hạn như tại vùng Tây Bengal (Ấn Độ) và vùng đồng bào Raglay (Việt Nam), rễ cây chùm ngây được sử dụng như một vị thuốc để tránh thai. Cứ cách 2 ngày, phụ nữ Raglay lại dùng 2 nắm rễ chùm ngây (khoảng 150 gram) băm nhỏ sau đó nấu với khoảng 2 lít nước cho đến khi còn lại khoảng 0,5 lít nước thuốc cô đặc thì dùng để uống. Đây là một bài thuốc tránh thai có tác dụng kéo dài. Đó là bởi trong chùm ngây có chứa alpha-sitosterol, một chất giúp ngừa thai bằng cách khiến cho trứng đã thụ tinh không thể bám vào thành tử cung để làm tổ. Đối với những phụ nữ đang mang thai, chất alpha-sitosterol sẽ gây co cơ trơn của tử cung, dẫn đến sảy thai.
Hiện nay, các nghiên cứu chỉ mới đưa ra bằng chứng về tác dụng làm sảy thai của rễ cây, đồng thời tìm thấy thành phần alpha-sitosterol ở hoa và vỏ cây chùm ngây. Tuy vậy, đã có các trường hợp sảy thai sau khi ăn rau chùm ngây được ghi nhận. Do đó, các mẹ bầu vẫn nên tránh sử dụng loại rau này trong thai kỳ để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra. Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tránh xa rễ chùm ngây vì sử dụng trong một thời gian có thể dẫn đến vô sinh.
[inline_article id=80856]
Các tác dụng khác của rau chùm ngây
Tuy không được khuyến khích sử dụng cho phụ nữ mang thai, rau chùm ngây có thể được dùng như một món ăn lợi sữa. Dùng hoa chùm ngây làm trà lợi sữa là kinh nghiệm được lưu truyền ở nhiều vùng trên thế giới.
Bên cạnh đó, lá của loại cây này là một nguồn cung cấp đáng kể các chất như vitamin C, vitamin B, beta-carotene, vitamin K, mangan, protein và canxi. Đây đều là những dưỡng chất quan trọng giúp bà mẹ mới sinh con mau chóng phục hồi thể chất, đồng thời cũng cần thiết để thúc đẩy quá trình sản xuất sữa trong cơ thể.
Với thành phần dinh dưỡng phong phú, rau chùm ngây cũng là lựa chọn lý tưởng cho những trường hợp cơ thể bị suy dinh dưỡng. Hơn nữa, loại rau này rất dễ trồng, có thể mọc tươi tốt ở những vùng khô nóng như miền Trung nước ta, mang đến một nguồn dinh dưỡng tốt và rẻ cho mọi người.
Làm lành vết thương là một tác dụng khác của chùm ngây. Lá và hạt của cây được nghiền ra và đắp lên các vết thương sẽ giúp kháng khuẩn và kháng nấm, giúp vết thương mau lành.
Hạt cây cũng được dùng để ép lấy dầu. Dầu hạt chùm ngây không có mùi và còn có tác dụng chống mùi hôi.
Rễ được cắt nhỏ để sử dụng như một loại gia vị.
Trái non của rau chùm ngây cũng được dùng như một loại rau, có mặt trong những món như cà ri, canh, súp… và cung cấp hàm lượng vitamin, khoáng chất phong phú cho người dùng.
Hạt chùm ngây còn được dùng để làm sạch nước.Với khả năng sát khuẩn và làm lắng đọng, hạt chùm ngây không những loại bỏ những vi sinh vật có hại trong nước mà những chất bùn lầy, cặn bẩn sẽ bị kết lại và lắng xuống đáy thùng đựng, mang lại nguồn nước sạch cho người dùng. Nhờ những công dụng này, cây chùm ngây luôn được ưu ái gọi bằng mỹ từ “cây kỳ diệu”.