Categories
Giai đoạn hậu sản Sau khi sinh

5 bước để chuyện ấy về quỹ đạo sau sinh con

Chỉ với 5 bước đơn giản sau, bạn sẽ lấy lại được lửa yêu thương cho tổ ấm của mình.

Bước 1: Vượt qua nỗi đau thể chất

Với hầu hết phụ nữ sau sinh, việc ung dung cho rằng âm đạo của mình đã luôn sẵn sàng cho “chuyện ấy” là chuyện không tưởng. Thật vậy, nỗi đau về thể chất cùng với việc rách tầng sinh môn sẽ khiến cho các chị em cảm thấy khiếp sợ khi nghĩ đến việc gần gũi chồng. Ngay cả khi may mắn không bị rách toạc âm đạo thì những vết thâm, đường chỉ may do sinh nở,… cũng làm họ không còn hứng thú để mà “thư giãn” với chồng.

Theo các chuyên gia thai sản, việc quan hệ vợ chồng sẽ tuỳ thuộc vào sự phục hồi của người phụ nữ. Nếu cơ thể người vợ khỏe mạnh, sinh thường và không phải rạch tầng sinh môn thì thời điểm lý tưởng là 1 tháng sau sinh. Một số tài liệu khác thì cho rằng, 8 tuần mới là thời gian lý tưởng để khởi động lại đời sống gối chăn sau một khoảng thời gian dài vợ chồng không gần gũi, vì lúc này thể trạng của người vợ đã hồi phục hoàn toàn.

Bước 2: Chiến thắng nỗi sợ sau sinh

Ngoài nỗi đau thể chất của cơ thể vừa trải qua kỳ sinh nở, phụ nữ sau sinh cũng chất chứa trong lòng rất nhiều nỗi lo sợ khác làm ảnh hưởng đến chuyện gối chăn. Đó có thể là sự khô âm đạo do cho con bú, khả năng dính bầu sản hậu do không biết chắc về sự trở lại của chu kỳ kinh nguyệt, đầu vú đau nhức do căng sữa và do bé bú,…

Dù bạn có bất kỳ nỗi sợ nào trên đây, hãy bình tĩnh vì mọi chuyện đều có cách giải quyết ổn thoả ngay sau đây:

Biện pháp ngừa thai: cần thiết phải lựa chọn một biện pháp tránh thai hiệu quả. Nếu không cho con bú thì nên dùng thuốc tránh thai đã uống trước khi có thai lần trước. Đang cho con bú thì không dùng thuốc ngừa thai uống, nên dùng các biện pháp tránh thai tại chỗ (viên đặt âm đạo, bao cao su…) và chờ đặt dụng cụ tử cung.

Dùng chất bôi trơn: do hormone giảm nên âm đạo người phụ nữ bị khô, cần thiết phải dùng dung dịch bôi trơn để chuyện quan hệ dễ dàng hơn.

Bước 3: Yêu cơ thể của mình

Ngoài việc tập trung chăm sóc bé yêu, bạn cũng đừng lơ là đối với nhiệm vụ chăm sóc chính cơ thể của mình sau sinh nhé. Một trong những bài tập âm đạo mà các hậu sản phụ thường được khuyến khích trau dồi là bài tập Kegel. Nếu bạn chưa biết đến bộ môn Kegel này thì Marry.vn xin tóm lược như sau. Bạn hãy đi vào nhà vệ sinh và tiểu tiện. Đang tiểu tiện thì bạn hãy dừng lại, nín tiểu một chút. Cảm giác này chính là cảm giác khi bạn tập các múi cơ. Cảm giác như đang nín tiểu. Lúc này bạn đã cảm nhận được các múi cơ khi tập Kegel sẽ như thế nào thì hãy bắt đầu bài tập nhỏ và nhẹ nhàng. Bạn siết chặt các cơ khoảng 3 giây sau đó thả lỏng khoảng 3 giây. Làm lại 10-15 lần. Sau đó tăng dần thời gian siết chặt lên 6 giây, thời gian thả lỏng 6 giây và làm khoảng 25 lần. Bạn thực hiện khoảng 3 lần/ngày. Dần dần, bạn tăng số lần co cơ theo số tuần tập. Ví dụ, nếu bạn tập tuần đầu là 15 lần co cơ, bạn tiếp tục tập khoảng 25 lần/mỗi lần tập trong tuần thứ 2. Bài tập Kegel rất dễ dàng và không ai phát hiện ra bạn đang tập nó. Bạn có thể tập khi ngồi thư giãn, ngồi đọc sách báo, ngồi trên xe buýt, ngồi ở vỉa hè… mọi nơi mọi lúc.

Trong thời gian 40 tuần mang thai, các cơ của bạn bị giãn ra rất nhiều, trở nên yếu ớt. Với bài tập Kegel sau khi sinh, bạn sẽ thu được các lợi ích sau:

  • Làm cho cơ âm đạo săn chắc và ổn định để mang lại khoái cảm cho bạn đời.
  • Tiếp tục kiểm soát được bàng quang.
  • Giảm việc không kiềm chế được tiểu tiện.
  • Giúp các vết đau mau lành bằng việc tăng cường máu tới vùng cơ âm đạo.
  • Giảm đau nếu bạn bị rạch âm hộ trong khi sinh.
  • Giảm nguy cơ bị trĩ.

Bước 4: Có bé yêu, không quên anh yêu

Chị em ta đã thấm mệt khi phải bầu bì tận 9 tháng 10 ngày và quay cuồng với bao nhiêu việc cần chuẩn bị để đón ‘thiên thần’ chào đời, vì vậy, cảm hứng với chồng dường như đã tắt lịm. Hãy nhớ rằng, công việc sẽ chẳng bao giờ hết và ‘thiên thần’ sẽ còn rất nhiều ‘trò’ khiến bạn đau đầu. Do đó, bạn cần biết phân bổ thời gian, tự cân bằng và cho phép mình nghỉ ngơi đôi chút để lấy lại cảm hứng ‘yêu’. Thật khó mà gần gũi và ‘lên đỉnh’ với chồng nếu như trong đầu bạn đang quẩn quanh lo rằng con đang đói sữa hay ngủ không an giấc. Vì vậy, khi đã lo tươm tất mọi việc cho bé, bạn đừng quên dành một chút thời gian để quan tâm, âu yếm chồng, vì đàn ông đôi khi cũng chỉ là ‘đứa trẻ to xác’ mà thôi.

quan-he-tinh-duc-sau-khi-sinh-con_5
Hãy cùng anh yêu luôn dành thời gian cho “việc ấy” bạn nhé!

Bước 5: Nhen lại lửa yêu đương

Marry.vn biết rằng chuyện chăn gối của hai bạn chưa thể tuyệt vời như trước khi sinh vì nhiều lý do thể chất và tâm lý. Do đó, chúng tôi xin tư vấn cho bạn vài chiêu đối phó sau:

Dầu xoa là rất hữu dụng nếu vùng nhạy cảm của bạn dễ bị tổn thương. Nó cũng có thể giúp phụ nữ đối phó với tình trạng khô âm hộ gặp phải trong giai đoạn này. Đầu tiên, các bạn chỉ nên âu yếm nhau, sau đó dần dần mới làm quen trở lại với việc kích thích như trước. Giao hợp hoàn toàn ngay khi các bạn có cảm hứng là không cần thiết.

Hãy chọn tư thế phù hợp khi hai bạn giao hợp để vùng dễ bị tổn thương không bị áp lực.

Hãy thử làm “chuyện ấy” trong lúc bé ngủ và khi đó các bạn cũng không quá kiệt sức.

Tiếp tục duy trì những bài tập xương chậu như Kergel để giúp cơ âm hộ rắn chắc hơn, bạn cũng nên tập thêm các bài tập thể dục sau sinh để giúp lấy lại vóc dáng và tăng tinh thần.

Ăn nhiều và uống nhiều nước. Nghỉ ngơi mỗi khi có thể. Chăm sóc em bé luôn là công việc mệt nhọc, vì vậy bạn nên tự chăm sóc mình thật cẩn thận để có đủ năng lượng.

Bạn vừa đọc xong bước cuối cùng để chuẩn bị trở lại quỹ đạo yêu đương với chồng rồi đấy. Chúc cho đường ray tình ái của bạn sẽ luôn trơn tru và thẳng tiến đến Trạm Hạnh Phúc ở cuối con đường hôn nhân.

Categories
Giai đoạn hậu sản Sau khi sinh

Cách giảm sự khó chịu khi cho con bú

Vì cơ thể bạn đang ép sữa từ tuyến sữa và tiết ra ở phần núm vú, bên cạnh đó, sau khi sinh, bạn sẽ bị suy giảm nồng độ hóc-môn và có cảm giác lạ lẫm khi cho trẻ sơ sinh bú.

Bạn sẽ cảm thấy ngực mình mềm hoặc cứng và nóng, và cũng có thể bị sưng lên. Bạn nên tiếp tục cho con bú vì đây chỉ là biểu hiện thông thường. Sự căng cứng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và sẽ giảm bớt khi cơ thể bạn quen dần với việc cho con bú.

Một số cách giảm đau trong giai đoạn này:

  • Tắm nước ấm
  • Đắp gạc ấm lên ngực trước khi cho bú (chẳng hạn một chiếc khăn ngâm nước nóng và vắt khô)
  • Nặn một ít sữa trước khi cho bú. Ngực đầy sữa có thể khiến trẻ ngậm núm vú khó khăn hơn, khiến bé đặt miệng ở sai vị trí, sẽ khó khăn hơn cho bé để bú được sữa, dẫn đến đau nhức mô ngực.

Cho con bú: Cách giảm sự khó chịu

  • Mặc loại áo ngực cho trẻ bú chuyên dụng. Một số phụ nữ ưa chuộng mặc loại này ngay cả vào ban đêm.
  • Cho bé bú mỗi hai đến ba giờ. Đừng né tránh việc cho bú vì cơn đau – càng cho bé bú nhiều, ngực bạn càng thấy dễ chịu hơn
  • Uống thật nhiều nước để giữ cơ thể cân bằng và duy trì sản suất sữa.
  • Luân phiên đổi bên ngực cho bé bú.
  • Đắp gạc mát sau khi cho bú. Hãy thử một túi đá bào hoặc rau quả đông lạnh.
Categories
Giai đoạn hậu sản Sau khi sinh

6 bí quyết sống vui vẻ cho mẹ sau sinh

Nghỉ ngơi hợp lý:
Bí quyết sống vui vẻ đầu tiên là dành thời gian nghỉ nơi hợp lý. Ai ai cũng đều cần phải nghỉ ngơi để lấy lại sức. Đừng cảm thấy tội lỗi nếu bạn dành thời gian đi ngâm mình trong bồn nước nóng hoặc cuộn tròn trong chăn ấm ngấu nghiến một quyển sách hay. Khi quay về thực hiện nghĩa vụ làm mẹ, bạn sẽ cảm thấy trong người khoẻ khoắn, phục hồi sinh lực để sẵn sàng ứng phó với bất kỳ một rắc rối nào mà những đứa con đáng yêu của mình mang tới!

Đặt ra tiêu chuẩn riêng của bạn
Làm mẹ đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tiếp thu nhiều lời khuyên bảo khác nhau. Rõ ràng bạn sẽ lắng nghe ý kiến của nhà chồng, bạn bè và cả người dưng nước lả, hoặc bạn có thể tìm đọc cả núi ấn phẩm báo chí làm cha làm mẹ nhan nhản trên thị trường. Tất cả sẽ luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn chính xác nên làm những gì để nuôi dạy con cái. Rốt cuộc thì bạn rất dễ có nguy cơ bị “bội thực”. Sự thật là trẻ con không phải là một thiết bị máy móc mà cần đến hướng dẫn sử dụng để vận hành. Bạn có biết bất kỳ bà mẹ nào khi sinh ra đều được Tạo hóa ban tặng bản năng làm mẹ. Chìa khóa thành công giúp mang lại hạnh phúc cho các bà mẹ là hãy để bản năng làm mẹ mách bảo và phớt lờ hết mọi cái còn lại.

Kết bạn với các bà mẹ khác
Một chỗ dựa tinh thần nhỏ không đủ gây tổn hại đến ai cả, và chỉ có người cũng làm mẹ mới có thể đồng cảm và hiểu rõ cuộc sống của bạn là như thế nào. Hãy trò chuyện với những bà mẹ cũng thực sự có cùng nhu cầu được chia sẻ như bạn, dù đó chỉ là một người bạn quen trên mạng. Điều này sẽ giúp giảm bạn stress và vững tin rằng bạn không hề cô đơn trên con đường làm mẹ đầy chông gai này.

Biết ưu tiên
Có quá nhiều nhiệm vụ mà một người mẹ phải gánh vác bất kể mọi lúc mọi nơi. Do đó, để làm một người mẹ hạnh phúc, bạn phải bắt đầu biết ưu tiên làm việc nào trước, việc nào sau. Hãy dành vài phút mỗi buổi sáng để lên danh sách ba đến bốn công việc mà bạn phải làm trong ngày. Và dành những việc còn lại cho ngày hôm sau. Vì nếu bạn cứ tất tả, quay cuồng làm từ việc này đến việc nọ hết 24 giờ trong ngày rồi hết 7 ngày trong tuần thì bạn đã bỏ lỡ điều tuyệt vời nhất của việc làm mẹ: được nhìn thấy con trẻ lớn lên từng ngày và trở thành những con người phi thường!

Chia sẻ trách nhiệm
Một trong những bí quyết sống vui vẻ của mẹ là biết chia sẻ trách nhiệm. Bạn có thể san sẻ bớt gánh nặng chăm sóc con cái cho chồng, bà nội, bà ngoại hoặc bạn bè của bạn. Đừng nghĩ mình có lỗi gì cả, và cũng đừng nghĩ rằng bạn ôm đồm tất cả mọi việc là tốt nhất cho bé. Vì tiếp xúc với những người thân cho bé cơ hội gắn kết và phát triển tích cực những kỹ năng xã hội hẳn là sẽ tốt hơn.

6 bí quyết sống vui vẻ cho mẹ sau sinh
Hãy để chàng chia sẻ với bạn để giải tỏa bớt áp lực

Theo đuổi sở thích cá nhân
Mặc dù việc làm mẹ chắc chắn là một công việc toàn thời gian, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải từ bỏ hết mọi thứ mà bạn yêu thích. Một bí quyết sống vui vẻ là cứ chiều theo sở thích và hoạt động cá nhân của bạn như một cách để cân bằng cuộc sống sau khi sinh. Điều này không những khiến bạn vui hơn, mà còn giúp bạn trở thành một tấm gương tốt cho con trẻ. Biết đâu bạn có thể truyền cảm hứng cho bé noi theo bạn thì sao?

Nếu đã là một người mẹ thì cũng như bao bà mẹ khác, bạn đều dành hết quỹ thời gian cho cục cưng bé bỏng của mình, nhưng cũng không vì đó mà bỏ bê bản thân mình, bạn nhé. Một người mẹ hạnh phúc thì con cái cũng hạnh phúc. Vì vậy hãy tranh thủ thời gian tự chăm sóc mình vì bé yêu của bạn sẽ cám ơn bạn vì điều đó!

 

MarryBaby

Categories
Giai đoạn hậu sản Sau khi sinh

Kiêng cữ sau sinh và những điều mẹ nên biết

Chia sẻ của chị T, một bà mẹ có kinh nghiệm sau hai lần sinh nở: “Mỗi lần tới bệnh viện mình đều chứng kiến những cảnh các sản phụ sinh cùng ngày với mình đến tái khám đi không nổi phải có người dìu dắt. Chốc chốc lại nghe tiếng bác sĩ vọng ra từ phòng khám: “Sao mà chị để nhiễm trùng vậy?”… Mình ngồi tâm sự với vài chị đang sụt sùi nước mắt mới biết được là do kiêng cữ sau sinh, người lớn ở nhà không cho tắm gội hơn 2 tuần nay, thậm chí không cho bước xuống giường, mọi việc ăn ở, vệ sinh đều thực hiện tại giường”.

Kiêng cữ sau đẻ mổ: Kiêng tắm gội, chải răng

Quan niệm xưa cho rằng sau khi sinh nên để cho lỗ chân lông khít lại, nếu tắm quá sớm sẽ bị nổi gân xanh hoặc mỗi khi thời tiết thay đổi sẽ dễ bị sởn gai ốc.

Ngày nay bác sĩ và các chuyên gia cho rằng không nên kiêng tắm gội vì sau khi sinh cơ thể mẹ đã tiết rất nhiều mồ hôi, những bã nhờn cộng với bụi bẩn tích tụ ở lỗ chân lông, rất dễ gây bệnh. Tắm gội sớm có thể làm sạch da, loại bỏ lớp bào chết và những bã nhờn bám đọng lại trên bề mặt da có thể khiến máu lưu thông tốt hơn, cơ thể sảng khoái hơn.

Các mẹ chỉ cần lưu ý tắm nhanh chóng bằng nước ấm ở nơi kín gió. Nếu sinh thường chị em có thể tắm sau sinh 1 ngày. Nếu sinh mổ phải kiêng khoảng 2-3 ngày khi vết mổ đã lành là có thể tắm được.

Việc kiêng chải răng sau sinh cũng không cần thiết vì phụ nữ sau sinh nên ăn nhiều chất bổ dưỡng, dễ khiến cho vi khuẩn xâm nhập và gây sâu răng, ảnh hưởng không tốt cho cả mẹ và bé

Kiêng sinh hoạt

Quan niệm xưa cho rằng kiêng cữ sau sinh bao gồm cả việc đi lại, khuân vác đồ nặng, kiêng ngồi, kiêng xem tivi, gọi điện thoại, xỏ kim do sợ sau này bị đau lưng, ù tai, mờ mắt…

Tuy nhiên y học hiện đại cho rằng kiêng cữ sau khi sinh dẫn đến mọi sinh hoạt dù lớn dù nhỏ đều chỉ vòng quanh chiếc giường nhỏ là cực kỳ nguy hiểm, vì việc đó sẽ khiến vết cắt tầng sinh môn lâu lành, dễ nhiễm trùng. Vận động sau khi mổ nhằm phòng ngừa nhiều nguy cơ như huyết khối tĩnh mạch sâu, nghẽn mạch phổi, táo bón và bí đái. Thị lực của mẹ cũng không bị ảnh hưởng trước và sau khi sinh nếu mẹ biết cân đối thời gian chăm con và thư giãn nghỉ ngơi hợp lý để tránh trầm cảm.

Kiêng ăn uống

Kiêng cữ ăn uống sau khi sinh là vẫn là chuyện khá mâu thuẫn giữa quan điểm xưa và nay. Các sản phụ xưa phải kiêng khem đủ thứ trong chuyện ăn uống, kiêng bắp cải, thịt bò, rau muống, cá biển trái cây… vì sợ “cửa mình” không thể khép như lúc chưa mang thai. Trong khi các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng sau khi sinh mẹ nên ăn uống đủ chất và đa dạng về thực đơn dinh dưỡng,chỉ nên kiêng các đồ ăn cay, nóng hay chất kích thích để đủ sữa cho con và nhanh hồi phục về thể chất.

Kiêng cữ sau đẻ mổ: Kiêng “chuyện ấy”

Quan niệm xưa cho rằng phải kiêng tiếp xúc với chồng vì điều này sẽ đem lại sự xui xẻo, nhất là đến công danh, sự nghiệp của chồng. Đặc biệt, bà đẻ còn phải kiêng chuyện ấy đến 3 tháng 10 ngày. Thật ra đối với “chuyện ấy”, thì sau sinh từ 6-8 tuần, phụ nữ có thể “yêu” trở lại. Không ít phụ nữ tỏ ra thất vọng vì sau khi sinh chuyện chăn gối đã ít nhiều thay đổi. Điều này phần lớn do sự căng thẳng, hoặc do âm đạo sau khi sinh còn khô, dẫn đến khó khăn trong chuyện chăn gối… Chỉ cần lưu ý nhẹ nhàng và dạo đầu nhiều hơn

Còn rất nhiều những quan niệm kiêng cữ sau sinh chưa có cơ sở khoa học như nằm than, ăn cơm cá kho mặn, không chạm vào cây roi, lá dâu vì sẽ mất sữa… mà chúng ta thường nghe nói đến… Tuy nhiên, chị em nên chọn lọc những quan điểm kiêng cữ đúng cách, để hạn chế những hậu quả không hay xảy ra. Chúc các mẹ vui khoẻ sau sinh!

Minh Trang