Tam cá nguyệt thứ hai kéo dài từ tuần thứ 14 đến 27 của thai kỳ. Trong khoảng thời gian này, sự phát triển của thai nhi đi qua các bước quan trọng như tim bé không ngừng bơm máu, bé đã chuyển động được cơ mặt, những ngón tay và chân bé xíu đã hình thành các vân, thận bé đã bài tiết được nước tiểu và bé cũng đạt đủ độ lớn để mẹ có thể cảm nhận được các chuyển động thai.
Thai tuần 14
Tuần này, bé đã có thể nheo mắt, cau mày, nhăn mặt, đi tiểu, và có thể mút ngón tay cái của mình! Nhờ xung não, cơ mặt của bé đang tập luyện các biểu hiện khác nhau. Thận bé đang bài tiết nước tiểu vào dịch ối xung quanh. Đây là một quá trình sẽ tiếp tục cho đến khi sinh.
Thai tuần 15
Sự phát triển của thai nhi trong tuần này: Chiều dài đầu mông của bé giờ đã được 10cm và bé nặng khoảng hơn 70 g. Bé đang tập luân chuyển nước ối qua mũi và đường hô hấp trên, giúp các túi khí nguyên thủy trong phổi của bé bắt đầu phát triển. Chân của bé đang phát triển dài ra nhanh hơn so với cánh tay, và bé có thể chuyển động tất cả các khớp và ngón chân, ngón tay.
Thai tuần 16
Bé đã sẵn sàng cho sự phát triển bứt phá, sẽ tăng cân nặng gấp đôi và dài thêm hàng chục centimet trong vài tuần tới. Bé đã bắt đầu có các móng chân. Tuần này, tim bé vẫn tiếp tục bơm khoảng 25 lít máu mỗi ngày, và số lượng này sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của thai nhi.
Thai tuần 17
Ở tuần 17, xương sụn mềm của bé đang dần cứng lại thành xương trưởng thành. Ngoài ra, dây rốn bé cũng đang phát triển để dày hơn và chắc chắn hơn.
Thai tuần 18
Sự phát triển của thai nhi tuần 18 thể hiện qua những nét nổi bật như: Bé đang tập gập tay và chân (mẹ sẽ cảm nhận rõ những chuyển động này hơn trong vài tuần tới), đôi tai đã ở vào đúng vị trí cuối cùng của nó. Một lớp bảo vệ đang bao bọc lấy các dây thần kinh của bé. Quá trình này sẽ tiếp tục đến hết năm đầu đời.
Thai tuần 19
Từ dùng để miêu tả sự phát triển của thai nhi trong tuần này đó là “bùng nổ giác quan”. Các vùng điều khiển thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác đều đã được hình thành trong não. Tuần này, bé cũng đã có thể nghe được những âm thanh từ bên ngoài, nên mẹ đừng ngại đọc sách, hát hay trò chuyện cùng bé.
Thai 20 tuần
Bé luyện tập nuốt nước ối nhiều hơn trong tuần này. Đây là sự chuẩn bị cho sự phát triển của hệ tiêu hóa. Ruột của bé cũng đã bắt đầu sản xuất phân xu và giữ tất cả lại trong trực tràng. Cho đến khi chào đời, bé mới “giải phóng” hết toàn bộ phân xu khỏi cơ thể.
Thai tuần 21
Mẹ sẽ cảm thấy như thể bé đang tập võ vậy, với hàng loạt cú đá, huých… Khi đã trải qua một thời gian theo dõi các cử động này, mẹ sẽ phát hiện ra quy luật của chúng. Lông mày và mi mắt của bé cũng đã xuất hiện. Và nếu mẹ đang mang thai con gái, tuần này âm đạo của bé cũng đã được hình thành.
Thai 22 tuần
Các bộ phận cơ thể bé đã phát triển cân đối hơn và giờ đây, bé giống như một phiên bản thu nhỏ của một em bé sơ sinh khi chào đời. Môi, mí mắt và lông mày của bé hình thành rõ rệt hơn. Đồng thời, những mầm răng tí hon cũng đã xuất hiện bên dưới lợi của bé.
Thai 23 tuần
Đôi tai của bé đang làm việc tích cực để có thể thu thập ngày càng nhiều âm thanh từ thế giới bên ngoài. Các mạch máu trong phổi cũng đang được phát triển để chuẩn bị cho việc hít thở sau này.
Thai 24 tuần
Bộ não của bé đang phát triển rất nhanh chóng và vị giác đang được hoàn thiện dần. Lúc này, các nhánh khí quản cũng đang được hình thành trong phổi.
Thai tuần 25
Làn da nhăn nheo của bé đã trở nên trơn nhẵn hơn vì các lớp mỡ đang được tích tụ dưới da. Quá trình này được kéo dài đến tận lúc sinh, giúp bé ngày càng tròn trịa hơn. Trong lúc này, tóc của bé cũng đang được hình thành.
Thai tuần 26
Mạng lưới thần kinh trong tai bé đã phát triển hơn và trở nên nhạy cảm hơn trước đây. Bé có thể nghe được các cuộc nói chuyện của bố mẹ. Bé cũng đang tập hít thở một lượng nhỏ nước ối để chuẩn bị cho việc hô hấp khi ra đời.
Thai tuần 27
Bé đã có thể mở và khép mắt. Chu kỳ ngủ và thức của bé cũng đều đặn hơn. Bé cũng hay mút ngón tay của mình. Với sự phát triển của các mô não, bộ não của bé bây giờ đang hoạt động rất tích cực.