Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Thanh – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: Bế sản dịch (Ứ đọng sản dịch) là một trong những tình trạng phổ biến trong giai đoạn hậu sản. Nhiều sản phụ sau khi sinh không vận động nhiều, dẫn đến tử cung không co hồi, gây ứ đọng sản dịch. Kèm theo vệ sinh không tốt dẫn đến nhiễm trùng. Kết hợp 2 lý do trên khiến bệnh trở nặng.
Bế sản dịch là gì?
Sản dịch sau sinh thực chất là màng rau, dịch và niêm mạc của cổ tử cung và âm đạo bong ra, dễ phân huỷ và là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn trong đường sinh dục phát triển.
Thông thường, sau khi sinh, tử cung sẽ co bóp để đẩy hết sản dịch ra ngoài. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tử cung không co bóp. Do đó sản dịch cũng không thể thoát ra ngoài được và bị ứ đọng lại trong tử cung. Trường hợp này gọi là bế sản dịch sau sinh.
Sản phụ bị bế sản dịch nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn tới các chứng rối loạn đông máu. Chảy máu không cầm được dẫn đến mất máu quá nhiều và nguy hiểm đến tính mạng.
Những biến chứng của tình trạng bế sản dịch
Hiện tượng bế sản dịch nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như sản dịch bị nhiễm khuẩn, gây ra rối loạn đông máu, chảy máu không cầm, nguy hiểm đến tính mạng sản phụ.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thị Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương chia sẻ:
“Hàng tháng, bệnh viện đều có những trường hợp tái nhập viện vì bế sản dịch, thường kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng hậu sản như đau bụng, sốt, sản dịch hôi.
Thậm chí có nhiều ca chảy máu ồ ạt, phải truyền máu, hút dịch lòng tử cung, mổ để cầm máu, trường hợp nghiêm trọng hơn phải cắt tử cung khi dùng thuốc không hiệu quả.
Thực tế, sản dịch là hiện tượng sinh lý bình thường sau sinh. Tuy nhiên sản phụ không nên chủ quan vì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như trên. Đặc biệt là khi thấy tử cung có dấu hiệu bất thường phải đi khám ngay để chữa trị kịp thời.
Làm sao phát hiện bị bế sản dịch?
Ra sản dịch là điều hoàn toàn bình thường ở phụ nữ sau sinh con, gọi là quá trình hậu sản. Hậu sản ở mỗi người biểu hiện khác nhau., Tùy theo cơ địa, có người ra nhiều, người ra ít, người ra dài ngày, người chỉ vài ngày là hết.
Tuy nhiên, có một đặc điểm của quá trình sản dịch, đó là ra máu loãng, ít dần, nâu sẫm và không có màu đỏ tươi. Quá trình này cho phép kéo dài đến 45 ngày. Có nghĩa là từ sau sinh mà sản dịch kéo dài tối đa đến 45 rồi hết là bình thường.
Còn sau thời gian này, sản dịch vẫn tiếp tục kéo dài, kèm những dấu hiệu sau là điều bất thường, rất có thể là bạn đã bị bế sản dịch:
- Sản phụ sốt nhẹ
- Căng tức, đau trằn vùng hạ vị
- Khám âm đạo rất ít sản dịch có thể kèm mùi hôi do nhiễm trùng.
- Sờ vào bụng thấy cứng, có cục.
- Cổ tử cung đóng kín, dùng tay nong cổ tử cung sản dịch ra màu đen sậm kèm mùi hôi, đau nhiều khi ấn đáy tử cung.
Do đó, ngoài đi khám phụ khoa thông thường, bạn cũng nên đi siêu âm để bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Nếu đúng bị bế sản dịch kèm viêm nhiễm phụ khoa, bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị bế sản dịch sau sinh mổ để kích thích co bóp tử cung, đẩy hết sản dịch ra ngoài và điều trị cả phụ khoa.
Cách đề phòng bế sản dịch sau sinh
Nhằm tránh sản dịch ứ lại trong buồng tử cung, phụ nữ sau khi sinh nhất thiết phải kiểm tra cổ tử cung. Nhiều người cho rằng nằm gác chéo hai chân lên nhau thì âm đạo sẽ khép lại. Thực chất nằm như vậy là không tốt vì sẽ ngăn cản sản dịch thoát ra ngoài.
Thường trong 10 ngày đầu sau sinh, tử cung co hồi tốt, mỗi ngày co hồi khoảng 1cm, để tống sản dịch ra ngoài. Sau sinh, nếu sản phụ lười vận động, nằm nhiều thì tử cung sẽ không co lại được.
Đây là nguyên nhân gây bế sản dịch. Nó làm sản dịch sẽ bị ứ đọng trong tử cung sẽ gây nhiễm trùng tử cung. Vì thế, sau sinh sản phụ chỉ nên nằm nghỉ ngơi trong 8h đồng hồ.
Sau đó phải dậy vận động, đi lại nhẹ nhàng, vừa giúp co dạ con nhanh chóng, vừa giúp sản dịch đẩy nhanh ra ngoài, rút ngắn quá trình hậu sản.
Sản phụ cũng có thể nằm sấp với thời gian từ 20 – 30 phút mỗi ngày đối với người mẹ có tử cung ở tư thế gập trước, giúp cho sản dịch ra dễ dàng.
Sản dịch tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trong đường sinh dục nên trong thời gian này mẹ cần chú ý vệ sinh sạch sẽ. Những ngày đầu, khi sản dịch ra nhiều, mẹ cần thường xuyên thay băng 4-5 lần/ngày hoặc nhiều hơn.
Những ngày sau lượng sản dịch tuy ít đi, nhưng mẹ vẫn cần thay băng thường xuyên, không nên để quá 6 tiếng. Ngoài ra, mẹ nên chú ý đến việc chăm sóc vùng kín sau sinh bằng cách dùng nước đun sôi để nguội hay dùng nước vệ sinh pha loãng để vệ sinh âm đạo.
[inline_article id=211987]
Theo bác sĩ Lê Quang Thanh – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cho con bú đúng cách cũng là biện pháp giúp chống bế sản dịch. Khi người mẹ cho bé bú, cơ thể sẽ tiết ra Oxytocin – chất nội tiết giúp khả năng co hồi tử cung làm đẩy sản dịch ra ngoài tốt hơn. Mẹ có thể kết hợp với một số bài thuốc dân gian đã được chứng minh tốt cho sức khỏe của phụ nữ sau khi sinh như ngải cứu, rau dền, đặc biệt là nghệ.