Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ban biên tập MarryBaby đã có buổi trò chuyện về chủ đề: “Mẹ đi làm sau sinh: Làm sao vẫn giữ được nguồn sữa cho con, chăm sóc sức khỏe bản thân và chu toàn công việc”. Tham dự tọa đàm có thạc sĩ, bác sĩ sản phụ khoa Huỳnh Kim Dung, bác sĩ Nhi khoa Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm, bác sĩ chuyên khoa tâm thần Nguyễn Như Thanh Trâm và chị Trịnh Ánh Kiều (kinh doanh online ở Bình Phước), chị Hồ Thu Thảo (nhân viên văn phòng ở Bình Tân, TP. HCM) và chị Nguyễn Viết Quỳnh Bôi (nhân viên văn phòng ở Tâm Bình, TP. HCM).
MarryBaby: Điều gì thôi thúc mẹ nuôi con bằng sữa mẹ ngay cả khi đã đi làm sau sinh, không thường xuyên ở bên con?
Chị Hồ Thu Thảo
Ngay từ khi có bé đầu lòng, mình đã tham khảo rất nhiều tài liệu nên ý thức được sữa mẹ cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của bé yêu. Không chỉ là nguồn dinh dưỡng và cung cấp kháng thể tốt cho bé mà việc cho con bú mẹ còn là kênh gắn kết cực kỳ quan trọng giữa mẹ và con trong những năm tháng đầu đời. Do đó, mình quyết định sẽ cho con bú sữa mẹ trong năm đầu tiên và lâu hơn nếu có thể.
Chị Trịnh Ánh Kiều
Mình biết sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ, nên sau thời gian nghỉ thai sản thì mình quyết định không đi làm sau sinh mà xin nghỉ việc tại công ty ở Sài Gòn để ở nhà chăm sóc con và kinh doanh online. Quyết định này của mình không nằm ngoài mục đích bé cưng được bú mẹ lâu nhất có thể. Thêm một lý do mà mình kiên trì nuôi con bằng sữa mẹ là một phần bé không hợp tác khi dùng thêm sữa ngoài và mình không có người chăm bé nếu quay lại với công việc tại công sở.
Chị Nguyễn Viết Quỳnh Bôi
Là mẹ nên mình hiểu sữa mẹ rất quan trọng với bé, nhất là với các bé sinh non như bé con nhà mình (sinh ở tuần 33, chỉ nặng 1,5kg). Do đó, mình cố gắng duy trì việc cho con bú mẹ lâu nhất có thể, kể cả khi đã quay trở lại đi làm sau sinh.
MarryBaby: Để có thể nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian lâu nhất, trước khi trở lại đi làm sau sinh, mẹ đã chuẩn bị những gì?
Chị Nguyễn Viết Quỳnh Bôi
Bé nhà mình từ lúc sinh ra đã nằm lồng ấp nên không được ti mẹ trực tiếp. Con sớm làm quen với việc đút ăn bằng thìa và bú bình nên rất thuận lợi khi mẹ chuẩn bị đi làm sau sinh.
Mỗi ngày đi làm, mình đẩu quảy theo “túi ba gang” đựng máy hút sữa. Do tính chất công việc của mình là dịch vụ nên việc vắt sữa tại chỗ làm không thuận tiện cho lắm, khó chủ động trong việc vắt sữa theo cữ bú của con. Thế nên, lúc nào tiện thì mình tranh thủ vắt nên thường chỉ vắt được 2 cữ trong 1 ngày làm việc mà thôi.
Trộm vía, nguồn sữa của mình rất dồi dào. Từ lúc chưa sinh, ở thai kỳ tháng thứ 7 mà sữa đã bắt đầu về và chảy tràn. Tuy nhiên cũng có những khoảng thời gian khi mình stress thì sữa sẽ tắc, nhưng nếu mình kiên trì, kích bằng máy hút thì sữa sẽ về lại.
Thật may mắn, là mẹ con mình có bà ngoại đồng hành ngay từ ngày đầu tiên bé chào đời. Ngoại chăm cháu rất kỹ và nề nếp, em bé xa mẹ cũng không quấy khóc mà rất hợp tác với ngoại nên mình rất yên tâm. Hơn nữa, 3 tháng đầu quay trở lại công việc sau chế độ thai sản, mình được chỗ làm ưu ái xếp ca sáng, nhờ đó mà mình có nhiều thời gian chăm con và nghỉ ngơi.
Chị Trịnh Ánh Kiều
Tuy xác định là sẽ bán hàng online không quay lại với công việc công sở. Thế nhưng, mình biết không phải lúc nào mình cũng có thể ở cạnh bé nên để tập nếp sinh hoạt – ăn ngủ cho con, mình đã lên mạng tìm hiểu thêm các kỹ năng nuôi dạy con.
Sau thời gian nghỉ thai sản, trước khi bắt đầu kinh doanh online, mình nhận thấy bản thân có sự trì trệ… Mình nghĩ điều này là do cơ thể ở trong trạng thái nghỉ ngơi quá lâu. Mình xác định việc cần làm là xốc lại tinh thần để nạp thêm năng lượng, có như thế thì việc buôn bán online mới được suôn sẻ và có thể chăm con thật tốt. Bởi mình tin rằng mẹ có vui thì nguồn sữa mới tốt, con mới khỏe. Ngoài ra, để việc bán hàng online đạt hiệu quả, mình đã tự trau dồi thêm về kỹ năng bán hàng trực tuyến, cách cân bằng giữa công việc – chăm sóc con và nghỉ ngơi. Ngoài ra, mình còn tìm hiểu các bí quyết chăm sóc da và tóc vì sau sinh làn da và mái tóc của mình có vẻ “xuống cấp”…
Chị Hồ Thu Thảo
Từ lúc bé 3 tháng tuổi, mình đã tập cho con ăn ngủ theo giờ giấc, con cũng hợp tác khá tốt. Khi mình đi làm sau sinh, mình nhờ bà nội trông con. Hằng ngày, đến cữ ăn thì bà bỏ sữa vào máy hâm và cho bé uống, đến giờ thì cho bé đi ngủ. Mình còn tập cho con biết phân biệt ngày đêm, ngủ xuyên đêm từ sớm để con và mẹ đều ngủ đủ giấc, không bị thức đêm mệt mỏi.
Do xác định sẽ cho con bú sữa mẹ ngay cả khi đã quay lại với công việc tại văn phòng nên mình đã tìm hiểu các loại máy hút sữa và sử dụng dần cho quen. Công ty mình có bố trí phòng để hút sữa, có tủ để sữa cho các mẹ có con nhỏ nên mình thấy rất tiện lợi. Để duy trì nguồn sữa, mình vắt sữa đều các cữ và uống thêm ngũ cốc lợi sữa, chè vằng, ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước. Do đó, thời gian đầu bé bú liên tục thì mình cũng quen nếp, cứ 3 giờ thì hút một lần để duy trì nguồn sữa ổn định cho con. Sau, mình giãn dần cữ hút ra, 4 giờ hút 1 lần. Công ty mình có chế độ nghỉ ngơi cho mẹ nuôi con nhỏ nên mỗi ngày mình đều được về sớm hơn mọi người. Công việc cũng có các bạn trong team hỗ trợ để mình có thể cân bằng được công việc ở công ty và việc chăm con nhỏ.
Tư vấn chuyên gia: Bác sĩ Nhi khoa Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Mẹ cần chuẩn bị cho sự thay đổi trước khi quay trở lại công việc, thời gian thực hiện thích hợp khoảng 1 tháng trước khi đi làm lại. Thông thường, sau 6 tháng hậu sản là thời điểm mẹ đi làm lại. Đây cũng là lúc trẻ nên bắt đầu tập ăn dặm kết hợp với bú sữa mẹ.
Do đó, mẹ hãy lập kế hoạch cho một số thực phẩm trong chế độ ăn cũng như cách chế biến vừa nhanh vừa đảm bảo dinh dưỡng. Bạn có thể thử nấu nhiều hơn mức cần thiết và trữ đông thức ăn cho các bữa ăn sau trong vài ngày. Vì đôi khi bạn cần những bữa ăn nhanh khi không có thời gian đi mua sắm.
Về cách tập cho bé bú bình khi mẹ đi làm sau sinh, mẹ nên làm theo gợi ý sau:
- Đối với sữa mẹ, mẹ nên vắt sữa thường xuyên và trữ đông để đảm bảo đủ lượng sữa cần thiết trong lúc mẹ không ở nhà.
- Mẹ có thể nhờ người khác (chồng, ông bà, hay người chăm sóc trẻ) tập cho bé bú sữa bình hay đút muỗng 1 – 2 cữ/ngày trong thời gian đầu, sau đó tăng dần số cữ lên.
- Những lúc này, mẹ không nên xuất hiện trong tầm nhìn của trẻ vì trẻ đã quen bú mẹ trực tiếp, nhất định không chịu bú bình nếu thấy mẹ.
- Đến giai đoạn đi làm, mẹ nên cho trẻ bú trực tiếp vào ban đêm hoặc bất cứ khi nào có thể cho trẻ bú để kết nối tình mẹ con và tăng thêm lượng sữa.
- Ngay tại cơ quan, mẹ cũng nên tranh thủ vắt sữa mỗi 3 – 4 tiếng/lần để duy trì nguồn sữa mẹ khi trẻ không bú trực tiếp.
- Giai đoạn này trẻ cũng dần nhận biết người lạ người quen, do đó, nếu muốn để người khác chăm sóc trẻ, hãy để họ làm quen với trẻ từ sớm vài tuần trước khi mẹ đi làm. Khi đó, việc chăm sóc giấc ngủ cũng như bữa ăn của người chăm sóc trẻ khi không có mẹ ở nhà sẽ ít vất vả hơn.
MarryBaby: Khi đi làm sau sinh, bạn đã thực hiện chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi của bản thân như thế nào?
Chị Trịnh Ánh Kiều
Vì mình làm việc tại nhà nên thời gian nghỉ ngơi luôn thoải mái hơn. Mình tranh thủ lúc con ngủ để làm việc và nghỉ ngơi: làm việc bán hàng online, xem phim hay lướt web…
Trong việc lấy lại vóc dáng sau sinh thì may mắn là mình có tạng người nhỏ nên lấy lại dáng rất nhanh, trong tháng đầu tiên sau sinh mình đã đạt được cân nặng tiêu chuẩn. Để nguồn sữa được tốt và cơ thể được khỏe mạnh, mình không kiêng khem mà luôn ăn đủ các loại thực phẩm, uống vitamin bổ sung. Việc bán hàng online cần sự linh động về thời gian nên mình thường tranh thủ buổi tối lúc bé ngủ để tập vài bài tập yoga giãn cơ theo YouTube.
Mình cũng từng hút sữa để trữ cho bé uống khi mình có việc bận. Thế nhưng việc không thể hút đúng cữ thường xuyên khiến cơ thể tiết sữa ít hơn và sữa khi giữ lạnh có mùi không ngon nên bé không bú. Do đó, mình quyết định chỉ cho bé ti mẹ trực tiếp thôi.
Chị Quỳnh Bôi
Do sinh mổ cần hạn chế vận động và thời điểm sắp đi làm sau sinh trở lại, cân nặng đã về lại vạch xuất phát nên mình không áp lực về chuyện phải giảm cân bằng chế độ ăn khắt khe hay tập luyện vất vả. Sau sinh, thậm chí mình còn có xu hướng ăn nhiều để thỏa cơn thèm những ngày ở cữ. Mỗi ngày, tranh thủ lúc sáng sớm, mình đi bộ nhẹ nhàng để duy trì sức khỏe, tăng sự dẻo dai của cơ thể.
Để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể những khi bận rộn, mình thường tranh thủ uống ngũ cốc do chính tay mẹ mình rang đậu và đem xay. Ngũ cốc nhà làm luôn là giải pháp tối ưu của mình. Lúc ở công ty, mẹ dành phần nhiều thời gian để hút sữa, rồi nếu dư chút thời gian sẽ cố gắng chợp mắt một chút. Để duy trì nguồn sữa cho con, ngay khi nhận thấy lượng sữa có dấu hiệu giảm, mình liền uống nhiều nước, thả lỏng thư giãn và kiên trì dùng máy hút đều đặn đúng cử để kích thích sữa về.
Thu Thảo
Mình thuộc “nhóm ăn cả thế giới” cũng không mập nên sau sinh gần như không phải ăn kiêng để giảm cân. Để đảm bảo chất lượng sữa mẹ cho bé, mình ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước, tránh thức uống có caffeine và thức khuya. Đồng thời, để học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi con, cách duy trì nguồn sữa mẹ, mình thường tham khảo chia của các mẹ, các chị ở các trang tin cũng như các hội nhóm trên Facebook. Khi nhận thấy sữa tiết ra ít dần, mình tích cực ăn các loại thực phẩm lợi sữa, uống ngũ cốc, rút ngắn cữ hút sữa, và tránh thức khuya.
Mình thường mua sẵn nhiều đồ ăn dự trữ như các loại hạt, sữa ngũ cốc, bánh và sữa để sẵn ở bàn làm việc để có thế ăn lúc quá bận rộn không kịp ăn cơm. Ngoài ra, mình vẫn duy trì việc uống chè vằng ấm để cơ thể luôn được dung nạp đủ lượng nước.
Mình chỉ có thể đi bộ trong nhà mỗi khi rảnh. Buổi sáng, mình cho cả con ra tắm nắng để tinh thần sảng khoái. Buổi chiều mình cho con đi dạo kết hợp đi bộ.
Do đã luyện con vào nề nếp từ trước nên mình cũng có khá nhiều thời gian cho bản thân trong giai đoạn chăm con. Những lúc rảnh, mình thường đọc thêm sách để tìm hiểu về việc nuôi dạy con và làm những điều yêu thích như nghe nhạc, xem phim, trò chuyện với bạn bè. Buổi trưa ở công ty, sau khi ăn trưa và hút sữa xong, mình thường nghỉ ngơi nghe nhạc rồi mới bắt đầu giờ làm việc buổi chiều.
Phần tư vấn của chuyên gia: ThS – BS Huỳnh Kim Dung
Sau sinh các chị em đều muốn lấy lại vóc dáng, đặc biệt khi gần đến thời điểm đi làm lại. Thế nhưng kiêng khem quá mức sẽ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng sữa mẹ. Thường trong suốt 6 tháng đầu, để duy trì nguồn sữa, mẹ chưa nên ăn kiêng, có thể thực hiện các bài tập nhẹ và tăng cường vận động để tránh quá béo bụng.
Khi con bắt đầu ăn dặm thì lúc này bạn có thể dần điều chỉnh lại chế độ ăn của mình để kiểm soát cân nặng bằng cách cắt giảm tinh bột và đường. Bạn phải luôn nhớ uống thật nhiều nước, càng nhiều càng tốt, vừa giúp lợi sữa vừa hỗ trợ giảm cân. Sau 5 giờ chiều bạn không nên ăn nữa, đói quá thì ăn ít trái cây ít đường. Tranh thủ ngủ, đừng để thiếu ngủ quá nhiều.
Với các mẹ đi làm sau sinh nuôi con bằng sữa mẹ nhưng công việc quá bận rộn, không thể ăn uống đầy đủ, hãy dành ra ít thời gian cuối tuần để lên thực đơn, đi chợ mua sẵn thực phẩm dành nấu ăn cho cả tuần sau, sơ chế hoặc nấu sẵn bỏ vào ngăn đông để tiết kiệm thời gian. Nếu quá bận không thể nấu, bạn hãy chọn thực phẩm tại những cửa hàng chế biến sẵn sạch sẽ, uy tín để mua nhưng nên hạn chế ăn ngoài.
Ngoài ra, bạn cần dự trữ sẵn đa dạng thức ăn khô, như các loại hạt, ngũ cốc, granola, biscotti, rong biển… Những thứ này vừa để ăn vặt hoặc ăn nhanh đỡ đói khi quá bận không thể ăn đúng giờ, vừa có thể làm bữa sáng nhanh, ví dụ bạn trộn yến mạch, hạt óc chó, chuối, sữa chua không đường thêm tí mật ong, thế là có ngay bữa sáng dinh dưỡng.
Một dạng “thức ăn nhanh” lành mạnh khác là smoothie. Bạn có thể chế 1 ly sinh tố giàu dưỡng chất với công thức sau:
- 300ml nước
- Chuối, táo: mỗi thứ 1 quả hay trái cây tùy thích
- Cải bó xôi: 1 nắm
- Hạt: 1 ít hạt tùy thích, bạn có thể dùng hạt chia đã ngâm nở
Để duy trì nguồn sữa cho con, mẹ vẫn nên vắt sữa đều đặn. Nếu nhận thất lượng sữa tiết ra ít dần, mẹ cần được nghỉ ngơi, thư giãn thường xuyên… tránh việc căng thẳng dễ dẫn đến mất sữa sớm. Ngoài ra, mẹ cần uống đủ nước hàng ngày, ăn bổ sung các loại hạt và đậu, ăn thêm trứng, rong biển; uống sữa hạt, các loại nước ép…
Bên cạnh việc vắt sữa, mẹ cũng cần tranh thủ cho con bú để kích thích xuống sữa, các thời điểm như trước khi đi làm, ngay sau khi đi làm về, trước khi đi ngủ. Việc cho con bú vào ban đêm có thể kích thích khả năng sản xuất sữa của cơ thể và tăng lượng sữa cho con.
Bác sĩ Nhi khoa Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm tư vấn
Mẹ đi làm sau sinh nuôi con bú nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và uống đủ nước. Ngoài ra, mẹ nên dành những khoảng thời gian riêng cho bản thân để nghỉ ngơi và thư giãn, tình trạng căng thẳng sau sinh có thể làm giảm tiết sữa. Hạn chế dùng các chất kích thích.
Một số bệnh lý có thể cản trở việc sản xuất sữa như huyết áp cao do mang thai, bệnh tiểu đường, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) … Vậy nên, sự tuân thủ điều trị của bác sĩ là rất quan trọng.
MarryBaby: Để có thể cân bằng giữa việc đảm bảo công việc, không bị quá tải, chu toàn việc chăm con…, mẹ có nhận được sự hỗ trợ nào từ các thành viên trong gia đình (chồng, cha mẹ, anh chị em…) và tại nơi làm việc không?
Ánh Kiều
Mình sinh bé xong thì ở nhà mẹ, gia đình mình cực kỳ thích con nít nên việc “tận dụng sự trợ giúp” trông bé khi bận hoặc lúc không khỏe đều rất thuận lợi. Ban đêm, mình trông con nên ban ngày cần nghỉ ngơi thêm thì có thể nhờ mọi người dễ dàng.
Thu Thảo
Do chồng mình làm việc tại nhà nên mình cũng tận dụng được khá nhiều sự giúp đỡ của chồng trong việc chăm sóc con. Từ việc nhà đến việc nấu ăn, chăm con, chồng đều có thể hỗ trợ mình, nên cũng khá thoải mái.
Tại nơi làm việc, trong thời gian đầu mới đi làm lại, mình may mắn được sếp luôn ưu ái giao việc linh động thời gian, việc không quá gấp. Bên cạnh đó, mình được đồng nghiệp luôn hỗ trợ mình trong công việc khi đi làm sau sinh. Do đó, với bà mẹ bỉm sữa đi làm như mình, mình cảm thấy khá thoải mái.
Quỳnh Bôi
Ở nhà, bà ngoại – “nhân vật siêu nhân” đã giúp lần đầu làm mẹ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, tại nơi làm việc, mình được cấp trên sắp xếp ca làm việc cho phù hợp, đi khi còn được đồng nghiệp hỗ trợ rất nhiệt tình, luôn tạo không gian để mình hút sữa. Do đó, việc quay lại công sở của mình rất thuận lợi.
Một lần nữa, “yếu tố siêu nhân” giúp mình có thể sắp xếp chu toàn mọi thứ để trở lại công việc đi làm sau sinh lẫn chăm sóc bản thân là bà ngoại, ngoại đã đóng vai trò rất lớn trong hành trình làm mẹ và lớn lên của bé.
>>> Mẹ có thể xem thêm: Ảnh hưởng của stress nơi công sở với sức khỏe phụ nữ
Phần tư vấn của chuyên gia tâm lý
Thật vui vì 3 bà mẹ của chúng ta có mặt trong buổi tọa đàm hôm nay đều nhận được những sự trợ giúp tích cực trong việc chăm con, chăm sóc bản thân và hoàn thành công việc. Bác sĩ xin chúc mừng 3 bà mẹ nhé!
Nhân buổi tọa đàm nãy, bác sĩ có chút lưu ý dành cho các mẹ là cuộc sống hiện đại đi kèm với nhiều những căng thẳng, lo âu, phụ nữ sau sinh lại càng dễ bị ảnh hưởng.
Sự thay đổi nội tiết tố sau sinh, những căng thẳng khi phải vừa chu toàn công việc vừa chăm sóc con cái khiến cho người phụ nữ mệt mỏi, kiệt sức và dễ đưa đến các rối loạn về sức khỏe tinh thần ở nhiều mức độ khác nhau như trầm cảm thoáng qua (baby blues), trầm cảm nặng, trầm cảm có loạn thần. Các triệu chứng thường gặp có thể thấy như: cảm giác buồn, dễ khóc, dễ xúc động, mất ngủ hoặc ngủ nhiều, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, cáu kỉnh, dễ nổi giận, đau đầu và đau nhức cơ thể, cực kỳ mệt mỏi, không có năng lượng, lo lắng quá mức về nhiều vấn đề, cảm giác tội lỗi vì không có khả năng chăm sóc con, muốn làm hại đứa trẻ, lo lắng hoảng loạn, ảo tưởng, ảo giác hoặc có ý định tự sát. Các triệu chứng trầm cảm thường phát triển trầm trọng trong vòng 1 tháng sau sinh, nhưng có thể khởi phát đột ngột hơn.
Trầm cảm sau sinh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như suy giảm khả năng tự chăm sóc bản thân và trẻ, không gắn kết với bé dẫn đến các rối loạn về tình cảm, nhận thức và nhân cách ở đứa trẻ sau này. Trường hợp nặng người mẹ có thể có các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác dẫn đến tự tử và làm hại đứa trẻ.
Việc phát hiện sớm, can thiệp phù hợp giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm cho mẹ và bé.
Do đó, nếu có nghi ngờ, mẹ nên đi khám ở các phòng khám chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Thực tế là với một số người việc chia sẻ các triệu chứng trầm cảm của mình với bác sĩ tâm thần là một việc khó khăn. Thế nên, mẹ có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hướng dẫn những cách vượt qua khó khăn và khủng hoảng. Việc trao đổi trong hội nhóm những người cũng mới làm mẹ như mình có thể giúp các bạn tìm được sự đồng cảm và chia sẻ lẫn nhau những biện pháp để giải quyết tình trạng hiện tại. Đồng thời sự lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành của gia đình đặc biệt là người chồng rất quan trọng, bằng các biện pháp như: chủ động hỗ trợ trong việc chăm sóc em bé, chuẩn bị cho người mẹ những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng và tạo điều kiện để vợ có những giấc ngủ trọn vẹn, thường xuyên tâm sự, chia sẻ những niềm vui trong cuộc sống để giúp người mẹ không cảm thấy đơn độc và dễ dàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trầm cảm sau sinh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như suy giảm khả năng tự chăm sóc bản thân và trẻ, không gắn kết với bé dẫn đến các rối loạn về tình cảm, nhận thức và nhân cách ở đứa trẻ sau này. Trường hợp nặng người mẹ có thể có các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác dẫn đến tự tử và làm hại đứa trẻ.
Việc phát hiện sớm, can thiệp phù hợp giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và ngăn chặn những hậu quả nguy hiểm cho mẹ và bé.
>>> Mẹ có thể quan tâm: Stress sau sinh mổ, vấn đề nhiều mẹ bỉm cần tìm cách vượt qua
ThS – BS Huỳnh Kim Dung
Mình xin bổ sung thêm răng ngoài các dấu hiệu về tinh thần, các bà mẹ sau sinh cũng nên hết sức chú ý về các dấu hiệu thể chất sau đây.
Đau đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, ra máu âm đạo bất thường… đều là những dấu hiệu cảnh báo về mối đe dọa sức khỏe nào đó. Đặc biệt các mẹ có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu…càng cần phải chú ý hơn.
Do đó, nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường, mẹ đừng ngần ngại đi khám để được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Bởi mẹ có khỏe thì mới nuôi con tốt được.
Nuôi con bằng sữa mẹ cần sự cố gắng rất nhiều của mẹ bởi đây là một hành trình dài và có rất nhiều thử thách. Khi mẹ đi làm sau sinh, việc cân bằng giữa công việc – chăm sóc con và bản thân là không hề đơn giản. Thông qua buổi tọa đàm này, MarryBaby hy vọng với sự chia sẻ của 3 bà mẹ cùng những tư vấn hữu ích từ các chuyên gia bạn đã bỏ túi được cho mình những “bí kíp hữu ích”!