Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì thế, nhiều mẹ dù bận rộn với công việc vẫn thường chọn cách hút sữa sẵn và bảo quản trong tủ lạnh để cho con dùng dần chứ không dùng sữa công thức.
Tuy nhiên, nếu bạn bảo quản sữa không đúng cách thì rất có thể sữa mẹ sau khi rã đông sẽ có mùi tanh và vị lạ. Hãy cùng tìm hiểu sữa mẹ rã đông có mùi tanh có thể cho con dùng được không qua bài viết dưới đây bạn nhé.
Sữa mẹ rã đông có mùi tanh có nên cho con dùng không?
Sữa mẹ thông thường sẽ có mùi thơm dễ chịu, vị nhạt và khác biệt hoàn toàn với các loại sữa khác. Vậy sữa mẹ rã đông có mùi tanh thì mẹ có nên cho con bú không? Bạn cần nhận biết 2 điều dưới đây:
- Sữa mẹ sẽ có mùi lạ như mùi tanh, mùi kim loại, mùi xà phòng,… sau khi trữ đông do tác động của enzyme lipase đã bẻ gãy các chất béo ở sữa mẹ vắt ra trong quá trình để tủ lạnh. Tuy nhiên, sữa mẹ lúc này vẫn an toàn, bạn có thể cho bé bú.
- Trong trường hợp sữa mẹ rã đông có mùi tanh sau khi bảo quản trong tủ lạnh lâu ngày hoặc bảo quản sai cách thì bạn cần xác định được sữa có bị hỏng không trước khi cho con bú.
Cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng
Dưới đây là cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng sau khi rã đông để bạn tránh không nên cho con bú tiếp nữa.
1. Sữa bị nổi váng
Trong thành phần sữa mẹ có chứa rất nhiều chất béo, nên khi bảo quản, sữa mẹ nổi váng là điều bình thường. Nếu mẹ lắc sữa lên thấy lớp váng hòa vào sữa nghĩa là chất lượng sữa vẫn còn tốt, bé có thể dùng được.
Ngược lại, nếu mẹ thấy dù lắc nhiều mà sữa và lớp váng vẫn tách biệt thì rất có thể sữa đã bị quá hạn, hư hỏng, mẹ không nên cho con bú nữa. Ngoài ra, lớp váng sữa thường sẽ có màu trắng đục, vì vậy lúc sữa chuyển sang màu khác và có mùi thì mẹ nên bỏ không dùng nữa.
2. Sữa mẹ có mùi hôi
Sau khi mở nắp, nếu sữa mẹ có mùi hôi, chua, tanh nồng và gây cảm giác khó chịu so với ngày đầu mới bảo quản thì chắc chắn sữa đã hư và không còn đảm bảo chất lượng nữa.
3. Vị của sữa khác lạ
Sữa của mỗi người mẹ là khác nhau và cũng rất khó để mẹ kiểm tra sữa bằng mắt thường được. Để xác nhận sữa đã bị hỏng hay không thì trước khi cho bé sử dụng, mẹ hãy thử một lượng sữa nhỏ. Nếu sữa có vị chua, tanh khó chịu như sữa bò, sữa tươi để lâu ngày thì mẹ nên bỏ ngay.
[inline_article id=182362]
4. Sữa quá thời gian bảo quản
Sữa mẹ sau khi vắt ra có thời gian bảo quản khác nhau tùy từng điều kiện. Thông thường, sữa mẹ trữ đông sẽ để được tối đa khoảng 2 tuần trong ngăn đá tủ lạnh 1 cửa. Nếu sữa đã quá hạn dẫn đến sữa mẹ rã đông có mùi tanh thì mẹ không nên tiếc mà tận dụng tiếp.
5. Trẻ có biểu hiện khác lạ khi bú sữa
Bé uống sữa mẹ rã đông mà quấy khóc không chịu bú, đi ngoài, tiêu chảy, nôn mửa thì có thể là do sữa có vấn đề. Lúc này, mẹ nên xem lại sữa để phát hiện kịp thời và loại bỏ sữa hư.
Nguyên nhân khiến sữa mẹ rã đông có mùi tanh
1. Do bạn trữ đông phần sữa bé bú dư
Bé bú sữa sẽ để lại vi khuẩn trong miệng trên bình, túi sữa… Nếu bạn tiếp tục đem phần sữa bé bú còn thừa lại để trong tủ lạnh sẽ làm cho vi khuẩn xâm nhập vào sữa và làm hư sữa.
2. Hòa chung sữa mới vắt và sữa đã trữ đông
Sữa mới vắt mà bạn đem đi trộn với sữa đang cấp đông sẽ làm ấm sữa, tạo điều kiện cho vi khuẩn đang bị “vô hiệu hóa” tỉnh lại và gây hại cho sữa, khiến sữa có mùi tanh.
3. Hâm nóng sữa không đúng cách
Nhiều mẹ muốn tan sữa nhanh nên hâm nóng sữa với nhiệt độ cao. Tuy nhiên, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm sữa bị mất các hàm lượng dinh dưỡng và chất kháng thể nên khiến sữa có vị lạ.
4. Lượng lipase trong sữa mẹ gia tăng khi để tủ lạnh
Khi sữa để trong tủ đông, có nhiệt độ thấp, lượng lipase có trong sữa mẹ sẽ gia tăng dẫn đến sữa có mùi lạ và sữa mẹ rã đông sẽ có mùi tanh hơn bình thường.
5. Bảo quản sữa không đúng cách
Trong quá trình vắt sữa thì các vật dụng để hút, trữ sữa nếu không được tiệt trùng kỹ hoặc mẹ mua phải hàng kém chất lượng, không chuyên dụng để đựng sữa thì sẽ làm sữa nhanh hư.
Hơn nữa, bạn mở tủ lạnh ra vào thường xuyên cũng có thể làm nhiệt độ của tủ lạnh không đủ khiến sữa không đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, sữa mẹ rã đông có mùi tanh cũng có thể là do đã quá hạn sử dụng.
Cách xử lý khi sữa mẹ có mùi tanh
Đối với trường hợp sữa mẹ rã đông có mùi tanh mà chưa bị hỏng, bạn cần thực hiện theo các bước dưới đây để khử mùi lạ của sữa:
- Bước 1: Mẹ lấy sữa ra cốc thủy tinh để tan bớt đá
- Bước 2: Sau khi sữa tan đá, bạn cho sữa vào nồi để hâm nóng sữa. Bạn lưu ý không để sữa sôi, chỉ đun đến lúc hơi sủi bọt (khoảng 70-80ºC để ngăn chặn hoạt động của enxim lipase).
- Bước 3: Cho sữa ra cốc thủy tinh rồi đặt ngay cốc thủy tinh vào thau nước lạnh để giảm bớt nhiệt độ sữa. Bạn chờ sữa nguội bớt là có thể cho con uống được.
Nếu bé không chịu uống sữa rã đông có mùi tanh, bạn có thể trộn lẫn sữa đã rã đông với sữa mới vắt theo tỷ lệ 3:7 để bớt mùi rồi cho bé bú. Nếu bé vẫn không chịu uống thì bạn cần tăng lượng sữa mới vắt lên cho đến khi bé quen dần thì giảm xuống.
Mẹ cần lưu ý gì để sữa mẹ rã đông không có mùi tanh?
Bạn cần lưu ý một số điều dưới đây để tránh sữa mẹ rã đông có mùi tanh.
- Dụng cụ hút sữa, bình đựng, túi đựng sữa mẹ sau khi vắt ra cần đảm bảo là hàng chất lượng, uy tín và khử trùng sạch sẽ trước mỗi lần dùng.
- Cần hút sữa đúng cách và kiểm tra mùi vị sữa trước khi cho vào tủ lạnh.
- Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh với nhiệt độ thích hợp để sữa không bị hỏng
- Nên ghi chú trên túi đựng sữa ngày bảo quản để đảm bảo không cho bé dùng sữa quá hạn.
- Không nên để sữa ở phần cánh tủ lạnh vì việc mở ra đóng vào nhiều lần để lấy thực phẩm cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ bảo quản sữa và làm sữa hư nhanh hơn.
- Khi sữa mẹ rã đông có mùi tanh, bạn không nên hâm nóng bằng lò vi sóng. Bạn cũng có thể dùng máy hâm sữa để đảm bảo chất lượng không bị mất hay giảm đi.
- Không nên bảo quản sữa lần nữa sau khi đã rã đông. Mẹ chỉ nên lấy và tích sữa đủ dùng cho trẻ.
Sữa mẹ rã đông có mùi tanh thông thường không đáng lo nếu mẹ biết cách xử trí. Trường hợp sữa mẹ bị hỏng thì bạn cần phải thay mới ngay để đảm bảo cho con yêu có nguồn sữa chất lượng nhất nhé.
Đào Phương Anh