Nuôi dạy con chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Ngược lại, nó đòi hỏi kiến thức, kỹ năng và cách vận dụng thông minh từ các bậc phụ huynh. Với chuyên mục này, các thông tin được xây dựng nhằm trở thành một bách khoa toàn thư cung cấp kiến thức cần thiết cho quá trình chăm sóc và nuôi dạy con cái. Tất cả nhằm giúp cha mẹ hiểu rõ về nét tính cách, tư duy, suy nghĩ của con và từ đó áp dụng cho con phương pháp giáo dục, nuôi nấng phù hợp.
Tổn thương não bộ, dưới dạng chảy máu hoặc chấn động não do va đập là mối lo ngại lớn nhất của các mẹ khi bé bị té ngã. Tuy nhiên, não bộ của con người được bảo vệ bởi hộp sọ và một lớp da với hệ thống mạch máu chằng chịt. Vì vậy, trong phần lớn các trường hợp bé ngã đập đầu thường chỉ gây chấn thương hộp sọ chứ không ảnh hưởng đến não bộ. Thậm chí, những trường hợp chảy máu gây tụ máu cũng có thể xẹp đi nếu được chườm lạnh.
Làm gì khi bé ngã đập đầu?
Khi bé bị ngã, điều đầu tiên và quan trọng nhất mẹ cần lưu ý là phải giữ bình tĩnh, tránh la hét hoảng loạn vì như vậy có thể khiến trẻ sợ hãi hơn. Mẹ nên kiểm tra tổng thể những vết thương trên người của con. Nếu chảy máu, mẹ có thể dùng bông băng để giúp bé cầm máu tạm thời.
Trong trường hợp đầu bé nổi lên một cục bướu to, mẹ nên dùng khăn để chườm lạnh cho bé khoảng 20 phút. Nếu cần, mẹ có thể ngưng 5 phút, và tiếp tục chườm lạnh thêm 20 phút. Nếu bé tỉnh táo và không có triệu chứng nào bất thường, mẹ có thể yên tâm. Tuy nhiên, mẹ cần tiếp tục theo dõi bé thêm từ 1-2 ngày. Nên giữ bé tỉnh táo trong ít nhất 1 tiếng sau khi bé bị ngã, và có thể cho con ngủ một giấc ngắn sau đó, nhưng không quá 20 phút. Nên đưa trẻ đi cấp cứu ngay nếu nhận thấy bé bị thương nghiêm trọng và trở nên mất ý thức.
Thông thường, sau khi bị ngã, dù không phải chấn thương sọ não nhưng nhiều bé vẫn bị nôn ói từ 1- 2 lần. Vì vậy, trong 1-2 giờ đầu sau khi bé ngã, mẹ chỉ nên cho bé uống nước hoặc bú mẹ, không nên cho bé ăn thức ăn dạng rắn, đặc.
[inline_article id=4220]
Nguy hiểm khi bé ngã đập đầu
Chấn thương sọ não là một di chứng nguy hiểm nhất khi bé bị ngã. Vì vậy, bạn nên đưa bé đi cấp cứu ngay nếu bé có những biểu hiện sau:
– Bất tỉnh
– Da trở nên nhợt nhạt, tím tái, nhịp thở không đều
– Co giật
– Rối loạn tri giác: Bé không nhìn vào mắt, không làm theo yêu cầu hoặc không nhận ra bạn
– Nôn ói nhiều lần
– Không giữ được thăng bằng, đi đứng loạng choạng, mất phương hướng.
Trong năm đầu tiên của mình, nhóc của bạn đang “bận” phát triển phối hợp nhiều kỹ năng và sức mạnh cơ bắp trong mỗi phần cơ thể của mình. Bé sẽ học cách ngồi , lật, bò trước khi chuyển sang đứng chựng và đứng được ở khoảng tháng thứ 9. Sau đó, bé bắt đầu chạy, để lại đằng sau gia đoạn chập chững đầu đời. Vì vậy, mẹ đừng quá lo lắng nếu con của bạn mất thời gian lâu hơn một chút. Một số trẻ em thậm chí phải chờ cho đến khi 16-17 tháng tuổi mới biết đi, và điều này hoàn toàn bình thường.
“Quy trình” tập đi của bé
Nếu bé có thể giữ chân đứng thẳng, lúc lắc chân xuống và chống lên một bề mặt cứng với bàn chân của mình, cứ như thể bé bắt đầu đi. Đây là một hành động phản xạ, và bé sẽ chỉ làm điều đó trong một vài tháng.
Vào khoảng 6 tháng tuổi, bé sẽ bật lên bật xuống nếu bạn giữ bé đứng trên đùi của mình, và đây có thể trở thành một trong những hoạt động yêu thích của bé trong nhiều tháng trời. Nhờ “trò chơi” này, những cơ bắp ở chân của bé tiếp tục phát triển trong khi bé kiểm soát được việc lật, ngồi và bò.
9 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu để tìm ra cách để uốn cong đầu gối của mình và tìm cách để đứng thẳng trên đôi chân mình. 12 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu hành trình , di chuyển từ một cạnh của đồ nội thất đến vị trí tiếp theo nhờ hỗ trợ vịn, bám hoặc thậm chí có thể đi và đứng mà không cần hỗ trợ.
[inline_article id=859]
Mẹ có thể làm gì để giúp trẻ tập đi?
Khi học cách tự kéo mình tự đứng lên, bé có thể cần một số giúp đỡ để tìm ra cách ngồi xuống. Nếu bé bị mắc kẹt và khóc, đừng chỉ đón bé và đặt bé xuống ngay mẹ ơi. Thay vào đó, bạn nên chỉ cho bé cách làm thế nào để uốn cong đầu gối để có thể ngồi xuống mà không bị ngã nhào, và để cho bé tự thử một mình.
Có thể khuyến khích bé đi bằng cách đứng hoặc quỳ trước mặt bé và khua tay hoặc có thể giữ cả hai bàn tay của bé và để cho bé bước về phía bạn. Bé chắc chắn sẽ thích thú với một món đồ linh tinh hoặc nhử bằng đồ chơi mà bé có thể giữ được khi bé bước đi. Mẹ nên chọn những món đường đồ chơi có tính ổn định và có một cơ sở mở rộng của việc hỗ trợ.
Luôn chắc chắn rằng con bạn có một môi trường an toàn thoải mái để trẻ có thể rèn luyện những kỹ năng của mình. Tốt nhất, đừng rời mắt khỏi bé, dù chỉ trong 1 giây mẹ nhé!
Theo khuyến cáo của các chuyên gia nhi khoa ở Mỹ, việc cho trẻ sử dụng xe tập đi là điều không cần thiết. Các chuyên gia cho rằng, xe tập đi có thể cản trở quá trình phát triển cơ đùi của trẻ một cách tự nhiên, vì chúng tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng di chuyển để đạt được những thứ bé muốn hoặc các chất độc mà một đứa trẻ bình thường sẽ không thể với được.
Khi nào bé nên mang giày?
Mang giày là cách đơn giản nhất để bảo vệ đôi chân nhỏ xinh của con. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đi bằng chân đất sẽ giúp cải thiện sư cân bằng và phối hợp của bàn chân và các ngón chân. Việc mang giày sẽ không giúp trẻ có thể đi lại nhanh chóng hơn. Vì vậy, mẹ nên “tạm hoãn” thời gian cho bé mang giày, và đợi cho đến khi con có thể đi vững vàng.
Tuổi thơ ai mà ko từng được dạy những bài thơ ngay từ khi tập nói bi bô.
Mình cũng vậy có những bài thơ mà ko biết tự lúc nào nó đi vào tâm trí, giờ lớn lên chỉ cần nghe bé nào hay ai đó đọc lại bài thơ ấy là các con chữ hiện về mình thuộc lòng từng chữ.
Các em bé mới học nói giọng còn chưa vững ngọng nghịu từng chữ nhưng có bé nhớ rất dai đọc thuộc cả bài thơ dài mà cả nhà lắng nghe hoài ko nghe được hết các từ bé đọc ^^ ko biết các mẹ thì sao chứ mình rất thích nghe bé đọc thơ, hồi con em út còn nhỏ khoảng 2 tuổi mấy mình dạy nó bài 9 chú lợn con nó đọc thuộc luôn mà cái giọng khó nghe và đọc như hụt hơi đáng yêu lắm:“hủn hà hủn ỉ ín ú hợn nhon….” Nhớ cái khúc này vì nháy giọng nó tới bây giờ hihi
Và mình nghĩ là mai mốt tới con mình biết nói mình sẽ dạy nó những bài thơ này
Những bài thơ gắn liền với thiên nhiên, với ông bà cha mẹ tạo 1 cảm giác gần gũi và giúp bé gần gũi hơn với mọi vật xung quanh, và biết yêu thương mọi người nhiều hơn và đôi khi trong bài thơ đó còn có cả bài học cho con.
CHÍN CHÚ LỢN CON
Ủn à ủn ỉn
Chín chú lợn con
Ăn đã no tròn
Cả đàn đi ngủ
(st)
CON ĐI RA NẮNG
Con đi ra nắng
Nhớ đội mũ nghe!
Kẻo không bị ốm
Phải uống thuốc nè!
(TG: Nguyễn Lãm Thắng)
YÊU MẸ
Mẹ đi làm
Từ sáng sớm
Dậy thổi cơm
Kho thịt cá
Em kề má
Được mẹ thơm
Ôi mẹ ơi!
Yêu mẹ lắm.
(TG: Nguyễn Bảo)
BẠN MỚI
Bạn mới đến trường
Hãy còn nhút nhát
Em dạy bạn hát
Rủ bạn cùng chơi
Cô thấy cô cười
Cô khen đoàn kết
(TG Trần Đăng Khoa)
KẸO NGỌT
Kẹo ngọt!Kẹo ngọt
Ngậm hoài thích ghê
Nhưng bé hãy nhớ
Đánh răng kỹ nè
Kẻo không răng sún
Xấu lắm bé ơi
Đừng trách kẹo ngọt
Tại mình đó thôi
(TG: Nguyễn Lãm Thắng)
GIÓ VÀ LÚA
Cua con hỏi mẹ
Dưới ánh trang đêm
Cô lúa đang hát
Sao bỗng lặng im?
Đôi mắt lim dim
Mẹ cua liền đáp:
Chú gió đi xa
Lúa buồn không hát
(TG Phạm Hổ)
MẸ VÀ CÔ Buổi sáng bé chào Mẹ
Chạy tới ôm cổ Cô
Buổi chiều bé chào Cô
Rồi sà vào lòng Mẹ.
Mặt trời mọc rồi lặn
Trên đôi chân lon ton
Hai chân trời của con
Là Mẹ và Cô giáo.
(st)
CHIM SÂU
Chim sâu nho nhỏ
Cái mỏ xinh xinh
Chăm nhặt, chăm tìm
Bắt sâu cho lá
Cây yêu chim quá!
Cây vẫy, cây vui
Búp nở hoa cười
Chào chim sâu đấy
Xu hướng dạy con cùng lúc 2 ngôn ngữ ngay từ khi bé còn nhỏ đang ngày càng được phổ biến rộng rãi, nhất là với những gia đình có bố hoặc mẹ là người nước ngoài. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số người, việc dạy song song 2 ngôn ngữ có thể khiến trẻ bị bối rối, thậm chí chậm nói hơn những đứa trẻ khác. Liệu đây có phải sự thật? Cùng MarryBaby tìm hiểu những vấn đề thường gặp xung quanh việc 2 ngôn ngữ này nhé!
Vấn đề 1: Bé sẽ dễ bối rối và không phân biệt được giữa hai ngôn ngữ
Với những đứa trẻ được dạy 2 ngôn ngữ từ nhỏ, bé thường có xu hướng “trộn” 2 ngôn ngữ khi nói chuyện. Chẳng hạn, khi muốn nhờ mẹ lấy dùm quả bóng, rất có thể bé sẽ nói: “Mommy, con muốn a ball”. Theo các chuyên gia, đây là một điều hết sức bình thường, và mẹ không cần quá lo lắng. Khi lớn hơn một chút, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ phát triển hơn, và việc này sẽ không còn là vấn đề nữa. Đồng thời, các chuyên gia cũng cho biết, ngay từ khi còn là trẻ sơ sinh, bé đã có khả năng nhận biết nhiều loại ngôn ngữ khác nhau.
Vấn đề 2: Dạy con 2 ngôn ngữ khiến bé chậm nói
Điều này hoàn toàn không đúng đâu các mẹ nhé! Theo các chuyên gia, so với những bé học 1 ngôn ngữ, nhưng bé được dạy 2 ngôn ngữ cùng lúc có thể có vốn từ vựng ít hơn trong từng ngôn ngữ, nhưng khả năng ngôn ngữ của con vẫn theo kịp tiến độ. Bé có thể nói được những câu đơn, ngắn khi được 15-18 tháng tuổi. Đồng thời, theo các chuyên gia ngôn ngữ, nếu bé chậm nói, nguyên nhân có thể do bé đang gặp phải vấn đề rối loạn ngôn ngữ, và cần được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
[inline_article id=64827]
Vấn đề 3: Thời điểm bắt đầu
Không bao giờ là quá trễ hoặc quá sớm để dạy cho bé một ngôn ngữ mới. Theo nghiên cứu, việc học ngôn ngữ thứ 2 có thể dễ dàng hơn nếu như bé dưới 10 tuổi, thậm chí sẽ còn dễ hơn rất nhiều với những bé 5 tuổi. Tuy nhiên, thời gian tối ưu để dạy con ngoại ngữ mới là trong 3 năm đầu đời của mình, khi bé vẫn đang học tiếng mẹ đẻ, vì lúc này não bé đạt tốc độ phát triển tối đa, và rất linh hoạt. Sau tuổi dậy thì, nếu học thêm, ngôn ngữ mới sẽ được tồn tại trong một khu vực khác của não, bé cưng sẽ mất thêm một công đoạn dịch trước khi nói.
Theo nhiều nghiên cứu, trí thông minh của trẻ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, ngoại trừ 40% nhân tố di truyền, sự phát triển trí não của bé còn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, cách nuôi dạy của cha mẹ, sức khỏe, tâm lý, môi trường… Ngoài ra, theo học thuyết trí thông minh đa chiều được đề xuất lần đầu bởi Howard Garner vào năm 1893, và được phát triển bởi Thomas Armstrong, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu phát triển con người của Mỹ, mỗi bé sinh ra đều sở hữu 8 loại hình trí thông minh, bao gồm: ngôn ngữ, logic toán học, không gian, âm nhạc, thể chất, tương tác, nội tâm và tự nhiên.
Tuy nhiên, tùy theo từng bé, 8 loại hình này có thể cùng xuất hiện, hoặc bé có thể đặc biệt nổi trội về một loại hình nào đó, nhưng hơi kém ở những phần còn lại. Thông qua sở thích và những khả năng vượt trội của bé, mẹ có thể giúp con định hướng tương lai ngay từ bây giờ. Vậy nên, còn chờ gì mà không tìm hiểu một chút về 8 loại hình trí thông minh này mẹ nhỉ?
Biểu hiện các loại hình trí thông minh của trẻ
– Trí thông minh về ngôn ngữ: Những bé sở hữu loại hình trí thông minh này thường có sự yêu thích đặc biệt với từ ngữ. Bé có khả năng ghi nhớ tốt sự kiện, đọc nhanh, viết nhanh hơn những trẻ khác.
– Trí thông minh về logic, toán học: Biểu hiện thường gặp ở những bé có khả năng về logic, toán học là khả năng tính toán và suy nghĩ logic. Những trò chơi yêu thích của bé thường thiên về những con số, đồ chơi xếp hình khối, lắp ghép…
– Trí thông minh về không gian: Loại hình trí thông minh không gian thường biểu hiện ở những bé thích thú với việc tìm đường trong mê cung, các mô hình kiến trúc, đồ chơi lắp ghép, xếp hình. Bé có khả năng cảm nhận, nhìn nhận mọi việc ở nhiều góc độ khác nhau, và đặc biệt “nhạy cảm” với những chi tiết trực quan cụ thể.
– Trí thông minh về âm nhạc: Không cần thiết phải biểu hiện bằng khả năng ca hay hát giỏi, những bé sở hữu trí thông minh về âm nhạc có khả năng ghi nhớ và bắt chước giai điệu rất nhanh. Bé rất thích thú với âm thanh, và thường xuyên nhún nhảy theo nhạc.
[inline_article id=82244]
– Khả năng vận động: Xuất hiện ở những bé hiếu động, thường xuyên chạy nhảy, leo trèo. Những bé có khả nặng vận động tốt thường biết đi sớm hơn, khả năng cầm nắm, điều khiển hoạt động cơ thể cũng tốt hơn.
– Khả năng tương tác: Trẻ sở hữu loại hình trí thông minh này thường có khả năng giao tiếp tốt, nhanh chóng nắm bắt được cốt lõi vấn đề. Mẹ sẽ nhận thấy bé có khả năng hòa nhập và tương tác khá tốt với mọi người, thậm chí với những người lần đầu gặp mặt.
– Trí thông minh nội tâm: Trẻ có trí thông minh nội tâm hay còn gọi là năng lực tự nhận biết bản thân thường hiểu rõ cảm xúc của bản thân và có thể biểu đạt mong muốn của mình thông qua nhiều cách diễn đạt cảm xúc khác nhau.
– Trí thông minh tự nhiên: Với loại hình trí thông minh này, bé sẽ thể hiện sự thích thú của mình với những loại động – thực vật tự nhiên, sự thay đổi thời tiết, khí hậu… Ngay từ nhỏ, bé cưng đã có thể ghi nhớ và nhận dạng rất nhiều loài cây cối, và động vật khác nhau.
[inline_article id=76494]
Lưu ý để phát triển trí thông minh của trẻ một cách toàn diện
– Nhận biết: Theo Thomas Armstrong, tùy thuộc vào sự kích thích của cha mẹ và môi trường xung quanh mình, mỗi trẻ đều có khả năng phát huy nhiều loại hình trí thông minh khác nhau. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ vượt trội hơn hẳn ở một loại hình nhất định, mẹ nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để giúp bé định hướng và phát triển phù hợp với loại trí thông minh bé sở hữu.
– Để bé phát triển tự nhiên: Mỗi trẻ đều có một năng khiếu nhất định. Nếu có sự trợ giúp của cha mẹ, bé hoàn toàn có thể đi đầu trong lĩnh vực của mình. Vì vậy, mẹ nên tránh gò ép, bắt con phát triển theo loại hình trí thông minh mẹ mong muốn. Mẹ chỉ nên dành ở việc định hướng, gợi mở để bé hiểu thêm về khả năng của bản thân.
– Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Dù sở hữu loại hình trí thông minh nào, một chế độ dinh dưỡng đúng và đủ cũng sẽ là nền tảng cơ bản cho sự phát triển trí não và thể chất của trẻ.
Không bao giờ quá sớm
Ngay từ khi mới chào đời, các bé đã là những nhà thám hiểm “sơ sinh”. Các bé được trang bị kỹ năng tìm kiếm những điều thú vị ở thế giới bên ngoài và biến chúng thành một điều ý nghĩa với mình. Khi bạn thè lưỡi ra với bé, bé thè lưỡi ra lại với bạn. Bé sẽ lắng nghe mọi âm thanh xung quanh, kể cả giọng nói của bạn khi bạn không bên cạnh bé. Vuốt ve má của bé, né sẽ tìm kiếm xem thứ gì đã chạm lên mặt mình. Tất cả những điều này xảy ra từ rất sớm, trước khi bé đủ lớn để tự mình khám phá xung quanh.
Việc thám hiểm của bé nên được khích lệ ở mọi độ tuổi. Bạn sẽ không gây tổn hại đến não bộ của bé khi cho bé xem TV, nhưng bé sẽ khám phá được nhiều điều hơn khi chính bạn trực tiếp tương tác với bé, bởi vì bé sẽ quan sát mọi biểu hiện thay đổi trên gương mặt của bạn. Từ trước khi biết đi, bé con đã được trang bị những kỹ năng vận động, không những để tự di chuyển quanh thế giới của mình mà còn là để đi đến chỗ những nơi khiến bé cảm thấy thích thú – đây cũng là lý do giải thích vì sao giai đoạn biết bò lại vô cùng quan trọng cho sự phát triển nhận thức. Giai đoạn bé chập chững biết đi cũng là lúc bé chuẩn bị bước vào những cuộc thám hiểm kỳ thú. Trong khi bạn đang chuẩn bị đặt ra những giới hạn cho trẻ, hãy cố hiểu rằng bé con đang cố gắng thu được thật nhiều thông tin bên ngoài, vậy nên hãy giúp bé làm điều này một cách an toàn nhất, và càng thường xuyên càng tốt.
[inline_article id=81937]
Bắt đầu từ những điều nhỏ bé
Có lẽ mẹ sẽ gặp khá nhiều phiền toái với những siêu quậy của mình, nhưng nếu bé đập oang oang vào chiếc ấm trong bếp thì âu cũng là trau dồi cho sự khám phá. Trẻ nhỏ không cần được khuyến khích bằng những món đồ chơi đắt tiền hay điều gì hoành tráng, lớn lao. Chúng có thể nghĩ ra nhiều trò với một cái hộp không hay một mẩu giấy trắng và một vài cây bút chì màu. Nghệ thuật và làm thủ công là điều tối quan trọng trong cuộc sống của bé, vì tất cả những thao tác vận động không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ vận động, mà còn đẩy mạnh quá trình nhận thức sau này. Hãy đưa bé con đi cùng mỗi khi ra ngoài phố, và xem đó như một cơ hội cho bé khám phá học hỏi. Cửa hàng tạp hóa không chỉ như chúng ta hay nghĩ – đối với bé con, đó là một công trình kiến trúc đồ sộ với đầy những thứ thú vị và mọi người xung quanh để bé quan sát. Hãy chia sẻ điều kỳ diệu này với bé yêu, và khuyến khích bé khám phá thật tường tận.
[inline_article id=28109]
Khi bé qua tuổi tập đi, hãy tiếp tục cho bé thật nhiều cơ hội để trải nghiệm thật nhiều. Hãy trao cho bé một cơ hội để trải nghiệm thật nhiều thứ, một phần cũng là để bé tự khám phá ra niềm đam mê của mình và đưa ra quyết định về con đường mình sẽ chọn khi lớn lên. Dù ở độ tuổi nào đi nữa, bé luôn cần được khích lệ để cảm nhận thế giới bằng cái nhìn diệu nhất.
Tôi tin rằng, làm cha mẹ chưa bao giờ là điều dễ dàng và tôi cũng tin chắc rằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái dù ở đâu, khi nào, sắc tộc nào và trong hoàn cảnh nào thì cũng là vô bờ bến, không thể đong đếm. Tình yêu thương đó có chăng chỉ khác nhau ở cách thể hiện.
Giáo dục con cái là một môn nghệ thuật mà bậc cha mẹ nào cũng phải học. Bởi nếu không học cách nuôi dạy con đúng đắn thì chắc chắn sẽ có ngày cha mẹ chuốc lấy hậu quả đáng hận. Không ai vốn sẵn có số phận là mẹ của triệu phú hay thiên tài, chính phương pháp giáo dục có liên quan mật thiết đến sự thành công hay thất bại của một con người và cũng như sự hưng thịnh hay suy thoái của cả một dân tộc.
“Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu. Người nào nuông chiều con ắt có ngày phải băng bó vết thương cho con”, Sara Imas – một bà mẹ gốc Do Thái nói thế và tôi ngẫm thấy thực sự rất rất đúng. Nhiều bà mẹ Việt Nam, ngoài 8 tiếng quần quật ở công sở thì về đến nhà lại như một “chiếc giẻ lau mâm”. Lúc nào cũng luôn chân luôn tay ‘hầu hạ’ và không có kỹ năng từ chối bất kỳ nhu cầu vật chất nào của con. Khi con bị chèn ép, bắt nạt… ngay lập tức cha mẹ ra tay ‘giải cứu’, quyết không để con phải chịu ấm ức. Và vô tình, cha mẹ đã trở thành ‘nô lệ’ của con.
Cha mẹ không nên quan niệm sai lầm rằng: cố gắng đáp ứng tất cả mọi nhu cầu vật chất của con, làm tất cả mọi việc cho con mới là yêu con. Thực ra, đó chỉ là nuông chiều vô lối. Cha mẹ khôn ngoan luôn ‘ra luật’ và có nguyên tắc dạy con nhất đinh. Nếu hành vi của trẻ vượt quá giới hạn, cha mẹ sẽ không nương tay mà nghiêm khắc phê bình khuyên bảo.
Cha mẹ khôn ngoan không vội ứng cứu khi con gặp khó khăn (Ảnh minh họa).
Khen đúng, đủ
Lời khen có thể là ‘liều thuốc tăng lực’ với trẻ nhưng trong một số trường hợp có thể là ‘độc dược’ nguy hại. Lời khen tuy có sức mạnh rất lớn nhưng cha mẹ tuyệt đối không được sử dụng tùy tiện. Khen ngợi, khích lệ trẻ phát huy thế mạnh là hành động đáng hoan nghênh. Song khi khen không nên dùng những câu nói quá như: “Con là số 1”, “Con tuyệt nhất!”… bởi như thế trẻ sẽ đánh giá sai thực lực của bản thân.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ nhận ra khuyết điểm và sửa chữa lỗi sai để lần sau trẻ không mắc phải nữa. Chỉ cần cha mẹ không dùng lời lẽ hay hành động phủ định trẻ, mà phân tích xem trẻ sai ở đâu, cần sửa chữa những gì thì trẻ sẽ nghe theo. Nếu trẻ thực sự làm sai thì cha mẹ không nên “giả vờ” khen ngợi, như vậy trẻ sẽ tưởng mình làm đúng và lặp lại lần sau. Khắc phục khuyết điểm của bản thân sẽ giúp trẻ ngày càng tự tin hơn.
Dạy đối nhân xử thế
Sớm dạy con quy tắc ưng xử dù là nhỏ nhất cũng rất quan trọng, quyết định sự thành bại sau này của con. Con bạn có thể không phải là người giỏi nhất nhưng sẽ thành công nhất nếu biết linh hoạt và ứng xử đúng khi gặp khó khăn. Cung cấp cho con những trải nghiệm, dạy con cách xử lý vấn đề có giá trị hơn ngàn vạn lần nhà lầu, xe hơi… bạn vất vả làm lụng, tích cóp cả đời để dành cho con.
Tôn trọng quyết định của trẻ
Muốn con giỏi, ngoan… tuyệt đối không nói với trẻ những câu mang tính chất áp đặt, cấm đoán như: “Con còn nhỏ, phải nghe lời bố mẹ!”, “Con đừng làm như thế, như thế là sai!”, “Con không được làm thế này!”, “Suy nghĩ của con sai rồi!”… Bởi như thế sẽ khiến trẻ dần nhận thức được tình trạng không được tôn trọng và khi lớn lên, trẻ sẽ chống đối bằng lời nói hoặc biểu hiện, có khi phản kháng mạnh mẽ bằng hành động.
Nếu trẻ đưa ra yêu cầu không hợp lí, cha mẹ cũng không nên nổi giận đánh mắng mà đầu tiên nên nghĩ cách khuyên bảo uốn nắn suy nghĩ của trẻ, sau đó giảng cho trẻ hiểu nguyên nhân vì sao mình không đồng tình, cuối cùng cổ vũ trẻ nghĩ ra cách giải quyết hợp lí.
Rèn cho trẻ tự tin thể hiện bản thân nơi đông người
Hầu hết những đứa trẻ lớn lên đều thành công là do được rèn dũa tố chất của người lãnh đạo từ sớm. Trẻ con không phải đứa nào cũng bản lĩnh và cứng cỏi mà rất nhiều đứa nhút nhát, hay xấu hổ. Vì thế, cha mẹ nên dành thời gian đưa trẻ đến những môi trường giao tiếp đông người, tham gia vào những hoạt động xã hội để trẻ tăng cường hiểu biết và mạnh dạn hơn.
Ngoài ra, sớm dạy con một số tố chất như: tự tin, tự lập mục tiêu cá nhân, kỹ năng tổ chức, kỹ năng giải quyết vấn đề… thì rất có thể một ngày không xa, con bạn sẽ trở thành người lãnh đạo vô cùng xuất sắc.
Yêu con chân thành
Yêu con cũng là một môn học, các bậc phụ huynh chỉ có thân phận thôi là chưa đủ, họ cần phải có chức danh. Yêu thương con là một loại tình cảm đó là bản năng trời sinh của cha mẹ, đồng thời nó cũng là một loại khoa học. Giống như Y học, bạn không thể sinh ra đã là bác sĩ mà phải thông qua một quá trình học tập gian khổ mới có thể trở thành bác sĩ thực thụ. Mỗi người cha, người mẹ cũng phải học tập và nỗ lực hết mình mới mong nhận ra chân lý đó.
Trong giáo dục gia đình, yêu thương chân thành là nền tảng của giáo dục con cái. Những đứa trẻ không được hưởng đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ khi lớn lên thường có khiếm khuyết ẩn hiện về mặt nhân cách. Vì vậy, yêu thương cũng là một thủ thuật giáo dục, mục đích và phương pháp không giống nhau sẽ dẫn đến hiệu quả hoàn toàn khác biệt.
Sara Imas là hậu duệ của những người Do Thái đã đến định cư lâu đời tại Thượng Hải. Sau khi quan hệ Trung Quốc – Israel được xác lập, trước tiếng gọi trở về cố hương, Sara đã từ bỏ cuộc sống phồn hoa ở Thượng Hải, mang theo 3 đứa con (2 trai, 1 gái) trở về Israel, nơi đồng bào của bà đang phải chịu khói lửa chiến tranh, bắt đầu một trải nghiệm giáo dục xuyên quốc gia của mình.
Với những điều mắt thấy tai nghe về những câu chuyện giáo dục con cái ở môi trường mới, bà đã quyết tâm từ bỏ hình ảnh của một bà mẹ Trung Quốc để trở thành một bà mẹ Do Thái chính cống. Hình ảnh của bà mẹ Do Thái này khiến không ít người cho rằng đó là cách giáo dục khá tàn nhẫn, thế nhưng những gì mà bà mang lại cho các con đã giúp chúng ta mở ra tầm nhìn mới về cách thể hiện tình yêu với con cái.
Sara Imas đã đúc kết, tình yêu với con cái của cha mẹ Trung Quốc giống như hình tử cung. Họ luôn muốn bao bọc lấy chúng trong khi tình yêu thương vô điều kiện của mình suốt cuộc đời. Còn tình yêu của mẹ Do Thái với con tựa như hình một đống lửa. Tình yêu đó được giấu sâu trong lòng dưới biểu hiện sắt đá và cứng cỏi. Họ chỉ là ngọn lửa rực sáng, soi đường cho con cái để chúng có thể tự học cách sinh tồn, vươn lên trong cuộc đời.
Nguồn – Sách tham khảo: Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương
Màu sắc và hình khối là một trong những khái niệm cơ bản sẽ giúp bé phát triển nhận thức. Đó là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên khả năng toán học của một người. Việc nhận biết được những khái niệm này cũng là một dấu mốc đánh dấu quá trình phát triển của bé. Thông qua những cách tiếp cận vui nhộn và sáng tạo, bố mẹ sẽ giúp bé đạt được dấu mốc này.
Tô màu thế giới xung quanh bé
Cách tốt nhất để dạy bé về màu sắc là biến môi trường xung quanh bé thành những bài học sống động. Những vấn đề trong cuộc sống của một cô, cậu bé 2-3 tuổi rất đơn giản: Chọn đôi giày màu xanh hay màu vàng, mặc áo đỏ hay áo tím… Bất kỳ một khoảnh khắc nhỏ nào cũng có thể được biến thành thời điểm để bạn dạy con.
[inline_article id=1029]
Mẹ thử áp dụng một vài bí quyết nho nhỏ dưới đây và sẽ thấy bé mau chóng nhận biết được rất nhiều màu sắc:
-Luôn thêm tính từ chỉ màu sắc vào trước tên sự vật: Khi nói đến một đồ vật, mẹ đừng quên thêm vào màu sắc của nó.Chẳng hạn, thay vì nói: “Con cầm giúp mẹ cái chén này nhé”, mẹ nên nói: “Con cầm giúp mẹ cái chén màu trắng này nhé”.
-Tìm những thực phẩm nhiều màu: Các loại rau củ thường có màu sắc rất đẹp mắt. Cho thêm một vài miếng ớt chuông màu đỏ, cải bó xôi màu xanh, bắp vàng tươi hay củ dền đỏ thẫm không chỉ làm món ăn trông hấp dẫn hơn mà còn giúp bé nhận ra sự khác biệt của các màu sắc và các loại thực phẩm khác nhau.
-Giờ tắm vui nhộn: Cho vào chậu tắm của bé những quả banh nhỏ hay những món đồ chơi có màu sắc rực rỡ. Bạn có thể cho bé tự lựa chọn màu sắc đồ chơi mà mình muốn.
-Gia đình màu sắc: Mỗi thành viên của gia đình bạn đều sở hữu rất nhiều quần áo đúng không? Vậy tại sao không chọn màu sắc cho mỗi ngày. Chẳng hạn, thứ hai là ngày cả nhà mặc đồ màu cam, thứ ba màu đỏ, thứ tư màu xanh lá… Đây là một cách thật thú vị để giúp bé học về màu sắc.
-Sách tranh: Những cuốn sách với nhiều hình ảnh màu là công cụ tuyệt vời để mẹ chỉ cho bé biết về màu sắc và những khái niệm, sự vật đa dạng trong cuộc sống.
Biến mọi thứ thành hình khối
Mọi thứ trong nhà đều có một hình dạng nhất định và bạn có thể dùng nó để dạy cho bé. Một số mẹo hay cho mẹ đây:
–Chơi trò phân loại: Bạn thử cho bé “vọc” bộ sưu tập hộp đựng thức ăn của mình mà xem. Nào là hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật. Giao cho bé nhiệm vụ sắp xếp chúng theo hình dạng. Tiếp đến, những tô, đĩa, hộp đựng sữa, bình đựng nước đều có thể biến thành một công cụ dạy học trực quan và hiệu quả.
–Trò chơi tìm đồ vật: Thử đưa ra cho bé “nhiệm vụ” tìm một đồ vật có hình dáng đặc thù nào đó, chẳng hạn hình ngôi sao, hình đồng hồ cát. Giấu chúng ở đâu đó và tạo ra các bảng chỉ dẫn để bé thử chơi trò “săn tìm kho báu” xem nào.
–Vẽ hình dạng: Cho bé vẽ ra nhưng hình dạng mình thích và cùng nhau “nghiên cứu” hình dạng đó. Bé sẽ có được những kinh nghiệm vẽ hình ảnh mà không cần phải phán xét chúng đúng hay sai. Tương tự, bạn có thể dùng đất nặn.
[inline_article id=67568]
Vì trẻ nhỏ thích và có thể học tốt nhất với cách vừa học vừa chơi, bạn không cần đặt nặng chuẩn đúng – sai mà chủ yếu là mang đến cho bé cảm hứng và niềm vui. Thử nhìn thế giới dưới góc nhìn của trẻ thơ, bạn sẽ thấy rất nhiều ý tưởng để giúp bé khám phá mọi thứ theo cách mà mình yêu thích nhất.
Những bé nắm bắt được nếp sống hàng ngày sẽ dễ dàng hợp tác hơn so với những bé có cảm giác bị thúc ép bởi một tình huống ngẫu nhiên. Xây dựng một nếp sống với những thói quen đều đặn hàng ngày là một cách cốt yếu nhằm đem lại cho bé cảm giác yên tâm khi biết rõ điều gì tiếp theo sẽ diễn ra trong ngày.
Thực tế, đa số chúng ta đều thích cảm giác được tự do quyết định một cách ngẫu hứng những điều sẽ xảy ra, và đôi khi đấy chính là khởi nguồn của sự sáng tạo. Tuy nhiên, điều đó chỉ đem lại hiệu quả cao nhất khi chúng ta quyết định những quy tắc nào cần phá vỡ. Nếu cảm thấy bị bủa vây bởi những điều không lường trước, hoặc nếu không được đáp ứng nhu cầu cơ bản về sự an toàn, đa số chúng ta sẽ không khỏi cảm thấy lo âu và căng thẳng.
Lên “thời gian biểu” cho bé như thế nào?
Không hẳn là một thời gian biểu chi tiết với thời gian ăn, thời gian ngủ đúng từng phút, đơn giản, mẹ có thể chia sẻ với bé những gì sẽ diễn ra trong ngày. Chẳng hạn, vào buổi sáng, sau những ôm ấp nựng nịu đầu ngày, mẹ có thể bảo: “Nào, giờ thì mẹ con mình mặc quần áo đẹp rồi ăn sáng, sau đó chúng ta sẽ cùng đi phiêu lưu nhé!” Chuyến phiêu lưu hôm ấy có thể là đến cửa hàng tạp hóa, còn hôm sau là đến hiệu thuốc… Nếu mẹ xem chuyến đi ấy như một cuộc phiêu lưu và một trải nghiệm để học hỏi, đó cũng chính là cách mà bé sẽ lĩnh hội về điều này.
Trên đường về nhà, mẹ có thể ôn lại những việc đã làm trong buổi sáng. “Sáng nay thật vui con nhỉ … Khi mẹ con mình thức dậy, chúng ta ôm ấp nhau … rồi mình ăn sáng với cháo yến mạch .. rồi mình chải răng và đi giày vào như mỗi sáng vẫn làm… rồi mình cùng có một chuyến phiêu lưu đến cửa hàng tạp hóa. Con thích điều gì nhất nào?”
Sau đó, mẹ có thể nói với bé về những việc sẽ xảy ra kế tiếp. “Khi về nhà, mẹ sẽ cất những món đồ vừa mua được. Con có muốn giúp mẹ không nào? Sau đó, chúng mình sẽ nấu bữa trưa, kể một câu chuyện và đi ngủ trưa nhé. Chiều nay, con muốn ra sân chơi hay đi công viên?”
[inline_article id=43903]
Mẹ có cần lưu ý điều gì?
– Không nên quá cứng nhắc
Khi áp dụng “lịch trình” cho trẻ, mẹ không nên ép buộc trẻ tuân theo một khuôn khổ lặp đi lặp lại và vô tác dụng, hay một lịch trình cứng nhắc khiến trẻ không thể ngừng lại một chút để nghiên cứu một chú bọ ven đường? Tất nhiên là không.
Nếp sống hàng ngày của trẻ cần rất nhiều khoảng trống linh hoạt để trẻ có thể hoàn thành một trong những nhiệm vụ quan trọng. Đó là khám phá và thử nghiệm. Và trẻ cũng cần thật nhiều cơ hội để tự ra những quyết định, những lựa chọn của riêng mình về việc sẽ dùng thời gian như thế nào trong thời khóa biểu đã đề ra.
[inline_article id=33182]
– Cùng con lên kế hoạch
Để giúp bé hình dung tốt hơn về “nếp sống hàng ngày” của mình, mẹ có thể làm một tấm poster với thời khóa biểu và những bức hình của bé trong các hoạt động thường ngày được sắp xếp theo thứ tự thời gian.
Poster có thể dễ dàng mua ở ngoài cửa hàng, nhưng sẽ thú vị hơn nếu mẹ cùng bé tự làm một cái cho riêng mình. Mẹ chỉ cần sắp xếp các bức ảnh trên tấm bìa theo trình tự mô tả những việc trong ngày: thức dậy, đi bô, mặc quần áo, ăn sáng, làm việc lặt vặt, ăn nhẹ, chơi, ăn trưa, ngủ trưa …
Ngoài ra, mẹ có thể viết chú thích kế bên các tấm ảnh, dùng băng dính thay vì dùng keo dán để có thể dễ dàng thay đổi vị trí các tấm ảnh. Chẳng hạn khi muốn thay “làm việc vặt” bằng “đi thăm Bà” hoặc bạn cũng có thể mua bảng thời khóa biểu có nam châm và dán hình bé lên những thỏi nam châm để có thể di chuyển tấm hình tùy ý.
Giáo dục giới tính cho bé trai là nhiệm vụ không dễ dàng gì cho các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ đừng đẩy trách nhiệm dạy con về chuyện nhạy cảm này cho ai khác.
MarryBaby sẽ cùng cha mẹ tìm hiểu về giáo dục giới tính cho bé trai một cách tốt nhất.
1. Tại sao giáo dục giới tính cho bé trai cần thiết?
Với nhiều bậc cha mẹ, giáo dục giới tính cho bé trai liên quan tới tính dục; bộ phận sinh dục; hoặc quan hệ tình dục. Do đó nhiều bà mẹ ngại dạy trẻ tiểu học về vấn đề này vì cho rằng còn quá sớm để dạy con.
Giáo dục giới tính kỳ thực có phạm vi rất rộng;liên quan đến vấn đề tâm trí và toàn bộ cơ thể. Chuyện giới tính, tình dục còn bị quy định bởi giá trị; thái độ; hành vi; thay đổi thể chất; niềm tin; cảm xúc; tính cách và tinh thần của một người. Chuyện giới tính chịu ảnh hưởng và tác động bởi những khía cạnh văn hóa; chính trị; pháp luật; và khía cạnh triết lý trong cuộc sống; cùng các vấn đề đạo đức, tôn giáo và tín ngưỡng.
1.1 Nguyên tắc chung khi giáo dục giới tính cho bé trai
Với trẻ 6 tuổi đến 9 tuổi, chuyện giáo dục giới tính chỉ cần liên quan đến các bộ phận cơ thể; cách vệ sinh cơ thể; và sự khác nhau giữa bé gái và bé trai.
Khi bước vào giai đoạn dậy thì, mối quan tâm về tình dục mới xuất hiện ở trẻ 11 tuổi, 12 tuổi. Theo các chuyên gia tâm lý, khi bước vào độ tuổi tiền dậy thì; trẻ thường quan tâm đến việc mình có sức hấp dẫn với bạn khác giới không. Việc thu hút sự chú ý của bạn trai/bạn gái sẽ quan trọng hơn việc quan tâm đến các hành động tình dục.
1.2. Tại sao cần giáo dục giới tính sớm cho bé trai?
Tình dục; một phần trong giáo dục giới tính cho bé trai; là một phần quan trọng của sức khỏe và hạnh phúc của một con người. Do vậy, việc giáo dục sức khỏe tình dục là chìa khóa cung cấp cho trẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết; để đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh
E ngại và phớt lờ câu hỏi về giới tính của trẻ; cha mẹ đang không thực hiện một phần trách nhiệm giáo dục con đấy. Trẻ sẽ tìm hiểu thông tin từ những đứa trẻ khác; hoặc qua nhiều nguồn thông tin như truyền hình, báo chí, Internet. Điều nguy hại là nhiều thông tin rối loạn và thiếu chính xác.
Không được cha mẹ dạy dỗ, thảo luận về tình dục có thể dẫn trẻ đến với những hậu quả nghiêm trọng như quan hệ tình dục sớm, tổn thương do mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bị lạm dụng. Tổn hại tinh thần từ việc thiếu kiến thức giới tính, tình dục rất nghiêm trọng.
Điều quan trọng cha mẹ cần nhớ là khi giáo dục trẻ là phải thực sự cởi mở; sẵn sàng trả lời khi trẻ có thắc mắc; không xem chuyện giới tính là cấm kỵ, là dơ bẩn.
2. Nên bắt đầu giáo dục giới tính cho bé trai từ khi nào?
Cha mẹ nên bắt đầu giáo dục giới tính cho bé trai khi trẻ từ 2 tuổi trở lên. Tuỳ theo độ tuổi và mức độ quan tâm, cha mẹ cho con kiến thức về giới tính phù hợp.
Trẻ tiểu học thường tò mò về những thay đổi của cơ thể mình hoặc bạn bè và sự khác nhau giữa bé trai và bé gái. Cha mẹ có thể bắt đầu bài học giáo dục giới tính của mình bằng cách:
Dạy cho bé trai biết tên của các bộ phận trên cơ thể;
Giải thích cặn kẽ cho trẻ vì sao cơ thể con trai khác con gái.
Cho con tiếp cận kiến thức giáo dục giới tính sớm; sau này cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc giải thích hoặc hướng dẫn những vấn đề tế nhị cho con.
3. Giáo dục giới tính cho bé trai mầm non
3.1 Trẻ từ 0 – 1 tuổi: Nhận thức cơ thể
Khoảng tháng thứ 8,mẹ đã có thể dẫn nhập cho bé những ý thức đầu tiên về cơ thể của mình. Cha mẹ có thể giải thích cho con về các bộ phận và chức năng của chúng; dạy con yêu quý và chăm sóc cơ thể của mình.
Khi bắt đầu dạy trẻ về những bộ phận trên cơ thể, hãy dạy con tất cả; bao gồm cả bộ phận sinh dục. Dạy bé gọi đúng tên chứ không phải một tên gọi ngộ nghĩnh nào đó cha mẹ nghĩ ra; bởi nếu có ai xâm phạm vào khu vực nhạy cảm, trẻ sẽ cần biết chính xác từ để có thể nói ra.
3.2 Trẻ từ 1 – 2 tuổi: Hiểu sự khác biệt giữa nam và nữ
Sau 1,5 tuổi, bé đã có sự chú ý tới khác biệt giữa nam và nữ. Trẻ cũng sẽ bắt đầu hỏi về giới tính. Cha mẹ không nên né tránh mà giải thích tên các bộ sinh sản phận một cách khoa học, chính xác; nhằm thỏa mãn trí tò mò của trẻ; và giúp con cảm thấy các bộ phận đó cũng giống các phần khác của cơ thể.
3.3 Trẻ từ 2 – 5 tuổi: Ý thức về chỗ kín
Với những bé trong độ tuổi này, mẹ có thể dạy con khái niệm cơ bản về sự sinh sản. Chẳng hạn như em bé được tạo thành từ một người nam và nữ hoặc em bé được hình thành trong tử cung của người phụ nữ.
Nếu thấy bé trai đang nghịch chỗ kín của mình, cha mẹ cần giáo dục giới tính cho bé như sau:
Nhẹ nhàng giải thích với con đâu là những vị trí riêng tư.
Dặn bé trai không được để lộ và phải bảo vệ như thế nào.
Chuyển hướng sự chú ý của bé bằng những câu chuyện thú vị.
Lưu ý bé không động chạm vào những bộ phận kín của các bạn nhỏ khác. Bé cần phải hiểu đây là những vùng riêng tư và không ai có quyền xem hay động chạm mà không được sự đồng ý.
Bé cũng cần được dạy con về sự riêng tư và các vấn đề liên quan đến thân thể; sự đụng chạm nào có thể chấp nhận. Chỉ những người nhất định, như ba mẹ hoặc bác sĩ mới là người có thể chạm vào vùng riêng tư của con. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên dạy trẻ trân trọng và làm chủ cơ thể mình.
Hãy dạy trẻ biết cách nói “Không” nếu có ai đó đụng chạm làm trẻ khó chịu.
4. Giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học
4.1 Giáo dục giới tính cho bé trai 5 – 8 tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ cần biết rằng ngoài nam và nữ còn có những người dị tính; hoặc lưỡng tính cũng như những quy ước về sự riêng tư, khỏa thân. Trẻ nên biết mình không để lộ vùng kín ở những nơi công cộng. Đồng thời, cha mẹ cần giáo dục giới tính cho bé trai biết cách vệ sinh, giữ gìn vùng cơ thể này sạch sẽ.
Khoảng 8 tuổi, mẹ nên giáo dục giới tính cho bé trai những điều cơ bản về dậy thì.Tình trạng dậy thì sớm ngày càng phổ biến, rất nhiều trẻ đã bắt đầu dậy thì trước khi được 10 tuổi. Hơn nữa, mẹ cũng nên dạy trẻ thêm về quá trình sinh sản. Khác với trẻ mầm non, khi nói chuyện với trẻ ở lứa tuổi này, mẹ có thể trao đổi thêm với trẻ về vai trò của quan hệ tình dục.
4.2 Giáo dục giới tính cho bé trai 9 – 12 tuổi
Cha mẹ cần giáo dục giới tính cho bé trai độ tuổi 9-12 về tình dục an toàn, các biện pháp phòng tránh thai. Trẻ cũng cần được dạy về mối quan hệ lành mạnh; và khi nào một mối quan hệ trở nên độc hại; không hữu ích cho bé.
Không chỉ vậy, ba mẹ cũng nên dạy con cách đánh giá những tư liệu giới tính, tình dục trên các phương tiện truyền thông, cái gì đúng, cái gì sai, những điều gì lành mạnh và phù hợp với trẻ
5. Vấn đề thường gặp khi giáo dục giới tính cho bé trai
Cha mẹ cứ nghĩ đơn giản: con mới học tiểu học, biết gì về giới, về yêu đương mà phải giáo dục giới tính cho bé trai. Thực ra, một số các hành động của trẻ ở trường cho thấy trẻ dần có ý thức về giới tính:
5.1 Ghép đôi trong lớp học
Trẻ tiểu học có xu hướng trải nghiệm cuộc sống thông qua hình ảnh của bố mẹ chúng. Bắt đầu lúc 7-8 tuổi, trẻ sẽ chú ý đến bạn khác phái nhưng giấu kín việc này. Chuyện ghép đôi nhau trong lớp học sẽ xuất hiện. Cha mẹ đừng sốc nếu con về đưa cho mẹ bức thư tình trong hộc bàn.
Cha mẹ đừng vội la mắng, phản đối con; tránh làm lớn chuyện, làm nghiêm trọng sự việc và tránh chế giễu con; làm con xấu hổ khi bạn trai bạn gái chơi thân với nhau.
5.2 Biểu hiện bất thường
Trẻ tiểu học thường vô thức sờ bộ phận sinh dục, đôi khi giống như thủ dâm. Hiện tượng này cũng không có gì đáng lo ngại. Sự phát triển về tính dục của cơ thể trẻ có thể bắt đầu rất sớm. Bộ phận sinh dục của bé trai cũng có thể cương cứng như người lớn. Bất chợt, sự cọ xát, động chạm với một vật nào đó tạo cho con cảm giác thích thú. Trẻ sẽ lặp lại việc này một cách vô thức.
Cha mẹ phải hiểu hiện tượng này là bình thường. Điều nên làm là:
Chú ý quan sát con, khi nhận thấy con có những hành động như thế, bạn khéo léo đánh lạc hướng con bằng trò chơi mà con đang thích.
Không nhìn chăm chăm vào bộ phận sinh dục trẻ, đùa cợt khiến con cảm thấy xấu hổ về cơ thể mình. Nếu trẻ tò mò nhìn cơ thể của bạn khác, đừng nhiếc mắng con là “vô duyên” hay “dê”.
LƯU Ý: Thái độ thiếu tinh tế của người lớn sẽ làm trẻ tổn thương và có thể không bao giờ kể cho cha mẹ nghe về thắc mắc giới tính.
5.3 Ứng xử khi con tình cờ biết được chuyện “người lớn”
Trẻ tình cờ thấy cảnh người lớn âu yếm nhau, hay nhìn thấy bộ phận sinh dục của người lớn. Khi bé phát hiện vấn đề này, nếu cha mẹ càng tỏ thái độ căng thẳng, cha mẹ càng sai lầm trong giáo dục giới tính cho bé trai.
Cấm đoán con nói về chuyện “người lớn”, trẻ càng tò mò và tìm thông tin ở nguồn tin sai lệch.
Để giáo dục giới tính cho bé trai tốt nhất, cha mẹ cần:
Bình tĩnh nghe trẻ nói, uyển chuyển thay đề tài.
Xem như chuyện con vừa bắt gặp không phải là chuyện ghê gớm.
Trẻ tò mò và nhanh quên, nếu thấy chuyện đó không đáng quan tâm, trẻ sẽ tập trung vào hoạt động khác.
6. Quy tắc quần lót cha mẹ cần dạy cho bé trai
6.1. Quy tắc quần lót (Pants rule)
Đây là quy tắc được Hiệp hội Quốc gia Phòng chống bạo hành trẻ em (NSPCC, Anh quốc) đưa ra vào năm 2014. Quy tắc PANTs này nhằm tuyên truyền cho mọi người trên thế giới biết phải làm gì để phòng chống nạn lạm dụng tình dục trẻ em.
♦ P-Private (riêng tư)
Dạy con biết rằng không ai có quyền nhìn hay chạm vào vùng kín của con, trừ ba mẹ hoặc những người được ba mẹ cho phép như bác sĩ, y tá.
Nếu là bác sĩ, người đó cần phải mặc đồng phục và trong giờ làm việc. Hơn nữa, họ cũng phải giải thích kỹ càng cho con việc chạm vào vùng kín để làm gì, cũng như phải có sự đồng ý của con trước khi hành động.
♦ A-Always remember your body belongs to you (luôn nhớ cơ thể con thuộc về con)
Dạy con rằng cơ thể con thuộc về con; và không ai có quyền làm điều gì với cơ thể làm con khó chịu. Nếu ai đó cố tình, con cần biết nói “Không”. Cha mẹ cũng nên dạy trẻ cách tự vệ; nếu ai đó làm trẻ không thoải mái như: Hét lên; Cắn mạnh; hoặc Chạy đến nơi đông người nhờ trợ giúp.
♦ N-No means no (không là không)
Giáo dục giới tính cho bé trai kiên quyết nói không với những đụng chạm cơ thể làm con không thích, bất kể đó là ai. Thậm chí cả người thân quen.
Dạy con biết rằng một đứa trẻ ngoan, biết nghe lời không phải lúc nào cũng đồng ý với mọi đề nghị người lớn đưa ra. Khi bé không thích hoặc thấy băn khoăn với lời đề nghị nào đó, con có thể nói “Không”, và sau đó về hỏi ba mẹ.
♦ T-Talk (nói về những bí mật làm con buồn)
Dạy trẻ biết về sự khác biệt giữa bí mật “tốt” và xấu:
Bí mật “tốt” có thể là món quà hay bữa tiệc bất ngờ.
Bí mật “xấu” sẽ là những điều làm con buồn, khó chịu.
Câu nói kiểu như “Đây là bí mật riêng của hai chú cháu mình” của những kẻ lạm dụng có thể làm trẻ lo lắng, sợ hãi và không dám kể cho ba mẹ. Với những kiểu “bí mật” như vậy, dạy trẻ biết rằng mình cần nói ngay với ba mẹ.
♦ S-Speak up (lên tiếng)
Cuối cùng, mẹ cần dạy trẻ biết bất cứ khi nào cảm thấy buồn hay lo lắng, bé có thể nói với người bé tin tưởng nhất. Không nhất thiết phải là ba mẹ. Có thể là chị em gái, hoặc giáo viên của bé.
6.2 Quy tắc bàn tay
Đầu tiên, mẹ giới thiệu cho bé về bàn tay 5 ngón, đồng thời dạy trẻ về 5 vòng tròn giao tiếp tương ứng với từng ngón tay. Quy tắc áp dụng như sau:
Tâm vòng tròn: Chỉ dành cho những người ruột thịt trong gia đình như ông bà, ba mẹ, anh chị em ruột. Đây là những người được vòng tay ôm hôn, bế ẵm, tắm cho trẻ khi trẻ chưa tự vệ sinh thân thể được.
Vòng tròn tiếp theo dành cho họ hàng, bạn bè, thầy cô giáo: Được phép nắm tay, vuốt tóc, xoa đầu.
Vòng tròn thứ 3 dành cho người quen như hàng xóm, bạn ba mẹ. Với những người này, bé có thể bắt tay, chào hỏi hoặc nói chuyện.
Vòng tròn thứ 4 chỉ những người lạ, bé chỉ cần vẫy tay chào.
Vòng tròn ngoài cùng, vòng thứ 5 dùng để chỉ những người làm bé cảm thấy bất an, lo lắng. Với những người này, bé có thể xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy.
7. Lưu ý trong việc giáo dục giới tính cho bé trai
7.1 Trả lời những câu “vặn vẹo”
Những câu hỏi như “Con được sinh ra như thế nào”, “Vì sao phải kết hôn” luôn khiến các ông bố, bà mẹ phải đau đầu. Khi giáo dục giới tính cho bé trai, cha mẹ nên giải thích như thế nào đây?
Thực ra, bé không cần được giải thích về những hành động như ôm hôn, quan hệ tình dục mà chỉ cần nói; vì cha mẹ yêu nhau nên luôn ở gần nhau, lúc này quả trứng của mẹ gặp được tinh trùng của ba và thế là con ra đời.
Khoảng lứa tuổi lên 5, cha mẹ đã có thể mua cho bé trai những quyển sách giáo dục giới tính với hình vẽ; hoặc cho bé xem những đoạn clip hoạt hình về sự thụ tinh, mang thai để bé có được cái nhìn đầu tiên về giới tính.
7.2 Người cha nên làm tấm gương
Người cha là mục tiêu đầu tiên để một cậu con trai hướng đến. Vì vậy, cha nên quan tâm đến sự trưởng thành của con trai; nói với con thế nào là đàn ông; người đàn ông nên làm thế nào; tình cảm của đàn ông thì nên như thế nào.
Đồng thời, người cha cần chú ý lời nói và cử chỉ của mình, thể hiện sự nam tính để con trai học tập và noi theo. Đó là cách giáo dục giới tính cho bé trai hoàn hảo.
7.3 Cần sự khéo léo khi giáo dục giới tính cho bé trai
Khi dạy con về những vấn đề nhạy cảm, hãy bắt đầu ở một nơi thoải mái với cả mẹ và bé. Điều này sẽ tạo nên cảm giác cân bằng và thấu hiểu, giúp trẻ dễ lắng nghe bạn nói hơn. Tránh nơi tù túng hoặc tạo cảm giác căng thẳng.
Giáo dục giới tính cho bé trai cũng giống như mẹ dạy trẻ bơi hay kỹ năng băng qua đường. Đây đều là những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của trẻ.
Mẹ có thể đưa ra những tình huống giả định hoặc đề cập vấn đề này trong lúc tắm cho bé, đưa bé đi bác sĩ để bé dễ hiểu hơn.
[inline_article id=2602]
Chủ đề giáo dục giới tính cho bé trai là một câu chuyện khó và có biết bao vấn đề cần nói. Con cần hiểu biết lành mạnh về vấn đề giới tính; và chỉ có cha mẹ là người truyền tải và giáo dục giới tính cho con hiệu quả nhất.