Đau cổ tay sau sinh là tình trạng thường gặp ở bà đẻ. Điều này gây không ít khó khăn cho mẹ trong sinh hoạt cũng như việc chăm sóc em bé. Vậy đau cổ tay sau sinh có nguy hiểm không? Cách điều trị đau cổ tay sau sinh là gì? Hãy cùng MarryBaby tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Đau cổ tay sau sinh là gì?
Một nghiên cứu từ năm 2017 cho biết, hơn 50% phụ nữ bị đau cổ tay sau khi sinh con và hơn 80% trong số đó vẫn bị đau sau khi sinh hai tháng. Cổ tay là nơi các dây thần kinh và gân truyền từ cánh tay vào bàn tay và các ngón tay. Hiện tượng này có thể xảy ra ở cả mẹ bầu và mẹ sau sinh. Cơn đau là do sự kích thích của lớp bọc xung quanh gân đến ngón tay cái, các gân này nằm ở mặt bên của cổ tay, ở gốc ngón tay cái.
Nguyên nhân gây đau cổ tay sau sinh
Hội chứng ống cổ tay (CTS) là rối loạn cơ xương gây chèn ép dây thần kinh trung gian đi qua ống cổ tay, gây cảm giác tê tay, đau tay, giảm khả năng vận động.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể mắc hội chứng De Quervain’s Tenosynovitis. Đây là một chứng rối loạn cơ xương khác, gây đau cổ tay và bàn tay do tình trạng viêm các gân (chịu trách nhiệm cử động ngón cái và cổ tay). Cơn đau này có thể xuất hiện đồng thời với các triệu chứng khác như tê bì, khó gấp duỗi các ngón tay, nhất là vùng ngón cái.
Hội chứng đau cổ tay sau sinh có thể do hoạt động chăm sóc bé lặp đi lặp lại nhiều lần như nâng, bế con, gây ma sát trong cổ tay, làm tăng sức căng qua các mô ở đây, dẫn đến viêm bao gân, gây đau.
Bên cạnh đó, đau cổ tay sau sinh cũng liên quan đến việc tăng giữ nước và thay đổi nội tiết tố sau khi mang thai.
Dấu hiệu bị đau cổ tay sau sinh
Dưới đây là các triệu chứng của hội chứng đau cổ tay sau sinh mà mẹ thường gặp:
- Đau khi di chuyển ngón tay cái hoặc cổ tay
- Đau khi bạn thọc ngón tay cái vào hoặc tạo thành nắm đấm
- Sưng và đau ở bên ngón cái của cổ tay của bạn
- Cơn đau bắt đầu từ từ, âm ỉ và tăng dần theo theo thời gian hoặc cũng có thể xuất hiện đột ngột
- Cảm giác đau có thể lan rộng lên cánh tay
- Tê bì, châm chích xuất hiện ở một số ngón tay hoặc cả bàn tay
- Cơn đau giảm khi cổ tay nghỉ ngơi đúng cách và không lặp lại các động tác gây đau.
- Có tiếng kêu lục cục khi di chuyển cổ tay
Bị đau cổ tay sau sinh có nguy hiểm không?
Đa số các trường hợp bị đau cổ tay sau sinh thường không nguy hiểm vì nguyên nhân chủ yếu là tổn thương của cổ tay trong quá trình chăm sóc em bé. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn kéo dài dai dẳng, mẹ nên đi khám càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ mắc các biến chứng như:
- Đau mạn tính
- Viêm kẹt gân
- Giảm khả năng vận động
Chẩn đoán đau cổ tay sau sinh như thế nào?
Ngoài các dấu hiệu nhận biết đau cổ tay sau sinh ở trên, bạn vẫn nên đi khám bác sĩ để có thể chẩn đoán chính xác nhất. Để phát hiện mức độ tình trạng đau cổ tay sau sinh ở mẹ, bác sĩ có thể thực hiện các kiểm tra lân sàng như yêu cầu mô tả các triệu chứng và vị trí đau; quan sát các biểu hiện bầm tím hoặc sưng…
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như:
- Chụp X-quang: Cách này để giúp bác sĩ kểm tra cấu trúc xương để xem xét người bệnh có bị gãy hoặc nứt xương không, đồng thời kiểm tra tình trạng thoái hóa, bào mòn của xương…
- Đo điện cơ (EMG): Mẹ phải thực hiện đo điện cơ nếu bị nghi ngờ tổn thương dây thần kinh. Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá hoạt động của dây thần kinh, vị trí, mức độ và thời gian tổn thương của thần kinh.
- Siêu âm: Cách này giúp bác sĩ có thể xác định việc đau khớp cổ tay sau sinh của mẹ có phải do hội chứng De Quervain gây ra hay không, thông qua việc quan sát các hình ảnh chi tiết về mô mềm gồm các gân, bao khớp, túi hoạt dịch… tại khớp cổ tay, bàn tay.
>>Mẹ có thể quan tâm: Sau sinh bị nhức mỏi toàn thân: Mách mẹ 7 cách khắc phục cực dễ!
Cách khắc phục tình trạng đau cổ tay sau sinh
1. Điều trị y tế
1.1. Dùng thuốc
Nếu mẹ được xác định bị đau khớp cổ tay sau sinh do bệnh lý, bác sĩ có thể đề xuất mẹ dùng các loại thuốc sau:
- Thuốc Paracetamol giúp giảm đau trong trường hợp nhẹ.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) dùng trong trường hợp đau vừa, đau do viêm hay kèm theo những triệu chứng viêm (sưng, tấy đỏ…)
Mẹ lưu ý đây là thời điểm cho con bú, vì thế thuốc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ và em bé qua việc bú sữa. Do đó, mẹ tuyệt đối không được tuyệt đối sử dụng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ nhé.
1.2. Vật lý trị liệu
Bác sĩ cũng có thể đề xuất mẹ thực hiện các bài tập vật lý trị liệu như những động tác kéo giãn nhẹ để giảm đau, cải thiện khả năng vận động của cổ tay, giúp tăng cường cơ bắp, giảm kích ứng gân, dây thần kinh.
1.3. Phẫu thuật
Điều trị đau khớp cổ tay sau sinh bằng phương phức phẫu thuật rất hiếm. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ giải phóng dây thần kinh hay vỏ bọc gân để giảm chèn ép và giảm đau, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi, ngăn ngừa tình trạng đau và viêm tái phát. Mẹ có thể phải phẫu thuật nếu:
- Bị đau khớp cổ tay sau sinh nghiêm trọng và nguyên nhân gây đau phức tạp
- Không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên
2. Chăm sóc tại nhà
Ngoài các biện pháp điều trị y tế, mẹ có thể làm giảm cơn đau khớp cổ tay sau sinh tại nhà bằng cách:
- Massage đá
- Đeo nẹp cổ tay
- Thay đổi cách mẹ cử động bàn tay và cổ tay
- Tránh sử dụng ngón tay cái của bạn để cầm nắm đồ vật
- Chườm túi đá trong 10 phút, vài lần mỗi ngày, mẹ nhớ dùng khăn ẩm để bảo vệ tay khỏi bỏng nước đá
- Xoa bóp vùng cơ ở gốc ngón tay cái (cơ thần kinh)
- Thực hiện bài tập kéo giãn
Bài tập này rất đơn giản, mẹ đặt tay lên bàn, lòng bàn tay hướng xuống và dùng tay còn lại để nhẹ nhàng di chuyển ngón tay ra khỏi bàn, hướng lên trên, giữ 10 – 15 giây, sau đó đưa ngón tay xuống từ từ. Lặp lại 5 lần sau mỗi 2 tiếng.
- Ôm em bé đúng cách
Luồn một tay xuống dưới cổ bé để đỡ lấy đầu bé. Tay kia luồn dưới lưng và mông bé để đỡ phần thân dưới một cách chắc chắn.
- Dùng gối hoặc đệm để hỗ trợ cánh tay khi cho con bú để tay đỡ bị áp lực hơn.
>>Mẹ có thể quan tâm: Cách bế trẻ sơ sinh “chuẩn” theo điều dưỡng trong từng giai đoạn
Biện pháp phòng ngừa đau cổ tay sau sinh
Để phòng ngừa tình trạng đau cổ tay sau sinh, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Đảm bảo ôm con đúng cách để hạn chế nguy cơ gây đau khớp cổ tay.
- Duy trì cổ tay và ngón tay cái ở vị trí trung tính, tạo cảm giác thoải mái.
- Hạn chế lặp đi lặp lại các động tác ở cổ tay hoặc bàn tay.
- Tránh sử dụng khớp cổ tay quá sức.
- Massage cổ tay và ngón tay thường xuyên để tăng lưu thông máu.
- Thực hiện các bài tập co dãn cổ tay, ngón tay.
- Mẹ nên bổ sung nhiều chất canxi, vitamin C, vitamin D, chất chống oxy hóa, protein, axit béo omega-3, photpho và magie vào chế độ ăn hàng ngày để cải thiện sức khỏe và chức năng xương khớp, đồng thời tăng sự dẻo dai cho gân và dây chằng để ngăn ngừa nguy cơ bị đau khớp cổ tay sau sinh.
>>Mẹ có thể quan tâm: Sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường để nhanh hồi phục?
Trên đây là chia sẻ của MarryBaby về tình trạng đau cổ tay sau sinh. Hy vọng mẹ đã nắm được nguyên nhân, hướng điều trị và cách phòng tránh hiệu quả để sớm phục hồi sau sinh.