Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Giáo dục giới tính cho bé trai: Những bài học quan trọng

Không bao giờ là quá sớm để giáo dục giới tính cho bé. Những câu nhóc lớn lên mà không được định vị về giới tính sẽ có những nhìn nhận sai lầm và không ý thức rõ một người con trai phải làm gì, gánh vác trách nhiệm như thế nào

Giáo dục giới tính cho bé trai là nhiệm vụ không dễ dàng gì cho các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ đừng đẩy trách nhiệm dạy con về chuyện nhạy cảm này cho ai khác.

MarryBaby sẽ cùng cha mẹ tìm hiểu về giáo dục giới tính cho bé trai một cách tốt nhất.

1. Tại sao giáo dục giới tính cho bé trai cần thiết?

Với nhiều bậc cha mẹ, giáo dục giới tính cho bé trai liên quan tới tính dục; bộ phận sinh dục; hoặc quan hệ tình dục. Do đó nhiều bà mẹ ngại dạy trẻ tiểu học về vấn đề này vì cho rằng còn quá sớm để dạy con.

Giáo dục giới tính kỳ thực có phạm vi rất rộng; liên quan đến vấn đề tâm trí và toàn bộ cơ thể. Chuyện giới tính, tình dục còn bị quy định bởi giá trị; thái độ; hành vi; thay đổi thể chất; niềm tin; cảm xúc; tính cách và tinh thần của một người. Chuyện giới tính chịu ảnh hưởng và tác động bởi những khía cạnh văn hóa; chính trị; pháp luật; và khía cạnh triết lý trong cuộc sống; cùng các vấn đề đạo đức, tôn giáo và tín ngưỡng.

1.1 Nguyên tắc chung khi giáo dục giới tính cho bé trai

Với trẻ 6 tuổi đến 9 tuổi, chuyện giáo dục giới tính chỉ cần liên quan đến các bộ phận cơ thể; cách vệ sinh cơ thể; và sự khác nhau giữa bé gái và bé trai.

Khi bước vào giai đoạn dậy thì, mối quan tâm về tình dục mới xuất hiện ở trẻ 11 tuổi, 12 tuổi. Theo các chuyên gia tâm lý, khi bước vào độ tuổi tiền dậy thì; trẻ thường quan tâm đến việc mình có sức hấp dẫn với bạn khác giới không. Việc thu hút sự chú ý của bạn trai/bạn gái sẽ quan trọng hơn việc quan tâm đến các hành động tình dục.

1.2. Tại sao cần giáo dục giới tính sớm cho bé trai?

giáo dục giới tính cho bé trai
Tại sao giáo dục giới tính cho bé trai quan trọng?

Tình dục; một phần trong giáo dục giới tính cho bé trai; là một phần quan trọng của sức khỏe và hạnh phúc của một con người. Do vậy, việc giáo dục sức khỏe tình dục là chìa khóa cung cấp cho trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết; để đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh

E ngại và phớt lờ câu hỏi về giới tính của trẻ; cha mẹ đang không thực hiện một phần trách nhiệm giáo dục con đấy. Trẻ sẽ tìm hiểu thông tin từ những đứa trẻ khác; hoặc qua nhiều nguồn thông tin như truyền hình, báo chí, Internet. Điều nguy hại là nhiều thông tin rối loạn và thiếu chính xác.

Không được cha mẹ dạy dỗ, thảo luận về tình dục có thể dẫn trẻ đến với những hậu quả nghiêm trọng như quan hệ tình dục sớm, tổn thương do mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bị lạm dụng. Tổn hại tinh thần từ việc thiếu kiến thức giới tính, tình dục rất nghiêm trọng.

Điều quan trọng cha mẹ cần nhớ là khi giáo dục trẻ là phải thực sự cởi mở; sẵn sàng trả lời khi trẻ có thắc mắc; không xem chuyện giới tính là cấm kỵ, là dơ bẩn.

2. Nên bắt đầu giáo dục giới tính cho bé trai từ khi nào?

Cha mẹ nên bắt đầu giáo dục giới tính cho bé trai khi trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tuỳ theo độ tuổi và mức độ quan tâm, cha mẹ cho con kiến thức về giới tính phù hợp.

Trẻ tiểu học thường tò mò về những thay đổi của cơ thể mình hoặc bạn bè và sự khác nhau giữa bé trai và bé gái. Cha mẹ có thể bắt đầu bài học giáo dục giới tính của mình bằng cách:

  • Dạy cho bé trai biết tên của các bộ phận trên cơ thể;
  • Giải thích cặn kẽ cho trẻ vì sao cơ thể con trai khác con gái.

Cho con tiếp cận kiến thức giáo dục giới tính sớm; sau này cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc giải thích hoặc hướng dẫn những vấn đề tế nhị cho con.

3. Giáo dục giới tính cho bé trai mầm non

3.1 Trẻ từ 0 – 1 tuổi: Nhận thức cơ thể

Khoảng tháng thứ 8, mẹ đã có thể dẫn nhập cho bé những ý thức đầu tiên về cơ thể của mình. Cha mẹ có thể giải thích cho con về các bộ phận và chức năng của chúng; dạy con yêu quý và chăm sóc cơ thể của mình.

Khi bắt đầu dạy trẻ về những bộ phận trên cơ thể, hãy dạy con tất cả; bao gồm cả bộ phận sinh dục. Dạy bé gọi đúng tên chứ không phải một tên gọi ngộ nghĩnh nào đó cha mẹ nghĩ ra; bởi nếu có ai xâm phạm vào khu vực nhạy cảm, trẻ sẽ cần biết chính xác từ để có thể nói ra.

3.2 Trẻ từ 1 – 2 tuổi: Hiểu sự khác biệt giữa nam và nữ

Sau 1,5 tuổi, bé đã có sự chú ý tới khác biệt giữa nam và nữ. Trẻ cũng sẽ bắt đầu hỏi về giới tính. Cha mẹ không nên né tránh mà giải thích tên các bộ sinh sản phận một cách khoa học, chính xác; nhằm thỏa mãn trí tò mò của trẻ; và giúp con cảm thấy các bộ phận đó cũng giống các phần khác của cơ thể.

3.3 Trẻ từ 2 – 5 tuổi: Ý thức về chỗ kín

Ý thức về vùng kín tốt hơn
Giáo dục giới tính cho bé trai ý thức về vùng kín tốt hơn

Với những bé trong độ tuổi này, mẹ có thể dạy con khái niệm cơ bản về sự sinh sản. Chẳng hạn như em bé được tạo thành từ một người nam và nữ hoặc em bé được hình thành trong tử cung của người phụ nữ.

Nếu thấy bé trai đang nghịch chỗ kín của mình, cha mẹ cần giáo dục giới tính cho bé như sau:

  • Nhẹ nhàng giải thích với con đâu là những vị trí riêng tư.
  • Dặn bé trai không được để lộ và phải bảo vệ như thế nào.
  • Chuyển hướng sự chú ý của bé bằng những câu chuyện thú vị.

Lưu ý bé không động chạm vào những bộ phận kín của các bạn nhỏ khác. Bé cần phải hiểu đây là những vùng riêng tư và không ai có quyền xem hay động chạm mà không được sự đồng ý.

Bé cũng cần được dạy con về sự riêng tư và các vấn đề liên quan đến thân thể; sự đụng chạm nào có thể chấp nhận. Chỉ những người nhất định, như ba mẹ hoặc bác sĩ mới là người có thể chạm vào vùng riêng tư của con. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên dạy trẻ trân trọng và làm chủ cơ thể mình.

Hãy dạy trẻ biết cách nói “Không” nếu có ai đó đụng chạm làm trẻ khó chịu.

4. Giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học

4.1 Giáo dục giới tính cho bé trai 5 – 8 tuổi

Ở độ tuổi này, trẻ cần biết rằng ngoài nam và nữ còn có những người dị tính; hoặc lưỡng tính cũng như những quy ước về sự riêng tư, khỏa thân. Trẻ nên biết mình không để lộ vùng kín ở những nơi công cộng. Đồng thời, cha mẹ cần giáo dục giới tính cho bé trai biết cách vệ sinh, giữ gìn vùng cơ thể này sạch sẽ.

Khoảng 8 tuổi, mẹ nên giáo dục giới tính cho bé trai những điều cơ bản về dậy thì. Tình trạng dậy thì sớm ngày càng phổ biến, rất nhiều trẻ đã bắt đầu dậy thì trước khi được 10 tuổi. Hơn nữa, mẹ cũng nên dạy trẻ thêm về quá trình sinh sản. Khác với trẻ mầm non, khi nói chuyện với trẻ ở lứa tuổi này, mẹ có thể trao đổi thêm với trẻ về vai trò của quan hệ tình dục.

4.2 Giáo dục giới tính cho bé trai 9 – 12 tuổi

Cha mẹ cần giáo dục giới tính cho bé trai độ tuổi 9-12 về tình dục an toàn, các biện pháp phòng tránh thai. Trẻ cũng cần được dạy về mối quan hệ lành mạnh; và khi nào một mối quan hệ trở nên độc hại; không hữu ích cho bé.

Không chỉ vậy, ba mẹ cũng nên dạy con cách đánh giá những tư liệu giới tính, tình dục trên các phương tiện truyền thông, cái gì đúng, cái gì sai, những điều gì lành mạnh và phù hợp với trẻ

5. Vấn đề thường gặp khi giáo dục giới tính cho bé trai

Cha mẹ cứ nghĩ đơn giản: con mới học tiểu học, biết gì về giới, về yêu đương mà phải giáo dục giới tính cho bé trai. Thực ra, một số các hành động của trẻ ở trường cho thấy trẻ dần có ý thức về giới tính:

5.1 Ghép đôi trong lớp học

Trẻ tiểu học có xu hướng trải nghiệm cuộc sống thông qua hình ảnh của bố mẹ chúng. Bắt đầu lúc 7-8 tuổi, trẻ sẽ chú ý đến bạn khác phái nhưng giấu kín việc này. Chuyện ghép đôi nhau trong lớp học sẽ xuất hiện. Cha mẹ đừng sốc nếu con về đưa cho mẹ bức thư tình trong hộc bàn.

Cha mẹ đừng vội la mắng, phản đối con; tránh làm lớn chuyện, làm nghiêm trọng sự việc và tránh chế giễu con; làm con xấu hổ khi bạn trai bạn gái chơi thân với nhau.

5.2 Biểu hiện bất thường

hiểu những biểu hiện bất thường của bé trai
Giáo dục giới tính cho bé trai

Trẻ tiểu học thường vô thức sờ bộ phận sinh dục, đôi khi giống như thủ dâm. Hiện tượng này cũng không có gì đáng lo ngại. Sự phát triển về tính dục của cơ thể trẻ có thể bắt đầu rất sớm. Bộ phận sinh dục của bé trai cũng có thể cương cứng như người lớn. Bất chợt, sự cọ xát, động chạm với một vật nào đó tạo cho con cảm giác thích thú. Trẻ sẽ lặp lại việc này một cách vô thức.

Cha mẹ phải hiểu hiện tượng này là bình thường. Điều nên làm là:

  • Chú ý quan sát con, khi nhận thấy con có những hành động như thế, bạn khéo léo đánh lạc hướng con bằng trò chơi mà con đang thích.
  • Tạo điều kiện cho con hoạt động nhiều hơn ngoài trời, giải phóng năng lượng của trẻ, đừng để trẻ lặp lại hành động giống thủ dâm này thường xuyên.
  • Không nhìn chăm chăm vào bộ phận sinh dục trẻ, đùa cợt khiến con cảm thấy xấu hổ về cơ thể mình. Nếu trẻ tò mò nhìn cơ thể của bạn khác, đừng nhiếc mắng con là “vô duyên” hay “dê”.

LƯU Ý: Thái độ thiếu tinh tế của người lớn sẽ làm trẻ tổn thương và có thể không bao giờ kể cho cha mẹ nghe về thắc mắc giới tính.

5.3 Ứng xử khi con tình cờ biết được chuyện “người lớn”

Trẻ tình cờ thấy cảnh người lớn âu yếm nhau, hay nhìn thấy bộ phận sinh dục của người lớn. Khi bé phát hiện vấn đề này, nếu cha mẹ càng tỏ thái độ căng thẳng, cha mẹ càng sai lầm trong giáo dục giới tính cho bé trai.

Cấm đoán con nói về chuyện “người lớn”, trẻ càng tò mò và tìm thông tin ở nguồn tin sai lệch.

Để giáo dục giới tính cho bé trai tốt nhất, cha mẹ cần:

  • Bình tĩnh nghe trẻ nói, uyển chuyển thay đề tài.
  • Xem như chuyện con vừa bắt gặp không phải là chuyện ghê gớm.
  • Trẻ tò mò và nhanh quên, nếu thấy chuyện đó không đáng quan tâm, trẻ sẽ tập trung vào hoạt động khác.

6. Quy tắc quần lót cha mẹ cần dạy cho bé trai

6.1. Quy tắc quần lót (Pants rule)

Đây là quy tắc được Hiệp hội Quốc gia Phòng chống bạo hành trẻ em (NSPCC, Anh quốc) đưa ra vào năm 2014. Quy tắc PANTs này nhằm tuyên truyền cho mọi người trên thế giới biết phải làm gì để phòng chống nạn lạm dụng tình dục trẻ em.

♦ P-Private‬ (riêng tư)

Dạy con biết rằng không ai có quyền nhìn hay chạm vào vùng kín của con, trừ ba mẹ hoặc những người được ba mẹ cho phép như bác sĩ, y tá.

Nếu là bác sĩ, người đó cần phải mặc đồng phục và trong giờ làm việc. Hơn nữa, họ cũng phải giải thích kỹ càng cho con việc chạm vào vùng kín để làm gì, cũng như phải có sự đồng ý của con trước khi hành động.

♦ A-Always‬ remember your body belongs to you (luôn nhớ cơ thể con thuộc về con)

Dạy con rằng cơ thể con thuộc về con; và không ai có quyền làm điều gì với cơ thể làm con khó chịu. Nếu ai đó cố tình, con cần biết nói “Không”. Cha mẹ cũng nên dạy trẻ cách tự vệ; nếu ai đó làm trẻ không thoải mái như: Hét lên; Cắn mạnh; hoặc Chạy đến nơi đông người nhờ trợ giúp.

♦ N-No‬ means no (không là không)

Giáo dục giới tính cho bé trai kiên quyết nói không với những đụng chạm cơ thể làm con không thích, bất kể đó là ai. Thậm chí cả người thân quen.

Dạy con biết rằng một đứa trẻ ngoan, biết nghe lời không phải lúc nào cũng đồng ý với mọi đề nghị người lớn đưa ra. Khi bé không thích hoặc thấy băn khoăn với lời đề nghị nào đó, con có thể nói “Không”, và sau đó về hỏi ba mẹ.

♦ T-Talk‬ (nói về những bí mật làm con buồn)

Dạy trẻ biết về sự khác biệt giữa bí mật “tốt” và xấu:

  • Bí mật “tốt” có thể là món quà hay bữa tiệc bất ngờ.
  • Bí mật “xấu” sẽ là những điều làm con buồn, khó chịu.

Câu nói kiểu như “Đây là bí mật riêng của hai chú cháu mình” của những kẻ lạm dụng có thể làm trẻ lo lắng, sợ hãi và không dám kể cho ba mẹ. Với những kiểu “bí mật” như vậy, dạy trẻ biết rằng mình cần nói ngay với ba mẹ.

♦ S-Speak‬ up (lên tiếng)

Cuối cùng, mẹ cần dạy trẻ biết bất cứ khi nào cảm thấy buồn hay lo lắng, bé có thể nói với người bé tin tưởng nhất. Không nhất thiết phải là ba mẹ. Có thể là chị em gái, hoặc giáo viên của bé. Giáo dục giới tính

6.2 Quy tắc bàn tay

Đầu tiên, mẹ giới thiệu cho bé về bàn tay 5 ngón, đồng thời dạy trẻ về 5 vòng tròn giao tiếp tương ứng với từng ngón tay. Quy tắc áp dụng như sau:

  • Tâm vòng tròn: Chỉ dành cho những người ruột thịt trong gia đình như ông bà, ba mẹ, anh chị em ruột. Đây là những người được vòng tay ôm hôn, bế ẵm, tắm cho trẻ khi trẻ chưa tự vệ sinh thân thể được.
  • Vòng tròn tiếp theo dành cho họ hàng, bạn bè, thầy cô giáo: Được phép nắm tay, vuốt tóc, xoa đầu.
  • Vòng tròn thứ 3 dành cho người quen như hàng xóm, bạn ba mẹ. Với những người này, bé có thể bắt tay, chào hỏi hoặc nói chuyện.
  • Vòng tròn thứ 4 chỉ những người lạ, bé chỉ cần vẫy tay chào.
  • Vòng tròn ngoài cùng, vòng thứ 5 dùng để chỉ những người làm bé cảm thấy bất an, lo lắng. Với những người này, bé có thể xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy.

7. Lưu ý trong việc giáo dục giới tính cho bé trai

7.1 Trả lời những câu “vặn vẹo”

Những câu hỏi như “Con được sinh ra như thế nào”, “Vì sao phải kết hôn” luôn khiến các ông bố, bà mẹ phải đau đầu. Khi giáo dục giới tính cho bé trai, cha mẹ nên giải thích như thế nào đây?

Thực ra, bé không cần được giải thích về những hành động như ôm hôn, quan hệ tình dục mà chỉ cần nói; vì cha mẹ yêu nhau nên luôn ở gần nhau, lúc này quả trứng của mẹ gặp được tinh trùng của ba và thế là con ra đời.

Khoảng lứa tuổi lên 5, cha mẹ đã có thể mua cho bé trai những quyển sách giáo dục giới tính với hình vẽ; hoặc cho bé xem những đoạn clip hoạt hình về sự thụ tinh, mang thai để bé có được cái nhìn đầu tiên về giới tính.

7.2 Người cha nên làm tấm gương

Cha nên làm gương khi giáo dục giới tính cho bé trai
Cha nên làm gương khi giáo dục giới tính cho bé trai

Người cha là mục tiêu đầu tiên để một cậu con trai hướng đến. Vì vậy, cha nên quan tâm đến sự trưởng thành của con trai; nói với con thế nào là đàn ông; người đàn ông nên làm thế nào; tình cảm của đàn ông thì nên như thế nào.

Đồng thời, người cha cần chú ý lời nói và cử chỉ của mình, thể hiện sự nam tính để con trai học tập và noi theo. Đó là cách giáo dục giới tính cho bé trai hoàn hảo.

7.3 Cần sự khéo léo khi giáo dục giới tính cho bé trai

  • Khi dạy con về những vấn đề nhạy cảm, hãy bắt đầu ở một nơi thoải mái với cả mẹ và bé. Điều này sẽ tạo nên cảm giác cân bằng và thấu hiểu, giúp trẻ dễ lắng nghe bạn nói hơn. Tránh nơi tù túng hoặc tạo cảm giác căng thẳng.
  • Giáo dục giới tính cho bé trai cũng giống như mẹ dạy trẻ bơi hay kỹ năng băng qua đường. Đây đều là những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của trẻ.
  • Mẹ có thể đưa ra những tình huống giả định hoặc đề cập vấn đề này trong lúc tắm cho bé, đưa bé đi bác sĩ để bé dễ hiểu hơn.

[inline_article id=2602]

Chủ đề giáo dục giới tính cho bé trai là một câu chuyện khó và có biết bao vấn đề cần nói. Con cần hiểu biết lành mạnh về vấn đề giới tính; và chỉ có cha mẹ là người truyền tải và giáo dục giới tính cho con hiệu quả nhất.