Categories
Dạy con Nuôi dạy con

4 cách giúp bạn kiên nhẫn với bé

Luôn nhớ rằng con bạn vẫn còn nhỏ 

Vì còn nhỏ chưa ý thức được gì nên những hành động của bé hoàn toàn là không cố ý. Những đứa trẻ con thường hay làm vỡ cái này cái kia hoặc thường gây ra những lỗi lầm nho nhỏ. Thay vì nổi giận vì bé lỡ làm vỡ cái ly thủy tinh, trước tiên bạn nên kiểm tra xem bé có bị thương chỗ nào không hay có bị mảnh thủy tinh dính vào người không. Sau đó bạn có thể dạy bé cách cầm một cái ly như thế nào hoặc đơn giản hơn là đưa cho bé cái ly nhựa và quên chuyện vừa xảy ra đi.

Luôn nhớ cái gì mới là điều quan trọng

Trẻ con luôn thích làm trái ý cha mẹ, đặc biệt khi bạn càng cấm bé thì bé lại càng hứng thú với việc đó. Nếu khi bạn và con đang mâu thuẫn về quần áo của bé, thay vì cứ bắt bé làm theo ý mình, bạn nên cho bé tự chọn lựa : “Con thích cái màu nào? Vàng hay xanh?”. Việc cho bé tự chọn lựa còn có thể giúp tăng khả năng độc lập của bé sau này.

Dành một phút và suy nghĩ xem điều gì mới thật sự quan trọng với bạn: Việc con bạn mặc bộ quần áo phù hợp hay là niềm vui của bé? Bạn nên dành ra vài phút mỗi ngày để nhắc mình nhớ điều gì mới thật sự quan trọng với bạn. Với cách này, bạn có thể dễ dàng bỏ qua những thứ nhỏ nhặt hơn.

kien nhan voi be 1
Khi dạy con, điều quan trọng là bạn phải kiên nhẫn với bé.

Thư giãn và đếm tới 10, 20 hoặc 30 

Khi bạn muốn la mắng hay nói điều gì đó không nên với bé, dành vài giây để đếm từ 1 đến 10. Nếu đếm đến 10 vẫn chưa làm bạn bình tĩnh lại, bạn có thể đếm tới bất kỳ con số nào có thể đủ thời gian để bình tĩnh lại. Điều hòa lại hơi thở của bạn, hít thở sâu. Bỏ mọi chuyện qua một bên, ra ngoài trong giây lát. Bạn có thể nằm dài trên giường hay làm bất cứ chuyện nào khác có thể giúp bạn lấy lại được bình tĩnh. Chỉ nên giải quyết mọi chuyện khi mà bạn đã thật bình tĩnh.

>>> Xem thêm: Dạy con ngoan cũng lắm nỗi gian truân

Nhớ rằng mọi chuyện đều cần thời gian

Con bạn ném miếng bánh ngọt xuống sàn nhà? Đây không phải là một vấn đề lớn lắm. Nếu bạn muốn con mình có thể lịch sự, ngăn nắp, đừng quá vội vàng ép bé vì bé vẫn còn nhỏ lắm. Đừng đặt kỳ vọng quá cao ở bé. Thay vào đó bạn có thể tập cho bé từ từ. Luôn nhớ rằng, mọi chuyện đều cần thời gian và không có chuyện gì có thể giải quyết ngay được. Bạn cần thời gian để có thể trở nên kiên nhẫn hơn. Còn bé cưng nhà bạn cũng cần thời gian để trưởng thành hơn, thoát dần khỏi những thói quen gây khó chịu đó.

MarryBaby

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy bé đi vệ sinh chỉ trong 3 ngày

Các bước chuẩn bị

Phương tiện đầu tiên mà mẹ cần là một chiếc bô hay ghế tập đi vệ sinh. Ngoài ra, bạn cũng cần thật nhiều nước, đồ ăn nhẹ giúp bé đi tiêu và tiểu tốt hơn. Một số dụng cụ giúp dọn dẹp nếu chẳng may việc thực hành không suôn sẻ như dự định: giẻ lau, thùng rác, quần áo sạch cho bé.

Tháng trước khi bắt đầu

Bạn thử theo dõi các tín hiệu bé đã sẵn sàng tự đi vệ sinh để biết thời điểm nào là thích hợp. Theo các chuyên gia, phương pháp tập cho bé đi vệ sinh trong 3 ngày chỉ áp dụng đối với trẻ trên 28 tháng tuổi. Để tiến hành, mẹ sẽ phải dành trọn 3 ngày cho bé, nên cần sắp xếp công việc trước khi bắt đầu.

Trong thời gian này, bạn đã có thể bắt đầu chỉ cho bé cách dùng nhà vệ sinh hoặc bô. Trong khi đó, người vợ hoặc chồng đóng vai trò đồng sự, bắt đầu chỉ cho bé cách cởi quần hoặc tã, cách ngồi lên bô hoặc bệ xí và “giải phóng” các chất thải vào đó như thế nào.

Ở độ tuổi này, bạn đã có thể cho bé ngưng dùng tã giấy. Bé có thể “nude” và cảm thấy thoải mái hơn, điều này cũng khuyến khích bé dùng nhà vệ sinh hay ngồi bô để thoát khỏi cảm giác làn da bị bưng bít khi mặc tã. 

Ngày thứ nhất

Thức dậy cùng bé, để bé nude phần thân dưới trong cả ngày. Ba và mẹ sẽ luân phiên theo dõi các dấu hiệu cần đi vệ sinh của bé. Khi bé có nhu cầu, bạn nhanh chóng đưa bé đến bệ xí nào gần đó nhất. Bên cạnh đó, cho bé ăn các loại đồ ăn mặn, uống nhiều nước để đi vệ sinh nhiều hơn trong ngày này.

Mỗi khi bạn cần đi vệ sinh, dẫn theo bé và nhờ vợ, chồng của bạn giải thích cho bé các bước đi vệ sinh như kéo quần xuống, ngồi lên bệ xí, bắt đầu đi tiêu hay tiểu tiện vào bồn cầu như thế nào, dùng giấy lau sau khi đã hoàn tất, mặc lại quần và dội toilet, rửa tay.

Đừng quên khen ngợi bé khi bé làm đúng hướng dẫn của bạn và để cho chất thải đi đúng nơi đúng chỗ thay vì bị nhiễu ra sàn nhà. Sau khoảng 12 lần, bé sẽ có thể dùng nhà vệ sinh một cách độc lập. Ngược lại, ba mẹ nên ra vẻ thất vọng một tí khi bé gây “tai nạn” để bé thấy mình cần làm tốt hơn trong lần kế tiếp. Sau mỗi giấc ngủ của bé, ba mẹ cũng cần cho bé biết, đó là lúc cần đi vệ sinh.

Ngày thứ hai

Trong ngày tiếp theo, ngoài việc lặp lại bài học ngày đầu tiên, bạn cần chỉ cho bé được một điều là nên đi vệ sinh trước khi ra ngoài chơi. Ví dụ, bạn có thể dắt bé ra ngoài trong buổi chiều, và nhắc bé hoàn thành việc đi vệ sinh trước khi rời khỏi nhà.

Khi đã ở ngoài, bạn tập cho bé mặc quần lỏng, không quấn tã và chỉ cho bé hiểu mình cần tránh đi vệ sinh khi đang ở ngoài ngôi nhà. Nhớ mang theo nhiều quần để thay cho bé trong trường hợp bạn không may mắn. 

Ngày thứ ba

Trong ngày thứ ba, tăng số lần ra ngoài chơi và lặp lại những điều bé đã được học ở ngày hai ngày trước. Sau khóa huấn luyện ngắn, bạn sẽ thấy bé tự lập hơn nhiều trong việc đi vệ sinh. Việc thỉnh thoảng kiểm tra bé sẽ giúp đảm bảo duy trì kết quả tốt đẹp.

Nếu lần thử nghiệm đầu tiên không thành công, bạn có thể đợi thêm 6 đến 8 tuần để thử lại. Điều quan trọng khi áp dụng phương pháp này là bạn tạo ra cho bé một niềm vui khi được cả nhà quan tâm, khen ngợi khi làm chuẩn xác và nhận biết rằng đi vệ sinh đúng cách rất tuyệt. Tuy vậy, phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định, đó là gây khó cho những vị phụ huynh bận rộn trong việc sắp xếp 3 ngày hoàn toàn chỉ dành cho việc dạy bé đi vệ sinh.

MarryBaby

 

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

7 nguyên tắc dạy trẻ kiểm soát cơn giận

Giữ bình tĩnh
Nguyên tắc đầu tiên và cũng là nguyên tắc quan trọng nhất để tập cho con kiểm soát cơn giận chính là bản thân bố mẹ phải luôn giữ bình tĩnh. Điều này thật dễ hiểu: nếu người lớn như bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình, sao bạn có thể đòi hỏi con làm được điều đó? Ông bà ta có câu “Giận quá mất khôn”, kiểm soát cảm xúc của chính mình là cách để bạn nắm thế chủ động trong những tình huống phải đối diện với con.

Hiểu rõ nguyên nhân
Không phải lúc nào trẻ nhỏ la hét ầm ĩ cũng vì tức giận hoặc có điều gì đó không vừa ý. Con nít vẫn là con nít, bé có thể làm um lên chỉ đơn giản vì bé mệt, bé đói, bé thấy không khỏe. Đứng trên góc nhìn của một đứa bé để tìm hiểu lý do cho những hành vi khó chịu của trẻ, bố mẹ sẽ dễ dàng tiếp cận và điều chỉnh hành vi của con hơn.

Đừng “mua chuộc” con
Không ít ông bố bà mẹ vì muốn được yên ổn mà mau chóng chiều theo những đòi hỏi vô chừng của con hoặc dỗ con nín khóc bằng bánh kẹo và đồ chơi. Làm như thế là bố mẹ đã vô tình hình thành trong đầu óc non nớt của trẻ suy nghĩ: Cứ việc la hét, nhõng nhẽo là sẽ được cái mình thích.

kiem soat con gian 1
Điều khó nhất khi dạy trẻ kiểm soát cơn giận là chính bố mẹ phải làm được điều đó

Ngăn trẻ tự làm bản thân bị thương
Khi một đứa trẻ nổi cơn giận dữ, bé có thể lập tức nằm lăn ra ăn vạ và có thể bị thương bởi những vật dụng xung quanh. Do đó, ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu sắp “bốc hỏa”, mẹ cần quan sát ngay xung quanh và đảm bảo rằng không có vật nào có thể gây thương tích cho con. Với các bé còn nhỏ, mẹ có thể ẵm bé lên để tránh con bị trầy trụa vì nền xi măng hoặc sàn gỗ.

Không hưởng ứng trẻ
Nếu bạn biết con chỉ đang nhõng nhẽo một chuyện gì đó nhỏ nhặt, cách phản ứng của bạn có thể đơn giản là… bỏ đi. Thật vậy, trẻ con nhạy bén hơn chúng ta nghĩ rất nhiều đấy. Khi nhận thấy người lớn đã “biết tỏng” trò mè nheo của mình và sẽ không hưởng ứng lại, trẻ sẽ tự động điều chỉnh hành vi của mình. Bạn cũng có thể cho trẻ biết rằng bố hoặc mẹ sẽ không nói chuyện với trẻ cho tới khi nào trẻ ngừng khóc lóc.

Giải thích cho trẻ hiểu lý lẽ
Khi “cơn tam bành” của trẻ đã qua đi và con vui vẻ trở lại, bố mẹ cần dành thời gian giải thích cho trẻ hiểu tại sao cách cư xử của trẻ là không thể chấp nhận và mọi người cảm thấy như thế nào trước hành động đó của trẻ. Dùng những lời lẽ đơn giản, trực tiếp với thái độ bình tĩnh nhưng đủ cứng rắn để nói cho con hiểu, mẹ nhé.

Tìm cách để ứng phó với cơn giận
Có nhiều cách để trẻ có thể kiểm soát cơn giận của mình và tùy theo tính cách từng bé mà bố mẹ cần tìm một giải pháp thích hợp và hiệu quả. Có những bé cần được ở một mình để lấy lại bình tĩnh. Một số bé khác thích vẽ nguệch ngoạc hoặc xé giấy như một cách giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Cũng có những bé sẽ thấy được xoa dịu nếu mẹ ôm bé thật chặt và vỗ về bé đấy.

MarryBaby

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Làm thế nào khuyến khích bé chơi một mình?

Bắt đầu bằng việc hướng dẫn cho bé
Một trong những lý do khiến bé bối rối khi phải chơi một mình đó là bé thấy lạ lẫm và không biết phải làm gì với mấy món đồ chơi. Do đó, bố mẹ cần chỉ cho bé làm thế nào để mặc quần áo cho búp bê hoặc điều khiển xe hơi mô hình. Một khi bé đã chơi thạo, bạn chỉ cần lặng lẽ lùi ra sau và để bé chơi một mình. Lưu ý là bạn nên “biến mất” từ từ cho bé quen chứ đừng làm đột ngột nhé.

Không để con một mình
Con nít vẫn là con nít, ngay cả khi bé ngồi chơi một mình và có vẻ như không chú ý gì tới xung quanh nhưng thật ra bé chỉ thấy an tâm và thoải mái khi có người thân ở gần bé. Do đó, đừng bao giờ nghĩ rằng muốn khuyến khích bé chơi một mình là phải tách biệt bé hoàn toàn với mọi người, đặc biệt là mẹ của bé.

Nếu mẹ muốn làm gì đó như xếp quần áo hoặc đọc báo, nên cố gắng ở trong phạm vi mà bé vẫn có thể nhìn thấy mẹ. Đồng thời cho bé một vài món đồ chơi để khiến bé bận rộn và không quấy mẹ. Với các bé tuổi mầm non, hai mẹ con có thể cùng ngồi trên ghế và chia sẻ sở thích đọc sách của mình, bé đọc truyện thiếu nhi trong khi mẹ đọc tạp chí. Đó cũng là mẹ đang luyện cho bé chơi một mình đấy.

choi mot minh 2
Khuyến khích bé chơi một mình cũng là cách dạy bé tự lập

Một món đồ chơi tại một thời điểm
Với các bé tầm 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi, việc có quá nhiều món đồ chơi xung quanh sẽ khiến bé bị choáng ngợp và rất dễ mất hứng. Khả năng tập trung của các bé còn kém nên bé dễ có xu hướng bỏ dở trò chơi này để nhảy sang một trò chơi khác. Do đó, bố mẹ chỉ nên bày ra một hoặc hai trò mỗi lần bé chơi, như vậy sẽ khuyến khích con tìm hiểu và chơi thuần thục mỗi trò chơi một trước khi chuyển sang trò mới.

Nếu thấy con có vẻ chán trò đang chơi, bố mẹ có thể động viên bé bằng những câu như: “Chà, nhìn mấy khối gỗ này xem, con sắp xếp được ngôi nhà rồi đó.”

Một điều nữa cần lưu ý là trò chơi sẽ chỉ hấp dẫn với bé nếu nó phù hợp với độ tuổi và tầm phát triển của con. Ngay cả chúng ta cũng dễ chán nếu chơi những trò quá dễ chẳng phải sao?

Cuối cùng, bố mẹ cần biết là khoảng thời gian mà một đứa trẻ có thể chơi một mình sẽ tùy thuộc vào tích cách của từng bé. Bên cạnh đó, khi bé đói, bé mệt hoặc đang bệnh, bé cũng sẽ không thích chơi một mình cho dù bạn đưa cho bé món đồ chơi mà bé yêu thích nhất.

Hãy kiên nhẫn và dành mỗi ngày một ít thời gian để tập cho bé chơi một mình từ khi còn nhỏ, điều này sẽ sớm trở thành thói quen của bé và để bé chơi một mình cũng là một phần của việc dạy bé tự lập đấy nhé.

MarryBaby

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

5 bí quyết dạy bé tập ngồi

Ngay khi bé có thể tự nâng được trọng lượng của đầu và đã biết lật thì bé đã có thể bắt đầu học ngồi. Không có cách nào để đảm bảo rằng thiên thần bé nhỏ của bạn sẽ phát triển cùng tốc độ với những đứa trẻ khác, nhưng nếu bạn đang lo lắng và muốn khuyến khích bé học ngồi thì bạn có thể thử một số thủ thuật sau đây.

1. Xây dựng sức mạnh các cơ
Các cơ ở lưng, hai bên sườn, bụng và đùi sẽ được sử dụng để nâng bé ngồi dậy. Để rèn luyện tất cả các cơ kể trên cùng lúc, bạn có thể giữ bé ở tư thế ngồi trên một quá bóng tập cỡ vừa rồi từ từ lăn quả bóng khoảng 5-10 cm về phía trước, sau và hai bên. Vì bề mặt mà bé đang ngồi hơi nghiêng xuống dưới nên bé sẽ tự động thẳng lưng và ngả về phía sau. Với bài tập này, không chỉ các cơ được hoạt động mà khả năng giữ thăng bằng của bé yêu cũng được cải thiện nữa đấy.

2. Tập từng động tác một
Một trong những cách tốt nhất và dễ nhất để bé tập ngồi là để bé ở tư thế bò, sau đó hai tay lùi về sau rồi lần lượt từng chân đặt xuống vị trí ngồi. Để dạy kỹ thuật này, bạn phải giúp bé thực hiện chuỗi hành động này từ 5 đến 6 lần liên tục và vài ba lượt mỗi ngày. Đầu tiên, để bé nằm sấp, sau đó giúp bé chống hai tay xuống để đỡ thân mình. Tiếp theo, lần lượt đẩy từng chân bé xuống dưới cơ thể, một tay đỡ dưới bụng phòng trường hợp bé ngã ập xuống. Sau đó, giữ cả hai cánh tay của bé, dùng bàn tay đang để dưới bụng để giữ một cánh tay của bé rồi nhấc hai tay của bé về phía đầu gối.

Lưu ý đừng để bé lao về phía trước, cố giữ thăng bằng trọng lượng cơ thể trên hai đầu gối của bé. Cố gắng hướng dẫn bé đặt chân xuống tư thế ngồi một cách tự nhiên bằng cách nghiêng về bên này rồi nghiêng về bên kia khi đang từ từ đưa hai tay của bé hướng về phía đầu gối. Khi bé đã ở tư thế ngồi, hãy để bé “tận hưởng” tư thế này trong một hoặc hai phút rồi để bé nằm sấp và bắt đầu lại từ đầu.

day be tap ngoi 2
Cho bé chơi một mình để dạy bé tập ngồi

3. Tự biến mình thành ghế cho bé
Các loại ghế ngồi cho trẻ sơ sinh hiện nay làm quá tốt công việc của mình đến nỗi bé được nâng đỡ ở tất cả các bên và không phải nỗ lực để giữ thăng bằng. Kết quả là, sự phát triển của cơ có thể bị chậm lại và kỹ năng giữ thăng bằng không có cơ hội phát triển. Bạn có nghĩ rằng “hệ thống hỗ trợ ngồi” tốt nhất là chính bạn? Bạn có thể ngồi trên sàn nhà còn bé thì ngồi giữa hai chân bạn. Dùng chăn và gối để đảm bảo an toàn và hạn chế nâng đỡ, chỉ giúp bé giữ thăng bằng khi bé sắp ngã.

4. Dùng đồ chơi làm động lực
Ví dụ, nếu con bạn đã biết bò thì hãy để món đồ chơi ưa thích phía trên và cách trán của bé vài cm. Để có thể nhìn món đồ chơi rõ hơn, bé sẽ cố ưỡn người ra phía sau để nhìn lên trên. Sau đó nếu bé muốn bắt lấy đồ chơi thì phải nghĩ cách để rướn người lên. Phương pháp này có thể được sử dụng trong mọi giai đoạn phát triển, từ khi bé học lật cho đến lúc học đứng và thậm chí ngay đến khi bé tập đi. Nếu bé bắt đầu tỏ ra khó chịu thì hãy cho bé chơi món đồ chơi một lát trước khi tiếp tục bài tập.

5. Để bé ngồi một mình
Dùng vài cái gối để đỡ bé ngồi lên rồi cho bé một món đồ chơi và để bé chơi một mình. Vì không có ai đỡ bé và dựng bé ngồi dậy khi bị ngã nên bé sẽ có thêm kinh nghiệm ứng phó với các yếu tố vật lý ảnh hưởng đến khả năng ngồi thẳng lưng. Bạn chỉ cần đứng cách bé khoảng 1 mét để có thể quan sát nhưng không can thiệp trừ khi tư thế của bé trở nên không thoải mái. Nếu bé bị ngã về hai bên nhưng không bị nguy hiểm thì hãy đợi vài giây rồi mới đỡ bé dậy.

MarryBaby

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

“Căn bệnh 421” làm hư con trẻ

Tại sao gọi là “căn bệnh 421”?
Ngày nay nhiều gia đình thường sinh ít con để có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng đứa trẻ tốt nhất. Điều này không có gì sai trái bởi trẻ sinh ra nếu nhận được sự quan tâm đầy đủ của cha mẹ, ông bà và những người xung quanh chắc chắn sẽ là đứa bé hạnh phúc. Thế nhưng trên thực tế đã xuất hiện “căn bệnh 421” mà nguyên nhân là do chính những người xung quanh bé.

“Căn bệnh 421″ là hiện tượng mà cả gia đình có ông bà nội ngoại, bố mẹ hoặc thậm chí là nhiều thế hệ hơn chỉ tập trung chăm sóc một đứa trẻ. Sự quan tâm và nuông chiều thái quá của cha mẹ, ông bà cũng như những người xung quanh khiến cho đứa trẻ cảm thấy mình là “cái rốn của vũ trụ”. Và từ đó, đứa trẻ hay nhõng nhẽo, ỷ lại và không có ý thức tự lập. Điều đó ngay từ nhỏ sẽ tạo thành một thói quen xấu khi lớn lên khiến đứa trẻ không có suy nghĩ tích cực và không tự mình xử lý mọi vấn đề.

Dẫu biết cha mẹ nào cũng thương yêu con cái nhưng cách yêu thương con như thế nào cũng rất quan trọng. Nhiều ông bà, cha mẹ vì thương con, thương cháu nên cứ nghĩ rằng dành tất cả tình thương cho con, cho con những gì ngon nhất, tốt nhất, an nhàn nhất là cách thương con mà không biết rằng đã vô tình làm hư con cháu. Đến khi con đã lớn mà vẫn ỷ lại hoặc trở nên ngang ngược, lúc ấy có hối hận cũng đã muộn.

qua nuong chieu con 2
Thương con không đúng cách sẽ trở thành hại con

Làm sao để tránh “căn bệnh 421”?
Người Do thái là một trong những dân tộc được xem là thông minh nhất thế giới. Đặc biệt những đứa trẻ Do Thái đều tự lập từ nhỏ và có khả năng giải quyết vấn đề rất tốt. Điều đó có được là do ngay từ khi sinh ra, trẻ em của dân tộc này đã được giáo dục rất khắt khe. Một trong những lời khuyên mà các chuyên gia Do Thái dành cho các bà mẹ khi nuôi dạy con cái là: Không thỏa mãn trước; Không thỏa mãn tức thời; Không thỏa mãn quá mức yêu cầu của con. Nghĩa là trước những yêu cầu của con, các bậc cha mẹ phải thật bình tĩnh và nghe đứa trẻ giải thích về sự cần thiết của món đồ đó. Nếu bạn cảm thấy những lời giải thích của con trẻ là hợp lý thì có thể mua cho con nhưng phải kèm theo điều kiện để đứa trẻ biết là để có món đồ đó mình cần phải làm gì. Ví dụ như bạn có thể nói: “Vì hôm nay con ngoan nên mẹ sẽ mua món đồ đó cho con” hay “Nếu con cố gắng hơn thì mẹ sẽ mua cho con những món đồ khác nữa”.

Trong việc giáo dục con cái cần có sự thống nhất giữa bố mẹ và ông bà nội ngoại hai bên. Không nên có những cách ứng xử quá khác nhau vì như thế sẽ khiến cho đứa trẻ biết là nếu bị người này “bỏ rơi” thì vẫn còn chỗ khác để dựa vào.

Trong việc giáo dục con, bạn không nên nuông chiều con nhưng cũng không nên áp đặt bắt con phải làm những điều mà bé không muốn. Bạn nên chia sẻ và tìm hiểu xem bé thích gì, muốn gì? Bạn có thể khuyến khích bé làm những điều ấy một cách tự lập mà không cần sự trợ giúp từ bạn. Cách nuôi dạy con này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều và rất có ích khi bé lớn lên và phải giải quyết những tình huống khó khăn.

Thương con cái không phải là điều sai trái nhưng thương theo cách nào thì các bậc ông bà cha mẹ phải tỉnh táo để bé trưởng thành tốt nhất nhé.

Phan Anh

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Trẻ hay mơ thấy ác mộng có bất thường?

Bố mẹ nên lưu ý đến cảm xúc của trẻ khi ngủ:

Khi trẻ có những nỗi sợ hãi vào ban đêm, trẻ sẽ la hét thất thanh, có khi khóc nức nở và chòi đạp lung tung với vẻ hốt hoảng,…. lúc này đây hãy nhanh chóng đánh thức bé dậy để cắt đứt những dòng tư tưởng của cơn sợ hãi đang đè nặng lên các nơron thần kinh của trẻ. Việc mơ thấy ác mộng liên tục lặp lại nhiều lần và trong dài ngày như thế là điều hết sức nghiêm trọng, đây có thể là một triệu chứng rối loạn tâm thần trong tương lai không thể coi thường.

Theo đánh giá của các nhà khoa học Anh, có 1 trong 10 trẻ ở độ tuổi 3 – 7 tuổi thường xuyên gặp các cơn ác mộng về đêm, thậm chí có những cơn ác mộng cũng xuất hiện trong giấc ngủ trưa. Những trẻ gặp các cơn ác mộng như thế có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh tâm thần khi trưởng thành. Một số trẻ bị áp lực thực tế của ban ngày đè nặng lên tâm lý khi ngủ, chẳng hạn như bị bạn bè ăn hiếp, bị tra tấn về tinh thần, bị đe doạ từ một cái gì đó siêu nhiên hoặc chứng kiến một cảnh bạo lực không hay hoặc đùa giỡn quá mức, v…v… Vậy làm cách nào để giúp trẻ tránh được những giấc mơ đáng ghét đó?

mo thay ac mong 2
Trẻ nhỏ có trí tưởng tượng phong phú nên rất dễ mơ thấy ác mộng

Những điều bố mẹ cần làm để tránh cho con mơ thấy ác mộng:

– Hạn chế trẻ cười đùa quá mức, tránh cho trẻ xem những bộ phim mang tính bạo lực, khoa học viễn tưởng, kinh dị, ..v..v.. trước giờ đi ngủ.
– Khi con nhỡ vô tình chứng kiến một cảnh bạo lực nào đó trên đường hoặc nghe những điều không hay từ ngoại cảnh,… việc đầu tiên là bố mẹ nên tâm sự với con và vỗ về con, để con giải bày những gút mắc trong lòng. Khi trẻ được giải toả nỗi niềm, dây thần kinh cảm giác của trẻ không còn bị đè nặng bởi những hình ảnh không hay nữa. Và trẻ sẽ vượt qua được những ác mộng một cách nhanh chóng.
– Nếu phát hiện ra con đang bị áp lực về tinh thần, bị bạn bè chọc ghẹo hoặc đang bị đè nén bởi bạo lực học đường,..v…v… thì bố mẹ nên tìm cách xử lý ngay, giải quyết triệt để những việc như thế, giải thoát cho con khỏi những điều không hay ấy. Khi con đã thoát được những tra tấn về tâm lý, con sẽ nhanh chóng có được những giấc mơ ngọt ngào.
– Tắt hết đèn hoặc mở đèn ngủ có ánh sáng nhẹ dễ chịu, giữ không khí trong phòng thoáng mát để giúp trẻ ngủ lâu và sâu hơn.
– Nếu trẻ thức giấc giữa đêm với tâm trạng hoảng hốt vì mơ thấy ác mộng, hãy nhanh chóng đánh thức con dậy, cho con dùng một ly nước lạnh, lau mát con bằng một chiếc khăn ấm, để con kịp thoát khỏi cơn ác mộng trong một vài phút ngắn. Khi trẻ có biểu hiện bực dọc, hét toáng hoặc khóc la thì hãy ôm trẻ vào lòng và thủ thỉ bên tai trẻ những lời an ủi, yêu thương của bố mẹ dành cho con.

Những vấn đề về ác mộng có thể không ngăn chặn được vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, nếu các bố mẹ chịu khó tìm hiểu con hơn sẽ nhận biết sớm con có thường xuyên gặp ác mông hay không, để kịp thời điều chỉnh và để tránh tình trạng này phát triển về rối loạn thần kinh khi trưởng thành.

Minh Trang

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Thứ tự sinh con có ảnh hưởng đến tính cách của trẻ?

Con đầu lòng
Việc nuôi dạy những đứa con đầu lòng thường là sự kết hợp giữa bản năng của cha mẹ, kinh nghiệm từ những người đi trước và thử nghiệm rồi tự điều chỉnh. Những cặp vợ chồng lần đầu làm cha mẹ thường khá lúng túng, cứng nhắc theo những quy định nhưng lại rất toàn tâm, chu đáo và có đặc tính là dễ “nghiêm trọng hóa” mọi vấn đề. Chính điều này có thể tác động đến bé và làm cho bé có khuynh hướng cầu toàn và tham vọng.

Theo các chuyên gia, những đứa bé đầu lòng thường rất tự tin về tất cả mọi thứ. Đây có lẽ là do khi bé cố gắng làm điều gì đó lần đầu tiên, bé sẽ không có anh chị cười giễu nếu bé làm chưa tốt. Bên cạnh đó, đứa con đầu lòng thường sẽ luôn cố gắng để làm hài lòng cha mẹ chúng.

Chân dung của các anh chị hai trong gia đình:

• Đáng tin cậy
Trách nhiệm
• Có tổ chức
• Thận trọng
• Thích kiểm soát
• Tham vọng

Những đứa con giữa
Các bậc cha mẹ đừng ngạc nhiên nếu thấy đứa con thứ của mình có biểu hiện khác với bé đầu lòng.

Tính cách của đứa con giữa sẽ liên quan đến cách bé nhận thức về anh chị mình. Vì vậy, nếu đứa thứ hai nghĩ rằng anh chị lớn của mình luôn được ba mẹ quan tâm, khen ngợi thì bé sẽ có khuynh hướng nổi loạn và tìm mọi cách để mọi người chú ý đến mình!

Những đứa con giữa sẽ có xu hướng:

• Độc lập
• Khả năng đàm phán tốt
• Biết cách lấy lòng người khác
• Nổi loạn
• Có khả năng hòa giải

thu tu sinh con 1
Thứ tự trong gia đình cũng ảnh hưởng tới tính cách con trẻ

Đứa con út
Vào thời điểm các cặp vợ chồng quyết định có đứa con út, họ thường có tâm trạng thoải mái và tự tin hơn với kinh nghiệm nuôi con của mình. Tâm lý và thái độ này sẽ có tác động hai chiều đến bé.

Là con út nhưng chưa hẳn bé sẽ cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất. Bởi vì bé sẽ cảm thấy anh chị của mình nhanh hơn, lớn hơn, mạnh mẽ hơn và thông minh hơn mình, từ đó bé hình thành cho mình thái độ muốn thể hiện để anh chị biết “bé út là ai!”. Vì vậy, bé út sẽ khá nổi loạn, cứng đầu, tỏ ra hư hỏng nhưng thật ra lại rất có duyên và thường là đứa con sáng tạo nhất.

Bé út thường sẽ:

• Yêu đời
• Đơn giản
• Tháo vác
• Hướng ngoại
• Thích được quan tâm và muốn mình là “trung tâm của vũ trụ”

Con một
Với những bé là con một, các bé thường có biểu hiện già dặn và có trách nhiệm. Con một được xem như là đứa con đầu lòng “đặc biệt”. Vì chúng sẽ được cha mẹ yêu thương, quan tâm một cách trọn vẹn mãi mãi còn những bé đầu lòng khác thì ít nhiều, mọi thứ sẽ được điều chỉnh khi những đứa em khác của chúng lần lượt ra đời.

Tuy nhiên không vì vậy mà những bé con một lại quá lệ thuộc vào cha mẹ. Ngược lại, chúng thường rất tự tin, có khiếu ăn nói và chuyên tâm học hành. Nói chung, các bé con một sẽ có khuynh hướng “già trước tuổi”.

Những đứa trẻ là con một có thể sẽ:

• Già dặn hơn so với tuổi
• Cầu toàn
• Trách nhiệm
• Siêng năng
• Có tố chất lãnh đạo

Thứ tự các con được sinh ra sẽ ảnh hưởng đến tính cách của từng bé nhưng đây không phải là tất cả mà còn có những yếu tố khác như di truyền, môi trường, văn hóa và bạn bè của bé. Còn các bé của bạn thì như thế nào? Các bé có nhiều tính cách khác nhau hay không?

MarryBaby

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

4 trò chơi kích thích phát triển trí não cho trẻ tập đi

1. Xếp hình khối
Mẹ cần chuẩn bị một bộ chữ cái bằng gỗ, để bé nhìn và tự do khám phá đồ chơi trong giây lát. Sau đó, mẹ làm mẫu cho bé, lần lượt xếp chồng chữ cái với nhau. Mỗi lần xếp một khối mới, mẹ hãy nói thật to, giọng hào hứng vì tháp chữ cái ngày càng cao hơn. Tiếp theo, mẹ ra hiệu cho bé: “Giờ mình phá tháp nha con” và đẩy ngã chồng chữ cái trước mặt. Bé sẽ rất phấn khích khi được phá đổ tháp chữ cái nên mẹ cứ tập cho bé trò chơi này nhé, dần dà kỹ thuật xếp khối sẽ phát triển nhiều lắm đấy.

2. Ném bóng
Bố mẹ cần chuẩn bị cho bé một quả bóng mềm. Bé có thể mất nhiều thời gian để học cách ném bóng bay lên không trung và mẹ có thể là “nạn nhân” sau cú ném đầu tiên của bé đấy! Trò chơi này hoàn toàn phù hợp cho những buổi dã ngoại cũng như phòng khách nhà mình. Cách chơi là mẹ và bé ngồi đối diện, bàn chân chạm vào nhau, sau đó thay phiên ném qua ném lại quả bóng.

phat trien tri tue cho tre 2
Các loại đồ chơi giáo dục rất tốt cho sự phát triển trí tuệ của trẻ

3. Chơi thú bông
Mẹ có nhận ra dạo này bé hay cầm điều khiển TV, đưa lên tai và nói “A lô a lô” không? Thật dễ thương phải không mẹ? Bước tiếp theo mẹ hãy tập cho bé làm quen với thú bông, búp bê hay mô hình các nhân vật trong phim để mô phỏng những gì bé quan sát được trong nhà. Mẹ và bé cùng ngồi xuống, chuẩn bị muỗng, ly tách và cho bạn gấu bông uống nước hoặc dùng bàn chải đánh răng chải tóc cho búp bê. Điểm đặc biệt của trò chơi này là mẹ không cần phải ở gần bên bé thì bé mới vui nhé.

4. Phân loại màu sắc và hình dạng
Có rất nhiều món đồ chơi phân loại trên thị trường được thiết kế sẵn cho bé nên mẹ cứ lựa chọn thoải mái tùy ý thích. Mẹ có thể kết hợp phân loại hình dạng và đặt chúng vào các ô trống tương ứng hoặc xác định màu sắc khi xếp chồng đĩa lên nhau. Ngoài ra, mẹ có thể để bé phân loại đồ vật theo màu sắc, sau đó là phân loại theo hình dạng. Hãy ngồi cùng bé và bắt đầu làm mẫu cho bé. Nếu bé làm sai, nhẹ nhàng giải thích và xếp lại theo đúng vị trí là được nhé.

MarryBaby

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

10 cách dạy con ngoan không ghen tỵ với em nhỏ

Chuẩn bị cho con quen với em bé sắp chào đời
Dùng hình ảnh hoặc kể chuyện để cho con thấy những bé sơ sinh đáng yêu như thế nào để con quen dần. Nếu bạn có bạn bè, họ hàng nào vừa sinh em bé, bạn nên thường xuyên cho con tới chơi với bé.

Trò chuyện với con về ích lợi của việc có em
Trước tiên, con sẽ có người cùng chơi khi em được vài tuổi. Và anh chị em chính là người bạn thân suốt đời của con. Nếu con còn nhỏ, đừng quên giải thích với trẻ rằng con sẽ cần chờ đến khi em được vài tuổi để em có thể cùng chơi đồ chơi với con.

Không ít đứa trẻ đã bị thất vọng khi em bé sinh ra chỉ khóc, bú và ngủ mà chẳng chịu chơi với trẻ! Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu chính trẻ lúc mới sinh cũng như thế để giúp trẻ hiểu và biết yêu thương em hơn.

Đưa con cùng đi mua sắm cho em
Để con cùng chọn quần áo, đồ chơi cho em sẽ khiến bé thấy mình “người lớn” hơn và đánh thức bản năng làm anh, chị trong bé. Một ngày nào đó, con sẽ rất tự hào khi kể lại với em về món đồ mà anh, chị đã tự mình chọn cho em.

Để em bé “tặng quà” cho anh, chị
Nếu con lớn của bạn cũng chỉ mới vài ba tuổi, đây là một ý tưởng thú vị để tạo cảm tình của con đối với em bé vừa chào đời. Chuẩn bị sẵn một món quà be bé, xinh xinh và thế là khi mẹ sinh em bé, trẻ không chỉ có thêm em mà còn được tặng quà nữa. Đứa trẻ nào lại không thích quà nhỉ?

Đừng bỏ qua những chi tiết không-hoàn-hảo
Trong trường hợp con của bạn đã đủ lớn và hiểu chuyện, bạn nên giải thích cho con rằng em bé không phải lúc nào cũng vui vẻ, tươi cười mà sẽ có những lúc khóc quấy, nôn ói. Cố gắng giúp con hiểu rằng khi còn nhỏ con cũng như thế, theo thời gian em cũng sẽ lớn chững chạc giống như con bây giờ vậy.

Để con cùng ba mẹ chăm sóc em bé
Tùy theo độ tuổi của con, bạn có thể để con giúp chuẩn bị khăn tắm cho bé hoặc lấy tã cho em. Bằng cách này, trẻ sẽ thấy mình có ích hơn. Trẻ sẽ thích được ba mẹ nhờ vả những chuyện như lấy quần áo cho em hoặc hát cho em nghe đấy.

Dạy cho con cách ẵm em
Cho con ẵm em bé sẽ khiến hai con trở nên thân thiết với nhau hơn. Tuy nhiên, cần nhắc con nhớ rằng chỉ được ẵm em bé khi có ba mẹ ở bên. Để đảm bảo an toàn, không bao giờ để con một mình với em vì trẻ có thể làm em đau khi cưng nựng.

ghen ty voi em 1
Ba mẹ có trách nhiệm dạy bảo để trẻ không ghen tỵ với em và biết yêu thương em

Khen ngợi con khi có thể
Khi con lấy quần áo hoặc tã cho em giúp mẹ, đừng quen nói cám ơn và khen con. Ngay cả khi con kiên nhẫn ngồi đợi mẹ cho em bú để tới lúc mẹ chơi cùng, bạn cũng nên thể hiện cho con thấy bạn đề cao sự hợp tác của trẻ.

Tận dụng thời gian ở bên trẻ khi em bé ngủ
Bạn có thể đưa trẻ ra ngoài chơi đồng thời cũng là cơ hội cho bạn vận động một chút. Còn nếu bạn không tiện ra ngoài, có thể cùng bé chơi các trò trong nhà như xếp hình, nặn đất sét…

Khuyến khích trẻ nói ra cảm giác của mình
Thông qua những cuộc chuyện trò thân mật giữa hai mẹ con, bạn sẽ phát hiện ra nếu có điều gì đó về việc có em khiến trẻ khó chịu. Từ đó, bạn có thể giải thích cho trẻ nếu con đã hiểu lầm hoặc tìm cách điều chỉnh để không tạo cảm giác tiêu cực kéo dài cho con. Trò chuyện với nhau là thói quen tốt giúp bạn luôn có thể thấu hiểu và chia sẻ cùng con cũng như tìm kiếm sự hợp tác ở trẻ.

MarryBaby