Đậu mùa là căn bệnh chết người, tuy nhiên đến năm 1980, nó đã bị diệt trừ trên toàn thế giới. Tuy vậy một số người lại nhầm lẫn đậu mùa với thủy đậu. MarryBaby sẽ giúp bạn phân biệt 2 căn bệnh này.
Nguyên nhân gây bệnh đậu mùa ở trẻ em
Đậu mùa do virus variola gây ra và có 2 thể:
- Variola major: Đây là thể virus thông thường nhất, gây sốt cao và phát ban diện rộng, tỷ lệ tử vong cao.
- Variola minor: Thể này gây bệnh tương đối nhẹ hơn và ít ca tử vong.
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa ở trẻ em
Giai đoạn ủ bệnh kéo dài từ 7-19 ngày, nhưng thông thường sau 12 ngày thì triệu chứng ban đầu sẽ xuất hiện. Trẻ thường bị sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, đau lưng, có thể nôn mửa.
2-3 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng ban đầu. Các nốt phát ban đỏ bằng phẳng bắt đầu xuất hiện ở cuống họng, miệng, mặt, cánh tay và lan rộng ra toàn cơ thể.
Sau 2-3 tuần nhiễm bệnh, các nốt phát ban này sẽ dày lên, cứng, đóng vảy và có mủ. Khoảng 1 tuần sau vảy bong ra và để lại sẹo rỗ trên da.
Bệnh đậu mùa lây lan như thế nào?
Đậu mùa là bệnh truyền nhiễm từ người sang người thông qua các hình thức: ho, hắt hơi, hít thở, tiếp xúc với vảy phát ban, tiếp xúc với dịch mủ. Ngủ chung giường hoặc tiếp xúc với đồ dùng, quần áo của bệnh nhân cũng có thể lây bệnh.
Khả năng lây nhiễm là cao nhất trong tuần đầu tiên xuất hiện phát ban. Ngay cả khi vảy bong ra hết thì khả năng lây nhiễm vẫn còn.
Vì khả năng lây lan rất cao trong không khí nên đậu mùa có thể được dùng như một loại vũ khí sinh học.
Nguy cơ và biến chứng của bệnh đậu mùa ở trẻ em
Tỷ lệ lây nhiễm đậu mùa cao nhất ở trẻ từ 0-19 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong lại cao nhất ở người trên tuổi 45. Phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch suy yếu dễ mắc bệnh nặng, trong khi người khỏe mạnh thường chiến thắng bệnh này.
Trung bình, cứ 10 người nhiễm bệnh đậu mùa thì có 3 người tử vong do các biến chứng viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm thận, viêm cầu thận… Những người sống sót sẽ bị sẹo rỗ suốt đời, hoặc mù mắt do viêm giác mạc, loét giác mạc.
Chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa ở trẻ em
Xét nghiệm máu và da có thể phát hiện căn bệnh này. Uống nhiều nước là phương pháp khuyến nghị với bệnh nhân đậu mùa.
Nếu trẻ được tiêm vaccine trong vòng 2-3 ngày, thậm chí 4-7 sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh thì khả năng điều trị sẽ cao hơn. Một mũi vaccine có tác dụng trong 3-5 năm. Mũi thứ hai có thể được tiêm để kéo dài khoảng thời gian bảo vệ.
Tuy nhiên, vaccine đậu mùa không có sẵn. Thay vào đó, thuốc tecovirimat (TPOXX) hoặc cidofovir và brincidofovir có thể được sử dụng để chữa bệnh.
Ngăn ngừa bệnh đậu mùa lây lan
Vào năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa đã hoàn toàn được loại bỏ, do đó căn bệnh này không còn là mối đe dọa và cũng không cần tiêm vaccine.
Hiện nay WHO có trữ một lượng vaccine đậu mùa để đề phòng dịch bệnh tái bùng phát. Nhiều nước cũng có vaccine dự phòng trong trường hợp đậu mùa bị biến thành vũ khí sinh học.
Vì đậu mùa không phải là căn bệnh thường gặp nên phụ huynh có thể khó nhận ra nếu trẻ mắc bệnh này. Nếu ai đó bị phát hiện mắc bệnh đậu mùa thì đó là vấn đề khẩn cấp quốc gia và quốc tế, vô cùng nghiêm trọng do tính chất lây lan, mức độ khó chữa trị và tính nguy hiểm của nó.
Nếu bạn nghi ngờ trẻ mắc đậu mùa thì hãy gọi điện liên hệ cơ sở y tế. Trong thời gian này, cố gắng cách ly trẻ, tuyệt đối không tự ý đưa trẻ tới bệnh viện. Những người đã tiếp xúc với trẻ cũng cần phải cách ly, không tự ý đến bệnh viện.
Một người đã mắc bệnh đậu mùa thì sẽ không bị tái nhiễm do cơ thể đã hình thành kháng thể.
Phân biệt giữa đậu mùa và thủy đậu (trái rạ)
Hai căn bệnh này đều gây phát ban và xuất hiện mụn nước, tên tiếng Anh của chúng na ná nhau nên dễ nhầm lẫn: chickenpox (thủy đậu) và smallpox (đậu mùa). Tuy nhiên, đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác biệt.
- Đậu mùa đã tuyệt chủng, thủy đậu vẫn tồn tại: Thủy đậu do siêu vi Varicella Zoster Virus gây ra. Trên thế giới có 4 triệu người mắc thủy đậu, mỗi năm khoảng 10.000 người phải nhập viện. Hầu hết mọi người đều bị nhiễm thủy đậu 1 lần rồi miễn dịch. Ở các quốc gia nhiệt đới, bệnh đặc biệt dễ gặp ở người trưởng thành. Ở các nước thuộc vùng khí hậu ôn hòa, ít nhất 90% trẻ em và 95% người lớn mắc thủy đậu.
- Trẻ em cần tiêm vaccine thủy đậu, không ai phải tiêm vaccine đậu mùa: Trẻ em 1 tuổi được khuyến khích tiêm vaccine thủy đậu, thêm 1 mũi chích nhắc lúc 4-6 tuổi. Trẻ lớn và người trưởng thành nếu chưa tiêm thì cũng cần tiêm bổ sung. Vaccine thủy đậu hiệu quả đến 98%.
- Biến chứng thủy đậu tương đối ít gặp, đậu mùa có thể gây tử vong: Đậu mùa từng giết chết 300 triệu người chỉ trong thế kỷ XX. Còn thủy đậu thường tự khỏi sau 1-2 tuần, ăn uống kiêng khem và chăm sóc tốt thì sẽ không để lại sẹo. Một số biến chứng có thể gặp ở người có hệ miễn dịch yếu như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm gan, viêm phổi…
- Bác sĩ nhiều kinh nghiệm có thể phân biệt được thủy đậu và đậu mùa: Các nốt thủy đậu xuất hiện từ từ ở các vùng khác nhau trên cơ thể, chủ yếu là ở bụng, ngực và lưng, hiếm khi xuất ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các nốt đậu mùa xuất hiện đồng loạt trên toàn cơ thể, dữ dội ở mặt, tay và chân, đôi khi có ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Tất cả các nốt đậu mùa đều giống nhau.
Đậu mùa đã là một căn bệnh của quá khứ và việc tìm hiểu chỉ mang tính tham khảo. Nhưng thủy đậu lại luôn có thể xảy ra, do đó bố mẹ nên cho con đi tiêm vaccine ngừa thủy đậu và chính bản thân mình cũng cần tiêm, đặc biệt là phụ nữ chưa có con hoặc muốn có con.
Nguyên nhân vì phụ nữ mang thai khi mắc thủy đậu dễ gặp biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi, sẹo. Virus thủy đậu có thể gây sẩy thai trong 3 tháng đầu, truyền sang cho con gây các dị tật như co gồng tay chân, da có sẹo, bệnh lý về mắt, thần kinh chậm phát triển, bại não, đầu nhỏ… Trẻ sinh ra có thể tử vong nếu mẹ mắc thủy đậu vào 5 ngày trước khi chuyển dạ.
Chỉ cần tiêm vaccine cho cả gia đình, bạn không còn phải lo lắng về căn bệnh này nữa.
Xuân Thảo