Categories
Sau khi sinh Các chủ đề sau sinh khác

Cảnh báo nguy cơ sa tử cung ở mẹ sau sinh

Sau sinh con là lúc mẹ trải qua bao thử thách. Không chỉ có những mệt mỏi, những lo lắng trong quá trình chăm trẻ mới sinh, mẹ còn thường xuyên đứng trước những những thay đổi bất lợi của cơ thể. Sa tử cung sau sinh là một trong số những vấn đề đó.

Sa tử cung có nguy hiểm không và mẹ đã biết đâu là những triệu chứng và cách xử lý khi bị sa tử cung? Những thông tin chi tiết dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu rõ nguyên nhân, biểu hiện và các bước để phòng tránh và xử lý tình trạng này.

Sa tử cung sau sinh là gì?

Sa tử cung hay sa dạ con là hiện tượng tử cung sa thấp xuống trong âm đạo. Ở mức độ nặng, tử cung sa xuống thấp và lộ ra hẳn bên ngoài âm đạo. Bệnh thường kèm theo sa thành trước âm đạo và bàng quang hoặc sau âm đạo.

Sa tử cung thường xảy ra với phụ nữ sau khi sinh, đặc biệt là những người làm việc nặng, những người đã sinh con nhiều lần và thường xảy ra ở lứa tuổi 40-50 trở lên. Đồng thời, bệnh cũng xảy ra ở các phụ nữ trẻ tuổi nhưng ít gặp hơn.

sa tử cung sau sinh 1
Sa tử cung là bệnh lý khá nguy hiểm sản phụ cần cẩn trọng

Sa dạ con sau sinh xảy ra ở 3 mức độ khác nhau:

Sa tử cung độ 1:

Phần tử cung bên trên bắt đầu chớm trĩu xuống cổ tử cung. Tình trạng sa tử cung lúc này không gây ảnh hưởng gì nhiều ngoài viêc khiến mẹ dễ bị tiểu không tự chủ do tử cung gây sức ép lên khung chậu và bàng quang.

Sa tử cung độ 2:

Tử cung hạ xuống đến âm đạo. Nếu bạn đang đi vệ sinh hoặc đứng trong thời gian quá lâu, cổ tử cung có thể bị đẩy ra ngoài cơ thể. Nếu bị sa tử cung ở mức độ này, bạn có thể trải qua tình trạng tiểu són liên tục.

Sa tử cung độ 3:

Toàn bộ tử cung sa hẳn ra khỏi âm đạo. Trường hợp này hiếm khi xảy ra ở những người trẻ mà phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi và đã bị sa tử cung khá nặng mà không chữa trị.

Như vậy, sa tử cung nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và đặc biệt là đời sống chăn gối. Nếu sa tử cung ở mức độ nặng và phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung, bệnh nhân sẽ không còn khả năng mang thai nữa.

[inline_article id=212449]

Nguyên nhân sa dạ con sau khi sinh

Sau sinh một tháng, tử cung của sản phụ vẫn chưa co giãn và trở về trạng thái bình thường mà còn khá to và nặng. Trong khi đó, các cơ và dây chằng ở vùng đáy chậu trải qua quá trình sinh nở bị co giãn quá mức.

Nó chưa thể phục hồi lại trạng thái ban đầu nên không thể nâng đỡ tử cung, gây ra hiện tượng dạ con bị sa xuống dưới. Hiện tượng sa tử cung sau sinh thường xảy ra ở những phụ nữ:

  • Bị suy nhược cơ thể, suy nhược toàn thân cũng dễ bị sa dạ con sau sinh.
  • Những phụ nữ sinh non nhiều lần thường có nguy cơ bị sa dạ con cao hơn những sản phụ khác.
  • Ít vận động sau sinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến dạ con bị sa.
  • Những sản phụ làm việc quá sức, có nhiều khí hư cũng là một trong những nguyên nhân khiến dạ con bị sa xuống.

Dấu hiệu sa tử cung của phụ nữ sau sinh

Trường hợp sa tử cung ở mức độ nhẹ, dấu hiệu không rõ ràng lắm và người bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường.

Tuy nhiên, với “giác quan thứ 6” của người phụ nữ, bạn có thể nghi ngờ về tình trạng này nếu nhận thấy cảm giác nặng và căng tức khác thường ở vùng âm hộ.

Trường hợp nặng gây nên biến chứng sa trực tràng, niệu đạo, bàng quang, thì người bệnh sẽ nhận biết bệnh qua các dấu hiệu sau:

  • Sản phụ có cảm giác đau nặng nề vùng bụng dưới, nặng vùng bụng dưới và có cảm giác căng đầy.
  • Đau đớn mỗi lần đi tiểu tiện và đại tiện khó khăn.
  • Mỗi lần hắt hơi hay cười có thể bị són tiểu.
  • Mỗi lần gần gũi với bạn đời sẽ có cảm giác đau đớn.
  • Ra hí hư có màu trắng loãng hoặc nhầy như nước mũi, đôi khi có thể kèm theo chảy máu âm đạo bất thường.
  • Đau lưng vùng thấp.
  • Cảm thấy như thể đang ngồi trên một quả bóng nhỏ hay như một cái gì đó rơi ra khỏi âm đạo. Những trường hợp bị nặng có cảm giác có quả bóng phồng ra ở âm đạo.
  • Các triệu chứng nhẹ hơn vào buổi sáng sớm và nặng hơn trong ngày.
sa tử cung sau sinh 2
Đau lưng là một trong những dấu hiệu sớm của tình trạng sa tử cung

Cách điều trị sa dạ con sau sinh

Khi đã xảy ra tình trạng sa tử cung, mẹ sẽ được chẩn đoán và điều trị tùy theo mức độ bệnh. Mẹ sẽ được khám vùng chậu ở các tư thế nằm xuống và đứng lên.

Tiếp đến, mẹ có thể được chỉ định kiểm tra bằng siêu âm và có thể chụp MRI để đánh giá mức độ sa tử cung. Với những trường hợp sa tử cung nhẹ thì không cần phải điều trị, chỉ cần thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Các mẹ nên thực hành bài tập kegel cho phụ nữ sau sinh. Đồng thời duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực lên các dây chằng ở vùng chậu.

Một bí quyết khác mà không phải mẹ nào cũng biết, đó là hạn chế để mắc các chứng bệnh có triệu chứng ho như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi.

Với những trường hợp nặng gây viêm loét, có những biến chứng nguy hiểm thì sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ tư cung. Còn trường hợp nặng không gây viêm loét thì bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp hormone.

Biện pháp này nhằm giúp cơ và dây chằng khỏe hơn. Để đạt hiệu quả hơn, bác sĩ còn dùng vòng tròn nhỏ đặt trong âm đạo giúp giữ tử cung ở nguyên vị trí.

sa tử cung sau sinh 4
Sa tử cung tình trạng nhẹ có thể chữa bằng bài tập kegel

Biện pháp phòng ngừa hiện tượng sa cổ tử cung sau sinh

Để phòng ngừa sa dạ con sau sinh, mẹ nên chú ý kiêng cữ sau sinh, nên nghỉ ngơi nhiều, tránh mang vác vật nặng, làm việc nặng nhọc. Trong thời gian vài tuần đầu sau sinh, tử cung chưa được khôi phục kích thước ban đầu.

Đồng thời các dây chằng tử cung đang còn yếu nên rất dễ xảy ra tình trạng bị sa xuống nếu mẹ hoạt động quá nhiều.

Bảo vệ tử cung khỏe mạnh, tránh khỏi các vấn đề như sa tử cung sau sinh chính là trọng tâm mà các mẹ cần thực hiện khi muốn sinh con “tập hai” hay nhiều hơn. Điều này còn góp phần duy trì sức khỏe của toàn bộ cơ thể, giúp mẹ tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. Vì vậy, đừng quên chăm sóc tử cung cũng như cơ thể của mình, mẹ nhé.