Sau sinh 2 tháng vẫn ra máu, điều này hẳn khiến nhiều chị em lần đầu làm mẹ cảm thấy thực sự lo lắng. Hầu hết các thông tin đều chỉ ra rằng sản dịch sẽ sớm hết trong vòng khoảng 30 ngày, lâu hơn là 45. Kéo dài tới con số 60 thì đương nhiên phải có vấn đề gì đó.
Ra máu sau sinh – Không phải lúc nào cũng nguy hiểm!
Thông thường sau khi sinh, cơ thể sẽ “tống khứ” một lượng lớn máu, mô bóc tách từ tử cung và vi khuẩn ra ngoài cơ thể. Dịch âm đạo này, còn được gọi là sản dịch sau sinh thường có màu đỏ đậm hoặc đỏ tươi như màu kinh nguyệt. Sản dịch sau sinh là điều không thể tránh khỏi, dù bạn sinh thường hay sinh mổ.
Với thành phần chủ yếu là huyết dịch, máu cục nhỏ và màng bong tử cung, sản dịch trong những ngày đầu sẽ có màu đỏ sậm. Tuy nhiên sau đó sẽ nhạt dần theo thời gian và biến mất hẳn. Tùy theo cơ địa, sản dịch có thể kéo dài từ 2-4 tuần.
Nhưng vẫn không ít trường hợp sản dịch kéo dài 6 tuần. Nếu không xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau bụng, đau tử cung, mẹ không nên quá lo.
Sau sinh 2 tháng vẫn ra máu có bình thường không?
Câu trả lời còn tùy thuộc vào việc âm đạo có ra máu liên tục hay không. Nếu tình trạng ra máu không liên tục, cách nhau khoảng 1-2 tuần, đó có thể là tình trạng kinh non sau sinh.
Kinh non sau sinh là hiện tượng sinh lý rất bình thường, báo hiệu niêm mạc tử cung đã phục hồi. Thời gian xuất hiện kinh non không dài, thường chỉ khoảng nửa ngày, hoặc 3-5 ngày tùy cơ địa.
Những trường hợp ra máu âm đạo sau khi sản dịch nhạt dần lại là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hoạt động quá mức. Mẹ nên dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu tình trạng ra máu vẫn không giảm, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra lại.
Với trường hợp sau 2 tháng vẫn ra máu liên tục, sản dịch có mùi hôi kèm triệu chứng đau bụng, mẹ nên đến bệnh viện ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của bế sản dịch, tình trạng sản dịch không thoát ra ngoài, vẫn ứ đọng trong tử cung.
Bế sản dịch thường xảy ra với ai?
Theo các chuyên gia, mẹ sau sinh ít vận động, nằm nhiều thường có nguy cơ bị bế sản dịch cao hơn. Ngoài ra, bế sản dịch cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết sau sinh.
Khi gặp các triệu chứng bất thường về sản dịch, mẹ nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân cũng như sớm chữa trị.
Phòng tránh bế sản dịch sau sinh
Trừ những trường hợp do nhiễm trùng hậu sản, hoặc băng huyết, mẹ sau sinh có thể chủ động phòng tránh hiện tượng bế sản dịch sau sinh với những cách đơn giản sau:
Vệ sinh “cô bé” đúng cách
Thường xuyên vệ sinh vùng kín sẽ hạn chế sự sinh sôi của các loại vi khuẩn. Bên cạnh việc dùng nước ấm để vệ sinh âm đạo, mẹ sau sinh cũng nên lưu ý đến tần suất thay băng.
Bạn cần thay băng 4-5 lần/ngày hoặc nhiều hơn trong những ngày đầu tiên, khi sản dịch xuất hiện nhiều. Kể cả khi sản dịch ít dần đi, mẹ cũng vẫn nên thay băng thường xuyên, không nên để quá 6 tiếng.
Vận động, nghỉ ngơi hợp lý
Tránh làm việc nặng cũng như hạn chế vận động là lời khuyên cho các mẹ sau sinh. Tuy nhiên, mẹ nên phân biệt việc hạn chế vận động và nằm lì một chỗ.
Các chuyên gia khuyến khích mẹ nên tập cử động tay chân, cố gắng ngồi dậy và xuống giường đi lại nhẹ nhàng sau khi sinh 1 ngày. Việc này sẽ kích thích tuần hoàn máu và co bóp tử cung, giúp sản dịch nhanh chóng được tống hết ra ngoài.
Hơn nữa, đứng lên đi lại cũng giúp tăng cường nhu động ruột, giúp khí nhanh thoát ra ngoài, tránh nguy cơ tắc ruột và mạch máu.
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ
Tăng cường bổ sung dinh dưỡng không chỉ giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, tránh lại sự tấn công của vi khuẩn mà còn giúp mẹ sau sinh nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Mẹ nên ưu tiên những thực phẩm giàu vitamin C, D và chất xơ.
Tóm lại, sau sinh 2 tháng vẫn ra máu có nguy hiểm hay không còn tùy các triệu chứng đi kèm. Mẹ nên tìm hiểu thêm thông tin về sản dịch và kinh nguyệt sau sinh cũng như cách chăm sóc sau sinh phù hợp. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường, mẹ nên nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và chữa trị kịp thời.