Categories
Sau khi sinh Dinh dưỡng sau sinh

Sau sinh ăn sầu riêng được không? Mẹ nào thèm sầu riêng thì xem ngay nhé!

Sầu riêng giàu dinh dưỡng, phù hợp với khẩu vị nhiều người. Nhưng liệu sau sinh ăn sầu riêng được không và sinh bao lâu mới ăn sầu riêng được chắc chắn sẽ là thắc mắc của nhiều mẹ.

Sau sinh nở, đặc biệt là trong trong thời gian ở cữ, mẹ phải kiêng khem nhiều loại thức ăn. Tất cả vì bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé. Nếu lần đầu sinh con, không tìm hiểu kỹ nên và không nên ăn gì sau sinh, mẹ rất dễ phạm sai lầm trong ăn uống, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ở không gian bài viết chật hẹp này, MarryBaby muốn cùng mẹ tìm hiểu về một khía cạnh rất nhỏ liên quan đến thực phẩm sau sinh, đó là sau sinh ăn sầu riêng được không?

Giá trị dinh dưỡng và lợi ích của sầu riêng với sức khỏe

Trước khi muốn biết sau sinh ăn sầu riêng được không, hãy cùng tìm hiểu những ưu điểm của sầu riêng về mặt dinh dưỡng.

1. Giá trị dinh dưỡng

Theo ước tính, trong 243g cơm sầu riêng chứa:

  • Lượng calo: 357
  • Chất béo: 13g
  • Carbs: 66g
  • Chất xơ: 9g
  • Chất đạm: 4g
  • Vitamin C: 80% DV
  • Thiamine: 61% DV
  • Mangan: 39% DV
  • Vitamin B6: 38% DV
  • Kali: 30% DV
  • Riboflavin: 29% DV
  • Đồng: 25% DV
  • Folate (axit folic): 22% DV
  • Magie: 18% DV
  • Niacin: 13% DV

(DV-daily value: giá trị dinh dưỡng hàng ngày)

2. Lợi ích của sầu riêng với sức khỏe

Có nhiều lý do để sầu riêng xứng đáng với tên gọi “vua của các loại trái cây”. Tuy nhiên, những lý do này không trả lời được cho câu hỏi sau sinh ăn sầu riêng được không.

– Sầu riêng là một trái cây bổ máu, chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là hàm lượng cao axit folic, đồng, sắt. Đây là những thành phần cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu.

– Sầu riêng có tác dụng ngăn ngừa ung thư do giàu các chất chống oxy hóa như anthocyanins, carotenoid, polyphenol và flavonoid. Những chất này ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư nhờ khả năng vô hiệu hóa các gốc tự do.

Cũng nhờ các chất chống oxy hóa cùng sự dồi dào của vitamin C (chứa đến 80% DV) mà sầu riêng là “bạn tốt” của chị em phụ nữ vì góp phần ngăn ngừa quá trình lão hóa.

– Sầu riêng còn là một phương thuốc tự nhiên hỗ trợ chữa vô sinh. Sự thiếu hụt của hormone estrogen là nguyên nhân giảm khả năng thụ thai ở phụ nữ. Trong khi đó, sầu riêng lại cung cấp một lượng đáng kể estrogen nên rất cần thiết với phụ nữ hiếm muộn. 

Thêm nữa, ăn sầu riêng là cách cải thiện khả năng di chuyển của tinh trùng và tăng ham muốn ở nam giới.

>>> Mẹ có thể xem thêm: 12 cách bổ sung estrogen tự nhiên để bạn cân bằng nội tiết tố trong cơ thể

Mẹ sau sinh ăn sầu riêng được không?

Mẹ sau sinh ăn sầu riêng được không?

Mặc dù có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng nếu hỏi mẹ sau sinh ăn sầu riêng được không hay bà đẻ ăn sầu riêng được không thì câu trả lời là không nên. Đặc biệt, với mẹ đang ở cữ, đây gần như là thực phẩm nên tránh tiêu thụ.

Sầu riêng tuy bổ dưỡng nhưng có thể gây dị ứng hoặc các vấn đề ở dạ dày. Mặt khác, sầu riêng có hàm lượng calo, đường và chất xơ cao, không dễ tiêu hóa. Phụ nữ sau sinh cơ thể yếu ớt, bụng dạ yếu, ăn sầu riêng dễ đầy bụng, khó tiêu. 

Theo Đông y, sầu riêng có vị ngọt, tính nóng. Mẹ vừa mới sinh con, tốt nhất nên kiêng sầu riêng vì dễ bị rong huyết, táo bón.

Cho con bú ăn sầu riêng được không? Mẹ đang cho con bú ăn sầu riêng, tính nhiệt đi vào sữa khiến bé dễ nổi mụn, nóng trong người, quấy khóc. 

Đặc biệt, mẹ tuyệt đối tránh xa sầu riêng nếu mắc các bệnh sau:

– Mẹ mắc bệnh thận, suy thận không nên ăn sầu riêng vì hàm lượng kali dồi dào trong loại quả này sẽ làm bệnh thêm nghiêm trọng.

– Sầu riêng chứa nhiều đường nên không phải là loại trái cây dành cho mẹ bị tiểu đường. 

– Sầu riêng có thể gây tăng huyết áp nên mẹ sau sinh có tiền sử mắc bệnh huyết áp cần tránh ăn sầu riêng. 

– Mẹ bị thừa cân, béo phì cũng nên loại sầu riêng ra khỏi thực đơn vì bên cạnh hàm lượng đường cao, sầu riêng còn chứa nhiều calo và chất béo. 243g cơm sầu riêng chứa đến 13g chất béo và 357 calo.

Sinh mổ ăn sầu riêng được không? Mẹ sinh mổ kiêng ăn sầu riêng vì có thể làm vết thương lâu lành.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Phụ nữ sau sinh nên ăn hoa quả gì: 10 loại quả tốt cho mẹ và bé

Sinh bao lâu mới ăn sầu riêng?

Để an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé, mẹ không nên ăn sầu riêng sau sinh, nhất là trong giai đoạn ở cữ, thời điểm cơ thể nhạy cảm, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. 

Sau thời gian này, nếu cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, không gặp các vấn đề sức khỏe trên, mẹ có thể ăn một lượng nhỏ sầu riêng trong trường hợp quá thèm. Nhưng tốt nhất vẫn là nên nói không với câu hỏi mẹ sau sinh ăn sầu riêng được không.

Sau sinh không nên ăn hoa quả gì?

Mặc dù trái cây cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ nhưng không phải loại quả nào cũng tốt cho mẹ sau sinh, nhất là những mẹ đang cho con bú. 

Một số loại quả mẹ nên hạn chế ăn trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ như trái cây họ cam quýt, kiwi, dâu tây, dứa, nho…

Sau sinh không nên ăn hoa quả gì?

Đây là những loại trái cây chứa nhiều axit, có thể gây kích ứng đường tiêu hóa của bé thông qua sữa mẹ. Kết quả là bé bị đầy hơi, khó chịu. Ngoài ra, bé còn có thể bị phát ban, hăm tã nếu bị dị ứng với một số thành phần có trong cam quýt.

Theo chuyên gia, trong giai đoạn cho con bú, mẹ nên thường xuyên theo dõi phản ứng của cơ thể bé khi mẹ thêm bất kỳ một loại trái cây nào vào thực đơn. 

Vậy làm thế nào để biết con bị dị ứng với một loại quả nào đó? Thường bé sẽ xuất hiện các triệu chứng dưới đây trong vòng 12 đến 24 giờ sau khi bú mẹ.

  • Đầy bụng.
  • Quấy khóc.
  • Bị tiêu chảy.
  • Phân có máu hoặc nhầy.
  • Phát ban.
  • Nôn mửa.
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi, thở khò khè hoặc ho.
  • Trằn trọc, khó ngủ.

Hy vọng bài viết đã giải đáp thắc mắc của mẹ về việc sau sinh ăn sầu riêng được không cũng như các kiến thức dinh dưỡng cần thiết cho quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.

By Hương Lê

Hương Lê - trước khi là thành viên của gia đình MarryBaby, cô từng làm biên tập viên tại Sunflower Media, Phương Nam Book, Web Trẻ Thơ. Phụ trách viết bài cho hai chuyên mục Sau khi sinh và Sự phát triển của trẻ, cô mong muốn mang đến cho các mẹ những thông tin giá trị, chuẩn xác từ nhiều nguồn đáng tin cậy, được kiểm chứng bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y khoa. Cùng với ban biên tập MarryBaby, cô luôn nỗ lực nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng Mẹ và Bé uy tín nhất Việt Nam, vì sức khỏe toàn diện của mẹ và sự phát triển lành mạnh, tối ưu của bé.

Cô chia sẻ: “Với tôi, làm mẹ là một hành trình đáng tự hào nhưng cũng đầy thử thách. Và tôi tự hào lây với những người mẹ khi đồng hành cùng họ trên hành trình sinh nở lẫn nuôi dạy con”.