Trong quá trình mang thai, sức khỏe của thai nhi luôn là mối quan tâm hàng đầu của mẹ bầu. Khi được chẩn đoán thai chậm tăng trưởng trong tử cung, mẹ bầu sẽ lo lắng về sự an toàn và phát triển của con yêu. Mặc dù tình trạng này không có những biểu hiện rõ ràng nhưng hậu quả gây ra lại vô cùng nguy hiểm.
Vậy hiện tượng thai chậm tăng trưởng trong tử cung là do đâu? Làm cách nào để nhận biết sớm và hạn chế tình trạng này? Các mẹ hãy cùng MarryBaby tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung là gì?
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung theo thuật ngữ chuyên môn Intrauterine Growth Restriction (IUGR) là hiện tượng thai nhi bị suy dinh dưỡng khi còn nằm trong bụng mẹ. Tình trạng này được xác định dựa vào kích thước và trọng lượng bào thai trong ít nhất 2 lần thăm khám liên tiếp cách nhau 1 tuần. Theo đó, chỉ số kích thước và trọng lượng của thai nhi sẽ nhỏ hơn chỉ số trung bình trong độ tuổi mang thai.
Có hai dạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung thường gặp đó là:
Đối xứng IUGR: Bé phát triển đối xứng các bộ phận trên cơ thể nhưng nhỏ hơn so với các bé thông thường ở cùng độ tuổi.
Không đối xứng IUGR: Bé có tỷ lệ đầu và não bộ phát triển bình thường nhưng các bộ phận còn lại thì chậm tăng trưởng.
>>> Bạn có thể tham khảo: 8 dấu hiệu thai yếu mẹ bầu cần biết để kịp thời xử lý
Nguyên nhân thai chậm tăng trưởng trong tử cung
Có nhiều nguyên nhân thai chậm tăng trưởng trong tử cung, trong đó có 3 tác nhân chính là do mẹ, do thai nhi, do nhau thai.
1. Do sức khỏe mẹ bầu
Hiện tượng thai chậm phát triển trong tử cung có thể xảy ra do vấn đề sức khỏe của mẹ bầu. Chẳng hạn như do mẹ bầu bị cao huyết áp, bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, có tiền sử mắc các bệnh mãn tính liên quan đến tim, thận, hen phế quản, mắc các bệnh rối loạn tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật…
2. Do sức khỏe của thai nhi
Tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung còn xảy ra khi thai nhi gặp một số vấn đề không mong muốn như: Bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Turner, Down), rối loạn di truyền, bị dị tật…
3. Do vấn đề ở nhau thai
Nguyên nhân thai chậm tăng trưởng trong tử cung từ nhau thai bao gồm: Suy chức năng bánh nhau, trọng lượng nhau thai thấp, mạch máu tử cung bất thường, nhau bám màng, đa thai (sinh đôi, sinh ba hay nhiều hơn)…
Cách điều trị khi siêu âm thai chậm tăng trưởng trong tử cung
Hiện nay, tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung vẫn chưa có phương pháp điều trị hữu hiệu. Cách chủ yếu là mẹ bầu cần thăm khám thai định kỳ để các bác sĩ kiểm tra, theo dõi chặt chẽ. Từ đó bác sĩ sẽ xác định được các nguyên nhân thai chậm tăng trưởng trong tử cung bằng các xét nghiệm và có hướng xử lý phù hợp.
Chẳng hạn nếu nguyên nhân do nhiễm sắc thể hay đa dị tật thai thì bác sĩ sẽ chỉ định đình chỉ thai nghén. Còn nếu dị thật đơn độc sẽ được hội chẩn với trung tâm chẩn đoán trước khi sinh để có cách xử lý phù hợp sau khi sinh.
Ngoài ra, các bác sĩ chuyên khoa sẽ liên tục theo dõi nhịp tim thai từ tuần 26 để đánh giá giao động và sự biến đổi của nhịp tim thai. Đối với trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung xảy ra từ 28 đến 34 tuần, mẹ bầu có thể được chỉ định dùng corticoid.
* Cách điều trị thai chậm tăng trưởng trong tử cung độ 1
Khi có kết quả siêu âm thai chậm tăng trưởng trong tử cung, bác sĩ sẽ xử trí tùy thuộc vào tuổi thai ở thời điểm chẩn đoán và mức độ chậm tăng trưởng của thai.
Trong trường hợp thai chậm tăng trưởng trong tử cung độ 1, mẹ bầu cần đảm bảo thăm khám ít nhất 2 lần trong tuần. Bác sĩ có thể chỉ định bà bầu điều trị ngoại trú với corticosteroids hỗ trợ phổi, siêu âm Doppler, thực hiện xét nghiệm đo nhịp tim thai, kiểm tra chỉ số nước ối… hoặc chỉ định điều trị nội trú khi mẹ bầu xuất hiện tình trạng tiền sản giật.
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung phải làm sao?
Hiện tượng thai chậm tăng trưởng trong tử cung mặc dù chưa có cách điều trị hữu hiệu. Nhưng mẹ vẫn có thể ngăn ngừa tình trạng này, giúp thai kỳ khỏe mạnh bằng các cách sau đây:
1. Khám thai định kỳ
Việc khám thai theo lịch định kỳ sẽ giúp mẹ kịp thời phát hiện các vấn đề bất ổn khi mang thai, cả tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra kế hoạch quản lý thai phù hợp.
2. Theo dõi thai máy
Thai máy thường xuất hiện từ tuần 16 đến 24. Nếu thai máy có gì bất thường hoặc không có, mẹ bầu nên đến bác sĩ khám ngay lập tức để có thể xử trí kịp thời.
3. Chế độ ăn uống lành mạnh
Mẹ bầu nên bổ sung đa dạng các thực phẩm lành mạnh để đảm bảo sức khỏe bản thân và thai nhi phát triển khỏe mạnh.
4. Chế độ sinh hoạt khoa học
Mẹ bầu hãy cố gắng ngủ đủ 8 tiếng một ngày. Việc nghỉ ngơi, giữ tinh thần thoải mái khi mang thai rất quan trọng để thai nhi phát triển tốt. Bên cạnh đó, các mẹ nên từ bỏ các thói quen ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé như uống rượu, hút thuốc…
>>> Bạn có thể tham khảo: Mẹ bầu phải làm gì khi thai yếu?
5. Uống thuốc theo đơn của bác sĩ
Khi gặp vấn đề về sức khỏe, bà bầu cần có sự tư vấn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc. Vì có một số loại thuốc có thể khiến thai chậm tăng trưởng trong tử cung nguy hiểm.
Trên đây là kiến thức cơ bản về tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Các cặp vợ chồng đang có kế hoạch mang thai cần lưu ý để đảm bảo thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Nếu mẹ bầu được chẩn đoán mắc phải hiện tượng “quái gở” này thì đừng nên quá lo lắng. Thay vào đó, mẹ bầu cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có cách khắc phục phù hợp và hiệu quả nhất.
[inline_article id=173156]
Nhật Lãm