Categories
Giai đoạn hậu sản Sau khi sinh

Băng huyết sau sinh, tai biến sản khoa nguy hiểm các mẹ cần biết

Theo số liệu tại các bệnh viện phụ sản ở Việt Nam, tỷ lệ băng huyết sau sinh chiếm từ 3-8% tổng số ca sinh. Vậy nên, mẹ cần nâng cao nhận thức về căn bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân khi vượt cạn.

Băng huyết sau sinh là một trong những tai biến sản khoa phổ biến, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho sản phụ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Băng huyết sau sinh là gì?

Băng huyết sau sinh (tên tiếng Anh là postpartum hemorrhage) là tình trạng mất nhiều máu ngay sau khi sinh hoặc trong vài tuần đầu tiên sau sinh, mất hơn 500 ml máu đối với sinh thường qua ngả âm đạo và trên 1000ml đối với mổ lấy thai. Quá trình mất máu có thể diễn ra ồ ạt hoặc từ từ nhưng đều nguy hiểm cho sản phụ.

Trên thực tế, băng huyết sau sinh có thể xảy ra ở bất kì sản phụ nào. Riêng với các mẹ có các yếu tố dưới đây cần được bác sĩ quan tâm hơn vì tỷ lệ băng huyết sau sinh sẽ cao hơn mẹ bầu bình thường:

  • Chuyển dạ kéo dài
  • Chuyển dạ có sử dụng thuốc tăng co
  • Chuyển dạ quá nhanh
  • Tiền sử có băng huyết sau sinh ở lần sinh trước
  • Cắt tầng sinh môn khi sinh
  • Mắc tiền sản giật
  • Tử cung quá căng (do thai to, mang đa thai hoặc đa ối)
  • Bị nhiễm trùng ối trong lúc sinh

băng huyết sau sinh là gì

Nguyên nhân gây băng huyết sau sinh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng băng huyết sau sinh, một số nguyên nhân phổ biến có thể kể tới như:

1. Đờ tử cung, nguyên nhân hàng đầu gây băng huyết sau sinh

Bình thường trong thai kỳ, cùng với sự phát triển của thai nhi, tử cung cũng sẽ gia tăng kích thước. Ngay sau sinh tử cung sẽ tiến hành co hồi và cầm máu. Đờ tử cung là tình trạng tử cung không thể co hồi nhỏ lại sau khi thai nhi đã được lấy ra. Đây là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tình trạng băng huyết sau sinh (chiếm khoảng 80% các trường hợp)

Các yếu tố có thể dẫn đến đờ tử cung ở mẹ bầu có thể gặp như:

– Chất lượng cơ của tử cung kém do người mẹ sinh nhiều lần, hoặc do tử cung có u xơ, tử cung dị dạng.

– Tử cung quá căng do đa thai, nước ối quá nhiều hoặc thai to, phải mổ lấy thai, tăng rủi ro băng huyết sau sinh mổ.

– Quá trình chuyển dạ kéo dài.

– Bị nhiễm trùng ối.

– Thai phụ bị suy nhược, thiếu máu hoặc rối loạn đông máu.

– Dùng thuốc gây mê, oxytocin hoặc một số loại thuốc khác hỗ trợ quá trình chuyển dạ.

2. Tổn thương đường sinh dục

Đây là nguyên nhân thuộc hàng thứ nhì gây nên băng huyết sau sinh. Trong quá trình thai nhi di chuyển qua đường sinh dục mẹ, thành của các tổ chức này có thể quá căng gây nên các vết rách. Đặc biệt nguy hiểm trong những trường hợp vết rách nằm sâu bên trong, khiến máu chảy vào ổ bụng, dẫn đến khó phát hiện kịp thời.

Vỡ tử cung, rách cổ tử cung, âm đạo có thể xảy ra khi đẻ thường. Tuy nhiên, các biến chứng này xuất hiện nhiều hơn trong các trường hợp đẻ khó, cần can thiệp thủ thuật.

3. Bất thường của bánh nhau

Bánh nhau là một cơ quan đặc biệt, nhiều mạch máu, giúp cung cấp oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ qua thai nhi, cũng như vận chuyển các chất thải từ thai về mẹ. Bình thường nhau thai bám ở mặt đáy tử cung. Ngay sau khi em bé được sinh ra, nhau thai cũng sẽ được đẩy ra ngoài dễ dàng qua quá trình “sổ nhau”. Nếu nhai thai không được lấy ra ngoài, hoặc lấy không hết (sót nhau) thì có thể khiến sản phụ bị chảy máu qua các mạch máu của nhau thai.

Sản phụ có nhau bám bất thường như nhau tiền đạo, nhau bám thấp, nhau cài răng lược… là một trong những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng băng huyết sau sinh.

4. Rối loạn đông máu

Rối loạn đông máu có thể do mẹ mắc tình trạng máu khó đông từ trước, hoặc cũng có thể các yếu tố đông máu bị mất đi do những rối loạn trong thai kỳ. Ở người bình thường, khi chảy máu sẽ kích hoạt cơ chế cầm máu, hình thành cục máu đông, ngăn cản tình trạng mất máu. Rối loạn đông máu khiến máu mất nhanh, khó cầm.

Hiện tượng này thường xảy ra trong các trường hợp như: nhau bong non, thai lưu, tắc mạch ối, nhiễm trùng…

Bên trên chỉ là những nguyên nhân thường gặp gây nên băng huyết sau sinh. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều nguyên nhân khác, ít phổ biến hơn, nhưng cũng có thể dẫn tới tình trạng này.

>> Bạn có thể xem thêm: Xét nghiệm gen đông máu trước khi mang thai và những điều cần biết.

Các dấu hiệu của băng huyết sau sinh

dấu hiệu băng huyết sau sinh

Mẹ bị băng huyết sau sinh thường có các dấu hiệu sau:

– Chảy máu từ đường sinh dục: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất, lượng máu có thể nhiều hoặc ít, máu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, máu cục hoặc máu loãng.

– Trường hợp máu chảy ứ trong buồng tử cung khó phát hiện hơn: Đáy tử cung lên cao dần, tử cung to ra theo bề ngang, mềm nhão, không thấy khối cầu an toàn trên xương vệ (xương mu).

– Các dấu hiệu toàn trạng chung mất máu: da xanh niêm nhợt, tay chân lạnh, vẻ mặt hốt hoảng, vã mồ hôi, khát nước, mạch nhanh, huyết áp giảm, có thể bị sốc nếu mất máu quá nhiều.

Biến chứng của băng huyết sau sinh

Tùy thuộc vào mức độ mất máu và việc hồi sức, cầm máu có tích cực hay không mà băng huyết sau sinh gây ra nhiều biến chứng nặng nhẹ khác nhau:

– Choáng do giảm thể tích tuần hoàn, đưa đến suy thận, suy tim, suy não, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong hoặc sống thực vật.

– Tăng nguy cơ nhiễm trùng sau sinh ở mẹ.

– Biến chứng lâu dài của băng huyết sau sinh như thiếu máu, viêm tắc tĩnh mạch, hội chứng Sheehan (do hoại tử tuyến yên dẫn đến suy nhược, gầy ốm, rụng lông tóc, mất sữa, vô kinh), thậm chí không thể có con do cắt tử cung để cầm máu.

>> Mẹ bầu có thể tham khảo thêm: Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại nhà đơn giản mẹ bầu có thể áp dụng ngay!

Dự phòng băng huyết sau sinh

Theo chuyên gia sản khoa, để hạn chế nguy cơ băng huyết sau sinh, mẹ đừng quên làm theo hướng dẫn sau:

– Khám thai định kỳ đầy đủ như lịch hẹn, đặc biệt là với sản phụ mang đa thai, đa ối hoặc thấp bé… Nhờ đó, bác sĩ có thể tiên lượng được cuộc chuyển dạ. Đồng thời, thai phụ sẽ được phát hiện các bệnh lý nội khoa để điều trị sớm, chuẩn bị tốt cho việc sinh nở.

– Cần có chế độ dinh dưỡng khoa học trong thai kỳ, tránh tình trạng thiếu máu, thai nhi quá to, nặng cân.

– Trong thời kỳ mang thai, cần đi thăm khám ngay nếu có một trong các dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra huyết âm đạo, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, thai máy yếu, khó thở…

– Sản phụ cần được xử lý tích cực ở giai đoạn 3 của quá trình chuyển dạ bằng cách kiểm soát tốt quá trình sổ nhau, đề phòng chảy máu sau sinh…

băng huyết sau sinh

– Nên theo dõi sát sản phụ ít nhất 6 giờ sau sinh để kịp thời phát hiện và xử trí kịp thời nếu xảy ra tình trạng băng huyết.

– Ở giai đoạn hậu sản, sản phụ phải được nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc nặng nhọc, không lo lắng quá mức, vì sản phụ vẫn có thể băng huyết muộn sau sinh, băng huyết sau sinh 1 tháng.

– Sau sinh nở, phụ nữ nên giữ gìn vùng kín thật sạch sẽ, không đặt bất kỳ vật gì vào âm đạo. Tuyệt đối không quan hệ nếu còn ra sản dịch để tránh nhiễm trùng.

[inline_article id=246880]

Như vậy mẹ đã biết băng huyết sau sinh là gì. Có thể nói, việc mẹ chăm sóc bản thân đúng cách trong thai kỳ cũng như ở thời kỳ hậu sản góp phần đáng kể trong việc phòng tránh băng huyết sau sinh.

By Lê Tôn Bảo

Hiện nay, Lê Tôn Bảo là writer của các chuyên mục như: Mang thai, Chuẩn bị mang thai và Sau khi sinh của MarryBaby.com.

Anh mong muốn đem đến những kiến thức y khoa, thông tin bổ ích và chính xác cho các mẹ bầu để có một thai kỳ khỏe mạnh.