Categories
Mang thai Chuyển dạ - Sinh nở

Tập hít thở để giảm đau khi sinh

Thở đúng cách sẽ giúp bạn vượt qua những cơn đau do chuyển dạ và duy trì được sức bền để có một ca sinh suôn sẻ. Tùy vào mỗi giai đoạn chuyển dạ, bạn sẽ có cách hít thở khác nhau. Chính vì vậy, việc luyện tập hít thở rất cần thiết trong 3 tháng cuối của thai kỳ

Khoảng 8 tuần trước ngày dự sinh là thời gian thích hợp nhất để bắt đầu tập những kỹ thuật hít thở mà sau này bạn sẽ dùng lúc sinh em bé. Ngay cả khi bạn quyết định tiêm thuốc giảm đau, kỹ thuật hít thở vẫn giúp giảm đi bất kỳ sự khó chịu nào mà bạn cảm thấy. Khi hít thở đúng, bạn sẽ cảm nhận tốt hơn về từng bộ phận trong cơ thể, tập trung năng lượng của mình và tham gia một cách chủ động vào quá trình sinh nở để mẹ tròn con vuông.

Cách hít thở khi sinh 2
Hít thở đúng cách giúp mẹ không bị mất năng lượng

Khởi đầu: thở sâu
Trong giai đoạn đầu, khi các cơn co thắt bắt đầu diễn ra thường xuyên khiến bạn phải dừng hoạt động của mình lại, đó là lúc bắt đầu thở điều độ. Cách tập thở cho giai đoạn này như sau:

-Hít một hơi sâu để không khí tràn ngập phổi và thở hết ra

-Tập trung năng lượng bằng cách nhìn tập trung vào một điểm như trần nhà, tường hay sàn…

-Tưởng tượng như cơn co bắt đầu (hoặc bạn có thể nhờ ai đó ra hiệu giúp): Hít thở sâu 5-10 lần/ phút.

Khi hít vào, úp bàn tay lên bụng dưới của bạn và vuốt nhẹ về phía sườn. Khi thở ra, vuốt tay từ phía sườn xuôi về phía bụng dưới. Việc kết hợp massage nhẹ nhàng theo cách này sẽ giúp xoa dịu.

Trong 1 phút này, người phối hợp với bạn sẽ đếm mỗi 15 giây trôi qua. Có 4 mốc “15, 30, 45, 60”. Sau đó, khi họ nói “cơn co thắt chấm dứt”, bạn thở bình thường.

Hãy thực hành động tác hít thở này trong các tư thế khác nhau mà bạn có thể trải qua khi chuyển dạ: ngồi trên ghế, nằm nghiêng trên giường, quỳ chống tay trên mặt nệm…

[inline_article id=60857]

Tiếp tục: Thở nhanh
Khi cổ tử cung đã mở khoảng 5cm, mỗi cơn gò đều mạnh hơn và cảm giác đau cũng tăng lên, bạn cần thay đổi nhịp thở để theo kịp cường độ cũng như tốc độ của những cơn gò.

-Khởi đầu với một lượt hít-thở sâu

-Khi đối tác của bạn nói: “Cơn gò bắt đầu”, hãy chuyển đổi nhịp thở nhanh và hơi thở nông hơn khi cơn gò tăng cường độ. Cơn gò ở giai đoạn này thường đạt đến đỉnh điểm trong 30 giây. Sau khoảng thời gian này, bạn có thể giảm dần nhịp độ thở đến khi về mức bình thường. Tương tự như khi luyện tập thở sâu, đối tác cũng cần đếm “15, 30, 45, 60” để bạn căn thời gian mình hít thở.

Nếu bạn bối rối không biết nên thở nhanh đến mức nào, hãy căn sao cho số lần hít-thở lúc này gấp đôi so với bình thường.

Cần đảm bảo lượng không khí hít vào cũng tương đương lượng không khí thở ra. Nếu cảm thấy hơi choáng váng, có thể bạn đã không thở hết không khí ra. Còn nếu cảm thấy các nhịp thở của mình cạn và ngắn, có thể do bạn đã thở ra nhiều hơn lượng khí mình hít vào.

Nếu việc luyện tập hít thở khiến bạn cảm thấy mệt, nên dừng lại và nhờ đối tác massage lưng và đùi.

[inline_article id=78803]

Hít thở khi rặn đẻ
Tập hít thở đúng vào giai đoạn này sẽ giúp bạn kiểm soát cảm giác muốn rặn cho đến khi cổ tử cung mở đủ để sinh. Nếu rặn đẻ quá sớm, bạn có nguy cơ bị rách tầng sinh môn và gây tổn thương cho cổ tử cung. Vết thương do rách tầng sinh môn cũng khó lành hơn rất nhiều so với khi được bác sĩ can thiệp bằng cách rạch tầng sinh môn hoặc trong trường hợp may mắn hơn, bạn hoàn toàn không phải thực hiện thủ thuật này.

-Khi đối tác nói “Cơn gò bắt đầu”, bạn hít thở một hơi sâu, sau đó thở gấp (thở hổn hển) vài lần.

-Khi đối tác của bạn nói “nhanh hơn”, thay vì thở ra bằng mũi, bạn hãy cố gắng thổi ra bằng miệng.

Việc thổi không khí ra làm cho bụng bạn không bị ép xuống như khi thở bằng mũi, giảm cảm giác muốn rặn.

Công thức được nhiều người áp dụng là 6 hơi thở gấp – 1 thổi.

-Tiếp theo, khi đã đến thời điểm để rặn, trong thực tế, bạn cần hít thở sâu và dồn toàn bộ sức lực để đưa em bé ra ngoài theo ngã âm đạo. Nhưng vì đây chỉ mới là giai đoạn luyện tập, bạn chỉ cần hít thở sâu mà thôi.

MarryBaby