Trong thai kỳ, nguy cơ sinh mổ là không thể lường trước. Vì vậy, chắc chắn thai phụ rất muốn biết thai bao nhiêu tuần thì sinh mổ được.
Quyết định sinh mổ được đưa ra khi mẹ mang đa thai, mẹ đã từng sinh mổ trước đó, mẹ mắc các bệnh lý do thai gây ra như tiền sản giật, dị ứng nặng do thai. Hoặc mẹ bị cạn ối, mẹ bị bệnh toàn thân nặng không tiếp tục mang thai được nữa, mẹ gặp các bất thường về nhau thai như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược…
Về phía em bé, bác sĩ buộc phải chỉ định mổ “bắt con” nếu thai quá to, thai suy dinh dưỡng, thai dị tật, thai ở ngôi mông… Vậy thai bao nhiêu tuần thì sinh mổ được?
[inline_article id=254267]
Thai bao nhiêu tuần thì sinh mổ được?
Một thai kỳ thường kéo dài khoảng 40 tuần. Em bé sinh trước 37 tuần thường được gọi là sinh non hoặc sinh thiếu tháng. Em bé sinh non dễ bị vàng da, khó bú, khó thở, khó duy trì nhiệt độ cơ thể, suy hô hấp, nhiễm trùng do sức đề kháng kém.
Em bé sinh trước tuần thứ 28 được gọi là sinh cực non. Nếu sinh trước 28 tuần, khả năng sống sót của thai nhi rất thấp. Nếu sống được cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí bị khuyết tật suốt đời.
Vậy bao nhiêu tuần thì sinh mổ được? Nên sinh mổ ở tuần thứ bao nhiêu? Mặc dù đủ 37 tuần em bé đã có thể sống được ở môi trường bên ngoài. Nhưng thời điểm sinh mổ thích hợp, đảm bảo thai nhi ít gặp vấn đề về sức khỏe sau chào đời là từ tuần thai thứ 39 trở đi. Đó cũng là lúc em bé trong bụng đã đủ cứng cáp và phát triển hoàn thiện các cơ quan.
Sinh mổ lần 2 bao nhiêu tuần thì mổ?
Đối với mẹ đã sinh mổ 1 lần, bác sĩ luôn khuyến cáo lần mang thai thứ 2 nên cách lần sinh đầu 24 tháng. Nếu khoảng cách này dưới 18 tháng thì khả năng bục vết sẹo cũ sẽ rất cao. Đồng thời, mẹ và em bé trong bụng dễ gặp các biến chứng thai kỳ như: nhau cài răng lược, nhau tiền đạo, nhau bám thấp mặt trước, thai kém phát triển, suy dinh dưỡng, nguy cơ sinh non cao…
Sinh mổ lần 2 bao nhiêu tuần thì sinh mổ được? Với bà mẹ sinh mổ lần 2, nếu sức khỏe mẹ và thai nhi đều ổn định thì thời điểm sinh mổ tốt nhất giống như đã nói ở trên, tức là từ tuần thứ 39 trở đi. Đặc biệt, việc sinh mổ nên được thực hiện trước khi xuất hiện các cơn cơn đau chuyển dạ để tránh các cơn co thắt ảnh hưởng đến vết sẹo ở lần sinh đầu.
Các dấu hiệu khi mang thai cần nhập viện gấp
Bên cạnh quan tâm bao nhiêu tuần thì sinh mổ được, mẹ cũng cần để ý các dấu hiệu lạ trong thai kỳ.
Dù sinh thường hay đang chờ sinh mổ chủ động thì nếu thấy có các dấu hiệu sau, mẹ phải vào viện ngay lập tức.
– Các dấu hiệu đột ngột trong thai kỳ
Mẹ nhập viện ngay nếu cảm thấy đau đầu dữ dội, sốt, đau ngực, nôn mửa, rối loạn thị giác, co giật…
– Thai không cử động hoặc cử động ít hơn bình thường
Nếu thấy thai nhi cử động ít hơn ngày thường, mẹ có thể đếm thai máy, biết sức khỏe con có đang gặp nguy hay không.
– Đau bất thường vùng tử cung và bụng dưới
Thai càng lớn thì ở mẹ có thể xuất hiện cảm giác đau lưng và trì nặng vùng bụng dưới. Nhưng nếu chưa tới ngày dự sinh mà mẹ cảm thấy đau bụng dữ dội hoặc xuất hiện các cơn gò liên tục, lặp lại theo chu kỳ thì cần nghĩ đến khả năng sinh non, sinh sớm hoặc thai nhi gặp nguy hiểm.
– Ra máu âm đạo
Ra máu âm đạo ở bất kỳ thời điểm nào khi mang thai cũng đều đáng báo động. Nếu ra máu âm đạo ở tam cá nguyệt thứ nhất thì có thể là dấu hiệu của thai dọa sảy, thai ngoài tử cung. Ra máu âm đạo ở tam cá nguyệt thứ ba thì có thể là dấu hiệu của sinh non hay các bất thường về nhau thai.
– Rỉ ối hoặc vỡ ối
Rỉ ối hoặc vỡ ối đều kèm theo nhiều rủi ro như sinh non, nguy cơ nhiễm trùng thai nhi đồng thời báo hiệu thai nhi đang bị đe dọa. Mẹ có thể tìm hiểu thêm hiện tượng rỉ ối và những thông tin bầu cần “thuộc lòng” để biết cặn kẽ hơn nhé.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ không chỉ tìm hiểu thai bao nhiêu tuần thì sinh mổ được, bầu bao nhiêu tuần thì sinh, mà còn phải tham khảo thêm những điều cần biết khi mang thai lần đầu.
Hương Lê
Nguồn
1. Caesarean section
https://www.nhs.uk/conditions/caesarean-section/
Ngày truy cập 30/5/2021.
2. Planned or elective caesarean
https://www.pregnancybirthbaby.org.au/planned-or-elective-caesarean
Ngày truy cập 30/5/2021.
3. Pregnancy After C Section: What Is The Time Gap Required And How To Boost The Chances
https://www.momjunction.com/articles/soon-can-get-pregnant-c-section_0082815/
Ngày truy cập 30/5/2021.
4. Common Reasons for a C-Section Delivery (Planned and Emergency)
https://parenting.firstcry.com/articles/common-reasons-for-c-section-delivery-planned-and-emergency/
Ngày truy cập 30/5/2021.
5. Can I Request to Have a C-Section?
https://kidshealth.org/en/parents/cesarean.html
Ngày truy cập 30/5/2021.