Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Dấu hiệu trầm cảm khi mang thai là gì mẹ biết chưa?

Bệnh trầm cảm khi mang thai rất khó nhận biết vì nó dễ nhầm lẫn với một số rối loạn khác khi có thai. Vì thế tìm hiểu dấu hiệu trầm cảm khi mang thai là một vấn đề cực kỳ quan trọng.

Dấu hiệu trầm cảm khi mang thai sẽ không dễ phát hiện nếu không quan sát kỹ. Phụ nữ có thai bị trầm cảm có thể có các biểu hiện gì? Hãy cùng tham khảo trong bài viết này!

Trầm cảm khi mang thai là gì?

Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 7% phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai. Tỷ lệ này có thể cao hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Trầm cảm xảy ra ở phụ nữ thường xuyên gấp đôi so với nam giới. Sự khởi phát ban đầu của bệnh trầm cảm đạt đỉnh điểm trong những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Trầm cảm khi mang thai, hay còn gọi là trầm cảm trước sinh. Đây là một rối loạn tâm trạng (mood disorder) giống như bệnh trầm cảm trên lâm sàng. Sự thay đổi hormone trong thai kỳ có liên quan đến chứng trầm cảm và lo lắng. Lo lắng có thể trở nên trầm trọng hơn khi mang thai và dẫn đến trầm cảm.

Tình trạng rối loạn này thường xuất hiện ở 3 tháng đầu tiên của thai kỳ (hay còn gọi: trầm cảm khi mang thai 3 tháng đầu). Một số mẹ bầu lại bị stress khi mang thai 3 tháng cuối.

dấu hiệu trầm cảm khi mang thai
Dấu hiệu trầm cảm khi mang thai rất khó phát hiện

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị trầm cảm

Nguyên nhân chính xác khiến mẹ bầu bị trầm cảm vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ra, sự thay đổi hormone trong thai kỳ đóng góp một phần quan trọng. Hormone ảnh hưởng đến các chất kiểm soát cảm xúc và tâm trạng trong não. Chính những biến động đó làm ảnh hưởng đến cảm xúc của thai phụ và dẫn đến trầm cảm.

Yếu tố di truyền cũng có thể là nguyên nhân trầm cảm khi mang thai. Trầm cảm có xu hướng gia tăng trong các gia đình. Nếu trong gia đình có người có tiền sử trầm cảm hoặc bất kỳ rối loạn tâm trạng nào khác thì bạn cũng dễ bị trầm cảm hơn.

Những dấu hiệu trầm cảm khi mang thai

1. Trầm cảm khi mang thai thường không dễ nhận biết

Một số dấu hiệu trầm cảm khi mang thai như thay đổi giấc ngủ, sự thèm ăn và ham muốn tình dục rất giống những thay đổi bình thường trong thai kỳ. Do đó, các dấu hiệu này có thể do bạn mang thai chứ không phải do trầm cảm.

Phụ nữ mang thai có thể nói chuyện với bác sĩ về những thay đổi tâm trạng mà họ đang gặp phải. Để từ đó, bác sĩ có thể sớm phát hiện hiện tượng trầm cảm trong thai kỳ cũng như tư vấn phù hợp.

2. Một số dấu hiệu bệnh trầm cảm khi mang thai:

  • Khả năng tập trung kém, khó tập trung, dễ thay đổi tâm trạng đột ngột, lo lắng nhiều và liên tục về sức khỏe, sự an nguy của con mình, rất dễ cáu kỉnh, hoang mang, hoảng loạn…
  • Thai phụ còn có biểu hiện bị rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi quá mức, triền miên không dứt.
  • Có lúc thèm ăn liên tục hoặc chẳng muốn ăn gì.
  • Giảm hoặc mất hoàn toàn hứng thú với chuyện tình dục hoặc sự gần gũi với chồng. Không cảm thấy thích thú, hào hứng hay vui vẻ với bất cứ thứ gì.
  • Buồn bã và khóc mà không có lý do rõ ràng.
  • Có xu hướng thu mình với mọi người và tự cô lập mình với gia đình, bạn bè.
dấu hiệu trầm cảm khi mang thai
Rối loạn giấc ngủ là một trong những dấu hiệu trầm cảm khi mang thai

Tác hại của trầm cảm khi mang thai

1. Đối với mẹ

Trầm cảm khi mang thai có thể khiên thai phụ có những hành vi tiêu cực. Chẳng hạn như có ý định tự tử, từ bỏ thai nhi. Ngoài ra, hiện tượng này làm gia tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm nghiêm trọng khi có thai tiếp tục phát triển thành trầm cảm sau sinh.

Rối loạn tâm lý cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của thai phụ nên có thể gây ra nhiều vấn đề trong gia đình. Từ đó có thể làm mất gắn kết giữa vợ chồng, con cái và cha mẹ.

Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng có khả năng bạn đang bị trầm cảm khi mang thai. Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và phát hiện sớm và duy trì một thai kỳ khỏe mạnh.

2. Đối với thai nhi

  • Tăng nguy cơ sảy thaisinh non (sinh trước 37 tuần), thai nhi phát triển không đầy đủ.
  • Thai nhi kém phát triển cả về trí tuệ lẫn thể chất.
  • Trẻ sinh nhẹ cân (< 2500 gram), sức khỏe yếu, khả năng thích ứng môi trường kém.
  • Tăng nguy cơ cao mắc các bệnh suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh và đau nhức cơ thể.
  • Trẻ có thể mắc bệnh như tự kỷ, chậm phát triển, hở hàm ếch,… ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của trẻ sau này.

Cách điều trị trầm cảm khi mang thai 

Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm cho phụ nữ mang thai còn nhiều tranh cải. Do đó, ngoài việc sử dụng thuốc, còn có nhiều cách để giảm stress khi mang thai.

  • Chế độ dinh dưỡng: Nhiều loại thực phẩm có liên quan đến sự thay đổi tâm trạng. Chế độ ăn nhiều caffeine, đường, carbohydrate chế biến, chất phụ gia nhân tạo và ít protein đều có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Việc kiểm soát các thực phẩm bạn nạp vào nhất là trong thai kỳ không chỉ giảm stress mà còn ngăn ngừa một số bệnh lý khác có thể gặp khi mang thai.
  • Y học cổ truyền: Châm cứu là một lựa chọn khả thi trong hỗ trợ điều trị trầm cảm ở phụ nữ có thai.
  • Thảo dược: Có một số loại thảo dược có thể giúp giảm stress khi mang thai. Nhiều loại trong số này không thể dùng chung với thuốc chống trầm cảm và cần được đánh giá về liều lượng cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào trong thai kỳ
  • Tập thể dục: Tập thể dục làm tăng nồng độ serotonin và giảm cortisol một cách tự nhiên làm giảm stress.
  • Nghỉ ngơi hợp lý: Thiếu ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng quản lý căng thẳng của não bộ. Bạn có thể xây dựng cho mình một lịch trình ngủ và thức dậy theo thói quen, giờ giấc hợp lý.
dấu hiệu trầm cảm khi mang thai
Chứng trầm cảm khi mang thai có thể khắc phục từ tâm lý và suy nghĩ của người bệnh

Trên đây là bài viết về vấn đề dấu hiệu trầm cảm khi mang thai. Các dấu hiệu này này rất dễ nhầm lẫn với những thay đổi bình thường trong thai kỳ.

Do đó, người thân và nhất là người chồng nên hiểu và nhận biết sớm những dấu hiệu mà bạn đời mình đang gặp phải để đưa họ đến khám sớm nhất có thể.

Về phần thai phụ, hãy nói ra những cảm xúc, những vấn đề của bản thân, tìm kiếm sự giúp đỡ để được giải tỏa. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bạn cũng cần duy trì thói quen đến khám thai thường xuyên để có thể phát hiện những rủi ro sớm nếu có.

By Huỳnh Lâm Nguyệt Thảo

Huỳnh Lâm Nguyệt Thảo đã có 3 năm kinh nghiệm trong việc biên tập nội dung các bài viết liên quan đến nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm: Giải trí, Sức khỏe, Làm đẹp,... 

Với vị trí tác giả phụ trách nội dung cho các chủ đề về mẹ và bé cho website MarryBaby, Nguyệt Thảo mong muốn có thể góp phần cung cấp nhiều thông tin bổ ích đến cho bạn đọc.